Thương thay đất Gia Định,
Tiếc thay đất Gia Định!

Vực thẳm nên cồn;
Đất bằng nổi sóng.

Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu;
Dây thép giăng chớp nháng đất ngàn trùng, ngã xiêu Thành Phụng.

Bờ cõi phân chia khác mắt, trông ra như quáng như mù;
Giang sơn dời đổi lạ mày, tưởng tới dường mê dường tỉnh.

Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, ngổn ngang xe ngựa đất gò bằng;
Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát cửa nhà trời dậy sấm.

Ấm á súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt câu ca;
Tò le kèn thổi tối trời Nam, ngơ ngác năm canh không tiếng trống.

Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh;
Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.

Từ Bến Thành trải qua Chợ Sỏi, loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu;
Nơi Chợ Lớn sắp tới Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.

Cầu Thị Nghè cùng nơi Chợ Quán, chúa Giê-su đắc ý vểnh râu;
Chùa Cẩm Đệm trải đến Cây Mai, phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng.

Nơi nơi nổi xóm đạo nhà thờ;
Chốn chốn lập chùa thiêng miếu thánh.

Dọc dọc ngang ngang mấy lớp, thảy đều chúng nó lâu đài;
Văn văn võ võ hai bên, nào thấy quan ta võng lọng.

Ngậm ngùi thay ba bốn lân Gò Vấp, cây cỏ khô, thân thế đều khô;
Bát ngát nhẽ Mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng.

Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không;
Đòi nơi Rạch Lá, Gò Công, trận gió quét cửa nhà trống rỗng.

Tiếng kêu oan, oan này vì nước, hồn nghĩa dân biết dựa vào đâu?
Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà đầy đống.

Sông suối đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay kẻ thác chẳng an hồn;
Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy người còn khôn nỗi sống.

Sau trước vầy đàng tả đạo, dân ta đòi bữa đòi suy;
Đêm ngày ỏi tiếng Lang Sa, thế nó càng ngày càng lộng.

Cờ Thành Thang sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ chốn chông gai;
Áo Võ Vương sao chẳng thấy cài, nỡ để dân đen trong bùn lấm.

Đầu Trung Nguyên tóc hãy còn dài, công này nhờ Chu Bá, học Xuân Thu xin chớ biếm Hoàn Công;
Tay tả nhậm áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, học Luận Ngữ cớ sao chê Quản Trọng?

Bóng xế dặm ngàn trong man mác, nước non này ai thấy chẳng buồn;
Trời chiều chim chóc nhảy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động?

Nay ta nhân cảm việc đời,
Vậy mới tả một bài ngâm vịnh:

Dắng dỏi lầu Tây tiếng địch xoang,
Đoái trông thấp thoáng bóng dương tàn.
Giang sơn tám cõi êm tì báo,
Thế giới ba ngàn nổi sói lang.
Áy náy người lo ơn cúc dục,
Bâng khuâng kẻ tưởng nghĩa quân vương.
Ai về bến bắc thăm người Võ,
Hỏi cán cờ mao trải mấy sương?


Bài này do học giả Trương Vĩnh Ký sưu tầm mới được 7 cặp câu và ghi tác giả là khuyết danh. Sau này, ông Thái Bạch trong Thi văn quốc cấm và sau nữa là ông Lãng Nhân trong Truyện Làng Nho (NXB Nam Chi tùng thư, 1966) đều ghi tác giả là Phan Văn Trị, nhưng cả hai ông đều không nêu ra chứng cứ. Các sách Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa (nhóm tác giả Nguyễn Khuê, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Khuê, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1987, tr. 280) và Hào khí Đồng Nai (Ca Văn Thỉnh, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1983, tr. 138) vẫn ghi là khuyết danh.

Mùa xuân năm Kỷ Mùi niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859), lợi dụng danh nghĩa bảo vệ các giáo sĩ, binh thuyền thực dân Pháp do R. de Genouilly từ Đà Nẵng tiến vào cửa Vũng Tàu, mở màn cuộc chiến xâm lược nước ta. Đoàn chiến thuyền gồm 14 chiếc với hơn 3000 lính nhả đạn vào các công sự phòng thủ và chiến thuyền nước ta, rồi qua cửa Cần Giờ tiến vào nội địa. Tổng đốc Gia Định là Võ Duy Ninh tự đi đem binh các tỉnh tiếp viện. Nhưng chỉ trong hai ngày, thành Gia Định, căn cứ trọng yếu nhất của miền Nam đã bị hạ và san thành bình địa, Võ Duy Ninh tử trận. Từ đó trở đi, chủ quyền nước ta dần rơi vào tay giặc Pháp.

Bản ở trên theo Tổng tập dư địa chí Việt Nam.

Bản theo Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp:
Thương thay đất Gia Định,
Tiếc thay đất Gia Định!

Vực hoá nên cồn;
Đất bằng nổi sóng.

Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu;
Dây thép giăng nhấp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu Thành Phụng.

Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mờ;
Giang sơn dời đổi hoạ mi, tưởng tới dường mê dường mộng.

Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, ngổn ngang xe ngựa đất gò bằng;
Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát cửa nhà trời dậy sấm.

Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt âu ca;
Tò le kèn thổi tối trời Nam, man mác năm canh không tiếng trống.

Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh;
Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.

Từ Bến Thành trải qua Chợ Đũi, loài tinh chiên loạn xạ biết bao nhiêu;
Nơi Chợ Lớn sấp đến Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.

Cầu Nghè cùng nơi Chợ Quán, quân tham tàn đắc ý vênh râu;
Chùa Cẩm Thảo trải tới Cây Mai, phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng.

Nơi nơi nổi xóm mới nhà tây;
Chốn chốn lập đồn canh ụ súng.

Ngậm ngùi thay ba bốn làng Gò Vấp, cây cỏ khô, thân thế đều khô;
Bát ngát nhỉ Mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng.

Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp tan tành;
Đòi nơi Rạch Lá, Gò Công, trận gió quét cửa nhà trống lỗng.

Tiếng kêu oan, oan này bởi nước, hồn nhân dân biết dựa vào đâu?
Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà nên đống.

Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay người thác chẳng yên phần;
Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy kẻ còn khôn nỗi sống.

Sau trước vầy đoàn bạch thuỷ, dân ta đòi bữa đòi suy;
Đêm ngày ỏi tiếng Lang Sa, thế nó càng ngày càng lộng.

Cờ Thành Thang sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ chông gai;
Áo Võ Vương sao chẳng thấy gầy, nỡ để dân đen bùn lấm.

Đầu trung nguyên tóc hỡi còn dài, ơn này nhờ Chu Bá, học Xuân Thu xin chớ kiếm Hoàn Công;
Tay tả nhẫm áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, học Luận Ngữ cớ sao chê Quản Trọng?

Bóng xế dậm ngàn trong man mác, nước non này ai thấy chẳng buồn;
Trời chiều chim chóc nhẩy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động?

Nay ta nhân cảm với cuộc đời,
Vậy nên tả một bài ngẫu vận.


[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

admin xem lại

"Từ Bến Thành trải qua chợ Sỏi, loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu;
Nơi Chợ Lớn sắp tới cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.
Cầu Thị Nghè cùng nơi Chợ Quán, Chúa Giêsu đắc ý vênh râu;
Chúa Cẩm Đệm trải đến Mai, phật Bồ Tát phải nghèo ôm bụng."

Mấy câu này hình như không chính xác. Thứ nhất là địa danh sai, ví dụ như Chúa Cẩm Đệm (?), chợ Sỏi (?). Thứ hai đây là thể phú, tức là thể văn biền ngẫu, vậy mà có nhiều cặp câu không đối với nhau (cả ý lẫn số chữ trong câu). Thứ ba là có nhiều câu ý tứ không phù hợp lắm với nghĩa chung của toàn bài. Mong bạn kiểm tra lại.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Sai sót

Cảm ơn bạn, mình vừa sửa lại một số lỗi trong bài theo một bản khác tại đây: http://annonymous.online....uong/index.php?topic=51.0

Có mấy lỗi gieo sai vần ở các câu thứ hai nữa, bản ở dưới đúng hơn về vần. Đó là những lỗi có thể kiểm chứng ngay được, còn những lỗi tên địa danh và câu cú thực mình không nắm được. Xin gửi bản thứ hai ở dưới đây để mọi người tiện tham khảo.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản trong "Giai thoại làng nho" của Lãng Nhân

Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định!
Vực hoá nên cồn, đất bằng dậy sóng.

Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu,
Dây thép giăng chớp nháng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng.

Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mù,
Non sông dời đổi hoạ mi, tưởng tới dường si dường tủng.

Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, ngổn ngang xe ngựa đất gò bằng,
Dấu trước lắp, dấu sau bồi, tan nát chợ nhà trời sấm động.

Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt câu ca,
Tò le kèn thổi tối trời Nam, ngơ ngác năm canh không tiếng trống.

Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ giá hạc lúc hư kinh,
Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.

Từ Bến Thành trải qua Chợ Đũi, loài tinh chiên loạn xạ biết bao nhiêu,
Nơi Chợ Lớn sắp tới Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng khôn xiết những.

Tầu Bà Nghè cùng nơi Chợ Quán, quỷ hung tàn đắc ý vênh râu,
Chùa Cẩm Thảo trải tới Cây Mai, Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng.

Nơi nơi nổi xóm mới nhà Tây,
Chốn chốn lập đồn canh ụ súng.

Ngậm ngùi thay ba bốn làng Gò Vấp, cây cỏ khô thân thế đều khô,
Đau xót lẽ Mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng.

Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không,
Đòi nơi Rạch Lá Gò, Công, trận gió quét cửa nhà trống rỗng.

Tiếng kêu oan, oan này bởi nước, hồn nhân dân biết dựa vào đâu?
Thân liều chết, chết cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà nên đống,

Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay người thác chẳng an hồn;
Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy kẻ cồn không nổi sống.

Sau trước vầy đoàn xâm lược, dân ta đòi bữa đòi suy,
Đêm trước ỏi tiếng Lang Sa, thế nó càng ngày càng lộng.

Cờ Thành Thang sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ trước chông gai,
Áo Võ Vương sao chẳng thấy gây, nỡ để dân đen trong bùn vũng.

Đầu Trung Nguyên tóc hãy còn dài, ơn này nhờ có Bá, học Xuân Thu xin chớ biếm Hoàn Công.
Tay tả nhẫm áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, đọc Luận ngữ cớ sao chê Quản Trọng?

Bóng xế dặm ngàn man mác, nước non này ai thấy cũng buồn,
Trời chiều chim chóc nhảy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động?

Ta nay nhân cảm với cuộc đời,
Vậy nên tả một bài để chúng!


Nguồn: Giai thoại làng nho, Lãng Nhân, NXB Nam Chi tùng thư, 1966
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời