Chuyện tình của các nữ thi sĩ Việt Nam cũng có nhiều điều lạ. Trong đó, trường hợp của nữ thi sĩ Anh Thơ phải gọi là… rất lạ, bởi nó không chỉ là trái ngang, là đau đớn, mà còn đẩy “nạn nhân” vào những tình thế hết sức oái oăm, khiến bà lắm lúc chỉ còn biết ôm đầu mà thở than “Cho hay muôn sự tại trời…”

Theo lời kể của chính nữ thi sĩ Anh Thơ (trong tập hồi ký Từ bến sông Thương) thì người đầu tiên dám đến tận nhà bà để bày tỏ tình cảm của mình là một sinh viên Trường cao đẳng Luật học. Anh chàng này đã bị dội gáo nước lạnh khi bà nội của Anh Thơ từ trong buồng bước ra nói thẳng: “Gia phép nhà tôi không cho phép trai gái tự do gặp nhau. Nếu muốn lấy cháu tôi thì phải về nói với bố mẹ, để bố mẹ có manh mối hẳn hoi, mang lễ đến chạm ngõ cẩn thận, thì mới được thấy mặt cháu tôi.” Anh sinh viên xấu hổ ra về, chẳng mảy may khiến nữ thi sĩ tương lai bận lòng, vì trong thâm tâm, bà luôn mơ có người yêu là… thi sĩ.

Rồi bà cũng được một nam thi sĩ để mắt tới. Đó là một tác giả khá nổi tiếng trên thi đàn thời ấy. Trong cuốn hồi ký nhắc tới trên, bà viết tắt tên ông là B. Thoạt đầu, thông qua người anh con ông bác ruột của Anh Thơ, nhà thơ B. đã chủ động gửi những lời tỏ tình nồng thắm tới nữ thi sĩ, người cũng từng được giải thưởng thơ của Tự lực văn đoàn như ông và cũng có những vần thơ hay viết về thôn quê. Cứ vậy, tình cảm hai người được nuôi dưỡng thông qua những lá thư, để rồi một ngày, B. bất ngờ tìm về tận quê của “người trong mộng”.

Có thể nói, cái hình thức không thật “bắt mắt” cùng với những cử chỉ sàm sỡ của B. đã khiến Anh Thơ vừa thất vọng vừa hoảng sợ, đặc biệt là khi B. ngồi sát lại bên bà, nói tuột quan điểm: “Tình yêu thì cần gì phải mối lái, cưới xin? Sao em không nghĩ yêu nhau thì theo nhau…” Đất dưới chân Anh Thơ như sụp xuống. Ảo mộng tan tành. Là một con nhà nề nếp gia phong, làm sao bà có thể chấp nhận lối sống buông thả như thế.

Người đàn ông đầu tiên đem đến cho Anh Thơ những giây phút thăng hoa thực sự trong tình yêu chính là thi sĩ Cẩm Văn. Hai người quen nhau tại Nhà xuất bản Nguyễn Du. Bấy giờ Anh Thơ đã là nữ ký giả, còn Cẩm Văn là biên tập viên xuất bản. Cẩm Văn là một người có quan điểm học thuật tiến bộ, và khá tinh tế trong cảm thụ văn chương. Đến với Cẩm Văn, đã có lúc Anh Thơ mãn nguyện thả tâm hồn mình đến với bao bến bờ mơ ước. Thậm chí, thông qua “bà mối” Vân Đài, Cẩm Văn đã thực hiện thành công lễ chạm ngõ.

Ai cũng nghĩ, việc trăm năm của đôi bạn trẻ đã chắc như đinh đóng cột rồi, vậy mà… Theo nữ sĩ Anh Thơ “hồi ức” lại thì sau gần một tháng xa cách nhau, từ Hà Đông, bà đi tàu điện ra Hà Nội. Khi tới cổng NXB Nguyễn Du (ở phố Hàng Đẫy, nơi Cẩm Văn làm việc), bà thấy đèn điện bật sáng hai tầng nhà. Có bóng người thấp thoáng xen lẫn tiếng đàn bà. Đoán có vợ chồng người bạn nào đó đến thăm Cẩm Văn, Anh Thơ cứ thế điềm nhiên bước thẳng lên gác.

Một cảnh tượng bất ngờ khiến bà chết lặng: Cẩm Văn đang ngồi bên một cô gái khoảng 24, 25 tuổi, mắt nhìn khắp lượt con người cô một cách “rất âu yếm”. Còn cô gái thì lả lơi dựa sát vào Cẩm Văn. Trong thoáng chốc, bà quỵ xuống sàn gác. Và khi tỉnh lại, mặc cho Cẩm Văn và cô gái nọ ra sức thanh minh, rằng cô ta “chỉ đến để hát ca trù” cho Cẩm Văn nghe, Anh Thơ đã bật dậy, vụt bỏ chạy như… ma đuổi. Có lẽ, đến mãi sau này bà vẫn không sao giải thích nổi, tại sao một người có học như Cẩm Văn mà lại “đánh bạn” với ả cô đầu già, thậm chí còn lả lơi, buông cái nhìn mê đắm cô ta, một người mà xét về mọi phương diện đều thua kém Anh Thơ rất nhiều.

Sau khi tan vỡ giấc mộng vàng với Cẩm Văn, Anh Thơ trở nên… khó yêu hơn trước. Bà cũng “cảnh giác” hơn nhiều trước những lời đường mật của cánh mày râu.

Đã có lúc, bà phải thẳng thừng từ chối lời tỏ tình của một người đàn ông bởi người này, oái oăm thay lại chính là… đức lang quân của cô bạn gái thân thiết của bà.

Đã có lúc bà được tổ chức vận động lấy một tiến sĩ người Đức, bấy giờ đang chiến đấu trong quân ngũ ta. Vì sự nghiệp chung, bà đã đồng ý, song sau đó tổ chức cân nhắc lại và quyết định dừng phương án này. Kết quả là bà bị “lỡ nhịp” với một người con trai đất Việt mà bà thầm yêu trộm nhớ…

Cũng khoảng thời gian trên (giai đoạn kháng chiến chống Pháp) đã có một người đàn ông yêu Anh Thơ đến độ sau khi “bị động lấy vợ” đã “lại tự động xin ly dị vợ” (chữ của Anh Thơ) và trước khi qua đời vì bạo bệnh, ông đã than thở với con gái một người bạn: “Suốt đời chú chỉ yêu mình cô Anh Thơ mà chả được chung sống cùng cô”.

Nhà thơ Xuân Diệu (theo hồi ký Bên dòng chia cắt của Anh Thơ) cũng từng tính chuyện trăm năm với bà, song rồi cân nhắc trên nhiều phương diện, ông đã viết thư cho Anh Thơ xin được từ bỏ ý định trên “tôi không muốn làm khổ đời chị. Vì chị lấy tôi sẽ không hạnh phúc đâu”.

Thật là một sự trớ trêu đối với Anh Thơ: Trong khi Xuân Diệu lo không mang lại hạnh phúc cho bà (ai cũng hiểu ý ông muốn nhắc đến chuyện ông không có khả năng sinh con), thì vì cảm ân nghĩa của bác sĩ Bùi Viên Dinh, bà đã đến với bác sĩ Dinh, kết duyên chồng vợ. Nhưng rồi chính bà lại phải phẫu thuật cắt bỏ dạ con khiến đôi bạn đời phải chịu cảnh trong nhà thiếu tiếng cười con trẻ.

Có thể nói, đường tình duyên của nữ thi sĩ Anh Thơ là vô cùng trắc trở, với những oái oăm khó ai có thể hình dung nổi. Kể ra vậy để thấy nghị lực của bà thật lớn. Không có nghị lực ấy, hẳn bà không thể vượt lên để sáng tạo và cống hiến cho đời những trang thơ, trang văn đằm thắm.

Tường Duy

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]