Tập Thơ Tùng Thiện Vương (Lương An tuyển chọn, NXB Thuận Hoá, 1994) cho biết, vào giữa thế kỷ 19 tại kinh thành Phú Xuân (Huế) đã xuất hiện một số nhà thơ người hoàng tộc Nguyễn Phúc, trong đó có Tùng Thiện Công (tước vị của Miên Thẩm lúc bấy giờ), Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tương An Công Miên Bửu, công chúa Mai Am (tất cả đều là em của ông)... được nhiều người biết hơn cả.

Ông sinh ngày 11-12-1819 (24-10âl năm Kỷ Mão), mất ngày 30-4-1870 (30-3âl năm Canh Ngọ) hưởng dương 51 tuổi, là con trai thứ 10 của vua Minh Mạng. Thuở lọt lòng, ông được ông nội đặt tên là Nghiện (Ngợn). Đến năm 1832, khi đã có “đế hệ thi”, ông được cải tên là Miên Thẩm.

Miên Thẩm tự Thận Minh, Trọng Uyên, hiệu Thương Sơn, biệt hiệu Bạch Hào Tử. Năm 1839, phong Tùng Quốc Công, năm 1654 phong Tùng Thiện Công, 8 năm sau ngày ông mất, truy phong Tùng Thiện Quận Vương rồi Tùng Thiện Vương (1938) là tước vị ta quen gọi bây giờ.

Sinh thời,ông là một ông hoàng có nhiều uy tín bởi đạo đức cao, tri thức rộng. Nói rõ hơn là ông đến với mọi người đều bằng tấm lòng chân thực, khiêm tốn, phóng khoáng; không hề phân biệt địa vị,tuổi tác hay sang hèn. Nhờ vậy Tùng Vân xã mà ông là “Tao đàn nguyên suý”, đã tập hợp được nhiều văn thi nhân gần xa. Riêng mặt văn nghiệp, ông là một nhà thơ chữ Hán bậc thầy, được các danh sĩ đương thời (kể cả vua Tự Đức cũng nhờ duyệt thơ) và nhiều nhà thơ Trung Quốc đánh giá cao.

Song thật đáng tiếc, theo qui chế nhà Nguyễn, các ông hoàng đều không được đi thi, tham gia chính sự. Và điều đáng buồn hơn là ông phải sống trong một giai đoạn lịch sử hết sức rối ren: nội bộ triều đình lủng củng, rạn nứt, loạn lạc khắp nơi, thiên tai gây mất mùa nhiều năm cùng nạn ngoại bang xâm lấn...

Tôi đọc hơn trăm bài thơ của ông trong tuyển tập (một phần nhỏ so với hơn 2200 bài mà ông đã để lại), dù viết theo thể hành, dao, thán, từ... dù mang nội dung cảm hoài, ngôn chí hay thù tạc vv... tôi thấy bài nào văn pháp cũng giản dị, ý tứ thâm sâu, chữ nghĩa chọn lọc, mang tính hiện thực cao (rất gần với thơ Đỗ Phủ, nhà Đường) và đều ăm ắp tinh thần yêu nước, thương dân, hết lòng vì bè bạn...
Sớm vừa dâng “tiền trầu”
Tối lại dâng “tiền trầu”
Quan trên có xơi trầu,
Dân dưới mới sạch oan...
(Phù lưu tiền hành)
...Trong vườn tre tựa núi gò
Vác ra, tiền chẳng trả cho đồng nào
Nín thinh thì khổ xiết bao
Nói ra, roi sẽ vụt vào chú thôi
Ôi, than ôi!
Bước chân về nước mắt rơi đầm đìa...
(Mại trúc dao)
Núi cao, vị nước độc
Chó sói, cọp rình rập hai bên đường
Áo rách không che được ống chân
Mặt vàng, da thịt khô héo
Chỉ cầu đủ nộp thuế...
Cay đắng thay thuế thường khó nộp đủ
Đành chịu làm tàn tật tấm thân hèn...
(Kim hộ thán)
và:
Thôn Nam có cọp về nhiễu hại
Dân làm đơn cáo với quan trên
Một đàn lính phủ kéo lên...
Toàn dân gạo rượu để dành lính xơi
Hôm sau cọp tới lui trong núi
Dân Bắc thôn đều phải nín thinh
Cam tâm để cọp hoành hành
Dẫu người có chết, gia đình còn no...
(Bộ hổ từ)
Bên cạnh tai ách “áp bức, nhũng nhiễu, bóc lột” của tầng lớp trên. Nhân dân còn lầm than bởi thiên tai: lụt, hạn hán...nhiều năm, khiến dân bị đói kém, lưu tán... Ông đã khóc:
Vì đâu nước biển tràn lên
Để dân ven biể chết chìm trên khô
Muôn nhà, sóng bạc cuốn xô
Lử ma tan giữa mịt mù khí âm...
(Nam Định hải dật)
Nước ngập sâu nối liền đồng nội
Mây từng lớp lấp chìm ánh trời ban mai
Thấy mà buồn cảnh không thể cứu người đang chìm
Tự tai nghe có tiếng kêu đói
Nghĩ thế nào đành lòng riêng sống ấm no
Ngậm mối tình thương, gạt đôi dòng lệ
(Thuỷ)
Làng cũ có ruộng thì bị lụt, bị hạn
Lúa xanh hoá thành lúa lép khắp đồng
Người chết bị đẩy ra, lấp chìm trong gai cỏ
Người sống bò gấp lên, kêu rên với nhau
Ngẩn lên trời, van trời kêu dân khổ...
(Lưu dân thán)
Và thao thức, dằn dặt trước bao biến động của đất nước: Các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành (1821), Lê Duy Dương (1833)Nguyễn Văn Nhờn (1834), Thổ phỉ Tam Đường (1851), Lê Duy Cự (1854), Tạ Văn Phụng (1861), Cai tổng Vàng (1862) và thực dân Pháp vào Đà Nẵng (1858) rồi chúng chiếm ba tỉnh miền Đông (1862), ba tỉnh miền Tây (1867)...
Quảng Nam giờ đất chiến trường
Dầm sâu ruộng tốt chẳng còn như xưa...

Xương khô chồn gậm đứng đầy
Quạ tha từng khúc ruột bay thành đàn
Đồng Đông xiết nỗi lầm than
Kẻ về sau buổi ly hoàn, ai thương?...
(Tống Lương từ)
Năm kia giặc Tây đánh Quãng Nam
Quân ta thua trận máu thành đầm
Cúng tế cầu hồn khắp mọi xứ
Giá giấy (dùng cùng người chềt) đắt gấp ba
Năm nay dùng binh khắp Nam Bắc
Muôn đội cấm quân ra đánh giặc
Đêm qua hịch báo về Cam Tuyền
Hơn nủa người chết bỏ thây xác...
(Mại chỉ y)
Đây là mảng đề tài được ông dốc tâm lực viết khá nhiều. Bởi nạn loạn lạc,vận nước tồn vong là nỗi trăn trở của tất cả mọi người dân thuở ấy. Và với trái tim nhạy cảm mang nỗi đau như rứt thịt da, ông luôn khao khát làm sao cho dân được sống yên lành, đất nước được toàn vẹn:
...Đất đai phải lo dẹp cho yên ổn lại
Nhân dân chờ mong một đường lối cai trị đúng đắn vỗ yên
(Vận)
Nhưng ông chỉ thấy một triều đình lúng túng, bất lực, cầu hoà:
Yết Hồ thực hiện mưu ma
Các quan tướng soái thiệt là phụ ơn
Tàu chiền chìm chỉ còn tàn lửa,
Tiếng oan hồn nức nở sóng trôi...
(Khiển sầu)
Tóc mai rụng thưa, nhìn nhau thì chỉ là một lũ quan xôi thịt
Lúc bụi biên cương đều chưa sạch đất trời...
(Tuế mộ mặc vân sào dạ tập)
Lòng đau cầm nước mắt
Muốn nói chẳng thành lời...
Khen Nguỵ Giáng hoà nghị,
Bàn như vậy rất sai!
(Thương tâm)
Nhà vua đã muốn hoà cùng giặc
Còn thuyết làm chi việc phục thù...
(Nhạc Phi)
Trước thái độ của vua quan như vậy, lòng ông chỉ còn biết tin tưởng vào tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân dân:
Nhân dân dương sào (làm cờ), chặt cây (làm binh khí)
(Tinh thần đó) có thể lưu truyền muôn thuở...
Cho đến anh học trò cũng đánh giặc bằng ngòi bút
Báo đền ơn vua chừng ấy cũng đáng xót thương
(Đọc Nguyễn Đình Chiểu)
Giữa đất Nam Kỳ, một mồi lửa cháy, gió thổi khói lên cao
Đốt rụi lầu giặc cùng thuyền giặc...
Bọn Hồ kêu la gầm trời
Tám năm mới thật sự thấy đánh dẹp giặc Tây
Trước ngựa, các phụ lão mang giỏ cơm, bầu rượu ra đón
Anh hùng sáu trấn dốc hết sức mình...
(Nhị nguyệt nhị thập)
Bên cạnh những nỗi đau chung, nơi tâm tư ông còn trĩu nỗi đau riêng. Theo sử sách ghi, sau đám tang vua Thiệu Trị (1847), hai người cháu ruột của ông là Hồng Bảo và Hồng Nhậm cùng tranh giành ngôi vua, mở màn cho một bi kịch chốn vương triều. Cuối cùng, Hồng Bảo bị hạ ngục vì tội liên hệ với “bên ngoài”(?!), để rồi phải tự tìm cái chết thân còn mang xiềng xích. Thảm cảnh đã được ông khéo gửi gấm trong một bài thơ khá dài, xin trích:

...nguyên do (ta) với ngươi vốn cùng một cha sinh
Hai mươi năm chịu lao khổ chung nhau mối thâm tình ấy
Một sáng, thể phách chìm xuống suối vàng
Đối mặt nhau mà nỡ quay lưng chia lìa, bổ cây Tử kinh làm hai đoạn
...Tình anh em sao lại có ý nấu đun nhau...
(Quỷ khốc hành)
Đâu chỉ vậy, năm 1866, cuộc biến động ở Khiêm Lăng (Loạn Chày vôi thời Tự Đức) do chính con rể đầu của ông là Đoàn Hữu Trưng chủ xướng, một lần nữa khiến vết thương lòng nhức nhói cho đến cuối đời...
Nỗi phẩn uất biết cùng ai tỏ
Lòng lo buồn khiến lại ngã đau
Lời xằng buộc tội thêm sâu,
Nghiêm minh (?) họp vạch những câu ngược đời (!)
(Vận)
Tóc chỉ vì đau thương mà bạc
Mặt chỉ vì thẹn mà hồng
Lòng riêng trăm mối (biết nhờ) ai gỡ giúp,
(Khiến) ngổn ngang trong làn mưa rắc như tơ...
(Tuế án độc toạ khiển muộn)
Tuy sau này vua Tự Đức xét ông vô can, nhưng chính nỗi đau mới này cùng với lo toan dân tình, nạn nước; tất cả khiến lòng ông thêm chán ngán cảnh điện ngọc, cung son (Miên Thẩm dựng Phương Thốn thảo đường, định chuyển con cháu sang nhề nông),đã khiến tinh thần ông thêm suy sụp nơi cơ thể vốn gầy gò, lắm bệnh...
Tuyệt bút từ (1870)

Lờ mờ học Đạo nửa đời người
Trúc dép, đường đi mới rõ mười
Thiên Mụ, Thánh Duyên trăng với sóng
Bóng rừng, hương nước, có còn ai
Ở phần viết trên, không phải tôi quên nói đến mảng thơ trữ tình của ông đối với cảnh vật thiên nhiên, đối với bè bạn....Bởi ngay lúc bấy giờ, Lao Sùng Quang khi đọc bài “Khiển hoài” của ông, đã phải dẹp ngay tính kiêu hãnh của một vị quan thiên triều để viết:“Đọc đến câu bạch âu hoàng diệp (của ông), nghe người ớn lạnh hơi thu...”(Tụng đáo bạch âu hoàng diệp cú, cổ hoài tiêu sắt đới thu hàn...). Nhưng thiết nghĩ bài đã dài, chủ đề “muôn màu muôn sắc này “tôi đành hẹn bạn đọc vào một dịp khác.

Nói vậy, dẫu sao trước khi dừng bút, tôi cũng xin nêu ra một sự việc cụ thể, để chúng ta cùng hiểu thêm một tấm lòng hiếm có. Như ta đã biết, Cao Bá quát cũng là một nhân tài thời ấy, cũng là người cách bịêt với ông về tầng lớp xuất thân, địa vị xã hội; khác nhau về khuynh hướng lẫn đường đời.Vậy mà hai người là đôi bạn thân thiết. Vậy mà khi họ Cao bị giam cầm, ông là người duy nhất dám làm thơ khen là”cây tùng cây bá”. Lúc Cao bị bắt đi hiệu lực ở Giang Lưu Ba, cũng chính ông là người duy nhất dám tỏ tình nhớ thương. Và ngày họ Cao được trở lại kinh đô, cũng chỉ mỗi mình ông dám “rút kiếm’’ vì anh hát một khúc bi ca...Đối lại, Cao Bá Quát trong bài đề tựa tập thơ của ông mà mỗi chữ đều thấm đượm nghĩa tình với bạn; và không hiểu sao bỗng dưng tôi muốn dẫn ra đây để thay cho lời kết:

“...Tôi theo Quốc công chơi đã lâu. Thơ của Quốc công đâu phải đợi đến ngày nay mới nói đến? Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được? Sáng ngày mai, đứng ở ngoài cầu Đốc Sơ trông về phía nam...đó chẳng phải là núi Thương Sơn ư? Mua rượu uống rồi, cởi áo ở nơi bắc trường đình, bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ Hà Thượng của quốc công, lòng khách càng cảm thấy xa xăm man mác...”

Bùi Thuỵ Đào Nguyên