Đăng bởi Vanachi vào 01/07/2005 23:16, đã sửa 4 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 22/09/2007 18:51

楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天,
江楓漁火對愁眠。
姑蘇城外寒山寺,
夜半鐘聲到客船。

 

Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

 

Dịch nghĩa

Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.
Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ buồn.
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,
Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.


(Năm 756)

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 8 trang (80 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vài suy nghĩ về bài Phong kiều dạ bạc

Mình nghĩ nên dịch sát nghĩa trước:
Trăng lặn, quạ kêu,sương đầy trời;Dưới cầu Giang phong, ngọn lửa chài leo lét.Ngoài thành Cô Tô ,tiếng chuông chùa Hàn San vẳng đến thuyền khách lúc nửa đêm.
- Cần biết thêm :
Giang Phong tên một cây cầu chứ không phải là hàng cây phong bên sông.
Đối sầu miên: giấc ngủ vật vờ ( không  thể xét  riêng lẻ từ đối  mà theo Thiều Chửu
1 : Thưa, đáp. Như "đối sách" 對策 trả lời câu người ta hỏi, "đối phó" 對付 ứng phó, v.v.
2 : Đối, như "đối chúng tuyên ngôn" 對眾宣言 đối trước mọi người mà nói rõ, "tương đối vô ngôn" 相對無言 cùng đối nhau mà không nói gì. Đến trước cửa tòa để quan hỏi kiện là "đối chất" 對質.
3 : Đối, hai bên sóng với nhau, gọi là "đối". Như "đối liên" 對聯 câu đối.
4 : Hợp, sự gì không hợp lẽ gọi là "bất đối" " 不對.
5 : Xét lại, như "hiệu đối" 校對 so sánh xét lại.
Như vậy nên hiểu Đối sầu miên như thế nào để đối sầu là tính từ bổ sung ý nghĩa cho Miên. Như thế 2 câu 2 và 3 mới đối nhau được.

11.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Ngọc Động sư huynh

Quạ kêu, sương phủ đầy trời
Trăng tàn ru giấc mộng đời vấn vương
Bên sông, phong rũ... đượm buồn
Lửa chày hiu hắt... mộng trường cùng mơ
Thuyền người xuôi hướng Cô Tô
Nữa đêm thành ngoại dật dờ tiếng chuông
Hàn San đây bóng tự đường
Vẳng âm tiếng vọng vô thường thinh không...

黃梅橋上夕陽紅,黃梅橋下水流東。
元氣浮沉滄海外,晴嵐吞吐亂流中。
短蓑漁枕孤舟月,長笛童吹古徑風。
大地文章隨處見,君心何事太匆匆!
11.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Yên Sơn

Quạ réo gọi trăng bên ánh sương
Gió lùa cây bến lửa sầu vương
Bến Cô Tô đó thuyền ai đậu
Chuông vọng Hàn San nữa giấc thường.

Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ...
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Thạch Hương

Trăng tàn sương phủ quạ kêu đâu
Thuyền chài lửa hắt rặng phong sầu
Cô Tô thành đó hàn sơn tự
Chuông thỉnh trời khuya nẻo khách rầu

15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Khuê

Trăng lặn, quạ kêu, trời phủ sương,
Lửa chài, cây bến, giấc sầu vương.
Chùa Hàn ngoài ải Cô Tô vắng,
Thuyền khách đêm khuya vẳng tiếng chuông.

12.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Đôi lời về người dịch bài thơ “Phong kiều dạ bạc”

Bài PHONG KIỀU DẠ BẠC của Trương Kế viết khoảng trước năm 754 là một bài thơ rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thơ Việt Nam biết đến, nhất là qua bản diễn Nôm:

Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều

Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Đến nay đã có nhiều bản dịch nhưng không có bản nào dịch hay bằng bản đã chép ở trên (dù rằng câu thứ ba chỉ dịch thoát ý) nhưng âm điệu của giọng thơ lục bát lững lờ, kì ảo đi vào lòng người Việt Nam ta thật khó mà thay đổi được!? Vậy ai là tác giả bài dịch thơ trên? Trước đây, Trần Trọng San (1957) và Lý Văn Hùng (1961) đều ghi là Tản Đà dịch. Đến năm 2003 Nguyễn Quảng Tuân khi khảo lại di cảo của Đinh Nhật Thận (1841) đỗ Tiến sĩ thời vua Minh Mạng (là bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh) là tác giả Thu dạ lữ hoài ngâm. Thời gian Cao Ba Quát bị nạn, ông bị giam lỏng ở Huế... một đêm ngồi trong thư phòng bên bo sông Hương, ông nhớ đến Trương Kế với bài Phong kiều dạ bãc... Ông hạ bút:
Đăng tiền độc đối thư trai
Thương tâm khách địa hữu hoài cố nhân
Hương thuỷ ngoại hốt văn ngư vận
Tòng hà lai trạo tấn giang biên
Bồi hồi nguyệt dạ sương thiên
Hàn San ám nhận khách thuyền cánh phi.
Đại ý là: Trong phòng văn một mình ngồi trước ngọn đèn, chạnh lòng đất khách, sực nhớ đến người xưa (Trương Kế). Ngoài sông Hương chợt nghe hò mái đẩy của kè Phường chài từ đâu mà chèo tới bến sông thế nhỉ? Đêm trăng trời sương, lòng luống những bồi hồi, đoán chúng là thuyển khách bên chùa Hàn Dan (Trương Kế) nhưng đó chỉ là mơ...

Cái độc đáo của Đinh Nhật Thận ở đây là mượn lời thơ của Trương Kế tả cảnh “Nguyệt dạ sương thiên” và thay vào tiếng chuông chùa Hàn San bằng tiếng chuông chùa Diệu Đế (ở Huế) “Dạ văn diệu đế chung thanh” không bằng chữ Nôm mà bằng chữ Hán theo thể song thất lục bát. Đây là trường hợp đặc biệt duy nhất trong văn học Việt Nam xưa nay. Chia sẻ với nỗi lòng của bạn, Nguyễn Hàm Ninh đã diễn Nôm Phong Kiều dạ bạc, nguyên gốc là:
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ
Thyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Thật đúng là "diễn Nôm" như Tố Như với truyện Kiều, thi sĩ đã không bám câu bám chữ để dịch như nguyên tác... mà là mượn văn bản gốc, diễn ra tiếng Việt lấy cái hồn của tác phẩm để thoả mãn một nhu cầu (một tâm trạng) để gửi gắm nỗi lòng... Hiểu như vậy, chia sẻ như vậy thì ta sẽ không bắt bẻ "dịch sai", văn chương nhất là thơ vốn là một trò mua vui, âu cũng chí lí là vậy.

So nhiều bản dịch xưa nay thì bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh đáng là "tài hoa tột bậc", chỉ tiếc là ông đã để rơi mất chữ "Phong" kèm chữ "Giang" (theo mô típ thơ xưa thì "Phong" là biểu hiện mùa thu, "Phong lạc ngô giang lãnh" - lá phong rụng làm sông Ngô lạnh. "Giang Phong" ở đây cùng với "sương đầy trời" là cảm nhận "khí thu", đồng thời để diễn tả một cách kín đáo nỗi sầu của thi nhân lãng tử. Tuy nhiên, trong một bài thơ 4 câu (dịch) lại có 2 chữ "bến" thì không thể gọi là toàn bích được.

Chao ơi, dịch thơ phải đạt “tín-đạt-nhã” rồi là “hớp” hồn mà cái "tuyệt" nhất lại là cái hồn thơ ai do chop được cái "thần" do diễn giải ra bằng chữ nghĩa (ngôn từ) để lại các áng thơ bất hủ như Phong Kiều Dạ Bạc, Hoàng Hạc Lâu, Tỳ Bà Hành... thì cũng bõ công dịch thuật, mà xưa nay như vậy phỏng được mấy người?


Hà Nội, 19/7/2006

Nguyễn Khôi
14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

THĂM HÀN SAN TỰ

http://newvietart.com/images/gacchuong.jpg
THĂM HÀN SAN TỰ

Đến Tô Châu ai cũng háo hức đi thăm Hàn Sơn Tự.Đó là ngôi chùa do Thiền sư Hy Thiên, pháp danh là Hàn Sơn Tử Giả xây vào khoảng năm Thiên Giám đời Lương, thuộc Nam Triều (Thế Kỷ Vl),tại trấn Phong Kiều bên ngoài Xương môn,phía tây thành Cô Tô (Nay là Tô Châu).Thiền Sư lấy tên hiệu(pháp danh) của mình đặt tên cho chùa"Hàn Sơn Tự" để làm kỷ niệm.Từ đây thiền sư lại vân du đi chơi núi Lạnh(Hàn San) đó là núi Thiên Thai(nơi sinh ra dòng tu Thiên Thai Tông) kết bạn với Thiền sư Thập Đắc Phong Can.Bức hoành phi với bốn chữ đại tự"Hàn Sơn Thập Đắc" có nghĩa là chùa Hàn Sơn lấy tên hai người là Hàn Sơn và Thập Đắc mà lưu danh.

Trải qua nhiều biến động của các triều đại,chùa Hàn San bị binh lửa đời Thanh đốt cháy(năm 1860),đến năm Quang Tự thứ 3(1904) chùa được xây dựng lại với quy mô dáng dấp như còn thấy ngày nay,gồm có : Đại điện,Tàng kinh lâu(lầu chứa kinh),Chung lâu(lầu chuông),Phong giang lâu(lầu ngắm rừng phong bên sông),bi lang(hành lang đặt bia).Điều thú vị là trong sân chùa có đặt tượng thi sĩ Trương Kế,mà theo tục lệ:các tao nhân mặc khách tứ xứ đến viếng chùa ai nấy đều tới vuốt nhẹ vào bàn tay pho tượng với ước nguyện để được tăng thêm nội lực,được chia sẻ một chút hồn thơ...đồng thời trong chùa còn giữ nhiều cổ vật quý giá,trong đó có tấm bia khắc bài thơ nổi tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đời Đường(khoảng trước năm 754).

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ:

Trăng tà,tiếng qụa kêu sương
Lửa chài,cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Nguyễn Hàm Ninh
(Trước đây cho là của Tản Đà dịch)

Dịch "Thuyền ai đậu bến Cô Tô" là dịch thoát ý,dịch đúng phải là:

Trăng lặn,sương mờ,nghe tiếng quạ
Lửa chài cây ánh,giấc chưa yên
Cô Tô bên mái Hàn San Tự
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền.

Bùi Khánh Đản

Quạ kêu,trăng xế,sương tuôn
Lửa chài cây bến,giấc buồn ngó nhau
Chùa Hàn San mé Tô Châu
Nửa đêm bỗng tiếng chuông đâu đến thuyền.

Hoài Anh

Sự ra đời của bài thơ: theo giai thoại thì Trương Kế người Tương Châu một lần đi thi trượt (tiến sỹ), theo dòng Vận Hà bắc nam,đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều(bến Cây Phong)bên chùa Hàn San(Hàn San đây là tên chùa,chứ không có núi Lạnh như một số dịch giả suy diễn qua văn bản thơ...vào thời bấy giờ(đời Đường)người ta có"phân dạ Chung"(chuông chia đêm)đánh vào lúc nửa đêm...Thi Sỹ buồn (vì thi trượt)nằm trong thuyền chập chờn bên ngọn lửa của ngư ông(lão đánh cá) giữa trời sương,trăng lặn lảnh tiếng quạ kêu cùng tiếng chuông chùa Hàn San nửa đêm vọng tới...tức cảnh sinh tình,Trương Kế hạ bút hồn cất cánh thơ để lại một Phong Kiều Dạ Bạc lưu truyền hậu thế.Cũng nhờ có thơ Trương Kế mà Hàn San Tự trở nên nổi tiếng hấp dẫn khách năm châu bốn biển được các thi nhân viếng thăm đề vịnh.Xin dẫn một vài ví dụ với đôi câu thơ hay: . Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) Tần Thục - đời Tống . Lãnh tận Hàn San cổ tự phong (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) Khang Hữu Vi - đời Thanh Còn một điều cực kỳ thú vị nữa là:theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch thì thơ Trương Kế không chỉ ảnh hưởng đến thơ Việt (kể cả nhạc Văn Cao) mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống văn hoá - ngôn ngữ của người Việt.Số là cái bát canh mà ở Bắc Việt hiện nay vẫn gọi là"bát ô tô", Nam Việt gọi là "tô" thì Đại Nam Quốc Âm tự vị (Sai Gon - 1895) của Paulus Của giải thích là"bát thành Cô Tô làm ra,bát lớn mà khéo".Tuy nhiên ý kiến của Paulus Của chỉ đúng một nửa.Theo ý kiến của giới ngôn ngữ học thì đó chỉ là cái bát có vẽ cảnh Cô Tô theo ý thơ "Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự". Người Bắc Việt nhân đó gọi là bát Cô Tô , rồi gọi chệch là "bát ô tô", còn dân Nam Việt gọi tắt là "bát tô", rồi "tô". Xem thế,đủ thấy sức lan toả về mặt văn hóa của một kiệt tác văn học quả là sâu rộng lắm thay! Tô Châu -
Hà Nội 6-2006
NGUYỄN KHÔI

13.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Dịch, phóng tác, sáng tác

Theo Tự Điển Tiếng Việt thì dịch là “chuyển nội dung từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác”. Song thật khó để mà hiểu cho đúng chữ dịch này. Cùng một nội dung có người viết thành truyện, có người viết bằng thơ, có người lại soạn ra kịch. Chắc chắn không thể nào lại dùng chữ “dịch” ở chỗ này. Cũng như chắc chẳng có ai gọi Truyện Kiều của Nguyễn Du là bản dịch Đoạn Trường Tân Thanh. Tôi nghĩ rằng ngày xưa các cụ đọc một tác phẩm, cảm nó, cảm mình, cảm thông và viết. Sau này chúng ta căn cứ vào các tiêu chí tiêu chuẩn của đời sau mà phân loại. Nếu sát với tác phẩm gốc thì là dịch, không sát, có ít nhiều đổi thay, khác biệt là phỏng dịch, phóng tác..và xa hơn thì như là sáng tác mới vậy (trường hợp Truyện Kiều).
Trở về với bài “Phong Kiều da bạc”.
Nội dung bài của Trương Kế:
Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời
(Rặng) cây phong (bên sông), ánh lửa chài, sánh đối giấc buồn (của khách)
Ngoại thành Cô Tô, có ngôi Hàn San Tư
Nửa đêm, tiếng chuông chùa đến (thăm, viếng, khua lòng..) người khách trên thuyền.
Nội dung bài của Nguyễn Hàm Ninh:
Trăng tà, có con quạ đơn độc kêu trong sương.
Lửa chài, cây bến (không rõ cây gì: đa, si, sung…), nỗi sầu vương trong giấc ngủ
Có thuyền khách (nào đó) đỗ ở bến Cô Tô
Nửa đêm, người khách nghe được tiếng chuông của chùa Hàn San.
Đối chiếu kỹ hơn:
Câu 1:
Trương Kế tả cảnh: Đêm không trăng, quạ kêu và sương đầy trời (hoặc trời đầy sương)
Nguyễn Hàm Ninh: Trăng tà (sắp lặn), có con quạ đơn độc (chiếc qụa) kêu trong sương (để chỉ ban đêm, có sương chứ chưa hẳn đầy trời ). Hơn nữa chúng ta đã quen với cách diễn đạt tiếng “cuốc gọi hè” nghĩa là cuốc kêu trong mùa hè, nhưng còn có nghĩa “cuốc (như muốn) giục mùa hè sang". Vậy thì “quạ kêu sương” có nghĩa là kêu trong sương, và có giục sương rơi không? Chi tiết quạ kêu của Trương Kế chỉ tả cảnh “khách quan”, còn chi tiết con quạ cô độc kêu sương của Nguyễn Hàm Ninh chứa đựng thông điệp chủ quan nào đây của tác giả.
Câu 2:
Trương Kế tiếp tục tả cảnh, (câu 1 tả cảnh xa rộng, câu 2 tả gần hơn): Cây phong trên bến, lửa chài (dưới sông), (tất cả cảnh xung quanh ấy) đối sánh dài song song với giấc buồn (dài chập chờn) của khách (tác giả).
Nguyễn Hàm Ninh: Lửa chài, cây (gì đó) trên bến, nỗi sầu vương vất trong giấc ngủ của khách.
Như vậy cảnh vật xung quanh và người khách trong thuyền của Nguyễn Hàm Ninh không thấy rõ mối liên hệ “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vả lại chữ đối 對: đối đãi, đối đáp, phù hợp với, sánh với..nếu dịch là “giấc sầu vương, vương giấc sầu” (nghĩa là cảnh vật xung quanh đối sánh song song với giấc buồn của khách) thì cũng chấp nhận được. Còn như “(nỗi) sầu vương giấc hồ” thì chữ "vương" ở đây không thể là chữ “đối” được.
Câu 3:
Trương Kế: Ngoại thành Cô Tô, có Hàn San Tự
Nguyễn Hàm Ninh: Có thuyền ai đậu ở bến Cô Tô (bên trong hay ngoài Cô Tô?)
Câu 4:
Trương Kế: Nửa đêm, tiếng chuông đến (chủ động) người khách trên thuyền.
Nguyễn Hàm Ninh: Nửa đêm người khách (bị động) nghe được tiếng chuông Chùa Hàn San. (Không rõ xa gần, và có thể chuông chùa khác nữa, nhưng khách nghe và phân biệt được đặc điểm tiếng chuông của chùa Hàn San?)
Tóm lại:
1. Bản Phong Kiều Dạ Bạc của Nguyễn Hàm Ninh là một tuyệt phẩm, nhưng gọi nó là sáng tác của Nguyễn Hàm Ninh (như Truyện Kiều của Nguyễn Du) hoặc gọi là bản diễn nôm như cách gọi của thi hữu Khoi Dinh Bang…thì đúng hơn, chứ gọi là bản dịch thì gượng ép quá.
2. Bản Phong Kiều Dạ Bạc của Nguyễn Hàm Ninh rất hay, đã rất phổ biến và quen thuộc với nhiều thế hệ. Nhưng như lý do trình bày ở phần trên, vẫn cần có một bản dịch “Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế ra tiếng Việt. Có thể sẽ chẳng bao giờ có được bản dịch hay và có anh hưởng được như “bản diễn nôm-cách gọi của TG Khoi Dinh Bang) nhưng vẫn cần một bản dịch (sát nghĩa dịch) hơn ra tiếng Việt.
Đăng ý kiến này lên chắc có bạn sẽ mắng “Đồ liều mạng nói càn”. Tại hạ cũng xin cam chịu chỉ cốt được các thi hữu am hiểu xa rộng hơn chỉ giáo thêm cho rộng tầm hiểu biết là vui rồi. Xin cám ơn và mong được đại xá cho.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Các bản dịch vào loại HAY

Quạ kêu, trăng lặn ,sương rơi
Lửa chài,cây bãi đối người năm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
       Trần Trọng Kim (1944)

Tiếng quạ kêu sương,nguyệt cuối trời
Bờ phong sầu hát lửa thôn chài
Hàn Sơn chuông vẳng Cô Tô lại
Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai.
        Nguyễn Hà (1996)

Quạ kêu,sương phủ,trăng thâu
Lửa chài,cây bến,lặng sầu trong mơ
Cô Tô chùa vắng khuya mờ
Tiếng chuông tìm viếng khách thơ trong thuyền.
      Đinh Vũ Ngọc (1997)

Quạ kêu,trăng lặn,trời đầy sương
Phong bến ,lửa chài,sầu mộng vương
Chùa ngoại thành Tô,trên núi lạnh
Nửa đêm thuyền khách nằm nghe chuông.
       Nguyễn Thế Nữu (2000)

Sương bủa,quạ kêu,nguyệt xế đoài
Bờ phong,giấc quạnh đối đèn chài
Chuông chùa Hàn vọng len thuyền khách
Trên bến Cô Tô,đêm nửa vơi.
     Vũ Minh Tân (2006)

Quạ kêu,sương đổ,trăng tàn
Đèn chài,cây bến buồn lan khách đò
Hàn Sơn chùa nẻo Cô Tô
Nửa đêm chuông vọng đến bờ thuyền ai.
    Nữ sĩ Bạch Liên (Bắc Ninh)-2007

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Cây bến, cây bãi, phong bến

Có bạn nói với tôi rằng: Cây bến, cây bãi, hay phong bến cũng đều để tả cảnh “trên bến có cây, dưới bến có lửa chài” mà thôi không có gì khác biệt quan trọng lắm. Đành rằng tính từ chỉ nơi mọc của cây thường được gán với cây như: tre núi, tre bãi, tre vườn, tre rừng, hay chuối bãi, chuối đồi…Nhưng cây phong là thứ cây còn lạ với dân ta trước đây, riêng một từ “phong” thì nhiều người còn không biết đó là tên cây, thậm chí vơ vẩn liên tưởng sang là “gió”. Vì thế các cụ Tản Đà, Nguyễn Hàm Ninh đành chọn cách dịch thành “cây bãi”, “cây bến”. Cây bến phổ biến suốt mấy chục năm trường cùng với bài của cụ Nguyễn Hàm Ninh, đến nỗi nhiều người không muốn chấp nhận cụm từ “phong bến”. Vâng đúng sự thực là như vậy. Nhưng nói là “không có gì khác biệt quan trọng” thì tôi cho rằng không phải như vậy. Dịch là cây bãi, cây bến không hợp logic của tác giả Trương Kế ở đoạn này. Câu 1, Trương Kế tả cảnh xa. Câu 2, tác giả tả gần. Chắc nhiều bạn biết đoạn Nguyễn Bính tả cảnh tiễn nhau ở bến thuyền:
Anh đi đâu, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.
Người đưa tiễn đã ngóng theo con thuyền chở người đi xa. Trông theo mãi, lúc đầu là cánh buồm nâu, xa hơn vẫn còn nhận được cánh buồm nâu, rồi xa tắp không nhận ra là buồm gì, nâu, xám hay đen? (Xin mở ngoặc để rông dài một chút. Có giai thoại kể một học trò làm luận cũng tả cảnh biệt li tại một phi trường. Học trò này bắt chước đoạn kết ngóng theo phi cơ chở bạn đi “Chiếc tàu bay, chiếc tàu bay, chiếc tàu”)(!!!). Trương Kế tả cảnh gần và nhận rõ trên bến là cây phong, dưới bến là lửa chài (phân biệt được không phải lửa đèn của thuyền khác, thuyền bán hàng chẳng hạn..). Nay dịch thành cây (không biết là cây gì) trên bến, thì do cây và bến ở xa nên không nhận rõ được. Như vậy là hai cách dịch khác nhau cũng nhiều chứ không phải là không đáng kể. Vài dòng mua vui để các thi hữu đọc chơi. Xin cảm tạ bạn đọc.

15.00
Trả lời

Trang trong tổng số 8 trang (80 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối