Thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940), còn có các bút danh Hàn Mạc Tử, Minh Duệ Thị, P.T, Phong Trần, L.T, Lệ Thanh, Lệ Thanh nữ sĩ, Lệ Giang, Sông Lệ, Mộng Cầm, Trật Sên, Cụt Hứng, Foong Tchan, Anh Hoa, Trọng Minh, Tinh Nhơn, Cô Đài Trang, Cô Bạch Bình Giang…; từng cộng tác với các báo
Tiếng dân,
Phụ nữ tân văn,
Thực nghiệp dân báo,
Sài Gòn,
Tân thời,
Người mới,
Đông Dương tạp chí (?),
Đông Dương tuần báo,
Ngày nay,
Tin tức,
Công luận,
Trong khuê phòng,
Đông Á tân văn,
Impartial,
Opinion,
La Lutte… Theo quan sát của chúng tôi, công trình sưu tập văn bản học tốt nhất về Hàn tính đến nay chính là
Hàn Mặc Tử - Tác phẩm, phê bình và tưởng niệm (Tái bản. NXB Văn học, 2002; 528 trang) của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ (PCĐ, 1933-2007). Trong sách
Thơ Hàn Mặc Tử (NXB Văn hoá - Thông tin, 2001; 342 trang), soạn giả Mã Giang Lân (MGL) dựa vào thống kê của Phạm Đán Bình (Tin nhà, Paris, số 2-1991) cho biết thêm nhan đề 18 mục bài viết của Hàn, đồng thời xác định “thơ Hàn chúng ta mới được đọc chừng 150 bài, còn thất lạc đâu đó” và kỳ vọng: “Cái phần chìm khuất kia hy vọng sẽ dần dần được kiếm tìm, bồi đắp, sung mãn”…
Trong quá trình sưu tập tài liệu cho công trình
Người đương thời Thơ mới bàn về Thơ mới và
Di sản văn học Quốc ngữ đến 1975, chúng tôi vừa tìm thêm được số lượng lớn tác phẩm của Hàn in trên báo
Công luận (CL, Sài Gòn, 1916-1939) ngoài số đã từng công bố. So với dẫn giải trong sách
Thơ Hàn Mặc Tử nêu trên, trước hết cần chỉnh lý, chuẩn hoá nhan đề một số bài viết của Hàn: không phải “Những câu hát phong tình của cổ Ai Cập” mà là “Những câu hát phong tình của nước cổ Ai Cập”; không phải “Khái niệm về thi ca” (làm thơ cần phải luyện khí) mà là “Khái niệm về thi ca” (Thơ có mấy lối? Làm thơ cần phải luyện khí); không phải “Đi nghe ông Đinh Bá Kha diễn thuyết về nhân thế Chỉ Cảnh (fin de la vie humaine) ở học xá Pháp Việt Quy Nhơn” mà là “Đi nghe ông Đinh Bá Kha diễn thuyết về vấn đề triết học ‘Nhân thế chỉ cảnh’ ở Học xá Pháp - Việt Quy Nhơn”… Đồng thời với việc cung cấp đầy đủ văn bản gốc những bài báo trước nay mới chỉ biết nhan đề, nhân đây chúng tôi giới thiệu thêm một số tác phẩm văn xuôi khác “mới toe” của Hàn vừa tìm lại được: “Mười lăm phút nói chuyện với bà Lê Thành Tường, cựu chủ nhiệm báo Phụ nữ Tân tiến ở Huế (Trung Kỳ)” (CL, số 6216, ra ngày 4-4-1933); “Khảo về lịch sử Nhật Bản từ nguyên thỉ đến hiện thời” (CL, từ số 6417, ra ngày 10+11-12-1933); “Chết” (CL, số 6693, ngày 22-11-1934); “Rousseau, tiểu thuyết gia” (CL, số 6760, ra ngày 16-2-1935); “Thử ngó qua nước Ái Nhĩ Lan: một nhà thi hào được phần thưởng Nobel năm 1924” (CL, số 6778, ra ngày 9-3-1935), v.v… Tất cả những tác phẩm trên góp phần cho phép chúng ta hình dung đầy đủ, sâu sắc, chuẩn mực, toàn diện hơn nữa chân dung con người, tư tưởng và sự nghiệp văn chương Hàn Mặc Tử.
Đi vào so sánh văn bản những bài thơ của Hàn từng được công bố trên các sách của PCĐ và MGL thì thấy có mấy sự sai khác. Ở bài Đêm khuya tự tình với sông Hương, cả hai sách đều sai hai chữ trong hai câu thơ: “Trong thành ngự chết con đen”, bản gốc in chữ ngự kia là ngũ, đọc đúng là: “Trong thành ngủ chết con đen”; câu: “Chiếc thuyền vô định tạt vào bến mê”, bản gốc là: “Chiếc thuyền vô định tạc vào bến mê” (CL, số 6772, ra ngày 2-3-1935, tr.5). Với bài
Tuồng đời, PCĐ sai hai chữ quan trọng ở câu thơ thứ nhất: “Tuồng đời lặng lẽ vẽ nên phông”, đúng phải là: “Tuồng đời lăng lố vẽ nên phông” (CL, số 6790, ra ngày 23-3-1935, tr.5). Đặc biệt với bài thơ
Sống khổ và phấn đấu dài 27 câu, sách PCĐ chỉ in 8 câu (trong đó sai chữ ở câu 8), thiếu mất 19 câu (CL, số 6802, ra ngày 6-4-1935, tr.5.)…
Điều quan trọng hơn, chúng tôi đã phát hiện, sưu tập thêm được trên năm chục bài thơ của Hàn Mặc Tử sáng tác và in trên báo
Công luận trong khoảng thời gian 1932-1939. Hình thức nghệ thuật những bài thơ này khá phong phú, phần lớn làm theo thể Đường luật, một số bài theo lối thơ tự do và các thể hồi văn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn xen lục ngôn, thủ vĩ ngâm, song thanh, hát nói, từ khúc, lục bát, song thất lục bát… Về nội dung, phần nhiều các bài thơ hướng tới các giá trị nhân văn, xướng hoạ với chí sĩ Phan Bội Châu và bạn bè (Quách Tấn, Tùng Ngâm, Ngọc Hồ, Trần Bình Lộc, các bạn ở Phú Mỹ - Bình Định và cả những tứ thơ
Gửi cho người không quen biết,
Phút mơ màng,
Tương tư,
Canh khuya nhớ bạn)…; mở rộng lối thơ du ký, đề vịnh thắng cảnh non sông đất nước (xứ Huế, Phan Thiết, chùa Ông Núi - Bình Định), thú chơi tao nhã và vẻ đẹp bốn mùa (Cầm, Kỳ, Thi, Tửu; Xuân, Hạ, Thu, Đông; Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt)…; tiếp nối dòng thơ hiện thực, phản ánh tâm trạng thi nhân trước hiện tình xã hội (với các bài
Đêm khuya ở nhà quê,
Làm ruộng tự thuật,
Than nghèo,
Đau mới dậy,
Đóng tuồng,
Sống khổ và phấn đấu), v.v… Theo cách đọc “liên văn bản” có thể thấy thơ Hàn thực sự tiêu biểu cho quá trình hiện đại hoá, tiếp nối giữa hiện tượng sử dụng lối thơ truyền thống với việc gia tăng vai trò nguồn cảm xúc mới; giữa việc khai thác hệ thống chủ đề, đề tài quen thuộc với khả năng bộc lộ tiếng nói của chủ thể trữ tình cá nhân kiểu mới. Đặt trong tương quan so sánh đồng đại có thể nhận ra tứ thơ
Gởi cho ai,
Nhắn ai,
Gởi cho người không quen biết của Hàn tương đồng với những
Thư đưa người tình nhân không quen biết,
Thư trách người tình nhân không quen biết,
Thư lại trách người tình nhân không quen biết của Tản Đà, rồi tương đồng với những
Nhắn nhủ,
Nhắn ai,
Lại nhắn ai của Quách Tấn v.v…
Nói riêng trong phạm vi thơ Hàn Mặc Tử, dễ thấy nhiều câu thơ, ý thơ trong số những bài mới phát hiện này có sự giao thoa, gặp gỡ, tiếp nối với nhiều tứ thơ đã biết để làm nên phong cách độc đáo họ Hàn.
Đọc câu thơ “Ô hay, người thế toàn yêu quái” (
Hoạ - CL, số 6671, ra ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ ý thơ: “Ô hay, người ngọc biến ra hơi” (
Mơ hoa); đọc câu thơ “Dưới trăng đi lững thững/ Bóng dọi ngắm thành đôi” (
Dưới trăng - CL, số 6671, ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ: “Ai đi lẳng lặng trên làn nước/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi” (
Cô liêu); đọc câu thơ “Gió đông mơn trớn nhẹ” (
Hái hoa - CL, số 6671, ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ: “Gió say lướt mướt trong màu sáng” (
Huyền ảo); “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” (
Bẽn lẽn); đọc câu thơ “Em khoe sắc đẹp bên cành lả/ Dáng điệu mơ màng vẻ thướt tha/ Đón cái xuân về vị tỉnh say/ Đỏ rần đôi má ửng hây hây” (
Yêu để sống - CL, số 6802, ngày 6-4-1935, tr.3) lại nhớ những câu: “Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha” (
Hoa cúc); “Trăng bay lả tả ngả lên cành vàng” (
Rượt trăng); “Từ khi đôi má đỏ hây hây/ Em tập thêu thùa, tập vá may… Những lượt thu về, em thấy xuân/ Trên đôi má nõn lại phai dần” (
Duyên muộn); “Xuân em hơ hớ như đào non/ Chàng đã thương thương muốn kết hôn/ Từ ấy xuân em càng chín ửng” (
Mất duyên)…
Nguyễn Hữu Sơn