1. Năm 1965 Hội Văn nghệ Giải phóng công bố Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Có cả thảy 54 tác phẩm được tặng thưởng. Văn học chiếm 17 giải. Có hai giải đặc biệt là
Từ tuyến đầu Tổ quốc, tập thư của nhân dân miền Nam gửi cho người thân tập kết ra Bắc;
Sống như anh (Phan Thị Quyên kể, Trần Đình ghi) kể về cuộc đời anh Nguyễn Văn Trỗi. Trong 15 giải chính thức về thơ có 4 giải chính. Đó là tập
Quê hương của Giang Nam,
Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn,
Những đồng chí trung kiên của Thanh Hải, và Tập thơ của nhiều tác giả. Thế là từ đây Thanh Hải bắt đầu được khẳng định.
Năm 1960 với bài thơ
Mồ anh hoa nở, Thanh Hải đã giành giải nhất cuộc thi thơ báo Thống Nhất. Nhà phê bình Hoài Thanh nhân sự kiện này đã có đôi lời viết về Thanh Hải: “Thanh Hải chưa phải là một nhà thơ lớn. Nhưng một khi tiếng nói của cách mạng vút lên được thành thơ thì dẫu chưa phải một nhà thơ lớn vẫn rất quý” [8, tr.12]. Lời nhận xét ấy của Hoài Thanh đã một lần nữa chứng minh Thanh Hải là một nhà thơ chiến sĩ, nhà thơ cách mạng. Nhiều bài thơ của ông đã được bạn đọc nhớ tới như các bài
Tấm băng vẫn đi đầu,
A Vầu không chết,
Mồ anh hoa nở,
Núi vẫn nhớ người vẫn thương… Sau này tập hợp in thành tập thơ
Những đồng chí trung kiên (Nxb Văn học, Hà Nội, 1962). Tập thơ Những đồng chí trung kiên gồm những bài thơ được viết trong một thời kỳ gian khổ của cách mạng miền Nam (giai đoạn 1954-1960). Những bài thơ kể lại một cách bình dị mà sâu sắc tội ác của kẻ thù, tình cảm xót xa của sự chia cắt và cách biệt, niềm khát khao Bắc Nam thống nhất đồng thời nêu cao tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam.
Ngày 15 tháng 12 năm 1980 trái tim ông ngừng đập, kết thúc một cuộc đời gắn bó với cách mạng. Hai năm sau ngày ông mất tập thơ cuối mới được xuất bản. Đó là tập thơ
Mưa xuân đất này (Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1982). Tập thơ được ông viết vào những năm cuối cùng của cuộc đời, khi Thanh Hải biết mình bị bệnh nặng và không thể nào qua khỏi được. Thanh Hải đã viết, ông viết vì sự thôi thúc bên trong, vì tình nghĩa sâu nặng với cuộc sống mà càng cảm thấy quý giá.
2. Trong thơ Thanh Hải, hình ảnh người chiến sĩ trung kiên là hình ảnh gây xúc động đầu tiên. Thanh Hải viết về những con người ấy với một tình cảm trân trọng, yêu mến, xót xa. Đọc thơ ông ta thấy họ là những hình ảnh đẹp nhất. Cho nên đã có người gọi thơ ông là thơ viết về những đồng chí trung kiên: “Như đồng chí ta ơi/ Len mình qua lô-cốt/ Những đồng chí ta ơi/ Run mình trong cơn sốt” (
Những đồng chí trung kiên). Đặc biệt, người chiến trung kiên ấy đã được ông miêu tả cụ thể. Chẳng hạn như bài
A Vầu không chết. Anh thanh niên dân tộc Pa-hi chăm chỉ, tốt bụng, hiền lành, chỉ biết làm lúa cho vàng rẫy, làm chim báo cho dân làng biết giặc lên. Bị giặc bắt, hành hạ đến chết nhưng A Vầu vẫn không khai, không phản đồng bào. A Vầu có thể chịu được những hình thức tra tấn dã man của kẻ thù. Anh một người chiến sĩ trung kiên, là người con yêu làng xóm, quê hương. Hành động trung kiên ấy của Vầu đã khơi dậy và động viên toàn dân Pa-hi đánh giặc. Chính vì vậy mà cho dù Vầu chết đi rồi vẫn còn trăm Vầu khác đứng lên chiến đấu bảo vệ buôn làng: “Vầu vẫn không nói/ Vầu vẫn không khai/ Vầu nhớ cái chòi/ Nghĩ thương cái rẫy/ Nghĩ thương lũ làng/ Vầu không sợ chết/ Lắc đầu: “không biết!” (
A Vầu không chết).
Trong
Mồ anh hoa nở, ta bắt gặp trên mộ người cộng sản là hình ảnh “Hoa hồng nở và nở/ Hương thơm bay và bay”. Đây là một hình ảnh tượng trưng như chính những phẩm chất cách mạng cao quý của người chiến sĩ cách mạng trung kiên ấy. Anh chết đi nhưng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin tưởng vào cách mạng, vào Bác Hồ đã nở hoa, đã toả hương trên mộ anh. Màu đỏ, hương thơm của hoa sẽ khơi dậy lòng căm thù và ý chí chiến đấu trong quần chúng, còn đối với kẻ thù thì hình ảnh đó là nỗi khiếp sợ “Lũ chúng nó qua đây/ Mắt diều không dám ngó”.
Lòng ta bỗng rưng rưng xúc động nghẹn ngào khi nghe Tiếng hát ru trên nghĩa trang về cuộc đời của người lính trẻ. Các anh đã hi sinh trên đường hành quân ra mặt trận. Nơi người các chiến sĩ ấy ngã xuống bây giờ xóm làng đã đông vui: “Hát rằng: nơi anh ngã/ Giờ nhà máy lên cao/ Khói vươn chiều êm ả/ Thuyền ăn hàng lao xao” (
Tiếng hát ru trên nghĩa trang).
Thanh Hải không viết nhiều, không kể nhiều, chỉ có ít bài nói riêng về người chiến sĩ thôi nhưng ẩn trong đó là lòng ngợi ca, khâm phục. Những người chiến sĩ ấy là những gương mặt trung kiên mà cuộc sống hôm nay, con người hôm nay phải biết ơn, yêu thương và quý trọng.
3. Thanh Hải viết bài thơ đầu tiên về Bác Hồ là năm 1956. Lúc ngày nhà thơ đã 26 tuổi. Thế mà đọc thơ ta thấy chân thật, gần gũi xiết bao. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật đẹp: “Đêm nay bên bến Ô Lâu/ Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ/ Nhớ hình Bác giữa bóng cờ/ Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu/ Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ/ Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn” (
Cháu nhớ Bác Hồ). Nhà thơ Thanh Hải kể lại rằng trong chuyến ra thăm miền Bắc anh có đọc bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ cho Bác nghe, đến câu Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn, anh xúc động, bèn dừng nửa chừng. Bác bèn ôm lấy anh, vừa hôn vừa nói: “Đây, hôm nay Bác hôn thật đấy”. Đó kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời ông.
Hình ảnh Hồ Chí Minh và tình cảm của đồng bào miền Nam dành cho Bác còn được Thanh Hải thể hiện rất thành công. Em bé trong thơ Thanh Hải cũng như tất cả những em bé Việt Nam khác: “Đêm qua cháu lại chiêm bao/ Ngày vui thống nhất bác vào miền Nam/ Cổng chào dựng chật đường quan/ Bác đến đình làng Bác đứng trên cao/ Bác cười thân mật biết bao/ Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu/ Ung dung Bác vuốt chòm râu/ Bác xoa đầu cháu Bác âu yếm cười” (
Cháu nhớ Bác Hồ).
Đây là bài thơ được Thanh Hải viết vào đêm trung thu năm 1956. Ngày ấn định cho hiệp thương tổng tuyển cử đã đã đi qua rồi mà nước nhà vẫn chưa thống nhất. Nỗi nhớ nhung, mong ước Bác vào thăm miền Nam của em bé hay cũng chính là nỗi nhớ nhung, mong ước của nhà thơ, của đồng bào miền Nam đối với Bác. Bằng những lời thơ hết sức giản dị, gần gũi, thân thương. Thanh Hải đã nói lên thật xúc động mà sâu sắc tình cảm của miền Nam với Bác Hồ.
Nỗi nhớ thương của nhà thơ cũng là nỗi nhớ thương của đồng bào, đồng chí ở miền Nam. Bác Hồ chưa có dịp vào thăm miền Nam thì Bác mất (1969). Nhà thơ lại cùng đồng bào làm thơ nhớ Bác. Tác giả đã khát quát tình cảm sâu nặng đó trong bài thơ
Cả miền Nam thương nhớ Bác Hồ (1969): “Bác mất rồi/ Ôi, cái tin đau đớn bốn phương trời/ Ai cũng muốn không phải là sự thật/ (...) Bác ơi, chúng con đang đi đánh giặc/ Không được về dâng Bác một bông hoa/ Phút thiêng liêng đứng ngoảnh mặt nhìn ra/ Lại thấy Bác gần hơn bao giờ hết” (
Cả miền Nam thương nhớ Bác Hồ).
4. Bên cạnh
Những đồng chí trung kiên, thơ Thanh Hải còn nổi bật hình ảnh người phụ nữ yêu nước. Đó hình ảnh người mẹ, người vợ, những cô du kich, những em giao liên...
Hình ảnh đẹp nhất trong thơ kháng chiến là hình ảnh những người mẹ. Mẹ không những giữ vai trò của người hậu phương cùng nhân dân lao động sản xuất, đùm bọc, che chở nuôi giấu cán bộ mà mẹ còn giữ vai trò là người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu. Chẳng hạn trong bài thơ
Mẹ Tơm,
Mẹ Suốt,
Bà má Hậu Giang... của Tố Hữu.
Trong bài thơ
Sang đò đêm mưa của Thanh Hải cũng có bóng dáng những người như thế. Người mẹ trong thơ Thanh Hải cũng giống mẹ Suốt trong thơ Tố Hữu, cũng tham gia chèo đò đưa chiến sĩ sang sông. Thế nhưng nếu mẹ Suốt khiến người đọc xúc động bởi lời tâm sự chân thành giản dị thì người má trong thơ Thanh Hải lại để lại trong lòng người đọc niềm cảm phục và day dứt khôn nguôi bởi đêm má chèo là một đêm mưa gió. Vì nhiệm vụ cách mạng, má không quản ngại mưa rét đã đành, má còn nhường chỗ khô ráo, ấm áp trong mui cho người chiến sĩ. Anh chiến sĩ ngồi trong thuyền băn khoăn lo má ướt. Má trái lại muốn con ngồi trong mui cho ấm để lấy sức hoạt động, má ướt một bữa có lo gì. Má không muốn cho thuyền vào bờ bởi: “Bên kia những bụi cùng bờ/ Không tơi không nón đụt nhờ vào đâu”. Rồi má ân cần bảo anh: “Con chờ qua trộ mưa rào/ Má sẽ cập bến, đò vào, con lên”. Má để con đò lơ lửng giữa dòng đến nửa đêm thì mưa tạnh. Má cho thuyền cập bến và “Vì dầm mưa lạnh má ho từng hồi”. Và từ đó tiếng ho của má cứ xoáy mãi vào lòng anh chiến sĩ.
Người mẹ trong thơ Thanh Hải cũng như tất cả những người mẹ Việt Nam đều mang trong lòng tình yêu quê hương sâu sắc, đậm đà. Quê hương là nơi mẹ đã gắn bó cả cuộc đời với bao lo toan, vất vả nhọc nhằn, với bao hạnh phúc, đắng cay của cả đời người: “Cần giữ đất mẹ hoá thành khẩu súng/ Xe địch vào, tay trắng cũng xông ra” (
Ca khúc cửa Việt).
Hình ảnh người mẹ được ví với “khẩu súng” là vừa độc đáo, mới lạ lại vừa tinh cảm sâu nặng. Mẹ sẵn sàng làm tất cả để giữ lấy quê mình. Tình yêu quê hương của mẹ thật đáng trân trọng và ngợi ca biết bao.
Rồi khi giặc càn trên quê hương, giết chồng mẹ thì mối nợ nước thù nhà luôn canh cánh trong tim của mẹ. Mẹ thức từng đêm vót chông để đợi ngày trả thù quân xâm lược, để đợi ngày đếm từng đầu chúng: “Mẹ vót chông giữa những đêm sao/ Trả thù chồng đếm từng đầu giặc” (
Cây chông tre).
Hình ảnh người mẹ yêu nước còn được Thanh Hải khắc hoạ vô cùng xúc động trong hoàn cảnh tiễn con lên đường. Đêm mưa rét, nghĩ về con đang chiến đấu nơi xa, mẹ xót xa không ngủ được: “Mưa rơi và mưa rơi/ Mẹ già không ngủ được/ Đêm nay biết về đâu/ Con đi trong rét mướt” (
Con ơi con cứ đi).
Bên cạnh hình ảnh người mẹ yêu nước ta còn bắt gặp hình ảnh người vợ yêu nước trong thơ Thanh Hải. Tình yêu nước ấy thể hiện ở lòng chung thuỷ, ở đức hi sinh các chị dành cho người chồng đi chiến đấu.
Để giữ lòng trung thành với cách mạng, lòng chung thuỷ với chồng, chị phụ nữ trong “Chồng tôi không thể về” kiên quyết không gọi chồng ra đầu hàng, dù bị kìm kẹp, tra tấn: “Nhưng vẫn như bao giờ/ Mắt chị trừng sáng quắc/ Chồng tôi không thể về/ Ở đâu?Tôi không biết” (
Chồng tôi không thể về).
Cũng phải trải qua những thử thách như vậy, người phụ nữ trong bài Vượt tuyến, trong một giấc mơ đã tâm sự với người chồng ở miền Bắc về vết sẹo ở trên tay mình. Chị yêu chồng, một lòng chung thuỷ với anh, chờ anh năm năm dài đằng đẵng trong hoàn cảnh luôn bị giặc lùng, giặc bắt rồi chặt cánh tay tròn của chị. Nhưng chị không sợ, chị vẫn quyết chờ anh. Ban ngày không gặp được thì chị chờ đến đêm để gặp anh, để trò chuyện cùng anh trong giấc mơ.
Cũng yêu chồng, yêu nước nhưng người phụ nữ trong bài Nhớ lại hiện ra dưới một “dạng khác”. Chồng chị cũng đi chiến đấu xa nhà. Những đêm dài cô đơn quạnh quẽ, chị nằm nhớ anh khóc đến “chăn ướt lệ”. Bao nhiêu lần chị lên rẫy là bấy nhiêu lần chị nhớ anh. Và cũng chính vì nhớ anh: “Mà những ngày đấu tranh/ Bỏ chăn, theo đồng chí/ (…) Mà mùa mùa anh thấy/ Lúa ngập cả đồi cao” (
Nhớ).
Chị đã biến nỗi nhớ anh thành hành động, thành những việc làm cụ thể, hữu ích. Nếu như anh chiến đấu ở nơi xa để bảo vệ tổ quốc thì ở quê nhà chị theo đồng chí đấu tranh để bảo vệ quê hương. Nhớ anh, chị tích cực tham gia lao động sản xuất, làm ra nhiều lúa, nhiều gạo giúp dân làng không lo bị đói, để có gạo tiếp tế cho anh, cho bộ đội. Tình yêu, nỗi nhớ chị dành cho anh đã hoà làm một với tình yêu chị dành cho buôn làng, cho đất nước.
5. Tình yêu quê hương đất nước là cảm hứng thiết tha trong mỗi nhà thơ. Thanh Hải cũng như vậy. Ông viết về quê hương bằng những vần thơ giản dị, tự nhiên, nhưng vẫn không kém phần thơ mộng. Huế trong thơ Thanh Hải hiện lên một vẻ đẹp dịu dàng: “Một tà áo con gái/ Một mặt nước sông Hương/ Một mái chèo đêm sương/ Một cành thông rủ bóng” (
Hát về Huế yêu thương).
Những hình ảnh gần gũi, tưởng như bình thường và ít ỏi nhưng Thanh Hải đã làm toát lên cái hồn riêng, rất đặc trưng của Huế. Về Huế, có ai không say mê trước những tà áo dài thướt tha của người con gái Huế. Ai không một lần ngắm nhìn dòng sông Hương trong ngọt mát lành. Ai không một lần đi đò trên sông Hương trong đêm để được nghe câu hò mái nhì, mái đẩy ngọt ngào, sâu lắng; được ngắm mái chèo khua nước đêm sương cùng cành thông rủ bóng đôi bờ. Những hình ảnh khiến cho Huế không bị trộn lẫn với bất kì vùng quê nào, khiến con người ta yêu, con người ta say dù chỉ một lần đến Huế.
Yêu quê hương, Thanh Hải yêu tất cả những gì thuộc về Huế, yêu cả những mùa mưa dai dẳng đặc trưng của Huế. Thanh Hải gọi đấy là mưa xuân. Nhà thơ nói về mưa với bao cảm xúc ngọt ngào, lắng đọng: “Anh nhé/ Về Huế anh đừng sợ mùa mưa/ dai dẳng/ Bởi vì mưa nên em thương anh năm tháng/ Mưa lâm thâm…” (
Mưa xuân đất này). Mùa mưa trở nên ấm áp làm sao với những lời nhắn nhủ ngọt ngào của người con gái Huế.
Và trong tình yêu của Thanh Hải với Huế không thể thiếu tình yêu dành cho con người nơi đây. Người dân xứ Huế có tâm hồn đằm thắm, dịu hiền, duyên dáng, nhẹ nhàng như dòng sông Hương, như những bông sen trắng, như thiên nhiên ở Huế. Thanh Hải đã tả vẻ đẹp ấy thật dịu dàng: “Tà áo chở một vầng nắng nhẹ/ Chiếc nón nghiêng, nghiêng một tiếng thưa thỏ thẻ” (
Thành phố mùa thu).
Tình yêu quê hương của Thanh Hải không những chỉ hiện lên trong nỗi nhớ, tình yêu với con người, với cảnh vật quê hương mà còn hiện lên trong sự cảm nhận những đổi thay nhỏ bé, tinh tế trên quê hương khi hè qua thu đến: “Bước chân mùa hè đi/ Còn thơm mùi sen trắng/ Dấu chân mùa hè đi/ Phượng hồng còn đỏ nắng” (
Mùa thu về ở Huế).
Không thể để giặc tàn phá quê hương, cả thành Huế xuống đường cứu thành phố khỏi gót giày xâm lược. Điều đáng nói trong thơ Thanh Hải chính là ở chỗ: Huế không chỉ hiện lên trong vẻ đẹp dịu dàng, nên thơ, tình tứ mà Huế còn hiện lên trong vẻ đẹp của không khí đấu tranh, của dáng đứng anh hùng không chịu khuất phục trước quân thù. Đằng sau vẻ đẹp dịu hiền là những tâm hồn phi thường, những trái tim dũng cảm sẵn sàng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, cứu nước cứu nhà: “Có ai hiểu đằng sau tà áo tím/ Những con người biết sống phi thường/ Ai hiểu được khi súng gầm vẫn tiến/ Người Huế ngàn xưa rất đỗi dịu hiền” (
Bài thơ gửi Huế yêu thương).
Không chỉ riêng với Huế quê mình, trong hành trang của người chiến sĩ, Thanh Hải còn có rất nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc với những vùng đất ông đã đi qua. Từ Hà Nội cho đến Cần Thơ, những tên núi, tên sông, tên đất, tên làng trên khắp đất nước Việt Nam và cả nước bạn Liên Xô đều đi vào thơ Thanh Hải tự nhiên với tình cảm yêu mến chân thành.
Trường Sơn cũng đi vào thơ Thanh Hải gần gũi, thân quen như chính quê hương mình. Nhà thơ xúc động khi nhìn những dấu võng còn in lại trên những thân cây trong rừng Trường Sơn, xúc động kể lại đặc điểm, tính cách của từng người thông qua những dấu võng thân yêu ấy: “Hai thân cây xanh/ Vỏ rơi từng mảnh/ Đầu dây ngoằn ngoèo/ Hẳn đây tay nào/ Rất vui rất nhộn/ Nằm đu đưa võng/ Ngắm trời, mây bay” (
Dấu võng Trường Sơn).
Có thể thấy rằng cảm hứng quê hương đất nước là cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt trong thơ Thanh Hải. Chính với cảm hứng này, Thanh Hải đã tạo được một dấu ấn cho mình trong lòng bạn đọc yêu thơ, đặc biệt là bạn đọc miền Bắc khi thơ của các nhà thơ miền Nam được gửi ra Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với cảm hứng quê hương, đất nước Thanh Hải đã hoà cùng mạch thơ chung của cả nước để làm nổi bật được tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước, ý chí căm thù giặc, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
6. Giống như các nhà thơ cùng thời, Thanh Hải ít nói về mình, không đưa cái tôi trữ tình lên vị trí trung tâm. Mãi sau này, nhà thơ mới viết về mình. Các bài thơ như
Ốm,
Quà bệnh viện,
Tôi sinh năm 30,
Không đề... là những bài thơ hiếm hoi của nhà thơ khi viết về mình.
Trong bài thơ
Ốm anh lắng lòng lại nghe cảm xúc ân hận và tiếc nuối mình. Anh ân hận không giúp gì được: “Tôi ốm hơn ba năm/ Vào viện rồi ra viện/ Uống thuốc như ăn cơm/ Tiêm hoài thành chai sạn”.
Trong một bài khác, bài Quà bệnh viện lại là bài thơ thương vợ. Tác giả viết về chị Thanh Tâm, người vợ thuỷ chung, tảo tần của nhà thơ. Mỗi lần chị đến thăm anh là mang đến một món quà lớn: “Tin cuộc đời mang đến/ Vị ngon ngọt hơn cam/ Thơm hơn cành mộc thơm/ Giường anh như bay bổng” (
Quà bệnh viện).
Bài thơ
Không đề được xem là bài thơ hay của Thanh Hải. Đây là bài thơ được viết trên giường bệnh trước khi vĩnh biệt cuộc đời. Giọng thơ trầm lắng, có tính chất suy tư, đượm buồn mà vẫn không dấu được niềm hy vọng trở lại với đời, với những gì thân yêu nhất: “Anh nằm mà ao ước/ Trở lại với cuộc đời/ Dù đi lại được thôi/ Cũng vui em ngày tháng” (
Không đề). Bài thơ
Tôi sinh năm ba mươi (rất tiếc bài thơ này trong
Tuyển tập Thanh Hải, Nxb Thuận Hoá, 2010, lại không có) có thể là chân tự hoạ của nhà thơ: “Tôi sinh năm 30/ Được đi cùng binh lửa/ Những thắng lợi đổi thay… Đặc biệt, trước khi mất, ông để lại bài thơ
Mùa xuân nho nhỏ. Chúng ta có thể coi bài thơ
Mùa xuân nho nhỏ là món quà cuối cùng mà Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc về cõi vĩnh hằng. Trước lúc vĩnh viễn ra đi ông cũng để lại cho đời những vần thơ thật nhân hậu, thiết tha và thanh thản, không hề gợn một nét u buồn nào của một cuộc đời sắp tắt.
7. Nếu ngôn từ là chất liệu của sáng tác văn học thì lời thơ lời văn là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Do đo, nhà văn khi sáng tạo nên tác phẩm, bên cạnh việc tạo ra hệ thống nhân vật, hệ thống hình tượng, thế giới nghệ thuật… thì cũng đồng thời sáng tạo hệ thống lời thơ, lời văn. Cho nên, nghiên cứu hệ thống lời thơ hay lời văn của một tác giả có ý nghĩa quan trọng, vì qua đấy có thể chỉ ra được đặc điểm nghệ thuật riêng và dấu ấn sáng tạo của tác giả.
Trước hết, đọc thơ Thanh Hải, ta thấy Thanh Hải đã sử dụng một hệ thống từ vựng khá phong phú, đa số là các từ thuần Việt kết hợp một cách nhuần nhuyễn với các động từ, tính từ chỉ tình thái. Bản chất từ thuần Việt chứa đựng những sắc thái biểu cảm vừa cụ thể, vừa sinh động. Chính vì vậy việc sử dụng và kết hợp các từ thuần Việt trong thơ, Thanh Hải đã làm cho bài thơ của mình giàu hình ảnh và trở nên gần gũi hơn.
Trong những bài thơ của mình, Thanh Hải sử dụng từ thuần Việt khá linh động và sáng tạo. Nói về màu “xanh”, nhà thơ sử dụng và kết hợp các từ có liên quan: “xanh ngọc bích, xanh thắm, xanh biếc, xanh thẳm, xanh trong, xanh bóng, xanh ngát, xanh xanh, xanh non, xanh mát, xanh lè, xanh lộng lẫy, xanh lồng lộng, xanh yêu thương, xanh hoa trái, xanh lá mới, xanh sắc lá”. Về màu “đỏ” cũng được Thanh Hải kết hợp một cách độc đáo: “đo đỏ, đỏ nọc, đỏ choé, đỏ chói, đỏ ứ, đỏ ngầu, đỏ loang, đỏ rực, đỏ ửng, đỏ hoe hoe, đỏ hây, đỏ tươi, đỏ lửa nung, đỏ báo tin xuân, đỏ mặt người, đỏ mùa nước lũ”. Viết về “cười” nhà thơ dùng: “cười vui rộn rã, cười ha hả, cười hớn hở, cười mỉm mỉm, cười nhoẻn, cười chúm chím, cười thóc mách, cười rúc rích, cười the thé, cười tươi rói”. Nói về “mùi thơm” Thanh Hải viết: “thơm nồng nàn, thơm bền bỉ, thơm ngọt, thơm lừng, thơm nức, thơm ngát, thơm thơm, thơm đất mới, thơm vôi vữa, thơm nòng súng”,…
Tất nhiên không phải lúc nào Thanh Hải cũng sử dụng thành công như chúng ta mong đợi. Thế nhưng với sự độc đáo và sáng tạo cùng với sự kết hợp và sử dụng linh hoạt những từ thuần Việt kể trên đã làm cho thơ Thanh Hải giàu hình ảnh hơn, gợi cảm hơn và gần gũi hơn.
Biện pháp tu từ ngữ nghĩa với hình thức so sánh được Thanh Hải sử dụng cũng khá độc đáo và sáng tạo: “Cát long lanh như ánh mắt đợi chờ/ Ôi quê hương là đôi mắt ngây thơ” (
Ca khúc Cửa Việt).
Ngoài ra, ta còn bắt gặp rất nhiều hình ảnh so sánh trong các câu: “Đoàn người cuồn cuộn tới/ Như đợt sóng tuôn trào” (
Tấm băng vẫn đi đầu); “Từ muôn phương ta lại về đây mãi/ Như máu về tim chảy chẳng ngừng” (
Vài bài thơ viết ở Mat-xcơ-va); “Kìa anh cười đôi mắt long lanh/ Như nước sông Hương trong đôi mắt ấy” (
Một đêm với anh giải phóng quân Huế); “Chân người/ Là đồng/ Lòng người/ Là sắt” (
Huế mùa hè); “Cái nắng tươi như hoa nở mười giờ/ Đến đậu môi em, môi em thành hoa đỏ” (
Chuyện mới Trường Sơn); Bằng việc sử dụng liên từ “như” và động từ “là” Thanh Hải đã đưa ra những hình ảnh so sánh rất mộc mạc, gần gũi và làm cho câu thơ gợi hình, gợi cảm hơn.
Bởi thơ “nói bằng hình ảnh” nên trong thơ của mình, Thanh Hải đã dùng nhiều từ ngữ có tính chất gợi tả, gợi cảm và tạo hình: “Ơi, con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng” (
Mùa xuân nho nhỏ).
Phương ngữ Huế và từ địa danh cũng có mặt trong thơ Thanh Hải. Đây cũng là một hình thức sử dụng các phương tiện tu từ tiếng Việt nhằm tạo sắc thái biểu cảm trong thơ.
Dùng phương ngữ Huế không phải vốn từ của nhà thơ nghèo nàn, cũng không phải dùng cho có vần, có điệu, cái chính là nhà thơ muốn đem những từ ngữ vẫn dùng trong đời sống hàng ngày của nhân dân nơi nhà thơ đã đi qua vào thơ mình. Đồng thời nhà thơ gợi nhớ lại mảnh đất địa phương mà mình đã từng chôn nhau cắt rốn. Chỉ cần nghe những từ “mô, ni, nớ, ảnh, đụt, trộ,…” là chúng ta sẽ liên tưởng đến xứ Huế, đến mảnh đất miền Trung. Hơn nữa, những từ “mô, ni, nớ, ảnh, đụt, trộ,…” ấy kết hợp với chất giọng Huế ngọt ngào, với chất giọng miền Trung sâu lắng đã khiến bao người yêu quý, say mê. Dùng những từ địa phương, một mặt Thanh Hải giúp người đọc gần gũi với ngôn ngữ của nhiều miền quê trên đất nước, một mặt thể hiện được tình yêu của mình dành cho quê hương, đất nước. Chúng ta cảm động biết bao trước những tình cảm của bà má Thừa Thiên: “Bên kia những bụi cùng bờ/ Không tơi không nón đụt nhờ vào đâu/ Con chờ qua trộ mưa rào/ Má sẽ cập bến đò vào, con lên” (
Sang đò đêm mưa).
Nếu như những từ địa phương được Thanh Hải sử dụng để nói lên tình cảm của mình với những mảnh đất ông từng đi qua, với xứ Huế quê hương, giúp người đọc gần gũi hơn với ngôn ngữ của nhiều vùng quê trên đất nước thì những từ chỉ địa danh và tên các nhân vật anh hùng, nhân vật lịch sử lại giúp Thanh Hải nói lên tình yêu và niềm tự hào với đất nước, với con người Việt Nam: “Huế đã đứng lên giữa hai miền yêu mến/ Cho con tàu Long Biên vượt Bạch Hổ đến Hậu Giang/ Cho những cây vú sữa tự phương Nam/ Qua An Cựu để ra xanh vườn Bác” (
Huế nổi dậy rồi). “Đồng Hới, Đèo Ngang, Thanh Tân, Mỹ Xá/ Những vì sao sáng góc trời đông” (
Gửi Quảng Bình).
Các địa danh khác cũng được Thanh Hải đưa vào thơ qua các bài: Một đêm với anh giải phóng quân Huế, O du kích Triệu Phong, Chùm thơ viết ở Quảng Trị, Tình ca viết bên bờ sông Hương, Lăng Cô,… với những địa danh: Triệu Phong, Quảng Trị, Triệu Hoà, An Cựu, Phú Bài, Trường Bia, Long Thọ, Trường Sơn, Thừa Phủ, Lăng Cô,… được Thanh Hải dùng để nói lên tình yêu, niềm tự hào của mình với quê hương, đất nước.
Không chỉ dùng từ địa phương, Thanh Hải còn sử dụng rất nhiều từ láy trong thơ của mình. Có thể nói số lượng từ láy trong thơ Thanh Hải rất phong phú và đa dạng. Thanh Hải sử dụng cả những từ láy hoàn toàn và những từ láy bộ phận trong rất nhiều bài thơ.
Có những bài thơ nhà thơ sử dụng những từ láy hoàn toàn: “Em đi giữa đồng lúa/ Đồng lúa biếc xanh xanh” (
Vượt tuyến).
Ngoài ra ta còn bắt gặp rất nhiều từ láy trong những bài thơ khác của Thanh Hải: “Con đò lơ lửng lửng lơ/ Trời mưa ướt cả thân già, má ơi!” (
Sang đò đêm mưa); “Nắng biếc chao mình giỡn sóng xanh/ Gió thổi,buồm căng trắng bập bềnh” (
Nhìn sông Vit-Tuyn); “Hoa khế rừng tím nhạt/ Từng chùm nhỏ lung linh” (
Tình của rừng); “Dưới gốc dương những hạt cát long lanh/Rơi xuống sổ tay người bí thư chi bộ” (
Ca khúc Cửa Việt)… Có thể nói từ láy hiện diện trong hầu hết những bài thơ của Thanh Hải làm cho bài thơ trở nên duyên dáng, câu thơ trở nên gợi hình, gợi cảm hơn.
Thanh Hải còn sử dụng biện pháp ẩn dụ. Ẩn dụ chuyển từ nghĩa đen sang nghĩa bóng, từ nghĩa trực tiếp sang nghĩa gián tiếp, trên cơ sở tính tượng trưng những dấu hiệu giống nhau về một mặt nào đó của ký hiệu thẩm mỹ giữa đối tượng và hiện tượng theo sự liên quan tương ứng giữa hai nghĩa với ý thức một sự việc so sánh được hiểu ngầm. Biện pháp ẩn dụ được sử dụng trong thơ Thanh Hải cũng vậy: “Anh lấy phong lan che mái lán/ Cây nguỵ trang bỗng nở hoa hồng/ Ai hiểu vì sao ta đánh thắng/ Trong gian nan đẹp một tâm hồn” (
Nguỵ trang).
Bằng những hình ảnh ẩn dụ, Thanh Hải đã nói lên niềm tin yêu cách mạng của mình nói riêng và của nhân dân Thừa Thiên, nhân dân miền Nam nói chung. Cây nguỵ trang nở hoa hồng hay tâm hồn đẹp đẽ của những người chiến sĩ cách mạng, hoa hồng đỏ hay chính là tấm lòng kiên trung theo cách mạng của người cán bộ, màu sen trắng, hương sen thơm hay cũng chính là tâm hồn của người dân xứ Huế anh hùng,…
Điệp ngữ cũng được Thanh Hải sử dụng khá nhiều. điệp ngữ gồm những yếu tố lặp lại các từ, cụm từ, câu hay cả đoạn (điệp khúc) mang ý nghĩa: một mặt là nhấn mạnh, tăng tiến lời thơ; mặt khác tạo ấn tượng, cảm giác mạnh cho người đọc.
Thanh Hải dùng điệp ngữ ở đầu các câu thơ trong rất nhiều bài thơ: “Một tà áo con gái/ Một mặt nước sông Hương/ Một mái chèo đêm sương/ Một cành thông rủ bóng/ Hát về Huế yêu thương”.
Rõ ràng, những từ, những cụm từ được lặp đi, lặp lại trong những đoạn thơ trên đã góp phần làm nhấn mạnh, tăng tiến lời thơ, khiến cho câu thơ càng lúc càng đầy thêm lên. Mặt khác, những điệp ngữ ấy đã tạo ấn tượng, cảm giác mạnh cho người đọc. Người đọc có cảm giác bị ngạt khi tiếp nhận những ý cứ tăng dần, tăng dần. Hơn nữa, những từ, cụm từ được lặp đi, lặp lại còn có tác dụng chuyển tải những cảm xúc của tác giả. Ta có cảm giác như có gì đó thôi thúc, dồn dập trong lòng tác giả, khiến cho những câu thơ cứ dào dạt tuôn ra như những điều “ngẫu nhiên” từ trong tâm tác giả.
Với những phương tiện, biện pháp nghệ thuật kể trên, Thanh Hải đã làm cho những bài thơ của mình gần gũi hơn với bạn đọc, tăng tính thẩm mỹ, gợi hình, gợi ảnh cho những bài thơ của mình.
8. Mỗi nhà thơ có thể sử dụng nhiều thể thơ trong sáng tác của mình. Có những thể thơ sẽ trở thành đặc điểm phong cách của nhà thơ. Trong thơ Thanh Hải, nhà thơ sử dụng nhiều thể thơ khác nhau. Nhưng ở đây chỉ tập trung khảo sát thơ năm tiếng, thơ tự do và thơ lục bát, bởi đây là những thể thơ được Thanh Hải sử dụng nhiều nhất để sáng tác và với những thể thơ này, nhà thơ đã sáng tác nên những bài thơ được xem là hay và xúc động.
Thơ Thanh Hải về cơ bản vẫn theo thơ ca hiện đại nói chung. Nếu thơ ca hiện đại thiên về các thể tự do, 7 tiếng, 5 tiếng và lục bát, thì thơ Thanh Hải thường nghiêng về thể thơ 5 tiếng, tự do, 7 tiếng và lục bát. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt đi sau vào các thể loại phổ biến trong thơ Thanh Hải.
Trước hết là thể loại 5 tiếng. Đây là thể loại được dùng nhiều nhất trong thơ Thanh Hải: 43/146 bài (Chiếm tỷ lệ 29,5%).
Thể thơ năm chữ được Thanh Hải sử dụng rất nhiều và khá thành công trong nhiều sáng tác. Hầu hết những bài thơ hay gây xúc động lòng người của Thanh Hải đều được nhà thơ sáng tác theo thể thơ này. Thể thơ năm chữ, như nhận xét của Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức: “câu thơ gồm năm âm tiết với nhịp thơ ngắn gọn, có khả năng tiến thoái rất linh hoạt” [1, tr.132].
Với thể thơ năm tiếng, Thanh Hải có thể trải dài mạch thơ để kể chuyện.
Mồ anh hoa nở là bài thơ kể về chuyện người chiến sĩ cách mạng bị giặc giết và tình cảm của nhân dân dành cho anh. Một câu chuyện xảy ra ngày “hôm qua”: “Hôm qua chúng giết anh/ Xác phơi đầu ngõ xóm” (
Mồ anh hoa nở).
Bằng những câu thơ năm tiếng, Thanh Hải kể chuyện anh cán bộ đến làng Dương xây dựng cơ sở cách mạng. Anh bị giặc bắt, giặc tra tấn nhưng anh nhất định không khai một lời. Nhân dân làng Dương yêu quý và không bao giờ nguôi nhớ thương anh, kể chuyện về anh: “Đêm đêm dân làng Dương/ Nhóm củi đốt ngọn lửa/ Kể rằng:-núi vẫn nhớ/ Kể rằng: -người vẫn thương” (
Núi vẫn nhớ người vẫn thương).
Chồng tôi không thể về kể chuyện người phụ nữ có chồng theo cách mạng. Giặc tra tấn chị, bắt chị khai anh đang ở đâu, bắt chị phải gọi anh ra đầu hàng nhưng chị nhất định không khai, không gọi. Chị chỉ có một câu “không biết”. Thanh Hải kể về những hình thức tra tấn chị phải chịu đựng và thái độ của chị (
Chồng tôi không thể về).
Cùng với thể thơ năm chữ thì thơ tự do là thể thơ được Thanh Hải sử dụng rất nhiều trong các sáng tác của mình. Theo thống kê của chúng tôi, Thanh Hải đã viết cả thảy 35 bài/ 146 bài, chiếm tỷ lệ 24%.
Như vậy, nói đến thơ tự do là nói đến một hình thức thơ hoàn toàn không bị ràng buộc về mặt vần điệu, số câu, số chữ, giúp cho nhà thơ không bị giới hạn về mặt cảm xúc, tứ thơ bay bổng. Tuy nhiên, thơ tự do vẫn phải cần một số điều kiện riêng cho mình. Về nội dung, bài thơ tự do phải có đầy đủ chất lượng của một sáng tác thơ ca, phải giàu xúc cảm, hình ảnh tập trung, cô đọng, có chất thơ… Về hình thức, thơ tự do phải giữ được sự hài hoà của nhịp điệu.
Thơ tự do cũng được Thanh Hải sử dụng rất nhiều trong các sáng tác của mình. Thanh Hải sử dụng thể thơ này cho những bài viết về Huế, về những vùng đất và con người nhà thơ gặp trên bước đường chiến đấu. Vì thể thơ tự do co giãn tuỳ theo cảm xúc của tác giả nên rất phù hợp với nhà thơ chiến sĩ giàu tình cảm.
Và niềm vui ngỡ ngàng khi một mùa xuân mới lại về trên quê hương, đất nước. Niềm vui khi nhìn thấy cuộc sống đang đổi thay từng ngày hứa hẹn những ấm no, hạnh phúc tươi vui cũng được Thanh Hải diễn tả với những cảm xúc dàn trải: “Khoai mới xanh vồng trên những hố bom xưa/ Đất gỡ xong mìn, nhà dựng đơn sơ/ Cầu thông lối tàu ra vào mấy chuyến/ Vết thương trăm năm, ngàn ngày chưa kín miệng/ Nhưng sức diệu kỳ là những bàn tay/ Sức diệu kỳ là những đổi thay/ Từ sâu thẳm tâm hồn, từ thẳm sâu nếp nghĩ” (
Mùa xuân dáng đứng).
Sự đổi thay ấy là nhờ sức mạnh kỳ diệu của đôi bàn tay, của những tâm hồn không chỉ kiên trì, bền bỉ, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc xâm lăng mà còn bền bỉ, kiên trì, dũng cảm, anh hùng trong sự nghiệp hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, đất nước.
Với thể thơ lục bát, Thanh Hải dùng cũng dùng nhiều: 14 bài/146 bài, chiếm tỷ lệ khoảng 9,6%. Thanh Hải chủ yếu khai thác những đặc trưng vốn có của nó để thể hiện những cảm xúc mới. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong thơ Thanh Hải. Nhịp điệu thông thường trong thơ lục bát thường nhẹ nhàng, uyển chuyển, ngân vang chủ yếu được ngắt theo nhịp 2/2. Những bài thơ của Thanh Hải hầu hết cũng tuân theo nhịp điệu truyền thống này: “Trời mưa/mưa mãi/là mưa// Má ơi/sao má/chẳng đưa/vào bờ// Con đò/lơ lửng/lửng lơ// Trời mưa/ướt cả/thân già/má ơi” (
Sang đò đêm mưa).
Những câu thơ lục bát đã chuyển đến cho người đọc tình cảm nhớ thương, yêu mến của em bé miền Nam hay cũng chính là của Thanh Hải, của đồng bào miền Nam với Bác Hồ. Những câu thơ lục bát nhẹ nhàng, giản dị nhưng khiến người đọc vô cùng xúc động trước tình cảm, trước tấm lòng của nhà thơ.
Giặc chiếm đánh miền Nam chia đôi đất nước. Chỉ cách nhau có một con sông thôi mà muốn gặp nhau cũng phải trải qua bao khó khăn, vất vả, bao gian khổ, hiểm nguy. Để rồi khi gặp được nhau, nghẹn ngào không nói nên lời, mừng đến rơi nước mắt. Thanh Hải đã thể hiện tình cảnh ấy trong những câu thơ lục bát đầy xúc động: “Xa nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây/ Xiết tay ôm chặt lấy tay/ Nói gì, nước mắt tràn đầy đôi môi” (
Tám năm nay mới gặp nhau).
Bây giờ ngày mai kể về cuộc đời của một cô kỹ nữ trên dòng sông Hương. Buồn chán cho số phận chìm nổi của mình, cô đã bao lần toan nhờ dòng sông để kết liễu cuộc đời đầy đau khổ. Nhưng khi cách mạng về giải phóng quê hương, đã làm đổi thay bao cuộc đời, bao số phận. Cô kỹ nữ ngỡ ngàng trước âm thanh của tiếng đàn vui, trước những đổi thay đang đến với cuộc đời mình. Không còn buồn đau, không còn một mình cô đơn giữa rộng dài sông nước. Chỉ còn niềm vui chứa chan khi được làm người con trên quê hương chiến thắng, niềm vui của người được làm chủ cuộc đời mình. Thanh Hải thể hiện niềm vui ấy trong những câu thơ lục bát: “Nỗi mừng chung đến bồi hồi/ Nỗi mừng riêng được làm người chứa chan/ Em nhìn sông nước Hương giang/ Trong veo như một tiếng đàn sang xuân” (
Bây giờ ngày mai). Về thể thơ lục bát, Thanh Hải còn có rất nhiều bài thơ như:
O du kích Triệu Phong,
Đò ta phá Cầu Hai,
Tuyến đầu nở hoa,
Từ trên máy bay,
Đêm hành quân,
Ngủ đêm ở hợp tác xã…
8. Cho đến nay về giọng điệu của thơ Thanh Hải, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau. Hồ Thế Hà cho giọng thơ Thanh Hải là một giọng “cao”. Ông viết: “Giọng cao, có phần hợp với không khi chiến đấu là giọng điệu chủ yếu của thơ ông trước năm 1975 kéo dài đến những năm sau 1975. Thơ ông chưa tạo được những phức hợp các tính chất hiện đại như Chế Lan Viên và các nhà thơ trẻ sau này” [7; tr.559].
Giọng điệu thơ Thanh Hải còn cung bậc khác nữa. Đó là giàu chất suy tư hơn, thâm trầm hơn, đau xót hơn. Hồ Thế Hà khẳng định: “Nỗi buồn thấp thoáng trong thơ đã làm cho giọng điệu thơ Thanh Hải có thêm cung bậc mới” [6; tr.567].
Nhà thơ Mai Văn Hoan thì khẳng định thơ Thanh Hải một nốt trầm xao xuyến. Ông viết: “Thanh Hải vẫn lặng lẽ làm “một nốt trầm” góp vào bản “hoà ca” bằng tập thơ:
Huế mùa xuân” [7; tr.575].
Một điều là so sánh thơ Thanh Hải với thơ Tố Hữu, một người phải nói chịu ảnh hưởng rất nhiều. Thơ Tố Hữu là thơ của tình thương mến. Cho nên nhiều người cho rằng thơ ông có giọng tâm tình.
Thanh Hải là một nhà thơ có giọng thơ gần với nhà thơ Tố Hữu. Tuy nhiên ông khác với thơ Tố Hữu. Ông vẫn có giọng tâm tình. Có điều giọng tâm tình có cái gì đó nó tha thiết hơn, xe xót hơn. Trong bài thơ
Con ơi con cứ đi nhà vẫn có giọng tâm tình, xe xót đó: “Mưa rơi và mưa rơi/ Mẹ già không ngủ được/ Đêm nay biết về đâu/ Con đi trong rét mướt” (
Con ơi con cứ đi).
Trong thơ Thanh Hải có lời hiệu triệu của đứa con yêu nước mình rất rõ. Nhưng lời hiệu triệu thông qua lời kể như các bài
Tấm băng vẫn đi đầu,
Núi vẫn nhớ, người vẫn thương,
Cờ đỏ trên quê ta,
Đoàn biểu tình đi...
Nghiên cứu riêng về lời thơ Thanh Hải chúng tôi thấy nổi bật lên là giọng kể.
Gần như không bài nào anh lại không kể chuyện. Chồng tôi không thể về kể chuyện người phụ nữ theo cách mạng. Giặc bắt chị phải khai, phải gọi chồng về, nhưng trước sau chị chỉ có một câu “không biết”. Bây giờ ngày mai kể về cuộc đời cô kỹ trên dòng sông Hương. Cô đã toan kết thúc số phận chìm nổi của mình, cô đã bao lần toan nhờ dòng sông để kết liễu cuộc đời đầy đau khổ. Rồi khi cách mạng về, đã làm đổi thay bao cuộc đời, bao số phận. Cô kỹ nữ ngỡ ngàng trước âm thanh của một ngày mới. Chỉ có những làm chủ lấy số phận của mình. Thanh Hải thể hiện niềm vui ấy: “Nỗi mừng chung đến bồi hồi/ Nỗi mừng riêng được làm người chứa chan/ Em nhìn sông nước Hương giang/ Trong veo như một tiếng đàn sang xuân” (
Bây giờ ngày mai).
Giọng kể làm cho thơ Thanh Hải trở nên gần gũi, thiết tha. Nhưng cũng giọng này làm cho thơ ông nhiều khi rơi vào kể lễ dài dòng không cần thiết. Đây cũng là chỗ hạn chế của thơ ông.
Thanh Hải là một trong những nhà thơ tiêu biểu của miền Nam ruột thịt trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Hầu hết những bài thơ của ông đều hướng về miền Nam, hướng vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi tập thơ của ông, có vẻ như khác nhau, nhưng đều nhất quán một hồn thơ, một phong cách thơ.
Người đọc cũng yêu cái giọng mộc mạc, tự nhiên, chân chất, bình dị nhưng vô cùng trong sáng, dịu hiền, chan chứa mến thương trong thơ ông. Và phải chăng, “hồn thơ” tự nhiên ấy đã xuất phát từ một tâm hồn lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.
Nói đến thơ Thanh Hải là ta nói đến thơ đa giọng điệu. Thơ ông vừa có một nốt trầm xao xuyến, lại vừa là hiệu triệu của Tổ quốc; thơ ông vừa có lời tâm tình xe xót của bà mẹ, giọng kể của nhiều người... Tất cả đã làm nên đa giọng trong thơ ông.
Lê Tiến Dũng, Phạm Thu Thuỷ
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1999), Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
3. Thanh Hải (1962), Những đồng chí trung kiên, Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Thanh Hải (1977), Dấu võng Trường Sơn, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
5. Thanh Hải (1982), Mưa xuân đất này, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
6. Thanh Hải (1982), Thơ Thanh Hải, Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Thanh Hải (2010), Tuyển tập Thanh Hải, Nxb Thuận Hoá, Huế.
8. Hoài Thanh (1964), Thơ Thanh Hải, một lời ca chân thật bình dị của miền Nam bất khuất kiên cường, Tạp chí Văn học, số 7.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]