Dãy Hoàng Liên Sơn phóng một mũi lao từ trên trời xuống, xé rách các vỉa núi như xé vải, ngoằn ngoèo đổ thác qua vùng Tây Bắc, vút thẳng tới trung du thành sông Đà gầm thét. Núi Tản Viên - Sơn Tinh sừng sững làm cây cọc vĩ đại buộc dòng sông hung hãn này lại như buộc một dây diều, rồi đổ dòng mãnh giang vào sông Hồng như đổ một vò rượu nếp. Sông Đà gào rú mà Thuỷ tinh, cuồn cuộn mà phát điện, bập bùng mà thi hứng trời xanh. Nguyễn Khắc Hiếu đã lấy tên con sông và ngọn núi quê hương ghép lại thành bút hiệu thi ca mình: Tản Đà; để hai vị thần Sơn Tinh, Thuỷ Tinh nghìn đời xung khắc cùng ở trọ trong ngôi nhà bản thân mình, như nước phải đồng sàng cùng lửa trong cuộc đời 51 năm của mình mà không dị mộng thì quả là chuyện hi hữu.

Với sự nghiệp quá ư đồ sộ gồm thơ, văn, báo chí, dịch thuật...Tản Đà chính là ngọn núi Ba Vì của nền văn học Việt Nam sững sững suốt 30 năm từ 1915 đến 1935. Sau Nguyễn Khuyến, Tú Xương, nếu không có Tản Đà, nền thi ca Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn không gì bù đắp được. Nếu không có Tản Đà, dễ gì thơ mới 1932-1945 đạt được thành quả to lớn như nó từng có. Tản Đà, cột mốc lớn, gạch nối lớn, nhà ga lớn, trạm trung chuyển lớn giữa nền thơ xưa dân tộc và thơ mới. Ông cổ điển một cách lãng mạn, hiện đại một cách xa xưa, đốt lên ngọn khói nghìn năm thi sĩ ông cha bằng rơm rạ bây giờ. Nếu Nguyễn Khuyến giấu thi hứng trong niềm ở ẩn nơi vườn thu, ao thu, Tú Xương cười ra nước mắt nỗi làng quê hoá phố thì Tản Đà đưa thi ca Việt Nam vào hẳn thành phố cùng thương trường, thị trường: “Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu / Quanh năm những luống lo văn ế”, “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Ông là nhà thơ lớn đầu tiên thành công làm thơ bằng chữ quốc ngữ, rồi in thơ ra “đem bán phố phường”, dùng nghề viết để kiếm sống. Suốt cuộc đời bèo giạt mây trôi với thân phận chữ nghĩa, nay đây mai đó như chim, nhưng là chim tu hú không có tổ, Tản Đà từng chua chát, đùa vui mà giới thiệu mình: “Trời sinh ra bác Tản Đà / Quê hương thời có, cửa nhà thời không”. Sinh thời, nhà thi sĩ của giời đất này hầu như chỉ toàn ở nhà thuê, lấy nhà thiên hạ làm nhà mình, sống trên đời mà như sống trên mây. Hơn sáu mươi năm đã qua kể từ ngày nhắm mắt, Tản Đà vẫn nằm ngoài trời, trong nghĩa địa Quảng Thiện, lấy hư vô làm nhà, lấy nắng mưa làm cửa, lấy gió bão làm giường chiếu. Nhưng Tản Đà đã có hàng triệu mái nhà khác để linh hồn ông cư trú là trái tim những người Việt Nam yêu thơ ông. Hình như Tản Đà chọn cho mình ngày sinh và ngày chết trùng nhau: ngày 20 tháng tư âm lịch. Sinh ra và mất đi cùng một ngày ở khoảng giao thời giữa mùa xuân và mùa hè, cũng như vai trò của thơ văn ông là giai đoạn quá độ, giai đoạn chuyển tiếp của thi ca Việt Nam từ cũ sang mới, từ xưa đến nay.

Tản Đà từng viết:” Có văn có ích, có văn chơi”. Nhiều người lầm tưởng văn thơ Tản Đà chỉ là thứ “văn chơi”, còn thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, Phan Bội Châu và nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục mới là “văn có ích”, mới là văn yêu nước chống giặc ngoại xâm. Không, văn thơ Tản Đà vừa là “văn chơi” vừa là “văn có ích”. Tản Đà yêu nước lắm, căm ghét bọn giặc và tay sai của chúng lắm. Có người cho thơ Tản Đà chỉ toàn thú ăn chơi, toàn có rượu, có say, có ngông, có sầu, cái sầu trích tiên bị đầy hạ giới. Vâng, có tất cả những điều ấy, nhưng còn có thêm một điều hệ trọng khác rằng Tản Đà cũng là một nhà thơ yêu nước như ai. Đất Nước của mọi người, nên mỗi người đều có cách yêu nước riêng của mình. Hãy đọc bài thơ tuyệt tác Thề non nước xem hồn vía Tản Đà ở đâu: “Nước non nặng một lời thề / Nước đi đi mãi không về cùng non...”. Nước ở đây vừa là nước của sông suối, vừa là đất nước. Nước đã mất “Nước đi đi mãi không về cùng non” nên mới để non lại một mình trông ngóng. Cả bài thơ là tấm lòng thương nước, nhớ nước, mong lấy lại đất nước để cho trọn niềm Nước Non. Tình cảm non nước bàng bạc suốt trong thơ Tản Đà, như một vết thương, một niềm quan hoài khôn xiết, một ngóng vọng tưởng tuyệt vọng mà vẫn mong chờ. Ai cũng biết việc Tản Đà treo một bức địa đồ Việt Nam rách rưới trên chỗ làm việc, đi đâu vô Nam ra Bắc ông cũng mang theo: “Non sông thề với hai vai / Quyết đem bút sắt mà mài lòng son / Dư đồ rách, nước non tô lại / Đồng bào xa trai gái kêu lên / Doanh hoàn là cuộc đua chen / Rồng Tiên phải giống ngu hèn, mà cam” (Xuân sầu). Những vần thơ in công khai, toát mồ hôi mới thoát khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt của thực dân Pháp, lại mang tính chiến đấu nhường ấy, ai bảo thơ Tản Đà không yêu nước? Nhà thơ vạch lá cờ quẻ li Nam triều ra mà gói nỗi tủi nhục của vua hề: “Cờ vàng dấu đỏ đế vương suông”. Ông dùng thơ văn công khai, báo chí công khai mà vạch mặt bọn tay sai bán nước theo voi Tây ăn bã mía: “Rón chân những chực khi voi nhả / Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa / Ấy đã theo đuôi thời phải hít / Còn đâu nên tấm nữa mà vơ” (Theo voi ăn bã mía). Tản Đà cố gắng thức tỉnh bọn người trót dại làm tay sai cho ngoại bang trong bài Chim hoạ mi trong lồng như sau: “Lồng son cửa đỏ thảnh thơi / Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi / Nghĩ cho mi cũng gặp thì / Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không?” Là một nhà nhân đạo chủ nghĩa, tuy ghét bọn hoạ mi hót trong lồng ngoại bang kiếm ăn này, song Tản Đà vẫn để ngỏ hi vọng vào nỗi nhớ “rừng xanh” trong chúng, nhắc chúng nhớ rằng mình là dân mất nước mà nuôi khát vọng tự do. Chúng ta còn có thể trích ra rất nhiều vần thơ yêu nước của Tản Đà trong việc đả kích chế độ thực dân phong kiến, trong việc nêu gương những anh hùng xưa còn sáng giữa trời tấm gương hi sinh cứu nước...

Nhưng cái đáng quý nhất, tinh thần yêu nước nhất, đóng góp riêng nhất của Tản Đà cho đất nước là công mở đầu nền thơ hiện đại Việt Nam. Ấy là việc suốt 30 năm, ông đã viết được rất nhiều bài thơ, câu thơ hay. Mà phàm thơ đã hay thì dứt khoát mới. Còn có khi thơ rất mới, rất hiện đại mà chưa chắc đã hay. Năm 1920, năm Tố Hữu, Chế Lan Viên ra đời, năm Huy Cận mới tuổi thôi nôi thì Tản Đà đã viết những vần thơ rất mới và rất hay trong bài Cảm thu, tiễn thu: “Từ thu đến nay / Gió thu hiu hắt / Sương thu lạnh / Trăng thu bạch / Khói thu xây thành / Lá thu rơi rụng đầu ghềnh / Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly / Nhạn về én lại bay đi / Đêm thu vượn hót ngày thì ve ngâm / Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa / Sắc đâu nhuộm ố quan hà / Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương...” Những dòng thơ này thật tuyệt vời, với hình thức diễn đạt trước Tản Đà chưa hề có trên thi đàn Việt Nam và sau ông, ngay cả những câu lục bát tài hoa nhất của Huy Cận cũng không thể vượt qua những câu lục bát trên của bậc tiền bối. Hồn thu trong thơ Tản Đà vừa mang mang hơi hướng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du xưa, vừa có phong vị của các nhà thơ mới sau này. “Sắc đâu nhuộm ố quan hà”, câu thơ tuyệt hay này đọc lên còn nghe buồn xưa xa lắm hiện về từ Đường thi, Tống thi... hay đấy là nghìn năm thi ca phương Đông mượn Tản Đà mà vẽ ra hồn thu muôn thuở? Nhưng đến hai câu thơ viết về lá sen khóc hoa, khóc mùa hè đã mất thì lại rất “thơ mới”, rất hiện đại, rất lãng mạn và rất cá thể, cá nhân: “Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa”. Cám ơn Tản Đà đã mang đến cho sự “tàn tạ” nơi lá sen của mùa thu xưa một vẻ đẹp mới, một giọt nước mắt mới, một tâm trạng mới của thời đại “gió Á, mưa Âu”. Năm 1917, sau khi Tú Xương chết 10 năm, Nguyễn Khuyến chết 8 năm, thơ Việt Nam hầu như chỉ còn biết chui vào cái rọ sáo mòn thất ngôn bát cú luật Đường, thì đột nhiên Tản Đà xuất hiện bằng tuyệt tác Tống biệt trích trong vở tuồng Thiên Thai, báo hiệu một cuộc cách mạng thơ: “Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai / Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi / Nửa năm tiên cảnh / Một phút trần ai / Ước cũ duyên thừa có thế thôi / Đá mòn rêu nhạt / Nước chảy huê trôi / Cái hạc bay lên vút tận trời / Trời đất từ đây xa cách mãi / Cửa động / Đầu non / Đường lối cũ / Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...” Mượn nỗi niềm Lưu Nguyễn Thiên Thai xưa, Tản Đà ngậm ngùi tiễn đưa thi pháp cổ điển, thi pháp của “hạc vàng” khuê các về trời, để tiếp nhận thi pháp trần gian, thi pháp của cái tôi lãng mạn, cái tôi trữ tình, tách mình ra khỏi trời đất mà cảm thán nỗi riêng tư hun hút hồn mình.

Cũng như cổ nhân, Tản Đà buồn lắm, day dứt lắm: “Một vừng trăng khuất đi mà đứng / Một lá mành treo cuốn lại buông / Ngồi hết đêm suông, suông chẳng hết / Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông” (Đêm suông Phủ Vĩnh). Buồn đến suông hơn cả đêm suông, mới thấy ngày dài hơn thế kỷ. Tản Đà viết về nỗi buồn làm thời gian lỳ ra, dài ra vô tận, hay tới mức hiếm có: “Người đời thử ngắm mà hay / Trăm năm thì ngắn một ngày dài ghê”. Có lúc buồn quá, nhà thơ đành hoá thân vào con quay (con vụ) mà ngơ ngẩn tỉnh say phận mình: “Lăng nhăng thân thế đi đi đứng / Nghiêng ngả quan hà tỉnh tỉnh say”. Ông mượn chuyện Thuý Kiều mà giấu tâm trạng u uẩn, buồn đau mình vào câu chữ, đọc lên sao hay thế, buồn thế, đau thương thế, khiến lòng kẻ hậu sinh này cũng vương luỵ cổ nhân: “Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh luỵ / Một mối tơ tằm mấy đoạn vương”. Nỗi buồn mất nước, nỗi buồn thời thế như keo vít mắt Tản Đà, khiến ông nhìn vào đâu cũng thấy tối, như thể thế giới cấu tạo nên mọi thứ trừ đôi mắt: “Ù, ù gió thổi Bắc, Tây, Đông / Đêm tối trông ra tối lạ lùng / Tạo vật không tay mà hoá có / Phàm trần có mắt cũng như không” (Đêm tối). Tản Đà ví mình như con cuốc, tiếc xuân, núp trong bụi rậm cuộc đời còn í ới, sao chưa dám nhảy ra giữa thanh thiên bạch nhật mà kêu nỗi đau mất nước hồn Thục Đế: “Sao cứ co ro trong bụi rậm / Lại còn eo óc với trời cao”. Có khi nhà thơ ẩn hồn mình trong con ếch núp bờ ao mà “ì ộp” nỗi đợi mưa tội nghiệp: “Ì ộp hồ xa ếch đợi mưa”. Nhà thơ diễu mình, nhưng là để nói lên nỗi nhục vong thân, vong quốc một cách đớn đau: “Văn có pha trò cho đủ lối / Mực đem bôi nhọ khéo mua cười”. Một người bên ngoài tưởng bông lơn, cười cợt, tưởng ngông lắm, ngang lắm, lại là người mau nước mắt nhất khi ngó tới, nghĩ tới giang san: “Lệ ai giàn giụa với giang san” (Cảm đề).

Tản Đà buồn quá mà nói ngông ra vậy thôi, chứ thực tình, ông là người yếu đuối, rất mềm mỏng mà phải giả bộ cương, quặn thắt nhớ nước thương nòi mà giả bộ phỉ phui, vô tình, vô cảm: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất / Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Không, Tản Đà uất quá nói khống ra chơi thôi, chứ ông có phút nào nguôi chuyện quê hương đâu. Bởi vì trong tận cùng lận đận, nhà thơ vẫn thẹn cùng sông núi đó thôi: “Bước lận đận thẹn cùng sông núi / Mớ văn chương tháng lụi năm tàn” (Đêm đông hoài cảm). Tản Đà hay viết ngông, nói ngông cho đỡ buồn, giang hồ vặt cho đỡ tẻ: “Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc / Hết cả giang hồ, hết cả ngông”. Tản Đà buồn quá uống rượu tìm say chơi, chứ ông đâu có lấy rượu làm mục đích. Viết về rượu, nhà thơ có nhiều câu hay, chỉ xin chép ra mấy dòng lục bát: “Say sưa nghĩ cũng hư đời / Hư thì hư vậy, say thời cứ say / Đất say đất cũng lăn quay / Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười”. Người mang trái tim rún rẩy như Tản Đà chẳng cần uống rượu vẫn cứ say tít thò lò như quả đất suốt đêm ngày, tự mình lật đà lật đật quay quay...

Trong bài Còn chơi Tản Đà viết: “Vắng tớ bấy lâu đời nhớ tớ / Nhớ đời nên tớ vội ra chơi”. Thưa với Tản Đà tiên sinh, từ khi tiên sinh xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, lúc thi đàn quá ư trống vắng, quá ư heo hút, lập tức tiên sinh đã thành cây đại thụ thi ca mà toả bóng xuống trang thơ các nhà thơ mới sau này, đời chưa phút nào vắng bóng tiên sinh cả. Hơn sáu mươi năm từ thuở nằm xuống, nay Tản Đà vẫn “Nhớ đời” và ra chơi cùng kẻ yêu thơ ông. Thơ với Tản Đà là cuộc chơi lớn, là thú vui còn lại cả sau khi chết, nên sinh thời ông đã quyết chơi cho mãi mãi: “Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi”... “Nghĩ đi nghĩ lại, lại ra chơi”. Trong cuộc chơi thi ca của Tản Đà, tâm hồn Việt Nam, văn học Việt Nam bỗng thêm sinh động và quyến rũ lên rất nhiều; như thể cuộc rong chơi của sông Đà khi qua Hoà Bình hiện nay, trước khi cuốn vào núi Tản cùng thơ Tản Đà, đã say nồng cuồn cuộn làm tuốc-bin cảm xúc Thuỷ Tinh quay tít, sinh ra bừng sáng muôn năm thuỷ điện. Phải chăng sự nghiệp thi ca đồ sộ của thi hào Tản Đà để lại cho dân tộc cũng là một nhà máy thuỷ điện lớn, sinh ra từ sông Đà tinh thần, đặng phát ra ánh sáng tâm hồn, ánh sáng của rung - động-Đẹp cho không chỉ của ngôn ngữ Việt Nam, mà còn cho mỗi tấm lòng yêu thơ vậy.

6.2005

Trần Mạnh Hảo