Thiếu phu nhân (vợ hai) của Đinh Nho Hoàn là Phan Thị Viên. Nhiều sử, sách đã chép về bà, như
Hoàng Việt nhất thống chí của Lê Quang Định,
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Bản kỷ lục biên;
Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm,...Các tài liệu đều ghi bà Phan Thị Viên là một thiếu nữ có đủ tố chất công, dung, ngôn, hạnh, đoan trang, lễ độ, thêu thùa khâu vá lành nghề, có tài văn thơ nổi tiếng, được vợ cả của Đinh Nho Hoàn yêu quý. Bà Viên về nhà chồng năm 16 tuổi (có tài liệu viết 15 tuổi), cùng Đinh Nho Hoàn xướng hoạ thơ văn rất tương đắc. Các bài xướng hoạ được chép lại trong tập
Quan thư hoà minh. Khi ông lên đường đi sứ, bà Viên đã cùng chồng qua sông Nhị Hà, tiễn ông đến trạm Lã Côi. Lúc chia tay, bà viết liền một lúc 10 bài thơ rồi nói: “Xin dâng ngài xem lúc đi đường cũng coi như thiếp đi theo vậy”. Đáp lại, ông cởi chiếc áo đang mặc, trao cho bà.
Nghe tin ông mất, bà đã lên tận biên giới đón thi hài ông. Sau tang lễ, bà đã xé tấm áo ông tặng làm dây thắt cổ tự vẫn (cũng có tài liệu viết là sau khi mãn tang ông). Ông qua đời ở tuổi 45-46, còn bà khoảng 20 (có tài liệu viết 19 tuổi, có tài liệu chép là 21). Ngày nay, mới sưu tầm được 03 trong số 10 bài thơ tiễn ông, cùng bài văn tế chồng, thư tạ bà Lê phu nhân (vợ cả của Đinh Nho Hoàn) và thư tạ mẹ của bà Viên, viết trước khi bà tự vẫn.
Được tin bà tuẫn tiết vì chồng, triều đình đã ban sắc phong là “Á Thận phu nhân”, cho lập từ đường và ban biển vàng đề hai chữ “Tiết phụ”.
Đền thờ của ông bà nay gọi là đền Gôi Mỹ (còn gọi là Gôi Vị), được lập ở Yên Ấp, quê ông, nay là xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã được xếp hạng Di tích Văn hoá cấp tỉnh và đang được đề nghị là Di tích Văn hoá cấp Quốc gia.
Đinh Nho Hồng
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]