CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH
[KẾT]
KẾT QUẢ
Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc thắng lợi với sự tan rã hoàn toàn của quân đội và chế độ Việt Nam Cộng hoà, toàn bộ lực lượng cố vấn quân sự còn lại của Mỹ ở Việt Nam phải rút chạy. Kết quả của chiến dịch này là sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, vùng trời, vùng biển của Việt Nam sau hơn 100 năm bị nước ngoài xâm lược chiếm đóng và chia cắt.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân Giải phóng đã làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc Quân khu 3 của Quân lực Việt Nam Cộng hoà và lực lượng dự bị là tàn quân của Quân đoàn 1 và 2 của Quân lực Việt Nam Cộng hoà rút về, tổng cộng trên 45 vạn quân. Thu 500 khẩu pháo, hơn 400 xe tăng, xe thiết giáp, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 270.000 khẩu súng các loại, 3000 xe quân sự và toàn bộ kho tàng.[97]
Trên phương tiện thông tin đại chúng, sự kết thúc chiến dịch này được truyền đi bằng một bức điện từ Bưu điện trung tâm Sài Gòn bởi một phóng viên UPI đến hơn 7500 máy teletype trên toàn cầu:
“ZCZC VHAO 25 NXI (stop) Hoả tốc… (stop) Sài Gòn-Chính phủ Sài Gòn đầu hàng. (stop) NTL 1131 Sáng”
Và một bức điện cụ thể hơn sau đó 60 giây để xác nhận:
“ZCZ NNN (stop) Bản tin… (stop) Hoà bình-30/4 (stop) của Alan Dawson - UPI (stop) Sài Gòn-30 tháng 4 (stop) Tổng thống Dương Văn Minh hôm nay ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng và ra lệnh binh sĩ thuộc chính quyền ngừng chiến đấu. (stop) NTL 1132 Sáng. ”
— Alan Dawson
Đằng sau bức điện đơn giản nhưng được cả thế giới quan tâm ấy là kết quả của một chiến dịch đã đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Việt Nam; một cuộc chiến mà vì nó, đã làm hao hụt hơn 360.000 quân nhân Mỹ, trong đó có 58.191 quân nhân chết; (chưa kể thương vong của các đội quân đồng minh của Mỹ là Việt Nam Cộng hoà, Hàn Quốc, Úc, New Zealand). Phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có hơn khoảng 850.000 quân nhân hy sinh, trong đó khoảng 200.000 người đến nay vẫn còn trong diện mất tích, gần 600.000 quân nhân bị thương. Ngoài ra, gần 2 triệu dân thường Việt Nam bị chết, hơn 2 triệu dân thường mang thương tật suốt đời, khoảng 2 triệu người bị phơi nhiễm các loại hoá chất độc hại do Mỹ rải xuống.
Ảnh hưởng quốc tế sau đó
Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia Penn Nouth, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Fidel Castro, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước Souphanouvong, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Anbani Enver Hoxha, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Bungari Todor Zhivkov, Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan Edward Gierek, Bí thư thứ nhất Đảng Xã hội Thống nhất Đức Erich Honecker, Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hunggari János Kádár, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Rumani Nicolae Ceauşescu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Gustáv Husák, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ Yumjaagiin Tsedenbal, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành... đã gửi điện chúc mừng Việt Nam.
Bộ ngoại giao Thái Lan, Ngoại trưởng Philippine, Quyền Thủ tướng Sri Lanka, Thủ tướng Thuỵ Điển, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestin Yasser Arafat, Chủ tịch Algérie Houari Boumédiènne, Tổng thống Tanzania Julius Nyerere, Tổng thống Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman, Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Ai Cập, Bộ trưởng thông tin và truyền thông Ấn Độ, Đảng cộng sản Rumani, Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Triều Tiên,...có lời chúc mừng. Một số cuộc mít tinh được tổ chức ở một số nước (Congo-Brazzaville, Jamaica...)
Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời Lào, chính phủ Thái Lan, Thuỵ Điển, Phần Lan, Ấn Độ, Đan Mạch, Pakistan, Jamaica, Cyprus, Nigieria, Kuwait, Nhật Bản, Úc, Nepal, New Zealand, Anh, Ý, Pháp, Bỉ, Canada... đã công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam (nửa đầu tháng 5). Ấn Độ từ 15/5 lập quan hệ ngoại giao với chính phủ cách mạng lâm thời. Ngày 18/5 Jordan công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam. Việt Nam Dân chủ cộng hoà thiết lập quan hệ ngoại giao với Nepal, Mozambique, Mexico, Miến Điện (tháng 5).
Thượng nghị sĩ Michael Mansfield, thủ lĩnh đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ phát biểu: “Chúng ta cần phải từ bỏ ý nghĩ chúng ta có thể là anh cả hoặc bố lớn của toàn thế giới còn lại...”. Thượng nghị sĩ George McGovern phát biểu: “Tôi cho rằng sự dính líu của chúng ta ở Đông Dương là một sự tìm kiếm đáng ghê sợ trong chính sách của Mỹ trong nhiều năm nay”. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng “Tôi nghĩ rằng có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào là biện pháp giải quyết tồi nhất vì điều đó có nghĩa là đưa một yếu tố ngoại lai vào”. Hạ viện Mỹ ngày 1/5 với 246 phiếu thuận 162 phiếu chống đã bác bỏ đề nghị chi 372 triệu USD của tổng thống dành cho di tản những người tị nạn ở Đông Dương[103]. Ngày 11/5 khoảng 75.000 người Mỹ tổ chức míttinh tại một công viên tại New York chào mừng thắng lợi của các nước Đông Dương. Trước đó ngày 4/5, khoảng 500 người Mỹ tại Boston tổ chức mít tinh chào mừng thắng lợi của Việt Nam.
Tại Campuchia, ngày 14/5 máy bay, tàu chiến Mỹ tại cảng Sihanoukville, ven biển Campuchia bị Quân giải phóng Campuchia đánh thiệt hại gần 100 lính bị chết, thương, mất tích. Tại Lào, ngày 9/5 hơn 5.000 học sinh, công nhân, viên chức biểu tình tại Viêng Chăn tố cáo phe cực hữu, đòi cách chức các bộ trưởng, thứ trưởng phe cánh hữu. Sisouk na Champassak từ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các bộ trưởng, thứ trưởng phe cánh hữu thân Mỹ, tướng Vàng Pao (tư lệnh quân khu 2), Phoui Sananikone, cựu Chủ tịch Quốc hội... lần lượt chạy sang Thái Lan. Tại Thái Lan, từ 14 đến 18/5, hàng vạn sinh viên đại học và nhân dân Băng Cốc biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ đòi rút lính Mỹ tại Thái Lan về nước
WIKIPEDIA