1204.22
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
55 bài thơ
2 bình luận
38 người thích
Tạo ngày 15/03/2005 10:38 bởi Vanachi, đã sửa 6 lần, lần cuối ngày 11/03/2022 22:34 bởi Vanachi
Quang Dũng (1921 - 13/10/1988) tên thật vốn là Bùi Đình Dậu nhưng về sau bố đổi thành Bùi Đình Diệm vì tên Dậu trùng với một người trong họ, sinh tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), mất tại Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học trường làng, khi 7 tuổi lên Hà Nội học. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Hà Nội, năm 20 tuổi ông thoát ly gia đình dạy tư thục cho Trường trung học Philippe Petain, viết báo, dịch thuật và hoạt động về mỹ thuật tại Hà Nội.

Quang Dũng tham gia hoạt động cách mạng từ trước Khởi nghĩa Tháng Tám. Khi tổng khởi nghĩa 19-8-1945 thành công, ông được cử làm phái viên phòng Quân vụ Bắc bộ. Những ngày đầu kháng chiến, ông tham gia lấy vũ khí của địch, cất giấu máy móc quân sự, đi các địa phương tìm mua vũ khí cho cách mạng. Năm 1946, ông làm chính trị…

 

Mây đầu ô (1986)

Tuyển tập chung

 

 

Ảnh đại diện

Nói thêm vài chi tiết về nhà thơ Quang Dũng

1. Về những bài thơ mà Quang Dũng viết hồi kháng chiến 1946-54, ngoài những bài như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua,… người ta cũng thường nhắc đến bài Lính râu ria. Nhưng, toàn bộ bài thơ ấy ra sao, hỏi mấy người biết ít nhiều về Quang Dũng đều lắc đầu nói không rõ.

Bài thơ ấy không in trong mấy tập sách về Quang Dũng hồi những năm 1990, nên bây giờ không ai nhớ.

Nhân đọc lại báo cũ, tôi thấy bài thơ Lính râu ria, sáng tác từ 1948, vốn được chuyền tay trong bộ đội, đã được Quang Dũng đưa đăng lại trên báo Văn nghệ số 151, ra ngày 14/12/1956. Ta sẽ thấy lại ở đây không chỉ những nét riêng của những anh lính có gốc gác phố thị mà thời kháng chiến người ta đã định danh bằng mấy chữ “tạch tạch sè” (TTS = tiểu tư sản); với thời gian, ta còn thấy càng rõ lên ở họ cái chất nhân bản, cái tình người vừa thường tình vừa đẹp đẽ, một cảnh sống “đẹp và buồn”…

Tiện thể nói thêm, gần như ngay sau khi báo Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam từ Việt Bắc trở về và ra mắt tại Hà Nội (từ 1/11/1954), Quang Dũng đã góp mặt như một phóng viên về đời sống văn hoá ở vùng thủ đô; ông không những viết về các hoạt động nổi bật như triển lãm mỹ thuật 1954, việc khai thác vốn cổ của văn công quân đội, buổi họp mặt của câu lạc bộ nhạc cổ thủ đô, v.v…, mà còn viết về sinh hoạt văn hoá ở các cơ sở xí nghiệp, trường học; chỉ nghe tên bài báo đã thấy rõ điều ấy: “Đọc bích báo nhà máy nước”, “Đọc bích báo nhà máy diêm Hà Nội và nhà máy Gia Lâm”, “Đọc bích báo hai trường Tân Trào và Trưng Vương”, “Công nhân nhà máy đèn đấu tranh cho thống nhất”, v.v…

Coi thơ như khu vực sáng tác tâm huyết nhất của mình, Quang Dũng có không ít những trăn trở về thơ tuy rất it khi ông nói ra; chỉ khi Hội Văn nghệ Việt Nam phát động việc “phê bình lãnh đạo văn nghệ” để chuẩn bị cho Đại hội văn nghệ toàn quốc 1956, người ta mới thấy ông hé ra qua bài “Mấy ý nghĩ về thơ”, đăng 3 kỳ Văn nghệ trong tháng 9/1956 (tôi vừa đưa in lại trên tạp chí Thơ số 10/2008).

Năm 1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập và xuất bản tuần báo Văn, Quang Dũng lại là một trong những cộng tác viên đắc lực. Các bút ký về sinh hoạt văn hoá đời thường ở Hà Nội như các trò xiếc khỉ, diễn trò kèm với bán thuốc “cao đơn hoàn tán” cạnh bờ hồ Gươm… do Quang Dũng viết, rất sống động, vui nhộn; tiếc thay, trong mắt một vài nhà phê bình quyền uy thì nó lại là sự nhấm nháp các mảnh sống cũ kỹ, khi mà người ta đòi hỏi “con người thời đại” trên mặt tờ báo văn chương phải có ngay đường nét của con người xã hội chủ nghĩa! Vậy là mấy bài bút ký của Quang Dũng bị nêu tên phê phán, bên cạnh các bài “nặng tội” hơn, của các tác giả khác.

Tất nhiên, sau này ngẫm lại, có vẻ như các chuyện về xiếc khỉ bờ hồ bị nêu tên ấy, chẳng qua cũng chỉ là dịp để người ta ngầm nhắc những lỗi có vẻ còn to hơn của Quang Dũng, ấy là việc trước đó ít lâu, ông có thơ (2 bài Trên đường chiều thứ bảy, Những cô hàng xén) đăng ở hai tập Giai phẩm mùa thu, sau lại có một bài nữa (Có nhớ về đất Bắc) đăng ở Sách Tết 1957, − một cuốn “hậu giai phẩm” − của nhà xuất bản Minh Đức. Cái lỗi “tòng phạm” ấy, Quang Dũng thật sự khó tránh, khi mà các báo chính quy của hội chính quy hồi năm 1956 chỉ giành rất ít chỗ cho những người như ông, đến nỗi một người cùng cảnh ngộ “ngoại vi” là Nguyễn Bính đã phải dựng lại tờ Trăm hoa của ông anh mình, để các bạn văn cũng lép vế như mình có chỗ đăng tác phẩm! Dù sao, lỗi của Quang Dũng cũng được coi là nhỏ thôi, nên không bị nêu tên trong các bản tổng kết hồi 1958; dẫu vậy, nghiệp thơ Quang Dũng trên đất Bắc cũng dần dần xem như bị “chìm xuồng”, chứng cứ rõ nhất là không có bài thơ nào của Quang Dũng được đưa vào Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960 (NXB Văn học, 1960) do Xuân Diệu chủ trì và viết lời nói đầu, coi như không có tác gia Quang Dũng trong thơ giai đoạn ấy!

Có thể bạn đọc trẻ ngày nay không tin, nhưng sự thực là: hồi những năm 1960 ở miền Bắc, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng chỉ được nhắc đến duy nhất trong một cuốn sách, đó là cuốn Văn học Việt Nam hiện đại (giáo trình Đại học tổng hợp Hà Nội) của Hoàng Như Mai, nhưng là nhắc đến Tây Tiến với nhận xét phê phán về sự tiêu biểu cho những cái “rớt” tiểu tư sản trong thơ thời đầu kháng chiến!

Sau này, khi Quang Dũng mất (1988), chính nhà giáo Hoàng Như Mai có dịp xác nhận cái sự thực từng phổ biến một thời, nghe như một sự lạ: “Các bài Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Anh lính râu ria, v.v… của Quang Dũng được quá nhiều người thích và truyền tụng quá nhiều, vì thế ít nhiều anh bị ‘vạ vịt’ vì chúng. Rõ tội: chữ ‘tài’ liền với chữ ‘tai’…” (trích theo sách Quang Dũng, người và thơ, Hoài Việt sưu tầm biên soạn, NXB Hội Nhà Văn, 1990, tr. 19).

Đặc sắc thơ Quang Dũng, trên thực tế, ngay trong những năm 1960, đã được văn giới ở miền Nam xác nhận và khẳng định. Cũng chính nhà giáo Hoàng Như Mai, năm 1988, kể lại: “Sau ngày các tỉnh phía Nam được giải phóng, tôi vào giảng bài ở thành phố HCM., có đọc sách báo Sài Gòn cũ. […] Gặp anh giữa phố Hà Nội, tôi bô bô: Này ông Quang Dũng, Sài Gòn họ ca tụng ông ghê lắm, có đến mấy đặc san về ông. Anh vội xua tay nói khẽ: ‘Thôi xin ông, đừng nói với ai nhé!’ Tôi ân hận vì lơ đễnh” (sách trên, tr. 19).

Dẫu sao rồi cũng đã qua đi cái thời có những sự lạ kỳ như thế, − nghe chuyện thơ mình được công chúng trong Nam khen mà chính tác giả lại thấy lo sợ đến bủn rủn chân tay!

Từ đầu những năm 1990, giá trị những bài thơ xuất sắc nhất của Quang Dũng đã được xác nhận. Ngày nay, nói đến thơ thời đầu chống Pháp, không một ai ít nhiều hiểu biết về thơ lại không nhắc đến bài Tây Tiến. Nhưng xin đừng quên: điều có vẻ đương nhiên ấy đã không hề là đương nhiên, như ta vừa thấy.

2. Nhân nói về Quang Dũng, có một điểm tôi từng nghe nói, nhưng nay rất cần xác minh lại. Đó là một tình tiết thuộc tiểu sử Quang Dũng. Hồi 1990, khi làm công việc biên tập cho cuốn sách Quang Dũng, người và thơ, tôi được nghe các ông Trần Lê Văn, Hoài Việt kể tình tiết này, nhưng khi tôi yêu cầu hai vị ấy viết ra giấy và đưa vào sách thì họ lại từ chối, cho là chưa đến lúc. Tình tiết đó, thiết nghĩ đến nay không còn là điều “nhạy cảm” gì nữa, nên cần nói ra và cần đi tìm người xác minh, nếu không sẽ là quá muộn.

Đó là chuyện, đầu những năm 1940, Quang Dũng đã từng dấn bước phiêu lưu sang đến đất Tàu, rồi, do tình huống nào đó, đã gặp Nguyễn Hải Thần (thủ lĩnh Việt Nam cách mạng đồng minh hội, gọi tắt là Việt Cách), được ông này coi như môn khách. Năm 1945, trong đoàn người của Việt Cách trở về Hà Nội, có Quang Dũng. Phía Việt Minh thấy Quang Dũng là người có thể tranh thủ được nên đã tìm cách tách ông ra khỏi nhóm gần gũi của Nguyễn Hải Thần bằng việc đưa ông đi học trường quân chính ở Tông (Tùng Thiện, Sơn Tây), từ đó Quang Dũng đi sang quỹ đạo của phía Việt Minh, tham gia đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào - Việt. Đơn vị này được thành lập trên đất Thạch Thất - Quốc Oai hồi 1947, rồi di chuyển lên vùng Hoà Bình, Sơn La của Tây Bắc. Những bước chân hành quân hồi này đã đi vào thơ Tây Tiến, Những làng đi qua, Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng và ông cũng đặt dấu ấn của mình vào thơ Việt từ đó. Quang Dũng có kể về những ngày đầu của đơn vị này trong thiên truyện ký “Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào Việt”, viết năm 1952 ở Cổ Thành, Thanh Hoá.

Cách đây ít lâu, nhân nói chuyện với nhà thơ Vân Long, tôi được anh bổ sung cho một dị bản hơi khác chút ít, dường như do chính Quang Dũng từng tâm sự kín đáo với một vài bạn thân: khi theo chân Nguyễn Hải Thần về nước, Quang Dũng nhận ra phía Việt Minh mới là phía có chính nghĩa và sức mạnh nên đã tự tìm cách liên hệ để thoát khỏi ảnh hưởng của nhóm Việt Cách; và ông đã đạt được mong muốn ấy. Trong việc này, ông được một cán bộ Việt Minh có chân trong thành uỷ (ĐCS) Hà Nội giúp đỡ; Vân Long nhớ không chắc chắn tên người nên chưa vội ghi ra đây. Các bạn nghiên cứu trẻ, nếu muốn tìm hiểu rõ thêm về Quang Dũng, nên gặp một vài người như nhà thơ Vân Long và qua nhà thơ này tìm thêm các đầu mối… mong manh khác.


12/10/2008
Lại Nguyên Ân
tửu tận tình do tại
34.33
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Câu chuyện về cuốn sổ tay

Cuốn sổ tay nhỏ lẫn trong hơn chục cuốn sổ đủ kích thước, màu sắc, giấy và chữ đã ngả màu mà gia đình còn giữ được của cha tôi. Cuốn sổ chứa đựng trong nó kí ức những năm tháng cuối cùng cha tôi sống và viết tại khu kinh tế mới Lâm Đồng. Những kí ức rưng rưng…

Tôi đặc biệt chú ý tới cuốn sổ này vì thấy ngay trang đầu tiên do trang bìa đã không còn, những dòng chữ rắn rỏi rõ nét bằng bút mực xanh hiện lên: “Chúc anh Quang Dũng một chuyến đi nghìn dặm với những trang sách cháy bỏng lòng người. Ngõ Quỳnh 28-3-83. Vũ Bão.” Tôi nghĩ thầm trong đầu “Bố cho phép con xem cuốn sổ này nhé!” Có chút tò mò, tôi nhẹ tay lật trang tiếp theo, những nét chữ quen thuộc của cha tôi bằng mực xanh được viết gọn gàng trong một trang giấy:

Trang đầu tiên dành những tình cảm đặc biệt cho Vũ Bão - Vũ Bão rất yêu tôi. Những buổi tối, Vũ Bão thường đến nhà ăn của XBVH (Xuất bản văn học) lấy một xe cải tiến đầy xỉ than bếp lò, vượt đất lấn hồ. Một vài năm đã thành một cơ ngơi đủ nhà ba buồng, chuồng lợn và bếp rộng rãi. Câu Vũ Bão thường nhắc là một kỉ niệm từ thời liên khu III: Vũ Bão đang hành quân, phải chạy đón đường để xem ông Quang Dũng đi qua bến đò Nho Quan!

Ngày nay thế là đã ngót bốn chục năm trời. Cái hình ảnh đẹp của một thời quân Miền Tây đã xa lắc. Còn lại một tấm lòng chiến sĩ cũ và thương nhau. Vũ Bão có thể là người viết có nhiều sức trẻ, nhiều nghị lực. An cư rồi thì nên lạc sự nghiệp.

Ghi vội mấy dòng cảm ơn Vũ Bão, anh nhớ tôi đã mong có một cuốn sổ tay để đi Lâm Đồng ghi chép. Đây là món quà lên đường anh tặng tôi. Quang Dũng.
Từ sau trang viết này là những ghi chép khi cha tôi ở Đà Lạt và đi thực tế vào khu Kinh tế mới người Hà Nội ở Lâm Đồng để tìm hiểu, lấy tư liệu và dự định sẽ viết tập kí 300 trang về những đổi mới ở vùng Kinh tế này. Có thể tên tập kí là: Đi khắp quê hương mới của Đất rồng lửa (vì dòng chữ này được cha tôi gạch chân cẩn thận). Ông còn dự định sẽ in tại nhà xuất bản Hà Nội. Những dòng chữ viết nhỏ (để tiết kiệm sổ tay) đầy những số liệu, nhiều tên người, địa chỉ… là kết quả của nhiều ngày ông di chuyển liên tục trong toàn vùng chỉ bằng đi bộ. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để có năng suất tăng nhanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân luôn được ông quan tâm ghi lại tỉ mỉ. Giống ngô Mehico được cha tôi dành nhiều trang viết và bày tỏ thiện cảm của ông khi tìm hiểu về giống ngô lai này: “Sao lại lúa, lúa, lúa! Cái ám ảnh chúng ta hàng năm. Tây Nguyên ta là xứ sở của ngô Cao Bằng, Trùng Khánh ăn ngô một năm 11 tháng thì sao? Mà người dân vẫn béo tốt khoẻ mạnh, phụ nữ má hồng, trẻ em bép mập mạp. Vấn đề là chế biến, anh bí thư có nói hạt ngô Mehico xay thành miến, ngô nếp trắng, sợi trắng không biết là ngô nữa...” Năm 1984, khi biết tin cha tôi bị tai biến, ngã liên tục trên những con dốc trơn trượt ở Lâm Đồng, ở rừng vẹt gần dốc bà Mão… hai mẹ con tôi vào đón cha ra Hà Nội, ngồi trên chuyến tàu chậm Bắc Nam, cha ôm trên tay một mũ cói những bắp ngô luộc thơm và mẩy hạt. Giống ngô Mehico.

Một chuyến đi thực tế hay mỗi nơi ông đến đều để lại những dấu ấn thật đặc biệt: “5 giờ sáng, dậy sửa soạn lên đường. Đường 4 cây số. Tây Nguyên lúc sắp bình minh thơm ngát cỏ cây đêm và tiếng thác nước Cam li hạ ào ào suốt đêm…” Những cảm xúc ùa đến để không kìm nén được trước cỏ cây hoa lá và không gian núi rừng Tây Nguyên vào sáng sớm, ông ghi tiếp bằng chữ rất nhỏ: “Mưa, gió lành lạnh, cơn rào rào như mưa tháng bảy. Mưa ngâu, khí lạnh như mùa thu. Cảnh vật như mưa thu. Đường đỏ, có cơn mưa, đỏ thẫm rất đẹp, đường đỏ, cỏ tranh viền một cảnh đẹp của đường số 6 hay Phú Thọ, hay Sơn Đông gần Ba Vì, Tùng Thiện. Mùi cỏ dại, hoa dại, thông thơm hắc lại rất gợi về 1948, những đêm Đại Từ Thái Nguyên, đêm Việt Bắc kháng chiến, đêm trung du bộ đội…”

Trong sâu thẳm tâm hồn ông, những kỉ niệm hào hùng thời tham gia trung đoàn 52 Tây Tiến luôn còn mãi. Sau những trang ghi chép này ông viết một dòng tự nhắc mình, đóng khung cẩn thận: “Còn đúng 22 trang là hết chỉ ghi chép thật cần thiết và vắn tắt...” Ông dùng bút đỏ đánh số trang cuối cùng và lưu bút: “Vũ Bão, đêm nay, 11-11-83, tôi trở dậy vào 2 giờ sáng và rất nhớ Vũ Bão, người bạn trẻ mà kỉ niệm gặp nhau đã từ Nho Quan những ngày đầu 1948! Chao ôi, xa quá, lâu quá mà vẫn gần quá vì đêm nay tôi lại đang lấy một tờ sau cùng của cuốn sổ anh tặng tôi để viết mấy dòng thân mến gửi anh. Cuốn sổ của Vũ Bão tôi giữ cẩn thận…”

Một cuốn sổ tay nhỏ vào cái thời gian khó ấy là cả sự mong muốn của cha tôi - một nhà thơ, một chiến binh trong đoàn quân Tây Tiến kiêu hùng một thuở! Cha và chú Vũ Bão có cảm nhận được trong con sự xót xa và yêu thương nhưng cũng đầy tự hào về một tình bạn mộc mạc chân thành của hai người.

Con cũng sẽ giữ cẩn thận cuốn sổ này của cha, một cuốn sổ đặc biệt trong số những di cảo ít ỏi còn lại của Người.


Những ngày thu Hà Nội 2019
Bùi Phương Thảo (con gái nhà thơ Quang Dũng)

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
33.33
Chia sẻ trên Facebook