Trong số những gương mặt nữ làm thơ từ trước Cách mạng Tháng Tám, Anh Thơ là người có sức viết bền bỉ và dồi dào hơn cả.
Anh Thơ bước vào làng thơ từ khá sớm. 16 tuổi bà đã có thơ đăng trên báo Đông phương, và năm 1939, khi vừa 18 tuổi, tập
Bức tranh quê của Anh Thơ đã giành được giải thưởng thơ của Tự Lực văn đoàn.
Vừa xuất hiện, tập thơ đã được nhà văn Nhất Linh và nhà phê bình Hoài Thanh dành cho những lời giới thiệu trân trọng. Kể từ ngày đó, tập thơ đã ghi một dấu ấn quan trọng trong hành trình nghệ thuật và là điểm sáng nhất trong đời thơ của bà.
Nó gắn liền với tên tuổi nhà thơ và tạo cho bà một phong cách riêng, gần gũi quen thuộc với cảnh và người của làng quê Việt Nam. Ưu điểm nổi bật của tập thơ này là ở bút pháp tả cảnh. Chỉ qua vài chi tiết chọn lọc, tác giả đã gợi được cả thần thái của cảnh vật.
Ngày đó cuộc đời của nữ sĩ gắn với dòng sông, bến nước, con đò, với những luỹ tre xanh bao bọc xóm làng. Cảnh vật đi vào lòng người rồi đi vào thơ rất tự nhiên, giản dị. Bức tranh quê được giải thưởng, nhiều tờ báo từ Bắc tới Nam đã có bài về sự kiện này.
Ở Thái Bình, Sài Gòn... đã có triển lãm tập thơ dưới hình thức thơ thêu trên nền satanh trắng. Thành công bước đầu ấy đã tạo cho nữ sĩ niềm hứng khởi và tự tin rất lớn. Bà trở thành gương mặt nổi bật nhất của tao đàn Anh Hoa ở thị xã Bắc Giang, và tên gọi “nàng thơ áo trắng sông Thương” cũng được bạn bè dành tặng cho bà từ đó.
Không chỉ đem lại những hào quang trong văn chương mà nó còn là cầu nối dẫn đến một mối tình thơ lãng mạn giữa tác giả
Bức tranh quê và nhà thơ Nguyễn Bính.
Sau khi tập thơ được giải thưởng, Anh Thơ nhận được một bức thư của Nguyễn Bính gửi qua một người anh họ vốn là bạn của nhà thơ. Bức thư hết lời ca ngợi nữ sĩ đã có những bài thơ tả thôn quê rất đẹp. Rồi sau đó là những lời ngỏ tình cảm với Anh Thơ, người không hẹn mà thành đồng điệu. Đọc bức thư, Anh Thơ rất xúc động vì lời lẽ thiết tha đầy tình cảm.
Sau đó, hai người đã trao đổi thư từ. Nguyễn Bính viết thư rất hay và gửi tặng bà nhiều bài thơ. Ông gọi Anh Thơ là “công chúa của thơ mình”, khiến cô thiếu nữ vừa thích thú vừa tự hào. Nhất là khi trên
Tiểu thuyết thứ năm đăng bài thơ
Vẩn vơ của Nguyễn Bính với lời đề tặng “Xa gửi nàng thơ áo trắng sông Thương”:
… Đã bảo không không được một ngày
Rồi yêu tất cả buổi chiều nay
Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá
Không biết là mưa hay nắng đây
Lâu nay tôi thấy ở hồn tôi
Như có tơ vương đến một người
Người ấy, nhưng mà tôi chả nói
Tôi đành “ngậm miệng” nữa mà thôi!
Oán đã bao la hận đã nhiều
Cớ sao tôi vẫn chả thôi yêu?
Tôi đi mãi mãi con đường ấy
Qua lại luôn luôn sáng lại chiều?
Khỏi phải nói khi đọc bài thơ Anh Thơ đã vui sướng và kiêu hãnh đến mức nào. Trái tim thiếu nữ của bà rung lên những nhịp đập bồi hồi và đã xây cho mình bao giấc mộng khi tình yêu và thơ ca được chắp cánh thăng hoa. Nhưng rồi khi va đập với thực tế, giấc mộng đó đã tan thành mây khói.
Sau một lần Nguyễn Bính từ Hà Nội lên Bắc Giang tìm gặp Anh Thơ, những cử chỉ, lời nói sỗ sàng cộng với vẻ ngoài “nhếch nhác” của nhà thơ đã khiến bà e ngại. Tình yêu chỉ đẹp khi nó được chiếu qua lăng kính của thi ca. Tự cảm thấy tính cách của hai người không hợp nhau nên từ đó Anh Thơ không duy trì liên lạc với nhà thơ Nguyễn Bính nữa.
Trong phong trào Thơ mới nói riêng và trong nền thơ Việt Nam hiện đại nói chung, Nguyễn Bính và Xuân Diệu được đánh giá là hai nhà thơ tình lớn nhất nước ta. Và thật thú vị khi cả hai nhà thơ đều đã có “cảm tình đặc biệt” đối với nữ sĩ Anh Thơ.
Nếu như với Nguyễn Bính, tình cảm giữa hai người chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn thì giữa Anh Thơ và Xuân Diệu có một tình bạn bền chặt, lâu dài. Bà luôn coi Xuân Diệu là một người bạn chí tình và đầy nhiệt huyết.
Lần đầu tiên Anh Thơ được nhìn thấy Xuân Diệu là trong một buổi diễn thuyết. Ông nói chuyện, đọc thơ thật say sưa và truyền cảm dường như muốn bộc bạch tất cả tâm can và nỗi lòng của mình với người nghe. Ấn tượng ban đầu thật tốt đẹp.
Lúc đó Xuân Diệu đã làm rất nhiều thơ và có nhiều bài hay. Nhưng Anh Thơ thích nhất một bài trong đó có câu “Thiếu nữ nhìn xuân đứng mỉm cười”… bởi vì nó nói đúng tâm trạng của bà khi đó.
Sau này, cùng hoạt động văn nghệ nên hai người có điều kiện để gặp gỡ nhau nhiều lần. Qua những buổi chuyện trò và trao đổi về thơ ca, tình bạn giữa họ ngày càng trở nên thân thiết. Nhưng lúc đó bà chỉ nghĩ rằng: được làm bạn với một nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu là điều may mắn và hạnh phúc biết bao.
Thời gian qua đi, cả hai người đều “mải” làm thơ mà “quên” mất chuyện riêng tư nên vẫn cứ cô đơn. “Không lẽ để cho hai con người giàu tâm hồn và nhân hậu ấy cứ đơn chiếc mãi?”, nhà thơ Hằng Phương là người bạn chung của cả hai người đã nghĩ như vậy.
Và bà đã rất nhiệt tình làm mối cho hai bạn. Hằng Phương đã tạo ra nhiều tình huống như tổ chức liên hoan, đi chơi đây đó để Xuân Diệu và Anh Thơ có dịp gần gũi nhau.
Thế rồi, cũng vì sự “gán ghép” đó mà tình bạn giữa hai người vốn hồn nhiên, vô tư bỗng trở nên ngại ngần, xa cách. Nhưng dù sao giữa hai người còn có tình đồng nghiệp, nên chẳng bao lâu, họ đã vượt qua những e ngại để giữ lại trong lòng mình tình bạn chân thành.
Có lần nghe tin Xuân Diệu bị đau khớp, Anh Thơ đã tự tay chế thuốc theo bài thuốc gia truyền của gia đình để gửi Hằng Phương mang đến cho Xuân Diệu.
Nhận được gói thuốc, Xuân Diệu vô cùng cảm động. “Bà mối” Hằng Phương cứ phấp phỏng đợi chờ hi vọng một kết thúc có hậu sẽ đến với hai người. Nhưng tiếc rằng họ “hữu duyên” mà “vô phận”. Xuân Diệu đã đón nhận tình cảm của Anh Thơ đúng với danh nghĩa tình bạn. Ông đã viết cho bà một lá thư rất chân tình và thắm thiết.
Trong đó ông nói rằng ông rất quý mến và trân trọng một con người có nhân cách và đầy tình cảm như Anh Thơ. Nhưng giữa hai người chỉ nên giữ lại tình bạn.
Bởi vì, theo ông, hai người cùng làm thơ không nên sống với nhau. Xuân Diệu cảm ơn tình cảm của Anh Thơ đã dành cho mình và hứa sẽ luôn bên cạnh để giúp đỡ bà. Và ông đã thực hiện lời hứa của mình. Nhiều bài thơ của bà chỉ cần Xuân Diệu sửa chữa một chút thôi cũng nổi bật và hay hơn hẳn.
Trong đời thường ông cũng rất quan tâm đến bạn. Nghe tin Anh Thơ tập xe đạp, ông cũng kịp thời động viên, khuyến khích. Ngày cưới của Anh Thơ, Xuân Diệu đã mang đến một bó hoa rất đẹp và còn làm thơ chúc mừng hạnh phúc của bạn. Bài thơ Biển của Xuân Diệu ra đời khi ông cùng với các đồng nghiệp, trong đó có Anh Thơ đi công tác ở đảo Cô Tô.
Khi nghe tin Anh Thơ sắp ra mắt tập hồi ký
Từ bến sông Thương, Xuân Diệu đã vội đến thăm và chúc mừng bạn. Ông còn nói đùa: Con gà tức nhau tiếng gáy, bởi thế ông cũng phải viết hồi kí. Tiếc thay, ông chưa kịp thực hiện mong ước này. Khi nghe tin Xuân Diệu mất, Anh Thơ đã viết bài Nhớ bạn thơ Xuân Diệu để thể hiện tình cảm chân thành, sâu nặng của mình:
Anh đã đi rồi? Đi thật sao…
Tôi không tin nước mắt vẫn trào.
Bạn già lác đác còn dăm bạn,
Vắng một người thôi, mấy quạnh hiu?
Từ nay ai sẽ bình thơ Bác?
Những tháng Năm về nhớ Bác xa.
Ai lượm vần thơ cùng thực tế,
Này rừng, này biển, nước non ta.
Những má già ở tận Năm Căn
Những cụ trồng cây đồi sỏi cằn
Ai sẽ khom mình vào mái lá?
Bát cơm nhớ mãi nghĩa tình dân.
Ai đạp xe băng vào bóng tối?
Buổi đầu chống Mỹ, chúng ta đi…
Vừa qua cửa tử, nhanh tin điện
Cho bạn yên lòng, đợi giữa khuya.
Một trái tim mang vạn trái tim
- Vẫn khát màu xanh, đắm điệu huyền
Mùa xuân sắp tới, sao anh vội?…
Nghìn xưa cỏ nối nghìn sau duyên!
Còn hẹn cùng tôi ghi cuộc đời
- “Tuổi mình ngày tháng vụt qua thôi!
Phải giành, phải giật thời gian viết
Chớ lữa lần chi, kẻo lỡ… rồi!”
Tôi ở miền Nam chờ sách in
Mang về tặng bạn, đâu ngờ tin…
Còn ai hớn hở vui cùng nữa?
Lời chí tình xưa mấy thuở quên.
Lưu Khánh Thơ
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]