Đăng bởi tôn tiền tử vào 25/12/2021 14:18
Nguyễn Thị Thiếu Anh là một người phụ nữ được người đời ngưỡng mộ. Từ hồi còn là một cô nữ sinh Đồng Khánh, bà đã nổi tiếng khắp kinh thành Huế vì là cô gái đầu tiên biết đi xe đạp và đặc biệt là con quan nhưng bị đuổi học khi không chấp nhận bị cô giáo Pháp miệt thị.
Nguyễn Thị Thiếu Anh sinh năm 1921 tại phủ Anh Sơn, Nghệ An. Sinh ra ở Nghệ An, nhưng bà có gốc gác từ xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nguyễn Thị Thiếu Anh là con gái của cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, người giữ chức Phủ doãn Thừa Thiên – kinh đô Huế lúc bấy giờ.
Là một cô gái dám đi xe đạp khắp kinh thành Huế
Nguyễn Thị Thiếu Anh là người con gái đầu tiên ở kinh thành Huế biết đi xe đạp. Hồi ấy, Thiếu Anh, cô học trò 15 tuổi, học giỏi văn đã tự nguyện tham gia vào tờ báo Xuân của “Học sinh văn đoàn” Huế. Vì vừa phải làm biên tập, vừa phải lo công việc quản trị tờ báo, chạy phát hành và giao dịch nên cô học trò này phải tập đi xe đạp mới có đủ thời gian làm hết các công việc ấy. Chính Nguyễn Khắc Viện – Nhà văn, nhà báo, bác sĩ nổi tiếng và cũng là anh trai cô đã động viên, khuyến khích Thiếu Anh đi xe đạp.
Không những là người con gái đầu tiên biết đi xe đạp. Nguyễn Thị Thiếu Anh còn nổi tiếng khắp kinh thành Huế vì “dám” đi xe đạp khắp kinh thành. Có thể nói, việc Thiếu Anh làm lúc ấy chẳng khác gì điều mà chỉ có đấng nam nhi mới làm được.
Là người dám đứng lên nói sự thật rằng người Pháp là kẻ bóc lột, xâm lược, quân ăn cướp
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Thị Thiếu Anh còn nổi tiếng bởi là một tiểu thư khuê các độc nhất vô nhị bị đuổi học. Chuyện này về sau đã trở thành giai thoại của gia đình và được nhiều người nhắc lại.
Chuyện là lúc đó Thiếu Anh đang là nữ sinh Đồng Khánh, học lớp 2e année (tương đương với lớp 7, bậc THCS bây giờ). Một lần, trong giờ thi học kỳ tiếng Pháp, Nguyễn Thị Thiếu Anh bị cô giáo người Pháp nghi ngờ là quay cóp bài, chỉ vì cô làm bài xuất sắc hơn những bài kiểm tra khác. Không dừng lại ở đó, bà giáo ấy còn dùng lời lẽ không mấy hay ho để miệt thị, xúc phạm người Việt Nam: “Dân An Nam các cô đều là quân ăn cắp”.
Trước lời lẽ miệt thị cả dân tộc như vậy, Nguyễn Thị Thiếu Anh không hề sợ hãi mà khoanh tay đứng nhìn. Người học trò này đã dám đứng phắt dậy và khẳng khái nói: “Trên thế giới này, dân tộc nào cũng có người lương thiện, có kẻ ăn cắp. Tôi cũng công nhận người Pháp như các bà qua đây không ai ăn cắp, vì các vị đã bóc lột chúng tôi tận xương tuỷ, đã giàu có tột cùng rồi! Đối với chúng tôi thì tất cả những người Pháp sang xâm chiếm tàn bạo đất nước Việt Nam đều là quân ăn cướp”.
Có thể nói câu nói của giáo viên người Pháp đã động chạm đến tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của một cô học trò nhỏ. Vậy nên, Nguyễn Thị Thiếu Anh đã không ngần ngại bộc lộ niềm căm thù địch tới tận xương tuỷ của mình và nêu lên sự thật rằng dân Pháp chẳng qua là những kẻ đi bóc lột, xâm chiếm, là quân ăn cướp. Phải là một cô gái gan dạ, dũng cảm thì Thiếu Anh mới có thể làm được điều đó.
Lời lẽ đáp trả sâu cay của Nguyễn Thị Thiếu Anh không những khiến bà giáo Pháp giận tím mặt mà còn làm cho cả lớp lúc đó choáng váng vì bất ngờ, vì sự dũng cảm của cô. Câu chuyện đó nhanh chóng lan đi khắp trường Đồng Khánh, rồi lan ra cả kinh thành Huế. Không ai có thể tin được rằng, một tiểu thư con quan Phủ doãn Thừa Thiên-Huế mà có thể dám cả gan nói những lời như vậy với thực dân Pháp.
Sau đó, mặc cho hiệu trưởng trường Đồng Khánh khuyên Thiếu Anh xin lỗi, cô vẫn một mực không chịu. Thiếu Anh thà bị đuổi học còn hơn là để cho cả dân tộc bị sỉ nhục như vậy. Cuối cùng Nguyễn Thị Thiếu Anh lãnh “án” bị đuổi học 3 năm: “.. bị đuổi học khỏi trường… bị cấm thi 3 năm vì có tư tưởng phản nghịch”. Đây vốn giống như là án “tù chung thân” của một cô học trò nhỏ học giỏi, ham học, thế nhưng Thiếu Anh không hề sợ hãi, nhún nhường.
Mãi đến sau năm 1945, khi Pháp mất quyền cai trị ở Đông Dương, Nguyễn Thị Thiếu Anh mới được đi học lớp dược tá, lúc này bà đã gần 35 tuổi.
Tiểu thư “gác” bài của đại tướng tương lai
Nguyễn Thị Thiếu Anh còn nổi tiếng với biệt danh tiểu thư “gác” bài của đại tướng tương lai. Cụ thể, người con gái này đã dám gác lại một bài viết sắc bén của chàng trai Nguyễn Vịnh để đảm bảo an toàn cho tờ Xuân. Người ấy không ai khác mà chính là đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau này.
Vốn là một người có khiếu văn thơ, nên Nguyễn Thị Thiếu Anh được giao biên tập tờ báo Xuân của “Học sinh văn đoàn” Huế. Tờ báo do anh Hồ Mậu Đường làm “chủ bút”. Tờ báo xuân này mỗi tháng ra 2 kỳ, mỗi số chỉ vỏn vẹn mươi trang viết tay được chép trong một quyển vở học sinh, sau đó ghi thành nhiều bản (10-12 bản) và chuyển cho các trường ở Huế xem.
Tờ báo Xuân do Nguyễn Thị Thiếu Anh biên tập có nội dung tiến bộ. Dó là động viên tinh thần yêu nước, gửi gắm tình thương tới người nghèo, cổ động dùng đồ nội và khuyến khích dạy bình dân học vụ. Chính vì thế, tờ báo có khá đông các tác giả gửi bài viết về và nhiều độc giả quan tâm đón đọc.
Bài viết của đồng chí Nguyễn Vịnh lúc đó tư tưởng rất sâu sắc, cùng lời lẽ đả kích thực dân Pháp rõ rệt. Vậy nên, Nguyễn Thị Thiếu Anh đã bàn với chủ bút “gác” lại bài viết này. Bởi vì, với nội dung và lời lẽ như thế, bài viết của Nguyễn Vịnh chắc chắn sẽ làm lay động người Pháp, bọn mật thám có thể sẽ cấm “Học sinh văn đoàn” hoạt động.
Sau khi đề nghị tác giả Nguyễn Vịnh viết nhẹ nhàng hơn một chút, nhưng anh không đồng ý, vì muốn tờ bào tồn tại an toàn, ban biên tập trong đó có Thiếu Anh đã không đăng bài báo quý giá ấy.
Thật không ngờ, người thanh niên muốn dùng ngòi bút chống Pháp, người bị Nguyễn Thị Thiếu Anh “gác” lại bài chính là vị đại tướng nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta.
Năm 1937, cô học trò này đã nổi tiếng khi đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn quốc với số điểm 20/20, được nhà vua đích thân trao giải thưởng gồm một xấp vải đẹp, một chiếc đàn banjo và một cuốn Larousse Ménager. Cô gái giỏi văn ấy không chỉ học giỏi mà ngay từ tuổi trăng tròn đã có bài thơ Chiếc nón Huế làm cho các bậc thi sĩ đàn anh như Xuân Diệu, Tế Hanh, Thanh Tịnh phải để mắt đến.
Năm 1947, Giáo sư Nguyễn Lân đã chọn đưa bài này vào sách giáo khoa văn lớp 6.