Lý Bạch được đời ca tụng là thi tiên vốn là một nhà thơ cực lớn đời Đường, Trung Quốc. Từ nhỏ, ông đã có chí lớn quyết tâm báo đền ơn nước nên đã cất công luyện võ với ý chí và nghị lực của người có thể “mài cây gậy sắt thành mũi kim khâu”. Năm hai mươi sáu tuổi bụng chứa đầy kinh luân, Lý Bạch mang kiếm từ biệt người thân lên đường đi xa lập nghiệp. Chuyến đi này quả thực có tác dụng vô cùng to lớn đối với sự nghiệp sáng tác thơ ca và võ nghệ sau này của ông.
Vỡ lòng học kiếmTừ nhỏ Lý Bạch đã học kiếm do bố là Lý Khách dạy, tới năm Bạch mười lăm tuổi được bố đem vàng bạc đón một kiếm sĩ về dạy. Lý Bạch vốn thiên tư thông tuệ, nghị lực hơn người nên chỉ nửa năm học kiếm đã đấu ngang cơ với sư phụ. Trong thư của ông gửi Vĩ Kinh Châu có kể “mười lăm tuổi học kiếm thuật”, còn trong một thư khác gửi bạn trẻ cũng nói “học kiếm thuật từ bé”. Qua đó đủ thấy tố chất võ học của Lý Bạch không phải là kém và “học kiếm” là một môn học thời thượng đời Đường, cũng được ông say mê luyện tập từ thủa ấu thơ đã có kết quả như bạn ông là Nguỵ Hạo Tăng đã từng khen: “Giỏi từ bé, khối người bị hạ dưới tay Bạch”. Bố Lý Bạch lại mời thầy đúc kiếm giỏi ở Thành Đô bỏ công sức ba năm rèn một thanh kiếm báu tuyệt vời đặt tên là “Nhật Nguyệt” cho con.
Học kiếm ở Khuông Sơn, Mân SơnNăm Khai Nguyên thứ sáu (năm 719 sau CN, đời Đường Huyền Tôn Lý Long Cơ), Lý Bạch 18 tuổi lên ở tại Khuông Sơn đọc sách và luyện kiếm. Khuông sơn có một ngôi chùa cổ do hoà thượng Không Linh trụ trì. Không Linh đại sư học vấn uyên thâm, tinh thông Phật học, lại giỏi võ nghệ, về kiếm thuật phải nói là siêu tuyệt. Lý Bạch thờ đại sư làm thầy, học kiếm ở chùa hai năm liền. Vì mẹ bệnh nặng nhắn về nên Lý Bạch phải rời thầy bỏ chùa mà luyến tiếc khôn nguôi.
Năm Khai Nguyên thứ tám, vừa tròn 20 tuổi, Lý Bạch lên chơi Mân sơn gặp một nhân vật nổi tiếng đương thời là Đông Nghiêm Tử. Thấy Lý Bạch múa kiếm một mình trong rừng cây khí thế khác thường, Đông Nghiêm Tử bảo: “Ta sẽ nhận cậu làm đệ tử” Thấy Đông Nghiêm Tử nói năng, tỏ vẻ tài giỏi tướng mạo thanh nhã như thần tiên, Lý Bạch theo ông ta lên Mân sơn học văn, học kiếm liền ba năm. Sau đó được sư phụ cho xuống núi cùng sư huynh Ngô Chỉ Nam để mở rộng hiểu biết và trui rèn tài năng.
Học kiếm ở Sơn ĐôngNăm 36 tuổi, Lý Bạch đã rất nổi tiếng về tài làm thơ được tôn làm “nhất tuyệt”. Cùng thời, Phỉ Dực cũng được tôn xưng là “thiên hạ đệ nhất kiếm”. Lý Bạch viết thư cho Lý Dực, thư có đoạn: “Tôi tự nguyện làm môn hạ của tướng quân...” Phỉ Dực thấy Lý Bạch thành khẩn thiết tha lại nghĩ có nhà thơ “nhất tuyệt” vào làm môn hạ khiến ông ta càng thêm vẻ vang bèn đồng ý.
Lý Bạch theo Phỉ Dực sang Sơn Đông học kiếm ba năm, dù nắng cháy, rét cắt da ông vẫn ngày đêm miệt mài luyện kiếm, kiên trì tập luyện không chút lơ là. Chính ở giai đoạn này trong thơ của Lý Bạch có những câu: “Rút kiếm lúc sương sớm, Đêm chạy kiếm quanh nhà,...” Nhờ kiên trì luyện tập như vậy nên Kiếm thuật của Lý Bạch ngày càng điêu luyện. Khi thầy trò chia tay, Phỉ Dực đã khen trình độ kiếm thuật của Lý Bạch: “Trong hư có thực, trong mềm có cứng, tiến thoái như chớp, biến hoá khôn lường”.
Nhờ thích kiếm thuật, yêu thích việc học kiếm và giỏi kiếm thuật, không ít bài thơ sau này của Lý Bạch có dính dáng đến kiếm, kiếm thuật và kiếm sĩ. Bài Hiệp Khách Hành là một trong số đó.
(Thuý Thanh @Mai Hoa Trang sưu tầm)