Tôi được may mắn là người em kết nghĩa, là học trò nhỏ về văn học của nhà thơ Xuân Diệu từ năm 1960. Những năm sống gần ông, tôi đã được ông giảng giải, đã được cùng ông đàm đạo nhiều về văn học, về cuộc đời. Ông đã để lại trong tôi một tấm gương thật quý báu, cả về đời thường và đời văn.
Tuy là một người sống độc thân, không ai “quản lý”, đốc thúc, nhưng do lòng ham say làm việc trên bàn viết, nên Xuân Diệu thường xuyên có một lối sống rất ngăn nắp, gọn gàng và vô cùng tiết kiệm thì giờ. Ông có một chiếc đồng hồ báo thức nhỏ, hằng đêm khuya, trước khi đi ngủ, bao giờ ông cũng lên dây chuông. Thường thường, về mùa hè thì năm giờ, mùa đông thì năm rưỡi, đợt nào rét đậm thì sáu giờ kém mười lăm là chuông đồng hồ reo. Ông đặt đồng hồ sát ngay đầu giường ngủ. Hễ có chuông reo là ông vùng dậy ngay, không chần chừ. Ông thường bảo: “Hễ mình chần chừ một chút là cái ngại, cái lười nó đè mình liền”.
Việc đầu tiên của Xuân Diệu sau khi ngủ dậy là tập thể dục. Tôi chưa thấy một người nào giàu nghị lực, bền bỉ và liên tục tập thể dục buổi sáng thường xuyên như ông. Ông tập tạ tay, tập Cốc Đại Phong, tập chạy chân đất suốt dọc đường Cột Cờ, lên bể bơi Ba Đình tắm và tập bơi. Xuân Diệu kiên trì như thế hàng chục năm ròng, từ khi còn tráng kiện cho đến tuổi bảy mươi. Các buổi tối khuya, sau khi rời bàn viết và trước khi đi ngủ, ông thường tập thở, làm vài động tác thể dục nhẹ nhàng ở ngay trong phòng làm việc.
Bữa ăn điểm tâm buổi sáng của Xuân Diệu thường là một bát cơm rang, do u Khang người u già giúp việc, làm cho ông. Chỗ cơm ấy là cơm nguội thừa ra của bữa tối hôm trước. Suốt bao nhiêu năm sống với ông, tôi chưa thấy ông đi ăn phở hoặc bất cứ một thứ quà sáng nào. Xuân Diệu rất thích xuống bếp để...“đi thực tế”. Xuân Diệu không chỉ là thi sĩ, là nhà văn hoá lớn, ông còn là nhà “đạo diễn” những món ăn rất bình dân, nhưng tuyệt ngon.
Thường ngày, sau bữa điểm tâm buổi sáng, cứ tám giờ là Xuân Diệu ngồi vào bàn viết. Ông làm việc một mạch cho đến mười một giờ mới nghỉ giải lao, xuống bếp xem u già thổi cơm. Ông giúp u già bóc củ tỏi, tước hành, nếm thìa canh, và trò chuyện an ủi u già Khang. U già Khang là một bà cụ cô đơn, nhưng phúc hậu tuyệt trần, và là một “chuyên gia” nội trợ. Xuân Diệu kính trọng và yêu quý u già Khang như người má ruột rà của mình. Những lần đi công tác ở nước ngoài, dù thời gian bao lâu, ông cũng đều giao tất cả chìa khoá nhà cửa, tủ giả cho u già. Lần nào đi về, ông cũng có quà trao tay trước tiên cho u già. Chỉ là chiếc khăn vuông trùm đầu, đôi bít-tất, hộp thuốc bổ... Nhưng là tất cả sự kính trọng, lòng biết ơn của ông đối với người giúp việc nội trợ tận tâm, tận ý cho mình. Tuy nhiên, cũng như đối với tất cả những người đã trở thành thân tín với ông nhiều lúc ông cũng rầy la u già om sòm, khi gặp phải điều gì đó làm ông nổi nóng. Nhưng cái quý vô song ở nhà thơ, nhà văn hoá Xuân Diệu là ngay lập tức sau đó khi cơn nóng dịu xuống, ông liền ân hận đến xót xa, chủ động xin lỗi u già tức khắc. Sự nổi nóng la lối người thân (kể cả đối với nhiều nhà thơ trẻ đến nhờ ông đọc bản thảo), rồi lại thấy sự nóng tính của mình nhiều khi hơi quá, tự xin lỗi, dàn hoà là cách ứng xử của Xuân Diệu với tất cả mọi người có quan hệ với ông. Đó là nét cá tính đặc biệt của Xuân Diệu. Không phải ông xin lỗi xã giao, mà ông đau khổ thực sự, ông xin lỗi thành thật. Đức tính thật thà, bản tính thành thật là một bản lĩnh lớn và vô cùng quý báu trong con người nhà thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu là một con người, một thi sĩ không biết “thủ đoạn” với ai bao giờ ngoài một trái tim thành thật yêu thương con người hết sức đằm thắm. Ông thành thật với cả những nhược điểm của chính mình. Ai đã sống gần và hiểu Xuân Diệu, chắc chắn đều có cảm nhận này về ông.
Một đức tính nữa, tôi cho là rất quý hiếm, và rất khó thực hiện trong suốt cả cuộc đời, nhất lại là đối với một thi nhân tài hoa và tài năng lớn như Xuân Diệu, là đức tính tiết kiệm.
Xuân Diệu là một người suốt đời tiết kiệm. Tiết kiệm tới mức tối đa. Bất cứ cái gì là của cải do con người làm ra, Xuân Diệu cũng luôn luôn là người trân trọng và tiết kiệm cho tới khi không thể tiết kiệm hơn được nữa. Một đoạn dây buộc, một tờ giấy báo cũ...ông cũng cất vào nơi cẩn thận. Thành ngữ ông thường nhắc mọi người nhớ là: “Lâm sự có khi dùng”. Rất nhiều bản thảo văn xuôi của ông được viết trên những mặt giấy trắng phía sau các bản tin tham khảo, hoặc các tờ giấy vẽ của thằng cháu Hà Vũ đã bỏ đi. Xuân Diệu mặc quần đùi vá, áo may ô cũ chắp sửa lại, đi dép nhựa vá... là chuyện bình thường. Có lần mua tăm tre về, thấy những cái tăm quá to, ông còn nhờ u già chẻ đôi những chiếc có thể chẻ, cắt ngắn làm hai, vót nhọn một đầu rồi mới dùng. Đương nhiên đó là việc tiết kiệm thái quá, tự ông làm khổ ông. Nhưng qua một chi tiết này, để tôi muốn nói rằng, Xuân Diệu tuy là một người tiết kiệm cực đoan như thế, song cũng chính ông lại là người hay giúp đỡ, cưu mang người khác hơn ai hết. Trong làng văn cũng đã có người được ông trợ giúp tiền mua xe đạp, có người còn được ông biếu một chỉ vàng lúc gặp khó khăn. Ngoài đời, không ít người được ông cho không cả một chiếc xe đạp ngoại, hoặc cho tiền làm nhà. Bản thân tôi, khi tôi còn trong mặt trận miền Nam, mẹ tôi bị bom mất ở quê Nghệ An năm 1968, ông đã gửi qua đường bưu điện về trợ giúp thầy tôi hai trărn đồng. Hai trăm đồng bấy giờ là một khoản tiền khá lớn.
Nhà thơ Xuân Diệu là một người kỳ lạ như thế. Khi chi tiêu cho mình thì ông tính toán chi li từng đồng, nhưng khi cần giúp người khác thì tiền nghìn, ông cũng sẵn lòng. Trong ngăn kéo bàn làm việc của ông thường để sẵn những đồng xu tiền lẻ để hàng ngày thanh toán tiền chợ hết sức sòng phẳng với u già giúp việc. Nhưng cũng chính ông đã bỏ cả tiền nghìn để lo hậu sự, mồ yên mả đẹp cho u già mãi tận quê Nam Định.
Cả cuộc đời Xuân Diệu không nghiện bất cứ một thứ gì, từ rượu đến cà-phê, nước chè, thuốc lá, bia... ông luôn luôn, ngày cũng như đêm, sáng cũng như chiều, ngày thường cũng như lễ Tết, là một người vội vã, cập rập chạy đua với từng giọt thời gian để làm việc.
Thường thường, sau bữa cơm trưa, Xuân Diệu nằm nghỉ nửa tiếng, đến một giờ. Mùa hè thì ông đặt quạt xa giường, để khỏi mát quá, gây ngủ sâu, khó dậy. Mùa đông, ông không đắp chăn, để khỏi ấm sinh ham ngủ. Ông ngủ vùi chập chờn như thế đến một giờ, hoặc một rưỡi chiều, chuông đồng hồ reo là dậy được ngay rửa mặt hoặc tắm qua loa, rồi ngồi vào bàn làm việc. Ông ngồi một mạch cho tới khi u già thổi cơm chiều mới nghỉ giải lao; xuống bếp xem u già làm cơm ít phút. Sau đó, ông lại lên phòng, bật đèn bàn, ngồi viết tiếp cho đến tận bữa ăn tối. ăn xong, nghỉ ngơi chừng một tiếng, bằng cách mang cái giường bạt hoặc cái ghế phô tơi ra nằm lặng lẽ một mình dưới gốc cây hoàng lan đại thụ phía trước cổng. Sau đó, ông lại ngồi vào bàn, làm việc mải mê đến mười giờ rưỡi, hoặc mười một giờ đêm. Đó là lịch trình làm việc theo thông lệ. Còn những lúc gặp bài vở các báo hoặc nhà xuất bản đặt gấp thì ông thường thức đến một hai giờ sáng, để đọc, tra cứu, viết. Tuy vậy, sáng hôm sau ông vẫn dậy sớm, không, ngủ “rốn” để bù chỗ thiếu ngủ tối hôm trước. Do làm việc ở một cường độ luôn luôn căng và cao như thế, nên Xuân Diệu thường bị đau đầu, đau thần kinh. Rất nhiều khi đang viết, ông phải rời bàn ít phút, ra nhúng đầu vào nước lã, hoặc dùng tạ tay đập đập vào sau đầu, vào hai bên vai, vào gáy khá mạnh. Những lúc như vậy ông thường một mình lầu bầu, thở dài: “ấy chà chà!... ấy chà chà!...”.
Bao nhiêu thời gian mà cuộc đời cho Xuân Diệu, ông dồn cả vào văn nghiệp. Ông thường tâm sự: “Thời giờ cũng ví như một súc vải. Mỗi người phải biết tính toán để cắt may được những bộ quần áo, đừng xé vụn ra, cuối cùng thì chỉ được một cái mùi-xoa hạng bét!”.
Suốt đời cầm bút, Xuân Diệu đã làm việc với nỗi niềm thúc hối ấy trong sâu thẳm tiềm thức của mình, không kể ngày đêm, không biết lễ Tết. Ngay như Tết Nguyên đán hằng năm cũng vậy, ông làm việc, viết lách suốt cả đêm ba mươi, một mình đặng lẽ đón giao thừa bằng một chén rượu mạnh ngay bên cái tủ ly bằng gỗ tạp - thường là rượu vốt-ca của Nga. Bởi thế sinh thời ông thường tự càu nhàu với chính mình và với những người thân gần gũi ông: “Tôi phải tự làm “con trâu” kéo cày khổ sai, phải tự “xích” chân mình vào chân bàn phải “nạo” óc ra mới có văn, mới có tác phẩm!”
Xuân Diệu đã tự nói về mình không sai sự thật một chút nào.
Hoàng Cát