Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm (1896[1] - 1973), là nhà thơ nữ Việt Nam, thuộc hế hệ văn học 1913-1932 [2]. Tên tuổi của Tương Phố gắn liền với phong trào “Nữ lưu và văn học”, và bà đã có những bài thơ được đánh giá cao như Tái tiếu sầu ngâm (thơ, 1930), Khúc thu hận (thơ, 1931)... và đứng đầu các tác phẩm đó phải kể đến Giọt lệ thu được viết năm 1923 [3].

Bà sinh tại đồn Đầm [4], tỉnh Bắc Giang; nhưng nguyên quán của bà ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Bà là con của ông Đỗ Duy Phiên và bà Nguyễn Thị Yểm. Vừa lớn lên, Tương Phố ra Hà Nội học ở trường Nữ hộ sinh, sau bỏ dở, để theo học Trường Nữ Sư phạm [5], nhưng khi tốt nghiệp, bà không đi dạy. Trong khoảng thời gian ở Hà Nội, bà gặp Thái Văn Du (em ruột Thượng thư Thái Văn Toản), một sinh viên trường thuốc, rồi họ thành vợ chồng năm 1915.

Một năm sau (1916), Tương Phố sinh con trai là Thái Văn Châu, thì chồng bà (khi ấy đã là Y sĩ Đông Dương) phải qua Pháp tham chiến trong cuộc chiến tranh Pháp - Đức (1914-1918) [6]. Khoảng cuối năm 1919, chồng bà bị bệnh phổi phải trở về Huế, rồi mất vào mùa thu năm 1920 (ngày 25 tháng 7) khi bà còn đang học ở trường Nữ Sư phạm Hà Nội.

Tương Phố thuộc hàng nữ lưu tân tiến những năm 20 của thế kỷ 20. Bà bắt đầu làm thơ vào khoảng những năm ông Du phải đi xa, và số thơ này đều có chủ đề chung là nỗi nhớ mong chồng.

Sau khi chồng mất, năm 1923 (hoặc 1922) bà viết một bài văn xuôi có xen 8 đoạn thơ lục bát và song thất lục bát, mang tên là Giọt lệ thu, được đăng báo năm 1928. Đây là tác phẩm gây được tiếng vang trên văn đàn thời bấy giờ và cũng đã khơi dòng văn chương lãng mạn sầu não trong văn học Việt Nam hiện đại [7]. Bởi nội dung bài là tiếng khóc thê thiết của một người vợ trẻ (Tương Phố) chờ chồng suốt ba năm, nhưng khi chồng (Thái Văn Du) về tới Huế, chẳng bao lâu thì mất. Đầu những năm 30, bài văn này đã được một nữ dịch giả người Pháp dịch ra tiếng Pháp, được một số nhà phê bình Pháp chú ý.

Sau đó bà tiếp tục viết những bài văn thơ cùng loại, đăng báo Nam Phong, về sau được tập hợp thành các tập: Giọt lệ thu, Mưa gió sông Tương, Trúc mai...

Năm Ất Sửu (1925), bà tái giá với Tuần phủ Phạm Khắc Chánh ở Phúc Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Sau năm 1945, Tương Phố vào sống ở Nha Trang rồi mất ở Đà Lạt vào ngày 8 tháng 11 năm 1973, được an táng tại đồi Tương Sơn, TP. Đà Lạt. Và hiện nay, ở thành phố cao nguyên này có một đường phố mang tên bà.

*

Tương Phố chính thức bước vào làng văn từ những năm 1927, 1928 và nổi tiếng qua bài Giọt lệ thu đang trên tạp chí Nam Phong số 131 (tháng 7 năm 1928). Các tác phẩm của bà đã xuất bản (chưa được thống kê đầy đủ), gồm:
- Giọt lệ thu (tập thơ, 1952)
- Mưa gió sông Tương (tập thơ, xuất bản ở Miền Nam năm 1960)
- Trúc mai (truyện dài bằng thơ)

Ngoài ra, bà còn viết một số tác phẩm, như: Nhờ rừng xanh (?), Tình quê (?), Chia phôi (?), Liên xóm Bàng (truyện, ?), Một giấc mộng (truyện, tạp chí Nam Phong số 133, tháng 9, 1928), Mối thương tâm của người bạn gái (truyện, tạp chí Nam Phong số 135, tháng 11, 1928), Bức thư rơi (truyện, 1929), Tặng bạn chán đời (truyện, 1929)... và một số bài tiểu luận cũng đăng trên tạp chí này.

Đánh giá sự nghiệp văn chương của Tương Phố, các nhà nghiên cứu đã viết như sau:

Nguyễn Vỹ: “Tôi yêu thơ Tương Phố từ hồi 11 tuổi. Tình yêu thơ mộng hồn nhiên và viển vông còn mãi trong tâm trí. Lớn lên tưởng tình yêu đó đã chết, không ngờ nó cũng lớn lên với tôi...” [8]

Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng: “Chỉ trong thời gian ba năm, đôi vợ chồng trẻ đã làm một cuộc tạm biệt rồi vĩnh biệt nhau. Đau khổ, Tương Phố đã đem nỗi bi thương của mình trải trên những dòng thơ và tạo thành áng văn trác tuyệt về tình... Nó không hề vay mượn của ai, nó hề không gò bó, gượng ép hay giả tạo... Đó chính là nét độc đáo của Tương Phố.” [9]

Vũ Ngọc Phan: “Gần đây, thơ mà âm điệu du dương, nhưng tính tình lại thấm thía và gần gũi với người đời, trước hết phải kể thơ của Tương Phố... Và bài Giọt lệ thu có thể coi là một bài mở đầu cho lối thơ thê lương, ảo não... Trong thi phẩm này, Tương Phố hay kể lể, hay dùng chữ cổ đượm những màu xưa… nên ngày nay chắc nhiều người cho là lôi thôi (đúng là những lời kể lể của người đàn bà trong khi khóc chồng), là cổ, nhưng nó thật là lối văn đặc biệt... vẫn có cái sức cảm người ta về âm điệu trước, về ý sau... Nếu đem so sánh Đông Hồ với Tương Phố, người ta thấy Đông hồ là tay thợ thơ, còn Tương Phố mới thật có tâm hồn thi sĩ. Cái tâm hồn này lại là một tâm hồn đặc Việt Nam, không chịu ảnh hưởng một cái học ngoại lai nào cả... Nhìn chung, thơ của Tương Phố réo rắt và cảm động, nhưng văn xuôi của bà lại kém phần chân thật.” [10]

Phạm Thế Ngũ: “Chỉ từ khi bài Giọt lệ thu đăng trên tạp chí Nam Phong (tháng 7 năm 1928), cái tên Tương Phố mới ra đời. Nhưng mãi đến 1930, sau khi bài Khúc thu hận và bài Tái tiếu sầu ngâm đăng trên Nam Phong, thì nữ sĩ mới thật sự chiếm được một ghế thi gia vững vàng trên thi đàn, và đủ làm cho ngây ngất cả một thế hệ vốn ôm sẵn chữ “thu” trong lòng. Hơn mười năm sau, mấy vần réo rắt ấy vẫn còn được Vũ Ngọc Phan tán tụng. Song đối với chúng ta ngày nay, cái giọng gọi hồn, cái tiếng khóc đám ma ấy đã giảm nhiều hấp lực. Có thể khen là tác giả có ý thành thật, song nó sáo, sáo quá... Còn truyện của bà, đa phần là những ký sự, hồi ký cá nhân. Cách kết cấu của chúng (trừ Giọt lệ thu) đều sơ sài, cốt chuyện có khi rất giả tạo, hình như tác giả viết cốt để giảng luân lý, để giải bày những tư tưởng của mình về nhân sinh, về thời thế.” [11]

Thanh Lãng: “Ba nhà viết truyện ngắn tiêu biểu ở thời kỳ này (1913-1932) là Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn và Tương Phố. Xét kỹ về kỹ thuật, không ai giống ai... Cả hai ông đều quan niệm truyện là một sự tập trung, một sự đổ dồn có giàn xếp để đi đến chỗ chung kết, nhưng truyện của Tương Phố thì không. Hình như nó chủ ý không có kết cấu... Văn thơ của bà xét chung là thứ văn nhịp nhàng cân đối. Tuy nhiên, hồi đầu với Giọt lệ thu, lời lẫn ý đều rất thơ, và thường điệp ngữ… Về sau, văn của Tương Phố nhẹ nhàng hơn, gần với tiếng nói hàng ngày hơn. Lối dùng điệp ngữ chỉ thỉnh thoảng mới thấy... Về mặt tư tưởng, có lẽ Tương Phố là người đã phối kết đầy đủ hơn hết (trong một tổng hợp đầy mâu thuẫn) tất cả đặc tính của thế hệ. Cùng với Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách; Tương Phố là hiện thân của tình cảm lãng mạn. Nghĩa là, tất cả mọi sầu thảm của thế hệ (cảnh đất nước điêu linh, cảnh hàng mấy trăm ngàn thanh niên bị bó buộc đầu quân sang Pháp…) như cô đúc lại trong người thiếu phụ sông Thương, ấy là chưa nói đến thân phận goá bụa ở lứa tuổi 20… Nhìn chung, tài năng thực sự của Tương Phố là ở thi ca, chứ không phải ở địa hạt tiểu thuyết.” [12]

Nguyễn Huệ Chi và Lê Trí Dũng: “Tương Phố đã góp vào bộ phận văn chương Việt hợp pháp 30 năm đầu thế kỷ 20 một tiếng khóc ảo não, ít nhiều có làm sống lại tâm trạng người chinh phu trong văn học quá khứ... Nhưng nỗi đau xót vì hạnh phúc chóng tan của bà có nhiều sầu thảm, vô vọng hơn, và cũng nhuốm màu sắc hiện đại hơn. Vì trong đó, không chỉ có nỗi đau riêng, mà còn gói cả một “trời sầu” của thế hệ thanh niên tiểu tư sản thành thị Việt Nam những năm sau Đại chiến I. Chính căn bệnh thời đại này đã đẻ ra một loạt những sáng tác kiểu Giọt lệ thu (Tương Phố), Linh Phượng (Đông Hồ), Bể thảm (Đoàn Như Khuê)... Đó là những tiếng nói lãng mạn, yếu ớt đầu mùa, nặng tính chất thoát ly, nhưng cũng còn bị cột trong khá nhiều thành kiến luân lý cổ. Về sau, tuy Tương Phố còn sáng tác, nhưng trong tác phẩm của bà chỉ rặt những “ý mòn, lời sáo”, nên không còn được ai chú ý nữa. Nói khác hơn, ngòi bút của bà đã lạc lõng với thời đại. Về mặt nghệ thuật, văn xuôi của bà là thứ văn có đối, có vần, có sự pha tạp giữa ký, tạp ký, luận thuyết với thể truyện. Tuy chúng có lâm ly réo rắt nhưng từ ngữ thì sáo mòn như phần đông các cây bút văn xuôi buổi đầu thế kỷ 20. Thơ bà, trước sau chỉ quanh quẩn trong hai thể loại là lục bát và song thất, thỉnh thoảng có đôi bài Đường luật, với lời lẽ sầu thảm như văn xuôi...” [13]

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

1. Năm sinh của Tương Phố ghi theo Từ điển Văn học (bộ mới), có sách chép là 1898 (Từ điển Tác gia Văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, 1999) hoặc 1900 (Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, 1968).
2. Theo phân kỳ văn học của GS. Thanh Lãng, tác giả bộ Bảng lược đồ Văn học Việt Nam.
3. Theo Vũ Ngọc Phan, thì bài Giọt lệ thu được viết vào mùa thu năm Quý Hợi (1923). Bách khoa toàn thư Việt Nam (bản điện tử) ghi năm 1922.
4. Tương Phố sinh tại đồn Đầm, nên cha bà đặt tên bà là Đàm (Đàm chữ Hán có nghĩa là Đầm) để ghi lại dấu tích nơi sinh ra bà và nơi ông đang làm việc.
5. Từ điển Văn học (bộ mới) ghi năm 1917, Tương Phố học Trường nữ Sư phạm Hà Nội.
6. Ghi theo Từ điển Tác gia Văn hoá Việt Nam (Nxb Văn hoá - Thông tin, 1999). Từ điển Văn học (bộ mới) và Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng) đều ghi ông Du đi du học ở Pháp. Nhưng căn cứ câu: “Anh rong ruổi theo miền lửa đạn/ Em trở về vui bạn bút nghiên” (Tự tình, 1920), thì rất có thể ông Du đã đi Pháp để tham chiến.
7. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam (bản điện tử).
8. Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, tr. 345.
9. Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng), tr. 87-88.
10. Lược theo Nhà văn hiện đại (trọn bộ), tr. 176, 177 và 186.
11. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển 3), tr. 338 và 404.
12. Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển hạ), tr. 497-499 và 502.
13. Lược theo Từ điển Văn học (bộ mới), tr. 1907-1908.
14. Giới thiệu bài thơ Khúc thu hậnTái tiếu sầu ngâm, Vũ Ngọc Phan viết: “Thơ Tương Phố mà tuyệt xướng thì chỉ có hai bài này” (tr. 181). Chúng cũng đã được Phạm Thế Ngũ đánh giá cao (xem trích dẫn bên trên).

Tham khảo:
- Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (trọn bộ), Nxb Sống Mới, Sài Gòn, 1959.
- Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Nxb Văn học in lại năm 2007.
- Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
- Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển hạ), Nxb Trình Bày, Sài Gòn (sách không ghi năm xuất bản).
- Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng), Nxb Sống Mới, Sài Gòn, 1968.
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển 3), Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1965.