Lòng phẫn uất tan hoà theo lòng thương thảm, và phát ra tiếng khóc não nhân, thì như bài Vô đề sau đây là một:

Bên cảnh bên tình khéo vấn vương
Sầu thu đưa hạ chạnh trăm đường!
Tiếng ve dài dặc nghe thêm thảm,
Mặt nguyệt tròn hin ngó dễ thương!
Vàng thếp giếng ngô sa lá gió,
Bạc xuy giậu cúc nảy chồi sương.
Dầu chong trắng dĩa chưa yên giấc,
Lăm phá thành sầu đã hết phương!
Thật là não ruột! Người xưa bảo “những khúc hát đau thương nhất là những khúc hát đẹp nhất”. Bài Vô Đề của Tương An Quận Vương là một bằng chứng hùng hồn. Và đẹp nhất là cặp luận:
Vàng thếp giếng ngô sa lá gió,
Bạc xuy giậu cúc nảy chồi sương.
Văn chương vừa diễm lệ vừa cổ kính, tình ý vừa thâm viễn vừa tế nhị. Đọc qua thì dường như một câu thơ tả cảnh mùa thu, một cảnh huy hoàng lộng lẫy, vàng thếp bạc xuy, cúc đâm chồi, ngô trải lá… Nhưng gẫm lại thì là một câu thơ tả tình, một mối tình đau xót buồn thương ngấm ngầm ở dưới lớp vàng son rực rỡ!

Cảnh huy hoàng của giếng, thử hỏi nhờ đâu mà có? Có phải nhờ cảnh tàn tạ của ngô? Và nhìn ánh rực rỡ của hàng giậu phủ sương, có ai tưởng tới nỗi lạnh lùng của cúc?

Câu “vàng thếp…” ám chỉ vua Tự Đức.

Câu “bạc xuy…” ngụ ý than cảnh ngộ của Quận Vương.

Hai câu thơ cảnh mà tình, tình mà cảnh. Nếu bảo là cảnh thì cảnh ấy đã biến thành tình. Nếu bảo là tình thì tình kia đã hiện thành cảnh. Hai câu nầy cũng như hai câu:
Thảm lấp Phủ câu sông một dải,
Sầu giăng Long Thọ núi liền dây.
trong bài Thiên Mụ hoài cảm, có thể gọi là “tâm cảnh nhất như”. Đó là những câu thơ thượng thừa vậy.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại