CHIẾN DỊCH HUẾ - ĐÀ NẴNG
[Phần 6]
CHIẾN DỊCH ĐÀ NẴNG
Các kế hoạch phòng thủ và tấn côngVào thời điểm đầu năm 1975, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai của miền Nam Việt Nam với dân số gần một triệu người. Đây không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị của vùng I (Quân khu I Quân lực Việt Nam Cộng hoà) mà còn là căn cứ quân sự liên hợp hải - lục - không quân lớn nhất miền Nam với 4 cảng lớn trong đó có cảng Sơn Trà là cảng nước sâu hiện đại; các sân bay Đà Nẵng và Nước Mặn, trong đó, Đà Nẵng là sân bay cấp quốc tế; hệ thống kho tàng có sức chứa hàng chục vạn tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh, quân trang quân dụng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, còn có căn cứ rada đa chức năng đặt tại Sơn Trà do quân đoàn 3 dã chiến (3rdMAF) của Hoa Kỳ quản lý trước đây và bàn giao lại cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà sau Hiệp định Paris.
Sau khi mất Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi cho các tư lệnh quân khu bức công điện số 015/TT/CĐ ngày 25 tháng 3 năm 1975, trong đó yêu cầu: “Tất cả những tỉnh, những phần đất còn lại của Việt Nam Cộng hoà hiện còn đến ngày 25-3-1975 phải được tử thủ và bảo vệ đến cùng... chỉ huy các cấp phải vận dụng mọi sáng kiến và phương tiện để phản công”. Thực hiện lệnh này, ngày 26 tháng 3, trung tướng Ngô Quang Trưởng cố gắng thu gom các đơn vị còn lại với tổng số quân trên dưới 75.000 người về phòng thủ thành hai tuyến quanh Đà Nẵng.
Tuyến ngoại vi:Lữ đoàn 258 thuỷ quân lục chiến (thiếu) và Liên đoàn bảo an 914 giữ Hải Vân từ Phước Tường đến Liên Chiểu. Lữ đoàn 369 thuỷ quân lục chiến và trung đoàn 57 (sư đoàn 3) giữ Đại Lộc và Đồng Lâm. Lực lượng còn lại của lữ đoàn 147 thuỷ quân lục chiến (khoảng 1 tiểu đoàn) và Bộ tư lệnh sư đoàn thuỷ quân lục chiến giữ sân bay Nước Mặn. Trung đoàn 56 (sư đoàn bộ binh 3) giữ Vĩnh Điện. Trung đoàn 2 (sư đoàn 3) ở Ninh Quế. Liên đoàn 15 biệt động quân giữ Bà Rén.
Tuyến tử thủ:Liên đoàn 912 bảo an, các đơn vị còn lại của các thiết đoàn 11 và 20 phòng thủ đoạn Phước Tường - Hoà Mỹ. Ba tiểu đoàn còn lại của sư đoàn 1, sư đoàn 2 bộ binh và liên đoàn 12 biệt động quân và 3.000 tân binh của trại huấn luyện Hoà Cầm phòng thủ khu vực từ căn cứ Hoà Cầm đến căn cứ Nước Mặn. Các tiểu đoàn bảo an độc lập làm dự bị cơ động trong nội đô.
Tướng Trưởng vẫn còn trong tay 12 tiểu đoàn pháo binh các loại (trong đó có 4 tiểu đoàn được tái trang bị) và sư đoàn 1 không quân bố trí tại các sân bay Đà Nẵng và Nước Mặn là những đơn vị hầu như chưa bị tổn thất để yểm hộ cho các tuyến phòng thủ.
Ngay từ khi các chiến dịch Trị Thiên 1975 và Nam-Ngãi chưa kết thúc, Tổng Quân uỷ đã thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Đà Nẵng và cử trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ Hà Nội vào để chỉ huy chiến dịch này. Ngày 25 tháng 3, Bộ tư lệnh chiến dịch Đà Nãng đã có ngay kế hoạch tác chiến tấn công thành phố từ bốn hướng:
Hướng Bắc:sử dụng sư đoàn 325 (thiếu trung đoàn 95), 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh đánh dọc theo đường số 1, chiếm sở chỉ huy quân đoàn I, sư đoàn 1 không quân Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại sân bay Đà Nẵng và phát triển đến bán đảo Sơn Trà.
Hướng Tây Bắc:
sử dụng trung đoàn 9 bộ binh (sư đoàn 304), 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cao xạ theo trục đường 14B đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hoà ở Phước Tường, phát triển đến sân bay Đà Nẵng.
Hướng Nam và Đông Nam:dùng sư đoàn 2 (Quân khu 5), trung đoàn bộ binh 36, 1 tiểu đoàn xe tăng - thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 đại đội tên lửa chống tăng B-72 theo trục quốc lộ 1 đánh sân bay Đà Nẵng và Bộ tư lệnh Quân đoàn I, phát triển vào nội đô thành phố. Các trung đoàn bộ binh 3 và 68 làm lực lượng dự bị.
Hướng Tây Nam:Quân đoàn 2 điều động sư đoàn 304 (thiếu trung đoàn 9) tấn công các vị trí của lữ đoàn 369 thuỷ quân lục chiến trên tuyến Thựợng Đức - Ái Nghĩa - Hiếu Đức, phát triển đến sân bay nước mặn; chia một cánh quân (trung đoàn 24) đánh vào căn cứ Hoà Cầm, phát triển đến Toà thị chính Đà Nẵng.[44]
Kế hoạch cũng dự kiến ba phương án tác chiến tuỳ theo mức độ đối phó của Quân lực Việt Nam Cộng hoà và tốc độ tiếp cận chiến trường của các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam:
Nếu Quân lực Việt Nam Cộng hoà tan rã và rút chạy trước khi chủ lực Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp cận chiến trường thì dùng lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với dân chúng nổi dậy đánh chiếm thành phố.
Nếu chủ lực Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đến kịp thì lực lượng vũ trang địa phương có nhiệm vụ bóc vỏ vòng ngoài, tạo cửa mở cho chủ lực tấn công.
Nếu Quân lực Việt Nam Cộng hoà co cụm tử thủ thì thực hiện chiến thuật trong đánh ra, ngoài đánh vào.
Tấn công và tan chạyTrước khi kế hoạch tấn công Đà Nẵng của Bộ tư lệnh chiến dịch ra đời, ngày 24 tháng 3, sư đoàn 325 (Quân đoàn 2 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) đã tấn công lữ đoàn 258 thuỷ quân lục chiến và liên đoàn bảo an 914 Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại Bắc Hải Vân, đánh chiếm đèo Phước Tượng, các cứ điểm Nước Ngọt, Thổ Sơn và ga Thừa Lưu. Trận địa pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại Phước Tượng rơi vào tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và được sử dụng ngay cho trận đánh tiếp theo. Ngày 27 tháng 3, đến lượt các cứ điểm Phú Gia, Hải Vân bị tấn công. Sau 5 giờ chống cự với sự yểm hộ của các máy bay A-37 từ sân bay Đà Nẵng và pháo binh từ trận địa Lăng Cô, liên đoàn 258 thuỷ quân lục chiến và liên đoàn bảo an 914 tan vỡ phần lớn quân số. Sư đoàn 325 thừa thắng đánh thốc qua các Sơ Hải, Loan Lý, An Bảo và Lăng Cô. Hơn 30 khẩu pháo các cỡ của các trung đoàn pháo binh 84 và 164 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được triển khai cấp tốc tại các trận địa Sơn Thạch, Sơn Khánh, đèo Mũi Trâu đã bắn trực chỉ vào các căn cứ của Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại thành phố Đà Nẵng từ 5 giờ 30 phút sáng ngày 28 tháng 3.
Trên hướng Tây Nam, khi phát hiện sư đoàn 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành trinh sát chiến đấu, lữ đoàn 369 thuỷ quân lục chiến bỏ núi Sơn Gà về giữ tuyến trong. Ngày 28 tháng 3, trung đoàn 66 (sư đoàn 304) đánh chiếm quận lỵ Ái Nghĩa và sân bay Nước Mặn, trung đoàn 24 cũng của sư đoàn này tấn công căn cứ Hoà Cầm và Toà thị chính thành phố. Lữ đoàn 369 thuỷ quân lục chiến phải lùi về An Đông, Mỹ Khê và bị sư đoàn 2 (Quân khu 5) hợp vây. Hơn 3.000 tân binh Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại trại Hoà Cầm nổi loạn, bắn giết các sĩ quan chỉ huy, phá doanh trại, ra hàng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hoặc bỏ chạy về quê quán. 6 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 3, các cụm chốt trên đỉnh đèo Hải Vân của Quân lực Việt Nam Cộng hoà bị tràn ngập. Các đơn vị thuộc sư đoàn 325 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tràn xuống đánh chiếm kho xăng Liên Chiểu, cầu Nam Ô, cầu Trịnh Minh Thế, mở đường cho xe tăng tiến ra bán đảo Sơn Trà và quân cảng.
Trên hướng Tây Bắc, lúc 12 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3, trung đoàn 9, sư đoàn 304 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có 1 tiểu đoàn xe tăng đi cùng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hoà và toàn bộ khu vực Phước Tường, Hoà Khánh. Ở hướng Nam, sư đoàn 2 (Quân khu 5) được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng và 1 tiểu đoàn pháo binh đã đánh chiếm khu vực Bà Rén lúc 9 giờ sáng ngày 28 tháng 3. Tướng Ngô Quang Trưởng lệnh cho tướng Khánh (tư lệnh sư đoàn 1 không quân) dùng 4 phi đội A-37 đánh sập cầu Bà Rén và cầu Câu Lâu nhưng không cản được sư đoàn 2 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vượt sông bằng xuồng, ghe, bè, mảng. Hồi 5 giờ 55 phút sáng 29 tháng 3, Vĩnh Điện, cứ điểm phòng thủ vòng ngoài cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại phía Nam Đà Nẵng bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm. 12 giờ sáng ngày 29 tháng 3, Sở chỉ huy Quân đoàn I Quân lực Việt Nam Cộng hoà bị đánh chiếm. Tướng Ngô Quang Trưởng và các chỉ huy cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại Quân khu I đã được trực thăng bốc ra tàu HQ-404 từ 9 giờ 30 sáng. 12 giờ 30 phút trưa ngày 29 tháng 3, tất cả các mục tiêu quan trọng như Toà thị chính, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài phát thanh, Ty Cảnh sát, Ngân hàng quốc gia, Trụ sở quân tiếp vụ... đều đã bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm.
Bên phía Quân lực Việt Nam Cộng hoà, việc chỉ huy các đơn vị dưới quyền của tướng Ngô Quang Trưởng đã hoàn toàn không thể thực hiện được từ chiều 28 tháng 3. Việc sư đoàn 3 tan chạy lúc 5 giờ chiều ngày 28 tháng 3 đã làm cho sư đoàn TQLC (thiếu) bị hở sườn và bị đánh vu hồi từ phía sau. Trước đó, 6.000 quân của sư đoàn 2 đã đào ngũ, rã ngũ, không còn kỷ luật và tinh thần chiến đấu nữa. Ngay từ ngày 25 tháng 3, cụm trưởng CIA tại Đà Nẵng, ông Francis đã điện cho cấp trên là ông Polga ở Sài Gòn đề nghị lập cầu hàng không Đà Nẵng - Sài Gòn để di tản người Mỹ, nhân viên người Việt và được chấp thuận với điều kiện chỉ sử dụng máy bay dân sự. Cùng với việc điều động các tàu của vùng I và vùng II hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hoà, tướng Smith cũng cho 5 tàu kéo xà lan, 6 tàu khách và 3 tàu hàng ra Đà Nẵng giúp vào việc di tản.
Nếu việc di tản của người Mỹ và nhân viên người Việt của họ diễn ra tương đối trật tự thì việc rút quân của các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hoà còn sống sót ra các tàu của hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hoà lại xảy ra trong hỗn loạn. Nhà báo Alan Dawson mô tả Đà Nẵng trong ngày 28 tháng 3: “Binh lính rã ngũ nổi loạn, cố sức thoát ra hoặc vơ vét cái gì có thể kiếm được trong khoái lạc bắn giết và cướp bóc. Các tướng tá thì đang hoạch định các chuyến bay để bí mật trốn thoát... Suốt đêm, sự huỷ hoại, vơ vét, trộm cướp và hãm hiếp tiếp diễn. Toà nhà lãnh sự Mỹ, con voi trắng bị lột chỉ còn trơ cái vỏ”. Chiều 29 tháng 3, các đơn vị thuộc các sư đoàn 2, 304, 324, 325, lữ đoàn thiết giáp 203 lần lượt tiến vào Đà Nẵng và trận tự được lập lại. Gần 9 vạn sĩ quan, binh lính Quân lực Việt Nam Cộng hoà và nhân viên dân sự của Quân lực Việt Nam Cộng hoà không kịp lên tàu biển và máy bay để di tản đã ra trình diện. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc.