Trang trong tổng số 82 trang (813 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Biển nhớ

Lẽ ra tớ phải theo nghiệp nhà binh. Cha và các bác bên nội đều sỹ quan quân đội nghỉ hưu, Ông ngoại tớ cũng tham gia hai cuộc kháng chiến, Cậu tớ và 2 đứa con cũng đang phục vụ trong quân đội, các chú bác bên họ mẹ cũng đều trong lực lượng vũ trang. Vậy mà tớ lại không phải là lính.
Tuổi thơ 2 chị em tớ thiệt thòi vì không có Cha ở bên chăm sóc bảo ban dạy dỗ. Chị tớ hơn tớ 11tuổi, tớ có mặt trên đời là kết quả của năm 73 Cha được gọi từ Nam về sang LX học, về trễ không kịp, ở nhà đúng 2tuần cha lại khoác ba lô quay vào nam mặc dù Cha có thể ở lại, và Cha đã tin nhất định Cha sẽ có tớ và đặt tên sẵn cho đứa con trai của Ông. Những trận chiến mà mình vẫn say xưa nghe mỗi khi Cha cùng các bạn của Cha trò chuyện, Cha cũng tham gia nhiều trận đánh, đã ở nhiều chảo lửa, những bi tráng mậu thân 68, những đường 9 nam lào khe sanh ái tử, những trận B52 vùi dập, những lần vượt trảng trên xương xác đồng đội, những khi tơi tả vì pháo bầy, những đại đội phiên chế 85người nhưng danh sách có đến hơn 300 người hy sinh… Năm 75 cha cùng đoàn quân vào tiếp quản SG rồi lại sang Miên, năm 82 Cha về SG công tác mỗi năm chỉ hai lần về phép 10 ngày rồi đi, Cha có bàn cả gia đình vào đó sinh sống nhưng Mẹ không chịu. Tuổi thơ của mình với 20năm biền biệt bóng Cha, kỷ niệm về Cha là những bức thư, những món quà, những đợt nghỉ hè Cha đón vào SG. Giờ Cha đã nghỉ hưu thì mình lại sống tự lập vả lại cũng ít có dịp ở nhà.
Chiến tranh thật khốc liệt, với những hậu quả nặng nề cùng những di chứng kéo dài. Tớ cũng xem một số bài viết, vài quyển hồi ký về cuộc chiến đông dương của phía bên kia cũng như của các tác giả nhìn nhận cuộc chiến một cách trung lập, cùng những bộ phim tài liệu, những thước phim tư liệu về chiến tranh VN.  Sự thực về cuộc chiến có lẽ tớ mới chỉ biết chút ít nhưng là người VN tớ cũng như thế hệ Cha anh nhìn nhận 2cuộc kháng chiến dưới góc nhìn của người VN. Chiến tranh dẫu có thảm khốc mất mát hy sinh to lớn, nhiều số phận, gia đình còn thiệt thòi sau cuộc chiến, nhiều chiến công thầm lặng chưa được ghi nhận, nhiều oan  khuất ngang trái, còn nhiều bất công… âu cũng là sự hy sinh thầm lặng cho đất nước mà không đòi hỏi thiệt hơn.
VN là một nước nhỏ bé nằm trên ngã ba của con đường giao thông trên biển, là nơi giao thoa của các nền văn minh thời cổ-trung đại, với vị trí chiến lược như ấy luôn bị nhòm ngó là tất yếu. Có lẽ đất nước bị ngoại bang xâm lược nhiều nhất trên thế giới là VN. Đời Hùng Vương thứ 6 chống giặc Ân. Đời Thục Phán An Dương Vương năm -218 chống Triệu Đà năm -208. Thời Bắc thuộc chống Tây Hán (-111 đến 39), Đông Hán (25-220), Đông Ngô (220-265), Tấn 265, Lương 501, Tuỳ 602, Tuỳ -Đường (603-938), Nam Hán 938. Chống Tống lần thứ nhất 981, chống Tống lần thứ 2 1077. Chống mông –Nguyên 3 lần (1258,1285,1288), chống Minh 1406, chống Xiêm 1785, chống Thanh 1789, Chống Pháp 1858, chống Mỹ (1954-1975), biên giới Tây Nam (1975-1979)… hiện nay có đến hàng trăm các tổ chức phản động ở hải ngoại vẫn điên cuồng chống phá nhằm lật đổ chế độ kêu gào lập khu tự trị… nhằm dựng lại cái thây ma Cộng hoà,  biên giới và hải đảo vẫn chưa yên chỉ mới ở mức các hiệp định ký tắt về phân định vùng biên. Đất nước trong thời bình nhưng vẫn nhiều, rất nhiều những nguy cơ nhằm gây bất ổn an ninh chính trị kinh tế xã hội của các thế lực đối nghịch thù địch.
Một học giả nước ngoài đã viết rằng: “trong thế kỷ 20, có một từ mà khi nhắc đến nó hàm chứa tất cả sự thiêng liêng, lòng khát khao hoà bình, ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ấy là hai chữ: VIệt Nam”
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc đối thoại trực tiếp với thanh niên cả nước nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đoàn tại ĐHQG Hà Nội
Dưới đây là nội dung cuộc đối thoại của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cả nước nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đoàn tại ĐHQG Hà Nội:
Bạn Nguyễn Anh Tuấn, Đài tiếng nói Việt Nam: Thưa chủ tịch, thanh niên chúng tôi luôn băn khoăn trong việc xác định lý tưởng của thế hệ trẻ trong tình hình mới. Xin Chủ Tịch nước cho chúng tôi lời khuyên về xác đinh lý tưởng và con đường thực hiện lý tưởng?

Trả lời: Tôi thấy câu hỏi của bạn rất thú vị và tôi cũng rất suy nghĩ về câu hỏi của bạn Anh Tuấn. Như chúng ta đã biết, đất nước còn nhiều khó khăn, trải qua nhiều năm chiến tranh, cho nên lý tưởng thời kỳ này đó là lòng yêu nước và tinh thần chống giặc xâm lược. Từ khi Đảng ra đời, được sự dìu dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì đồng thời lý tưởng của thanh niên cũng là lý tưởng của Đảng, Đoàn. Đó là không chỉ yêu nước mà còn cần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa, tiến lên xây dựng chủ nghĩa cộng sản và xây dựng thế giới không còn người bóc lột người.

Nhưng ai còn băn khoăn về việc xác định lý tưởng, thì trước mắt cứ xin hãy là một người công dân tốt, hãy nỗ lực rèn luyện, yêu thương đồng bào, đồng đội của mình. Xin chúc thanh niên luôn thành công với lý tưởng của mình.
Tượng Thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Cảm ơn Hoa Phong Lan và Biển nhớ nhiều.
Tớ cũng đang định liên hệ đến số 1 Đông Tác. Một cô làm việc thường trực ở đó là mẹ của bạn tớ... Cô ấy giới thiệu. Nhưng thông tin tớ có lơ mơ quá... Nay thấy hai bác nói đến 'cậu Liên" thì tớ sẽ thử nói với bà tớ xem sao mới được. Cảm ơn hai bạn lần nữa nhé.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Nguyệt Thu đã viết:
:) Hi hi...Nói lan man bên topic thơ, rút cuộc cũng ..." bị la"! :D. HXT chuyển sang đây chắc là " an toàn" rồi hỉ? :P Có vậy, NT sẽ " yên tâm" mà rủ rỉ tiếp cho đến khi cả hai chị em chán thì thôi, nhỉ? :)
Cái giọng Huế trong các cuộc chuyện trò nhẹ nhàng thì nghe...tạm được! :D, Chứ cứ cho nó " thiên nhiên" như vậy lên Tivi hoặc Radio là lại khó nghe vô cùng. Không biết mọi người thì sao, chứ như NT , mỗi lúc xem một bộ phim nào có lồng tiếng Huế cho nhân vật là lại vừa xem,  vừa nhăn mặt như lúc bị đau răng vậy! Những lúc ấy, thấy giọng Huế nó trọ trẹ làm sao, chướng chang thế nào ấy! NT đã từng gặp cái cảnh ngộ, mình thì nói mà người bán hàng xứ Bắc hay Nam bộ cứ ngẩn tò te, chẳng hiểu mình đang "mô - tê " những gì! :D Có điều, NT cũng công nhận rằng, ngôn ngữ Huế khá là đa dạng. Khi thủ thỉ tâm tình, người nghe cứ là mát lòng hỡi dạ. Khi đay nghiến , chì chiết ( người Huế vẫn gọi là " làm đày")- dù người nói không hề có vẻ chua ngoa, đanh đá- người nghe lại thấy cay đắng , tái tê đến tận từng tất lòng! Khi than thở, oán hờn thì da diết,não nuột. Có đứa con trai nào mà lại không mềm lòng khi nghe Mẹ than thở  với chỉ riêng mình sau chái thổ công : " Con thương Mạ thì con bỏ hút thuốc cho Mạ nhờ. Con mà cứ hút ri, không ốm đau thì cũng ốm o xo bại, Mạ ngó con mà đau cả ruột đây nì!" ( Sở dĩ phải ra sau chái nhà để rầy la vì sợ " ba mi" nghe thấy, la thêm! :D). Có cô con gái nào mà lại còn nỡ lòng cãi bướng, khi hai Mẹ con vừa lo chuẩn bị bữa cơm chiều vừa rủ rỉ: " Mạ thấy cái thằng T. mà con quen hắn không ra răng hết, con trai chi mà tóc tai dài thoòng, móng tay thì để dài, gớm chết! Mai ngày lấy nó về có mà cơm đưa trà rước suốt đời chứ hắn chẳng đụng tay đụng chân mà chăm sóc con mô! Nghe Mạ đi con, thôi quách! ". :D

HXT mới tới Huế có một lần, chắc chưa nếm mùi " làm đày " của dân Huế? Ví như, HXT muốn mua một món hàng để mang về đất Bắc làm quà chẳng hạn, vào chợ Đông Ba, thấy " nói thách" cao quá, không mua, vậy là O ( hoặc Chị, Mệ gì đó) quở một câu: " Cái O ni thiệt lạ! Mới đầu sáng mà đã ám tui rồi, trả chi mà rẻ rứa, làm răng mà bán được! Hui miệng hui mồm, mì xưa  mì xảy!". Hì hì, lúc đó kô biết HXT nghĩ răng hè?!:P

Có nghe người Huế khóc trong đám ma, mới thấy hết cái nỗi đau thế thái nhân tình ! ( Mà chắc chắn là phụ nữ rồi! :D ): " Hờ hờ hờ...cha hờ hờ hờ! Cha anh ơi! Anh đi mô mà vội mà vàng, để mạ con em chừ mạ góa con côi, chân yếu tay mềm, ăn chưa nên đoại, noái chưa nên lời,thân cô thế cô, nội xa ngoại cách... biết làm răng mà sống chừ... chớ à ...anh ơi!" :(
Nghe mà thảm thiết quá, HXT nhỉ?

Còn để chửi bậy, thì người Huế cũng đanh đá cá cày ra phết: " Cái mụ cô tam đợi, tứ đợi nhà thằng tê! Tau có làm chi động mã mi kô mà mi chọc tau rứa hả? Mi coi chừng, tau về nhà tau bới cái mã cha mi ra, đem trôi sông bỏ xó cho chó nó ngửi! " Hì hì, " ác liệt" chưa?!
Nhưng đó là đối với người ngoài, còn với " nội thân" trong nhà thì câu chửi thường...nhẹ nhàng hơn: " Ông nội mi nờ, bày cái trò chi lá lay rứa con?" , " Tổ cha mi! Con với cháu, răng dám nói với người lớn bằng cái giọng hỗn đẩu nớ hả?" . Riêng ông nội của NT thì lại có một câu chửi cháu thật độc đáo, NT chưa nghe người Huế khác dùng bao giờ...( mấy chị em trong nhà vẫn thường "tự hào" về cái câu chửi đó :D ) : " Cha mi máu tau! Con gái mà cả ngày cứ leo trèo khắp ngoài vườn, coi chừng họ nói là bà mụ bắt lộn đó con! Cha mi máu tau!" . Hì hì, cái điệp khúc này hồi nhỏ NT nghe mãi, riết rồi thấy như một câu hát!

Hôm nay " tản mạn" chừng đó đã, HXT đọc để cười vui, hôm khác lại " phiếm luận" khác nhé? :)
Chị NT ơi, chị đâu rồi?

Hôm nay em nghe "Trở lại Huế thương" ca sĩ Hương Mơ hát. Rởn hết gai ốc vì hay quá!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
 
Chị NT ơi, chị đâu rồi?

Hôm nay em nghe "Trở lại Huế thương" ca sĩ Hương Mơ hát. Rởn hết gai ốc vì hay quá!
Vẫn "lẩn quẩn" ở đây thôi! :D Thấy HXT và Biển Nhớ, HPL đang bàn luận sôi nổi về chuyện chiến tranh và các nhà ngoại cảm nên mình "lặng lẽ " lắng nghe đấy chứ!:)
Bài hát này của An Thuyên nghe đằm thắm , giọng của Hương Mơ lại cũng rất trầm ấm nữa, tình cảm của HXT thì cũng hơi bị "nghiêng hết ấy mấy về" bên Huế - VN cho nên mới có cơ sự " sởn gai ốc" ấy đấy! :P
Nhạc viết về Huế thường buồn buồn, nằng nặng, dù nhạc sĩ có không phải là người Huế đi nữa...Hình như cái làn điệu của Nam ai, Nam bình cũng " ám " cả vào trong giai điệu của các bài hát này hay sao ấy!
Mình thích những ca khúc của Trịnh Công Sơn viết về Huế vì nó nhẹ nhàng, yên lắng hơn.
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

@Chị Nguyệt Thu: Chị ơi, Trịnh Công Sơn có những bài nào về Huế hả chị? Em biết mỗi bài "Huế - Sài Gòn - Hà Nội"? Còn bài gì nữa hả chị? .. Em thích cả bài gì mà tự nhiên em quên tên.. "nặng lòng với Huế xin hát tặng bài ca.. gởi trọn tình ta về Huế thương yêu" ấy?

@HPL: Hóa ra chị hai của lão Lan cũng là cô giáo à? Tớ luôn ngưỡng mộ các cô giáo lắm đấy...

@Biển nhớ: Chắc đang theo đoàn đi lênh đênh đó đây. Cuộc đời vất vả mà vui phải không? Tớ đọc kỹ đoạn kể về cha của BN, thấy thương mẹ bạn và hai chị em nhà bạn quá. Nhiều khi người lính xông pha trận mạc không vất vả như người đàn bà ở nhà, chờ đợi và nuôi con... Và còn tình cảm nữa chứ... Bố tớ cũng là bộ đội, hay đi công tác, nhưng dù sao khi bọn tớ bắt đầu lên cấp 2 thì bố tớ đã ở HN. Được gần gũi bố hồi thơ ấu thật là hạnh phúc.
Nhưng thời chiến tranh mà, ai tránh khỏi những thiệt thòi, mất mát khi đất nước có chiến tranh, phải không BN?
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
@Chị Nguyệt Thu: Chị ơi, Trịnh Công Sơn có những bài nào về Huế hả chị? Em biết mỗi bài "Huế - Sài Gòn - Hà Nội"? Còn bài gì nữa hả chị? .. Em thích cả bài gì mà tự nhiên em quên tên.. "nặng lòng với Huế xin hát tặng bài ca.. gởi trọn tình ta về Huế thương yêu" ấy?

@HPL: Hóa ra chị hai của lão Lan cũng là cô giáo à? Tớ luôn ngưỡng mộ các cô giáo lắm đấy...

Theo mình được biết, trong di sản âm nhạc đồ số các nhạc phẩm của TCS, rất nhiều sáng tác dù không có từ " Huế" nào nhưng vẫn là viết về Huế và viết từ Huế, như Mưa hồng, Hạ trắng, Diễm xưa...Có thể nói Huế bàng bạc trong nhiều, rất nhiều sáng tác của TCS. Có thể trích dẫn ra đây một trích đoạn trong một bài viết của Võ Xuân Hân về TCS:

" Sơn và cố đô"

"Trong một bài phỏng vấn khá gần đây, Sơn thổ lộ : " Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi " (khanhly.com). Cho nên dù có trú ở đâu đi nữa, có thể nói Sơn luôn luôn nhớ nhà, nghĩa là nhớ Huế. Về mặt tình cảm, Sơn với Huế hình như không bao giời rời nhau được. Sự gắn bó đó vừa do những kỷ niệm sâu sắc của tuổi trẻ, vừa do hoàn cảnh lịch sử đấu tranh của đất nước, mà Sơn là người thực sự trong cuộc trong những ngày tháng sôi sục ở miền Trung, vừa do mối cảm tình lạ lùng với mảnh đất cằn cỗi nhưng linh thiêng của Phú Xuân. Trước thì như thế, nhưng thử hỏi vào những năm cuối đời mình, Sơn đã nghĩ gì về xứ Huế ? Trong buổi nói chuyện, có lúc Sơn nhắc rằng Huế vẫn buồn, vẫn nhỏ, vẫn " nghèo nàn dễ sợ " nhưng Sơn nói thêm rằng " tất cả mọi người phải đi qua Huế mới thành một con người... vì đó là thủ đô cũ ". Theo lời Sơn, Huế là nơi sản xuất nhiều nhân tài lịch sử và văn nghệ. Sơn nói " chỗ đó đã sinh đẻ ra " tất cả những nhân vật của lịch sử cận đại Việt Nam và họ " đều đi qua Huế cả ". Trong các nhân vật lịch sử, văn hoá Sơn nhắc đến, có tên nhà thơ trữ tình cổ điển Xuân Diệu mà Sơn nói là người Bình Định cũng đã từng học ở Huế."

HXT vào trang này đọc thêm nhé, nhiều dòng tự sự của TCS và mọi người viết về TCS hay lắm, bạn ạ!

http://www.trinh-cong-son.com/thovan.html

À, bài hát mà HXT hỏi có tựa là: "Huế tình yêu của tôi" của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Bài này mình chỉ thích nghe duy nhất một người hát là Thu Hiền! :)

Còn nữa: NT cũng đã từng là cô giáo dạy văn đấy, HXT có " ngưỡng mộ" không vậy? :D
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Em cảm ơn chị. Nhất định em sẽ vào đọc.
Cô giáo thôi đã ngưỡng mộ lắm rồi, lại còn là cô giáo dạy văn nữa thì... không biết nói thế nào nữa! Thảo nào chị viết về Huế sinh động thế.
Em cũng đã từng mơ ước là cô giáo dạy văn, nhưng thầm mơ thôi :-) vì cuối cùng em lại học Sư phạm ngoại ngữ. Kỷ niệm của em với các thày cô giáo dạy văn luôn rất sâu sắc. Cho đến bây giờ em vẫn thường liên hệ chặt chẽ với các thày cô dạy Văn, từ cấp 2 đến cấp 3. Có những người trong số họ đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của em thuở còn cắp sách. À, nhân thể, em chép bài thơ em tặng thày giáo Văn của em, hồi đó em học lớp 11. Chép ra để chị NT thấy em ngưỡng mộ và kính trọng các thày cô giáo dạy Văn như thế nào, hi hi:


THÀY SẼ GIÚP TÔI TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN

(Kính tặng thày Vũ Xuân Túc)

Tôi sợ và rất lo
Một ngày nào đó phải trở thành người lớn
Sẽ lạc lõng giữa dòng người cuồn cuộn
Về đâu? Chẳng biết về đâu!

Tôi run rẩy bước đi suốt đêm thâu
Muốn tìm một tia sáng tuổi thơ mà sợ rằng không thấy
Đẹp biết mấy cái ngày xưa ấy
Khi trái tim nhẹ đập nhịp học trò:
Bầu trời kia la lả những cánh cò
Từ trang sách bay vào giấc mộng
Và những gì tôi nghĩ về cuộc sống
Đều tuyệt vời, đều đẹp biết bao nhiêu:
Một mái trường tôi đã từng yêu,
Một con đường quen thuộc,
Những giọng cười và những điều mơ ước
Là tuổi thơ... Là tuổi thơ đã mãi mãi xa vời!

Còn giờ đây, lúc đứng trước cuộc đời
Mới biết: sắp bước vào một học kỳ không nghỉ,
Sắp phải vượt qua những kỳ thi không giám thị,
Càng đáng sợ hơn vì ở bên chẳng có thày!

Năm lại năm rồi ngày lại ngày
Ba năm qua... Tôi đã thành người lớn!

Trong đám đông, bên những người xa lạ
Tôi nói cười mà lòng vẫn không vui
Họ mỉm cười. Và họ cũng nhìn tôi
Như nhìn một người có lỗi
Có lẽ tôi đã lạc vào thế giới
Của riêng người lớn?
Hay họ nhận ra rằng
Tôi vẫn chỉ là một cô bé con?

Đi tiếp ư? Hay lại quay về?
Đã hết rồi mùa phượng đỏ, những tiếng ve
Ngôi trường cũ đang rộn ngày học mới
Giọt nước mắt rơi trên tay nóng hổi
Nhớ quá thày cô! Ôi nhớ quá mái trường!

Đứng ở cổng, nghe hồi trống thân thương
Thấy bóng thày đi lên thang gác
Bỗng ấm lại lòng tôi đang ngơ ngác
Tôi biết rằng mình phải bước tiếp thôi!
Tôi biết rằng thày sẽ giúp tôi...

(1989-1990)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:

@HPL: Hóa ra chị hai của lão Lan cũng là cô giáo à? Tớ luôn ngưỡng mộ các cô giáo lắm đấy...


đúng đó! chị hai của tớ là cô giáo THCS, ngày xưa gọi là cấp 2 đấy! chị hai tớ dạy toán chứ không dạy văn như chị Nguyệt Thu. Nhà tớ toàn dân chuyên toán thôi. Bởi thế cách cách của tớ cái gì cũng bình thản nhưng được cái nết học thì khá là yên tâm
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
Kỷ niệm của em với các thày cô giáo dạy văn luôn rất sâu sắc. Cho đến bây giờ em vẫn thường liên hệ chặt chẽ với các thày cô dạy Văn, từ cấp 2 đến cấp 3. Có những người trong số họ đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của em thuở còn cắp sách.
Các thầy cô giáo của HXT thật hạnh phúc vì đã có một cô học trò vẫn mãi nhớ về họ như vậy! :) Mình cũng có một người thầy dạy văn đã từng có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời mình mà thầy chẳng bao giờ hay biết điều ấy. Đó là người thầy dạy văn năm mình học lớp 7, mà nếu không có sự phát hiện và động viên của người thầy ấy năm xưa, chắc sẽ không có một NT năm nay!
Mình thì đã chia tay với nghề dạy học cũng khá lâu rồi, tiếc lắm, nhưng vì yêu cầu công việc nên đành...
Có bài thơ viết khi chia tay trường, lớp, học trò, post lên đây cho...có bạn! :D

Giã từ

Ai hay một lần chia tay
Có biết bao niềm tâm sự
Có nỗi lắng sâu vào lòng
Khó diễn đạt bằng ngôn ngữ...

Cũng vẫn những gương mặt này
Đã từng vui, buồn, sướng, khổ
Cũng ngôi trường ngói cũ
Sao chợt lòng xốn xang
Sao vẫn quá ngỡ ngàng?

Mai xa rời giáo án
Mai giã từ bục giảng
Mai tạm biệt em thơ
Nỗi nhớ, ai hay? Vô bờ!

NT,1987
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Ui, chị NT rời bục giảng từ những năm 87... đã 20 năm rồi... Năm ấy em còn học lớp 7 :-P... Mẹ em và cả bố mẹ chồng đều là giáo viên, vì thế ngày 20 - 11 là ngày lễ truyền thống của gia đình em đấy, chị ạ.
Sắp tới em về VN, em cũng định xin đi dạy chị ạ.. :-(( nhưng sợ họ ko nhận thôi...
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 82 trang (813 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối