CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH
[Phần 3]
BINH LỰC VÀ PHƯƠNG ÁN TÁC CHIẾN CỦA HAI BÊN
QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAMQuần chúng nhân dânSong song với tổng tấn công của bộ đội chủ lực, Chiến dịch còn được thực hiện với quá trình nổi dậy của quần chúng nhân dân. Quá trình nổi dậy của quần chúng nhân dân đã diễn ra sôi nổi và được chuẩn bị từ sớm. Ngay từ cuối năm 1974, Trung ương Cục và Quân Giải phóng đã có các biện pháp chính trị để chuẩn bị cho quần chúng tiến hành nổi dậy, đặc biệt đã có trên 40.000 người tham gia quá trình nổi dậy với 7.000 người công khai. Các biện pháp đấu tranh bao gồm: ra đường phố làm công tác địch vận, phổ biến lôi kéo, tranh thủ hù doạ đối với lực lượng bảo an tại chỗ của VNCH, thúc đẩy binh sĩ vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu... Sau khi Quân Giải phóng tiến vào tiếp quản các đô thị, quần chúng tiến hành dẫn đường hoặc chở bộ đội, bảo vệ nhà máy xí nghiệp, kho bãi, nhà ga bến cảng, thu các giấy tờ, hồ sơ, hạ cờ VNCH kéo cờ Mặt trận, cử đại diện chính quyền cách mạng...
Hướng BắcQuân đoàn 1 gồm các Sư đoàn bộ binh 312 - Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông (sư đoàn Chiến Thắng), 320B - Sư đoàn trưởng Lưu Bá Xảo (F390); Trung đoàn pháo binh 45 (Đoàn Tất Thắng); Lữ đoàn tăng thiết giáp 202; Sư đoàn phòng không 367; Lữ đoàn công binh 299; được tăng cường Lữ đoàn pháo binh 38 (Đoàn Bông Lau), Trung đoàn tên lửa phòng không 236 (Đoàn Sông Đà), ba trung đoàn công binh 239, 259, 279; một trung đoàn phòng không hỗn hợp, ba tiểu đoàn pháo binh độc lập rút từ Bộ Tư lệnh pháo binh. Tổng quân số 31.227 người; 778 xe vận tải, 44 xe tăng; 36 khẩu pháo 130 mm, 105 mm và 75 mm; 120 khẩu cao xạ 57 mm và 37 mm; 9 xuồng máy, 2 ca nô, 12 xe công binh chuyên dụng.
Tư lệnh: Thiếu tướng Nguyễn Hoà
Chính uỷ: Thiếu tướng Hoàng Minh Thi
Nhiệm vụ của Quân đoàn 1 là bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam Cộng hoà rút về nội đô và vô hiệu hoá đơn vị này; tấn công đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà, các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh; tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập. Do phải hành quân gấp từ miền Bắc vào bằng mọi phương tiện thuỷ, bộ và đường không. Quân đoàn 1 bắt đầu tấn công chậm một ngày so với các đơn vị khác.
Hướng Đông NamQuân đoàn 2 ban đầu gồm các Sư đoàn bộ binh 325 – Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm (Trị Thiên), 304 – Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân (đoàn Vinh Quang). Lữ đoàn pháo binh 164; Lữ đoàn tăng thiết giáp 203; Sư đoàn phòng không 673; Lữ đoàn công binh 219; Trung đoàn đặc công 116. Tổng số xe chở hàng, chở người của Quân đoàn 2 lên tới 2.267 chiếc, Trong đó có 54 xe tăng, 35 xe thiết giáp, 223 xe kéo pháo, 87 khẩu pháo 130 mm và 105 mm; 136 pháo cao xạ. Do được phối thuộc Sư đoàn 3 - Sư đoàn trưởng Trần Bá Khuê (Đoàn Sao Vàng) từ Quân khu 5 và một số đơn vị rút từ Quân khu 4, tổng quân số của Quân đoàn lên đến hơn 40.000 người (trước đó là 32.418 người).[27][28]. Sư đoàn 324 (Đoàn Ngự Bình) ở lại bảo vệ Huế –Đà Nẵng.
Tư lệnh: Thiếu tướng Nguyễn Hữu An
Chính uỷ: Thiếu tướng Lê Linh
Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ tiến công trên chính diện rộng 86 km với chiều sâu nhiệm vụ từ 68 đến 70 km.[29] Nhiệm vụ ban đầu của quân đoàn là đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, cảng và bến phà Cát Lái, chi khu Đức Trạch, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, quận 9 và quận 4 Sài Gòn. Tổ chức lực lượng thọc sâu đánh chiếm quận 1 và quận 3, hợp điểm tại Dinh Độc Lập.[30]
Hướng Tây BắcQuân đoàn 3 gồm các Sư đoàn bộ binh 316 - Sư đoàn trưởng Đàm Văn Nguỵ (sư đoàn Bông Lau), 320A - Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hoè (sư đoàn Đồng Bằng), 10 - Sư đoàn trưởng Đoàn Hồng Sơn (sư đoàn Đắktô); Trung đoàn đặc công 198 (đoàn đặc công hậu cứ); hai Trung đoàn pháo mặt đất 40 và 575 (đoàn Anh Dũng); Trung đoàn xe tăng 273 (đoàn Sơn Lâm); Các Trung đoàn phòng không hỗn hợp 234 (đoàn Tam Đảo), 593 (mới bổ sung) và 232 (chuyển thuộc từ Đoàn 559); hai Trung đoàn công binh 7 (Đoàn Hùng Vương); 575 (chuyển thuộc từ Đoàn 559); trung đoàn thông tin 29; các trung đoàn Gia Định 1 và 2. Tổng quân số 47.400 người, 54 xe tăng, 64 xe bọc thép, gần 100 khẩu pháo 130 mm, 105 mm và hoả tiễn H12, trên 250 khẩu cối từ 61 mm đến 120 mm, 110 pháo phòng không 57 mm và 37 mm, hơn 250 khẩu súng máy phòng không các cỡ 12,4 mm và 14,5 mm.
Tư lệnh: Thiếu tướng Vũ Lăng
Chính uỷ: Đại tá Đặng Vũ Hiệp
Khác với Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 phải tấn công trên một chính diện hẹp từ 7 đến 10 km nhưng có chiều sâu nhiệm vụ lên đến 100 km.[32] Nhiệm vụ của quân đoàn trong giai đoạn 1 là sử dụng Sư đoàn 316 cùng binh chủng phối thuộc chặn đánh Sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại Gò Dầu, Trảng Bàng, cắt đường 1B, bao vây, chia cắt không cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà điều các đơn vị ở Tây Bắc Sài Gòn lui về Đồng Dù, Củ Chi. Trong giai đoạn 2, Quân đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất, các quận Tân Bình, Phú Nhuận đưa một bộ phận lực lượng thọc sâu, hợp điểm với các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập.
Hướng Đông BắcQuân đoàn 4 đã sứt mẻ gồm các Sư đoàn 6, 7, 341 (“Sông Lam”) của Quân khu 4 và lữ đoàn bộ binh 52; một tiểu đoàn pháo 130mm; một trung đoàn và một tiểu đoàn phòng không hỗn hợp, ba tiểu đoàn xe tăng - thiết giáp. Sau trận Xuân Lộc, quân số của quân đoàn còn khoảng 30.000 người.
Tư lệnh: Thiếu tướng Hoàng Cầm
Chính uỷ: Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
Nhiệm vụ của quân đoàn là đánh chiếm khu vực Biên Hoà - Hố Nai (gồm cả Sở chỉ huy Không lực Việt Nam Cộng hoà và sân bay Biên Hoà), tiến về Sài Gòn chiếm các quận 1, 2, 3, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà, Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hoà, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Đài phát thanh Sài Gòn. Cũng như Quân đoàn 1, đến 17 giờ chiều 27 tháng 4, Quân đoàn 4 mới chuẩn bị xong bàn đạp tiến công và bắt đầu nổ súng chậm hơn một ngày.
Hướng Tây NamĐoàn 232 gồm các Sư đoàn 5, 9 chủ lực Miền, Sư đoàn Phước Long (tên ban đầu là đoàn C30B); sáu trung đoàn độc lập 16, 88, 24, trung đoàn 271, 172 và 27B; tiểu đoàn 26 xe tăng (17 xe T-54), một trung đoàn đặc công, tiểu đoàn xe tăng 24 (18 xe PT-85), tiểu đoàn 23 xe bọc thép (22 xe BTR-60 và 8 xe M-113); 5 đại đội pháo binh gồm 27 khẩu từ 85 mm đến 130 mm, bốn khẩu cối 160 mm và một giàn hoả tiễn H12; trung đoàn phòng không hỗn hợp 595, một tiểu đoàn pháo phòng không 23 mm và một tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm. Sau khi được tăng cường sư đoàn 8 (quân khu 8), tổng quân số của Đoàn 232 lên đến khoảng 42.000 người.
Đoàn 232 do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm tư lệnh, Đại tá Trần Văn Phác làm chính uỷ.
Tư lệnh cánh quân phía tây nam: Trung tướng Lê Đức Anh
Chính uỷ: Thiếu tướng Lê Văn Tưởng
Nhiệm vụ của đoàn là cắt đường số 4 (Bến Lức - ngã ba Trung Lương), chiếm Tân An, Mỹ Tho, chia cắt Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ, thọc sâu đánh chiếm Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô, cầu Nhị Thiên Đường, Tổng Nha cảnh sát, các quận 5, 6, 7, 8, 10, 11. Ngoài ra, đoàn 232 còn có nhiệm vụ đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường; chốt chặn đường số 4 không cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà ở Sài Gòn rút về đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù Sài Gòn - Gia Định là một thành phố lớn, rộng trên dưới 1000 km vuông, vào thời điểm tháng 4 năm 1975 có hơn 3,5 triệu dân nhưng Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chọn 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm trong thời gian ngắn nhất: Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập.