Nhân dịp được theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm lại căn cứ Khu uỷ Khu 5 xưa ở Trà My (tỉnh Quảng Nam), căn cứ địa Nước Oa – “Thủ đô kháng chiến Khu 5” thời chống Mỹ, tôi được đến thăm và thắp nén hương trên phần mộ của nhà thơ – liệt sĩ Nguyễn Mỹ tại nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My. Giữa núi rừng Trà My xanh thẳm, phần mộ của nhà thơ vẫn luôn thắm tươi sắc đỏ của những đoá hoa.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh ngày 21-2-1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; hy sinh ngày 16-5-1971. Ông bắt đầu có thơ đăng trên Văn nghệ quân đội từ năm 1957. Một đời ngắn ngủi, vừa làm lính, vừa làm báo, làm thơ... mặc dù tác phẩm ông để lại không nhiều nhưng chỉ với bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ (năm 1964), Nguyễn Mỹ đã được nhiều thế hệ độc giả yêu mến, ngưỡng mộ. Đó là một bài thơ dù viết về chuyện chia tay ra trận giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc đang đến hồi ác liệt nhưng không hề cương mà vẫn nhuần nhị, tinh tế một tình yêu quê hương, đất nước rất thuần khiết và một cảm xúc tin yêu dạt dào. “Những cánh hoa đỏ vẫn ngời rung nhè nhẹ/ Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào/ “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” /Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy/ Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy/ Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/ Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp/ Một làng xa giữa đêm gió rét... / Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như không hề có cuộc chia ly...”. Màu đỏ của cuộc chia ly trong thơ Nguyễn Mỹ đã trở thành điều cao cả, thiêng liêng mà một thời vạn vạn người trẻ đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang – chiến đấu để giành lại nền độc lập cho non sông, đất nước, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn.

Bản thân nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng đã lên đường theo tiếng gọi ấy. Là một người con của miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1968, Nguyễn Mỹ trở lại chiến trường miền Nam làm phóng viên mặt trận của Báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ với mong muốn cháy bỏng là sớm có được những trang viết hay về miền Nam ruột thịt – tiền tuyến lớn của cả nước đang từng ngày, từng giờ diễn ra bao sự kiện lịch sử. Những đồng đội từng công tác tại Ban Tuyên huấn Khu 5 và Báo Cờ giải phóng những năm chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất vẫn còn nhớ rất nhiều kỷ niệm về Nguyễn Mỹ, một con người nhiều nét tài hoa, nổi tiếng không chỉ về làm thơ, viết báo mà còn rất thiện xạ nhưng thân phận lại mong manh quá đỗi. Sự hy sinh của Nguyễn Mỹ, đến bây giờ mỗi lần kể lại đồng đội của ông vẫn cứ rưng rưng quặn thắt khôn nguôi...

Nhà văn Cao Duy Thảo là người đã từng sống, chiến đấu với Nguyễn Mỹ thời ấy kể lại: Những ngày cuối đời, nhà thơ Nguyễn Mỹ gần như bị cách ly với cuộc chiến đấu và đồng đội mà nguyên nhân xuất phát từ một sự hiểu lầm ở quê nhà Phú Yên. Ông bị phân công ra rừng ở một mình đuổi khỉ, đuổi chim canh rẫy. Một hồn thơ mong manh nhạy cảm, một chiến sĩ đang khát khao được cống hiến, được hy sinh mà bị cách li với đồng đội, với thời cuộc, một mình với một nỗi cô đơn, mặc cảm, khắc khoải giày vò... thì nỗi đớn đau dằn vặt mà ông phải thấu chịu trong những ngày tháng cuối đời nặng nề biết bao nhiêu! Và, cũng bởi bị cách li lâu ngày, hoàn toàn mù tịt với tình hình chiến sự nên một hôm, ông gặp một tốp biệt kích địch mặc quân phục giải phóng; ngỡ là anh em, đồng đội nên quá sung sướng, quá hạnh phúc, ông nhào ra vẫy chào rốt rít: Các đồng chí ơi, tôi đây!... Bảy ngày sau, đồng đội mới biết ông đã bị bắn chết. Nhà thơ Nguyễn Mỹ đã nằm xuống đầy đau xót, nhưng đồng đội của ông còn đau đớn, dằn vặt hơn bởi không thể đắp cho ông một ngôi mộ vì kẻ thù đã hèn hạ cài mìn dưới xác ông nhằm tiêu diệt tiếp những người đồng đội đi tìm xác. Mọi người đành để ông nằm nguyên trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng từ xa hắt đất vào chôn. Ngôi mộ của nhà thơ nhiều năm liền chỉ là một đống đất đá im lặng dưới bóng rừng già.

Chiến tranh cuốn đi với những diễn biến dồn dập trên chiến trường, rồi thời gian mưa gió... khi đồng đội ông quay trở lại tìm thì hài cốt của nhà thơ Nguyễn Mỹ đã không còn. Năm 1993, anh em văn nghệ sĩ đã cùng đồng bào địa phương tổ chức khai quật khu vực đồi Dơn, xã Trà Dơn – nơi Nguyễn Mỹ đã hy sinh nhưng cũng chỉ tìm được các dụng cụ cá nhân mà khi bị bắn chết ông vẫn mang theo người như quần áo, đôi dép cao su, vỏ đạn, bi đông, chai dầu “Vạn linh”... Những vật dụng này giờ đây đang nằm yên dưới ngôi mộ có tên Liệt sĩ – Nhà thơ Nguyễn Mỹ lúc nào cũng đỏ thắm màu hoa và khói nhang không tạnh trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Bắc Trà My. Trên mộ là tấm đá hoa cương được lấy từ Ngũ Hành Sơn có khắc hoạ chân dung của ông và 4 câu thơ đầu trong bài thơ bất tử: “Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/Tươi như cánh nhạn lai hồng/ Trưa một ngày sắp ngả sang đông/ Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ...”. Nhiều người yêu thơ và những đồng đội cũ của nhà thơ thỉnh thoảng tìm đến, thắp nhang và đọc lại những vần thơ ấy và lặng lẽ rơi nước mắt. Những giọt nước mắt như thể vừa bắt gặp lại kỷ niệm trong sâu thẳm tâm hồn ngày nào và những giọt nước mắt tiếc thương, đau xót cho cuộc đời, số phận của một nhà thơ tài hoa mà cho đến bây giờ, cả phần hồn và phần xác vẫn còn lẩn khuất đâu đó nơi những cánh rừng già Trà My. Chỉ còn lại với đời những vần thơ đỏ như lửa, gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn cháy mãi khôn nguôi.

36 năm sau ngày Nguyễn Mỹ hy sinh, sự mất mát đau thương của những người yêu quý ông phần nào được bù đắp bởi Nguyễn Mỹ là một trong những người được truy tặng đợt đầu “Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” và “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật” vào năm 2007 với các tác phẩm: “Trận Quán Cau”, “Thơ Nguyễn Mỹ”, “Nguyễn Mỹ, nhà thơ chiến sĩ”...

Hà Xuyên Khê
(Tạp chí Thương nghiệp)