Là người chuyên tâm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu mới về nhà thơ Hàn Mặc Tử gần 30 năm qua, tôi đã đi gần hết các nơi ông sinh sống, làm việc và qua đời.
Tôi vui mừng khi đến tư gia nhà thơ Quách Tấn ở 12 Bến Chợ - Nha Trang xin được tập thơ
Một tấm lòng xuất bản năm 1939, có nhiều bài thơ Đường luật xướng hoạ giữa Hàn Mặc Tử và Quách Tấn, mà trong đó có chữ ký “bệnh hoạn” của Hàn Mặc Tử ở cuối bài Lời Bạt. Và nhân tiện cũng tại Nha Trang, tôi đến xin giáo sư Võ Văn Côn (tức nhà văn Châu Hải Kỳ) bản sao học bạ trường Pellerin Huế mà cậu học trò Nguyễn Trọng Trí học từ năm 1928 đến năm 1930. Năm 1991, tôi ra khu điều trị phong Qui Hoà - Qui Nhơn, gặp bác sĩ giám đốc Nguyễn Hữu Ngoạn và xin ông lục cho giấy nhập viện của bệnh nhân số 1134 Nguyễn Trọng Trí ngày 20-9-1940. Đầu năm 1996, trên đường đi tìm tư liệu bổ sung cho cuốn sách
Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử của tôi sắp ra đời, tôi đã được ông Nguyễn Đức Trinh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hoà Khánh (QNĐN) và linh mục Joe. Nguyễn Văn Thông - chánh xứ Hoà Khánh chân tình giới thiệu đến giáo xứ Tam Toà - Đà Nẵng tìm “giấy rửa tội” của cậu bé trai sinh ngày 22-9-1912 tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới.
Khi được biết tôi là người đã gửi thư nhờ giáo sư lục trước đó, Linh mục chánh xứ Phao Lô Lê Đình Chiến nói rõ ông đã tìm không có và ông nghĩ chắc chắn Hàn Mặc Tử không được “phép rửa tội” tại giáo sứ Tam Toà (trước đây ở Đồng Hới). Nghe vị chánh xứ Tam Toà đời thứ 63 khẳng định Hàn Mặc Tử không phải là con chiên của họ đạo mình, nhưng lòng tôi vẫn tin tưởng là có nên tôi đã khẩn khoản xin ông lục lại kỹ hơn.
Sau một giờ lần giở, chăm chú đọc kỹ từng trang ở cuốn thứ 2 từ 1905 đến 1914 của giáo xứ và hỏi “kiểm tra” thấy tôi hiểu biết về cha mẹ Hàn Mặc Tử, tên thật, Thánh danh, thì ông vui mừng bảo tôi lại gần xem trang ghi ngày, số thứ tự giáo dân bằng chữ la tinh. Ông đã dịch cho tôi nghe bằng chữ Việt như sau: “- Số thứ tự 437 - ngày 15 tháng 9 năm 1912 - tại giáo xứ Tam Toà - một bé trai sơ sinh - sinh ngày 22 cùng tháng như trên (tháng 9) - tại làng xứ Tam Toà - con ông Vincent Thầy Toản và bà Maria Duy được chịu phép rửa tội do tôi ký tên dưới đây mang tên Thánh Francois (Phan xi cô) - người cha đỡ đầu là Francois Thầy Thông Hài ở cùng địa phương giáo xứ. Tôi chứng nhận - giuse Trần Phan-Linh mục bản quốc”.
Cùng tham dự niềm vui mừng khôn tả với linh mục chánh xứ và tôi hôm ấy còn có ông Nguyễn Thanh Kim - Phó chủ tịch Uỷ ban đoàn kết công giáo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến viếng thăm giáo xứ trong dịp đầu năm.
Hàn Mặc Tử ơi! Từ 55 năm sau khi ông qua đời đến nay, ai cũng đều viết sai về Thánh danh “rửa tội” theo tôn giáo (công giáo) của ông. Đến cả ông Nguyễn Bá Tín (em ruột kế Hàn Mặc Tử) trong sách hồi ký
Hàn Mặc Tử - Anh tôi (NXB Văn nghệ TPHCM, 1991) cũng đã ghi nhầm tên Thánh rửa tội là Phêrô, Thánh thêm sức là Phan xi cô Xavit (trang 12 chương
Một ít lịch sử dòng họ, sđd).
Còn ông Quách Tấn là nhà thơ, bạn thân Hàn Mặc Tử được gia đình giao toàn bộ di cảo, thế mà vẫn viết từ năm 1959 ở
Đôi nét về Hàn Mặc Tử là “tên Thánh là Phêrô Phanxicô” (trang 27 thơ Hàn Mặc Tử - Sở VHTT Nghĩa Bình xuất bản 1988, in lần thứ hai có bổ sung).
Nhà thơ Chế Lan Viên là bạn thân cận nhất ở Qui Nhơn mà khi làm
Tuyển tập Hàn Mặc Tử (NXB Văn học, 1987) ở trong tiểu sử vẫn viết Hàn Mặc Tử “tên Thánh là Pierre kế đó là Prancois” (sách trên tái bản 3 lần).
Để xác minh “giấy rửa tội” có tên Thánh danh cha mẹ nhà thơ Hàn Mặc Tử đúng như mộ phần tôi đã cùng nhà thơ, nhà giáo Mai Văn Hoan đang giảng dạy chuyên văn trường Quốc học Huế và nhà văn nhiếp ảnh Lê Đức Bổn đến viếng mộ cụ Vincent Nguyễn Văn Toản ở ngọn đồi sau nhà thờ Phường Đức, gần đền thờ Thánh tử đạo Tống Viết Bường và đình làng Dương Xuân Thượng, thuộc thôn Thượng Bôn, ấp Sơn Điền, xã Thuỷ Xuân, ở ngoại vi thành phố Huế.
Trước đó, vào dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8-12-1995), tôi đã cùng các bạn văn: Nguyễn Thanh Xuân, Trần Viết Dũng và Trần Hoa Khá ở Qui Nhơn đến kính viếng mộ mẹ Hàn Mặc Tử là cụ Maria Nguyễn Thị Duy ở Gồ Bồi, thôn Tùng Giảng, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Sau khi công bố tư liệu quý này, tôi sẽ tiếp tục đi tìm “giấy thêm sức” (với người Công giáo, sau khi chịu phép rửa tội lúc mới sinh. Từ 6 đến 10 tuổi được cho học giáo lý và chịu phép thêm sức) của Hàn Mặc Tử xem có phải tên Phêrô hay không vì “Phanxicô” đã rõ tên là Thánh rửa tội rồi.
Tiện đây, tôi xin thành thật cám ơn đối với Linh mục Phao Lô Lê Đình Chiến đã khổ công lục sao tặng “giấy rửa tội”, ảnh nhà thờ Tam Toà nguyên vẹn khi xưa và băng nhạc phổ thơ Duyên kỳ ngộ của Hàn Mặc Tử. Và tôi cũng không bao giờ quên truyền thống mẫu mực của giáo xứ Tàm Toà vì đã gìn giữ tốt đẹp những hồ sơ, sổ sách vẹn toàn qua gần hai thế kỷ thành lập với những cuộc chiến ác liệt, phải di dời từ Đồng Hới đến Đà Nẵng.
Phạm Xuân Tuyển
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]