114.55
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
34 bài thơ
3 bình luận
Tạo ngày 18/06/2005 03:02 bởi Vanachi
Phạm Huy Thông (22/11/1916 - 21/6/1988) học sử, học văn, học luật tại Pháp, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Trước cách mạng tháng Tám 1945, được học hành sang trọng như vậy hiếm lắm. Phạm Huy Thông lại làm thơ khá sớm, năm 15 tuổi đã có thơ in: Yêu đương, Anh Nga, Tiếng địch sông Ô... Sự nổi tiếng về thơ còn vang rộng hơn sự nổi tiếng về học. Ấy vậy mà sau này ông chuyển hẳn sang làm sử, nhiều năm làm hiệu trưởng Đại học sư phạm rồi Viện trưởng Viện khảo cổ. Với thơ, có lúc ông quay lại (hồi kháng chiến chống Mỹ) nhưng không còn gây được chú ý trong bạn đọc. Có thể coi thành công thơ ông nằm trọn trong giai đoạn đầu của Thơ Mới, trước năm 1940. Thơ Phạm Huy Thông chủ yếu là thơ tình yêu. Ông say đắm và lắm lời. Thơ tình của ông thiên về ca ngợi sắc đẹp và giãi bày nỗi si tình.…

 

Tiếng sóng - Yêu đương (1934)

Anh Nga (1936)

Tần Ngọc (1937)

Tuyển tập chung

 

 

Ảnh đại diện

Phạm Huy Thông

Phạm Huy Thông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1916 trong một gia đình nho học, quê làng Đào Xá xã Bãi Sậy huyện Ân Thi.

Từ nhỏ, ông được gia đình rèn luyện và được học hành chu đáo. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, năm 1937 ông sang Pháp du học, đậu tiến sĩ luật khoa, tiến sĩ văn khoa, thạc sĩ sử - địa. Trong thời gian ở Pháp ông tham gia các Hội ái hữu Việt kiều ở Paris và Toulouse. Năm 1946, ông được cử làm thư ký cho Bác Hồ và thư ký Hội nghị ở Fontainebleau, rồi làm cố vấn cho phái đoàn Việt Nam thường trú tại Pháp và hoạt động trong tổ chức Việt kiều. Năm 1947 ông được Chính phủ Pháp phong hàm học vị giáo sư, lúc đó ông mới 31 tuổi. Năm 1948 (có tài liệu ghi năm 1949) ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Năm 1952 ông phụ trách tổ chức Việt kiều hải ngoại. Cũng trong năm đó ông bị trục xuất khỏi Pháp.

Về Sài Gòn hoạt động trong tổ chức đấu tranh đòi hoà bình. Từ năm 1952-1955 Phạm Huy Thông tích cực tham gia đấu tranh chính trị, là Tổng thư ký phong trào vận động hoà bình, nhiều lần bị bắt bớ, giam cầm. Đầu năm 1955, ông bị chính quyền nguỵ Sài Gòn đưa về quản thúc tại Hải Phòng. Khi quân đội ta tiếp quản Hải Phòng, ông được trao trả. Phạm Huy Thông đã tích cực tham gia công tác trong các tổ chức, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Văn hoá Xã hội của Quốc hội, Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình thế giới của Việt Nam. Trong lĩnh vực học thuật, ông đã làm hiệu trưởng trường Đại học sư phạm (1956-1967), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện khảo cổ học (1968-1988).

Trên 40 năm hoạt động khoa học và xã hội, ông đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại. Với học vấn uyên bác, ông đã cống hiến tất cả tài năng, trí tuệ làm vinh dự cho nền khoa học nước ta, gây tiếng vang đối với nước ngoài. Năm 1987, ông được Viện hàn lâm khoa học Cộng hoà dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ.

Phạm Huy Thông sớm có thơ, ngay từ thuở 15-16 tuổi ông đã say mê sáng tác văn học và là một trong những nhà thơ mở đầu cho phong trào thơ mới cùng với các nhà thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… Trong thơ ca ông là cây bút nổi tiếng về thơ và kịch thơ. Thơ Huy Thông mang cái riêng rất rõ ràng, và cũng chịu nhiều ảnh hưởng thơ lãng mạng phương Tây thế kỷ XIX… Ông cũng là một trong số rất ít những nhà thơ lãng mạn có được hơi thơ khoẻ khoắn, mang âm hưởng hùng ca. Các tác phẩm của ông đăng tải ở Hà Nội và Sài Gòn trong những năm 1934-1937 được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh như Tiếng địch sông Ô, Con voi già, Anh Nga, Yêu đương, v.v…

Phạm Huy Thông sáng tác không nhiều, sự nghiệp văn chương của ông tập trung chủ yếu ở những năm đầu của thời thanh niên. Song chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để ghi nhận ông là một trong những nhà thơ xuất sắc của những năm 30 của thế kỷ này. Trong bộ Thi nhân Việt Nam nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét về ông “Hơi văn mà đến thế thực là bậc phi thường”. Sau năm 1955 hầu hết công trình của ông nghiêng hẳn về nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học. Ông đã góp nhiều công trình nghiên cứu sử học, văn học có giá trị về học thuật.

Phạm Huy Thông nghiên cứu khá nhiều lĩnh vực: ngôn ngữ, sử học, khảo cổ học, văn học, đề tựa cho sách dẫn luận nghiên cứu văn học dân gian. Ông đã chỉ đạo biên soạn những bộ ngữ pháp tiếng Việt, từ điển tiếng Pháp cùng các công trình nghiên cứu tư tưởng xã hội Việt Nam. Khi phụ trách Viện khảo cổ học, ông đã chủ trì những công trình nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương dựng nước, về trống đồng Việt Nam, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Khảo cổ học.

Phạm Huy Thông cũng là một người hoạt động quốc tế xuất sắc, từng tham dự nhiều hội nghị quốc tế về khảo cổ học, trình bày nhiều chuyên đề khảo cổ học Việt Nam ở Pháp, Úc, Mỹ, Nhật. Qua đó mà giới khảo cổ học thế giới biết đến và đánh giá cao thành tựu khảo cổ học Việt Nam.

Ông mất ngày 23/6/1988 tại Hà Nội. Năm 2000, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khảo cổ (Con Moong, trống đồng Đông Sơn và 4 bài dẫn luận thời đại Hùng Vương).


Tăng Bá Hoành
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Về kịch thơ “Lòng hối hận” của Huy Thông

Cách nay vài năm, một số tác phẩm thơ của Phạm Huy Thông đã được sưu tập và xuất bản (Phạm Huy Thông: Thơ, H.: Nxb. Lao động & Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, 2011, 256 trang 13x22 cm) nhưng trong đó không có kịch thơ Lòng hối hận. Điều đáng ngạc nhiên hơn, cả những người sưu tầm (Trương Tuyết Minh, Kiều Mai Sơn) lẫn các nhà nghiên cứu có bài in trong sưu tập ấy (như Vũ Khiêu, Hà Minh Đức, Phương Lựu) đều nhất trí (?!) cho rằng kịch thơ Lòng hối hận đã thất lạc!?

Nói kịch thơ Lòng hối hận đã thất lạc là không đúng. Tôi hiện biết một phần tác phẩm ấy. Nó được in trên Hà Nội báo năm 1936. Những soạn giả của sưu tập kể trên cho biết cũng đã tìm các tác phẩm Huy Thông ở tuần báo kể trên, vậy sao lại không thấy các kỳ đăng Lòng hối hận?

Nên biết, có một phần khá lớn tác phẩm thơ của Huy Thông đăng trên Hà Nội báo: Tiếng địch sông Ô (s. 2), Anh Nga (s. 4), Chàng Lưu (s. 6), Tần Hồng Châu (s. 9), Kinh Kha (s. 10), Lòng hối hận (s. 11, 12, 14, 16). Các tập thơ mỏng của Huy Thông như Tiếng địch sông Ô (in 1936), Tần Ngọc (in 1937) đều do nhà Lê Cường in, vì chủ nhà in này chính là chủ nhiệm Hà Nội báo. Nhà giáo Nguyễn Hoành Khung cho tôi biết: chính tác giả Huy Thông, những năm cuối đời, khi tính tới sưu tập tác phẩm của mình, đã đi tìm trước tiên các số Hà Nội báo.

Nếu như các tác phẩm khác đều được Hà Nội báo đăng trọn vẹn, riêng Lòng hối hận dù đã qua 4 kỳ báo, vẫn chưa xong hồi thứ nhất. Sau đó, tính đến khi Hà Nội báo bị đóng cửa (sau số 55, ngày 20/1/1937), không thấy tác phẩm này được đăng tiếp.

Đây là một vở kịch thơ, cũng có thể gọi là kịch thơ đề tài lịch sử; tác giả ghi rõ không gian vở kịch là “Hoa Lư thành, từ năm Tân Tỵ 981 đến năm Quý Tỵ 993”. Hồi thứ nhất có nhan đề “Chiếc ngai vàng”. Cũng chính tác giả hoặc toà soạn đã có lần tóm tắt các cảnh đầu của hồi này như sau:

“Nhà Tống sai binh sang đánh nước Cồ Việt. Nhiếp chính nước Cồ Việt là Lê Hoàn nhận thấy đó là một dịp cướp ngôi ấu chúa nước Đinh Toàn. Tuy đương đêm, Hoàn sai vời các đại thần và sai báo tin chinh chiến cho dân hay. Rồi tỏ ý muốn cho cùng Thái Hậu tường”.

Diễn biến 4 cảnh đầu của hồi thứ nhất là như thế.

Quan Nhiếp chính Lê Hoàn vừa cùng đoàn binh tuần tiễu vùng kinh sư Tràng An trở về thành thì được tin cấp báo từ hai ngả thuỷ bộ. Một viên tuỳ tướng từ mạn Hải An phóng ngựa về báo tin dân chài vùng đó đã thấy đoàn chiến thuyền quân Tống từ ngoài khơi đang áp vào Vân Đồn; cùng lúc, một tuỳ tướng khác từ Nam Quan phi ngựa về báo tin lục quân Tống đã tràn qua biên giới, đang giao chiến với quân ta, quân địch đông và mạnh, quân ta đang núng thế… Lê Hoàn cho hai tướng trở lại truyền lệnh cho các viên chỉ huy, hãy vờ thua, tạm rút: quân thuỷ rút về đóng Vạn Kiếp, quân bộ rút về mai phục Chi Lăng. Tuy đêm sắp xuống, Lê Hoàn cũng sai báo tin quân địch cho dân hay, và sai mời Dương Thái hậu và các đại thần vào triều.

Hai đoạn được tác giả Huy Thông dựng cận cảnh, là Lê Hoàn mình với mình, và Lê Hoàn đối thoại với Dương thái hậu.

Đặt Lê Hoàn đối diện với chính mình, Huy Thông để nhân vật đắm vào những suy tư về thử thách lớn về vận mệnh quốc gia, lại cũng coi đó là cơ hội lớn của kẻ trượng phu:

Ta cảm thấy giờ xưa ta kỳ vọng,
Giờ mà… lòng ơi! Ta mong đợi bấy chầy,
Đang vội vàng rảo bước lại gần đây!
Kỳ vọng của Lê Hoàn chính là “bước lên ngôi cửu ngũ”, làm hoàng đế nước Đại Cồ Việt. Thế nhưng, lập tức, ông nghĩ ngay đến những phản ứng sẽ xảy đến: ông sẽ bị coi là “dám tranh giang sơn cùng chủ cũ”, sẽ bị dân chúng thoá mạ, sẽ bị hàng trăm tay gươm anh kiệt khắp nước nổi lên chống lại, sẽ bị hậu thế chê cười…

Nhà thơ Huy Thông mô tả một Lê Hoàn, khi ấy, “tay run run chẳng dám lỗi cương thường”, nhưng, mặt khác “lòng kiêu hãnh biết bao giờ nguôi sóng hận?”

Cái “hận” ở Lê Hoàn, lúc mình đối diện với mình ấy, theo Huy Thông, là mối hận chỉ có ở những tay trượng phu, anh hùng cái thế:
Vì bao người dưới gầm giời vô tận,
Há Thiên công không riêng thưởng khách anh hào?
Mà làm sao,
Tóc sắp hoa râm vì nắng sương rầu rãi,
Ta vẫn phải cúi đầu làm tôi mãi?
Hoàng thiên! Hoàng thiên khe khắt hỡi!
Vì cớ chi ngươi phô mãi khoé đa đoan?
Vì cớ chi ngươi chẳng muốn cho Lê Hoàn
Trường đọ sức sớm ganh đua hơn chút đỉnh?
Đưa hồi ức của nhân vật trở lại thời giúp Đinh Bộ Lĩnh, Huy Thông để cho trong óc Lê Hoàn nổi lên ý nghĩ ngầm tiếc đã không làm hết những gì có thể làm ở thời loạn đả giữa các sứ quân, khi mà những Lý Khuê, Công Hãn, Nguyễn Khoan “đều vong thân dưới lưỡi kiếm Lê Hoàn”! Tất cả là do đã từng bỏ lỡ thời cơ!
Nhưng ta chót, than ôi!
Liếc gươm xanh ra tỉ thí với đời
Vào ngay lúc bể cuồng vừa lặng gió…
Bằng không,
Nghề cung đao ai đọ sức Lê công?
Hận! Ôi hận!
Trong sáng tạo kịch thơ, các tác giả Việt Nam, trong số đó có Huy Thông, nhận ra, chính yếu tố thơ ‒ giống như yếu tố ca hát trong các loại kịch hát ‒ đã giúp tác giả làm chậm hành động kịch, và làm đậm nhân vật bằng những đoạn tự bộc bạch những dằng xé trong nội tâm.

Lê Hoàn tự bảo mình hãy nén kiêu hãnh để phò ấu chúa nhà Đinh, để mai sau ngàn đời vẫn được “tiếng tôi trung”!
Thế nhưng:
Nhưng, ôi mơ!
Nhưng mộng lòng năm cũ của ta ơi
Ta nỡ nào… ta đâu thể nhãng quên ngươi!
Ta đâu thể dấu sâu niềm ham muốn
Dưới sóng lòng trên cuốn bão kiêu căng?
Lê Hoàn bắt đầu ngờ vực luận điệu không rửa nổi cái “tiếng” phản thần, nếu mắc phải.
Mà…
Mà, lên ngôi… ta mắc tiếng phản thần chăng?
Nhưng giáo Tống biên thuỳ đua chiếm ải!
Nhưng thuyền Tống tung hoành xâm duyên hải!
Nhưng khắp nước, bàn dân đương kinh hãi,
Như gà con ngẩng cổ
Thấy từng cao bỗng vỗ cánh chim diều!

Ta sẽ khiến Đại Cồ quên lao khổ,
Quên bao năm bại trận sống tiêu điều…
Ở chỗ này, cảm hứng hào kiệt trào lên trong nhân vật đã khiến cảm hứng lãng mạn ở nhà thơ trẻ được dịp vút cao lên, không cần biết rằng đây chính là ước mơ về vị thế một đế quân, kẻ đứng đầu một đế quốc – đương thời Lê Hoàn, điều này là dễ hiểu:
Ta sẽ đưa binh Nam đi vùng vẫy
Khắp bốn phương – giời nước mịt mùng tăm!
Ôi! Bầu mênh mông chuyển động tiếng loa gầm,
Tiếng gươm ca, tiếng trống hồi, ngựa hí…
Đoàn tinh binh như sóng loé tung tràn,
Khắp non sông theo chóp mũ Lê Hoàn!
Hai mươi vua sẽ rạp mình thi lễ
Trước võng rồng Nam phương Lê Hoàng đế!

……….
Tiếng cờ ta chỉ lung lay trước gió
Cũng đủ khiến cho rung ngai muôn thái tổ!
Ta sẽ xâm Nam Chiếu, đoạt châu Ung,
Vui vó câu sẽ dẫn tướng binh hùng
Mãi cho tới nơi mơ màng sương tuyết cản!
Cho trần giời vô hạn
Suốt đông đoài vang rúc ngọn còi Lê,
Ta sẽ ném binh đi chiếm cứ khắp năm bề!
Binh Nam quốc như hải triều kiêu hãnh,
Sẽ cuốn theo… cùng cát phủ, cùng mây nhanh, cùng gió mạnh,
Động man di rải rác núi non Hời!
Rồi, bóng khiên rợp mát bốn phương giời,
Như thác nước cao văng thân vĩ đại,
Quân xông xáo tới bên bờ Thiên Trúc hải…
Và, co cương trên mảnh đất cuối cùng nhô,
Đắm say nhìn biển vỗ tới hư vô!
……
Trong suy tính của Lê Hoàn, quyết lên ngôi, nắm quyền thống lĩnh quốc gia trong trận chiến vệ quốc sắp tới – là giải pháp cho mọi giải pháp, kể cả những nguyền rủa hay chống đối:
Ta sẽ lấy tiếng reo cờ muôn trấn,
Ta sẽ lấy chiến ca cùng trống trận,
Làm im lời chỉ trích,
Lời thương vay Đinh Quốc sớm điêu tàn,
Ta sẽ khiến cho bao nhiêu cừu địch,
Thề bóng dương nhất quyết thí Lê Hoàn,
Vì chói mắt, phải nghiêng đầu, quên nghiến…
Rồi phấn khởi vì hào quang vinh hiển,
Bỗng cao hô lời vạn tuế dưới cờ Lê!
Đó cũng là kết thúc mạch suy tư mà tác giả Huy Thông đặt vào nhân vật Lê Hoàn. Với những toan tính như thế, Lê Hoàn quyết định sẽ nói cho Dương Thái hậu biết: cuối buổi hội triều tối nay, Hoàn sẽ lên ngôi đế, và sẽ đưa Thái hậu trở lại ngôi hoàng hậu!

Viết về các nhân vật và sự kiện lịch sử, nhà thơ Huy Thông đã tận dụng các dữ kiện được ghi trong chính sử, theo đó, Dương thị nguyên là vợ Đinh Bộ Lĩnh, là mẹ của Phế Đế Đinh Toàn nên được lập làm Hoàng Thái hậu khi Toàn lên ngôi (thậm chí Huy Thông còn tin cả vào thuyết, theo đó Dương thị đây từng là một trong các hoàng hậu của Ngô Quyền, là mẹ Ngô Nhật Khánh, – cái thuyết mà nhiều sử gia cho là một lầm lẫn!). Lúc các tướng sĩ tôn Lê Hoàn lên ngôi Thiên tử, Hoàng Thái hậu bèn sai lấy áo long cổn khoác lên mình Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Lê Hoàn đưa Dương thái hậu vào cung, năm sau lập làm một trong số 5 hoàng hậu của mình.

Dữ liệu trong chính sử là thế.

Còn nhà thơ Huy Thông thì thêm vào đó chút tình yêu vốn là gia vị đậm đà của thời đại mình! Huy Thông tin rằng phải có tình yêu từ trước thời điểm đó giữa Hoàn và Dương thị. Tình yêu ấy nảy nở từ bao giờ? Theo Huy Thông, từ khi Đinh Toàn 6 tuổi được lập lên nối ngôi Đinh Tiên Hoàng, có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính, còn Dương thị được lập làm Hoàng Thái hậu.

Huy Thông tin rằng, chính tình yêu ấy đã khiến Dương hậu hỗ trợ mạnh mẽ Lê Hoàn trong việc trấn áp những cuộc khởi loạn Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Ngô Nhật Khánh…, bởi đó cũng là giúp giữ ngôi cho ấu đế Đinh Toàn.

Trên sân khấu của kịch thơ, khi giáp mặt nhau, điều đầu tiên Lê Hoàn hỏi Dương hậu là liệu tình yêu ở nàng có còn tha thiết, nồng say? Dương hậu bối rối trước lời hoa nguyệt tỏ bày không đúng phép ở chốn tôn nghiêm, nhưng cũng băn khoăn vì lời hỏi bức bách. Đến khi biết ý định lên ngôi đế của Lê Hoàn, điều đầu tiên Dương hậu nghĩ tới là lo cho số phận đứa con nhỏ Đinh Toàn. Lê Hoàn nói cho nàng an tâm là sẽ bảo bọc Phế Đế. Nhưng Dương hậu khăng khăng khuyên Hoàn.
Kiếm chinh phu tuy chẳng nỡ thí Đinh Toàn,
Ta vẫn tưởng… Tướng công chưa trọn đạo!
…………………

Không! không!
Xin tướng công đừng lỗi đạo quân thần!
Vì mỗi bước ta đi, còn giời đất,
Còn quỷ thần…
Đến đây, kịch sĩ Huy Thông tạo ra một nút thắt, có lẽ để “treo” tình thế lên, chuẩn bị kết thúc hồi thứ nhất của vở kịch. Ấy là Lê Hoàn, sau khi nghe và biết, tình yêu ở Dương hậu đã “phai như nắng héo dưới sương chiều”, thì ở Hoàn, ý muốn lên ngôi cũng vụt tắt.
Mái hoàng thành nay tan hương mơ mộng,
Ánh vinh hoa còn ước vọng nữa mà chi?
Ái Khanh ơi!
Dù lên ngôi ta dám chắc vững âu vàng,
Cũng vì nàng,
Ta sẽ buông, từ đây, mơ ước cũ!
Nhưng tình tan,
Và giấc mộng đế vương tàn…
Ta lòng nào còn cuốn thân trong giáp trụ,
Chỉ huy binh nơi tên bão, kích thương loà!
Lê Hoàn bảo Dương hậu: chốc nữa, trước triều thần và muôn dân, Hoàn sẽ cởi trả triều phục, lên võng đay trở về làng sống nốt những tháng năm còn lại…

Và đến đó cũng chấm hết phần văn bản vở kịch thơ đã đăng trên Hà Nội báo. Ta chưa biết các hành động tiếp theo sẽ diễn biến ra sao.

Có lẽ tác phẩm này đã được tác giả Huy Thông hoàn thành, nhưng ngoài những phần đã đăng kể trên, rất khó có khả năng tìm lại được các phần khác.

Thời kỳ viết và đưa đăng kịch thơ này trên Hà Nội báo, Huy Thông đang học luật tại Đại học Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1937 ông đỗ Cử nhân luật, ngay sau đó sang Pháp du học rồi sống và làm việc ở Pháp; hoạt động chính trị, 1952 bị bắt và trục xuất về giam giữ tại Sài Gòn, 1955 bị đưa ra quản thúc tại Hải Phòng; 1956 được giải thoát về Hà Nội. Do sự di chuyển như trên, có thể đoán rằng hầu hết những bản thảo các sáng tác những năm 1930s ở Hà Nội của tác giả đã bị mất.

Như đã nói trên, thời gian diễn ra vở kịch thơ Lòng hối hận này được ước định là từ năm Tân Tỵ (981) đến năm Quý Tỵ (993).

Năm Tân Tỵ (981) là năm Lê Hoàn lên ngôi, chỉ huy quân dân đánh bại cả cánh quân thuỷ của địch ở cửa Bạch Đằng lẫn cánh quân bộ của chúng ở Chi Lăng, khiến nhà Tống phải lui binh và lập lại hoà hiếu giữa hai nước.

Còn năm Quý Tỵ (993)? Sách Đại Việt sử ký toàn thư ở năm này chỉ ghi hai việc: 1/ vua phong vương cho ba hoàng tử và phái đi đóng giữ các miền trong nước; và 2/ nhà Tống sai sứ thần đem sách thư sang phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương.

Tác giả Huy Thông chọn mô tả sự kiện nào trong hồi kết kịch thơ Lòng hối hận?

Người ta có thể nghĩ đến sự kiện thứ hai trong chính sử. Song, đối với một giác quan nghiên cứu thận trọng hơn thì chưa thể có bất cứ lời đoan quyết nào.

Bởi vì, vở kịch chưa đăng hết của nhà thơ Huy Thông, bản thân nó vẫn là một văn bản để ngỏ.


Lại Nguyên Ân

Tạp chí Thơ, H., s. 9 /2013, tr. 54-85
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Những sai sót đáng tiếc trong một tập thơ

Sưu tập Thơ của tác gia Phạm Huy Thông (Nxb. Lao động & Trung tâm VH-NN Đông Tây, 2011) lẽ ra là một sưu tập đáng chờ đợi, nhất là đối với những ai chưa thôi yêu mến sáng tác của những tác giả hàng đầu phong trào thơ mới (1932-45). Thế nhưng, những sai sót và cẩu thả trong biên soạn và biên tập cuốn sách khiến người ta thất vọng.

Trước hết cần nói là, thơ Huy Thông thời “tiền chiến” mới chỉ được sưu tầm tái bản từ 1992, trong lần kỷ niệm 60 năm phong trào Thơ Mới, bằng bộ sưu tập 12 tập Thơ Mới tiêu biểu (1/ Mấy vần thơ, tập mới; 2/ Tiếng thu; 3/ Thơ thơ; 4/ Gửi hương cho gió; 5/ Lửa thiêng; 6/ Tiếng sóng. Yêu đương; 7/ Lỡ bước sang ngang; 8/ Gái quê; 9/ Bức tranh quê; 10/ Điêu tàn; 11/ Mây; 12/ Hoa niên) do tôi (Lại Nguyên Ân) và nhà thơ Ý Nhi sưu tầm biên soạn, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM và NXB Hội Nhà văn thực hiện. Còn nhớ, sau khi bộ sách ấy ra mắt, hai nhà thơ Huy Cận và Tế Hanh có nhận xét riêng với tôi rằng, trong cả bộ sách ấy thì tập của Huy Thông (Tiếng sóng. Yêu đương, tác giả X.B, nhà in Tân Dân, 1934) hơi “yếu”. Điều đó đúng. Dự kiến ban đầu chọn tập Tiếng địch sông Ô không thực hiện được vì hồi ấy tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội không tìm được tập thơ này. Sau đó, trong các lần in lại bộ sách Thơ mới, tác giả và tác phẩm (NXB Hội Nhà văn, 1995, 1998, 2000, 2001, 2002, 2004) tôi đã bổ sung bài Tiếng địch sông Ô và thu gọn phần rút từ tập thơ đầu tay kể trên của Huy Thông.

Trong số các nhà thơ mới, cho đến gần đây, thơ Huy Thông ít được sưu tầm, nghiên cứu hơn. Vì thế, việc cho ra mắt sưu tập Thơ của cả đời thơ Huy Thông là việc đáng chờ đợi. Tiếc rằng sưu tập kể trên chẳng những chưa tập hợp được thật nhiều sáng tác đã từng công bố của tác giả, hơn thế, sưu tập lại có những sai sót đáng trách.

Trước hết, có lỗi của bộ phận biên tập thuộc Trung tâm Đông Tây. Nhìn vào bản mục lục và cách dàn trang trong sách, có cảm tưởng rằng thơ Huy Thông đưa vào sưu tập này chỉ gồm trong hai tập Tiếng sóng. Yêu đương (1934) và Tần Ngọc (1937). Nhưng xem kỹ, sẽ thấy, cả một số bài của tập Anh Nga, cả trường ca Cái én (1966) lẫn những sáng tác cuối đời của tác giả Huy Thông cũng được những người làm sách coi như nằm trong tập Tần Ngọc! Chỉ cần nhận ra điều này, bạn đọc sẽ ngờ ngay là trong sách hẳn có những lầm lẫn không ít. Đây là điều rất đáng tiếc, vì Trung tâm Đông Tây nhiều năm nay vẫn được tiếng là thận trọng và chính xác về công việc bản thảo.

Thế nhưng, sai sót đáng kể hơn nhiều trong những chỉ dẫn nguồn xuất xứ các tác phẩm thơ Huy Thông in trong sưu tập. Đây là những dòng thường được gọi là “lạc khoản”, gồm những thông tin mà soạn giả cung cấp về những nguồn mà mình đã dùng để có được văn bản tác phẩm. Thông thường, người dùng sách sẽ hoàn toàn tin theo ghi chú của soạn giả. Vậy mà ở đây lại xảy ra cái việc những thông tin ấy là sai, là vô lý. Thế mới nguy cho người dùng sách.

Tôi xin chỉ rõ một số chỉ dẫn sai ấy, theo số trang của sưu tập, sau chỉ dẫn của các soạn giả là nhận xét mang tính đính chính của tôi - Lại Nguyên Ân (L.N.A):
- Tr.94: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Tìm ý tưởng, các soạn giả ghi: “Riêng bài thơ này của tập thơ Tần Ngọc còn có một bản đăng trên Hà Nội báo số 12 năm 1935. Tài liệu này hiện có thể tìm được ở Thư viện Viện Văn học”.
L.N.A nhận xét: Năm 1935 chưa có Hà Nội báo; số 12 tuần báo này (ra ngày 25/3/1936) có đăng thơ Huy Thông, nhưng đó là kỳ 2 của kịch thơ Lòng hối hận.
- Tr.115: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Cùng mặt trời, các soạn giả ghi: “chúng tôi tìm được trong báo Phong hoá số 5, tháng 8/1936. Báo này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: Phong hoá số 5 ra ngày 14/7/1932, không có bài thơ nào của Huy Thông; tháng 8/1936 thì Phong hoá đã bị đóng cửa (sau số 190, ra ngày 5/6/1936).
- Tr.118: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Con voi già, soạn giả ghi: “Chúng tôi sử dụng bản của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, hiện được coi là bản đầy đủ nhất”.
L.N.A nhận xét: bản tôi công bố trên Thể thao & Văn hoá chưa phải bản đầy đủ. Ngay sau khi biết sách sưu tập thơ Huy Thông đang được biên tập, tôi đã báo cho Trung tâm Đông Tây lấy văn bản Con voi già đầy đủ hơn, đã được GS Chương Thâu cho biết là có trong một tập sách về Phan Bội Châu do chính GS Thâu và Trung tâm Đông Tây thực hiện. Nhưng các soạn giả và biên tập viên đã bỏ qua chỉ dẫn ấy.
- Tr.123: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Theo chân Lưu, Nguyễn, soạn giả ghi: “Bài thơ này chúng tôi tìm được trong báo Phong hoá số 4, năm 1935. Báo này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: báo Phong hoá số 4, ra ngày 7/7/1932, tại đây không hề có bài thơ nào của Huy Thông (nay có thể tra cứu các số Phong hoá trên trang của Đại học Hoa Sen).
- Tr.124: chỉ dẫn xuất xứ trường ca Tần Hồng Châu, soạn giả ghi: “Theo Tiếng địch sông Ô, NXB Đời Nay ấn hành, 1935. Tác phẩm cũng được in trong báo Tiến hoá số 1, tháng 11/1935. Hai tài liệu này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, hiện đã có tập Tiếng địch sông Ô, là bản microfilm do Thư viện Quốc gia Pháp tặng năm 2003. Nhưng đây là sách do Lê Cường xuất bản, năm 1936. Tuần báo Tiến hoá số 1 (16/11/1935) không có bài thơ nào của Huy Thông (tờ Tiến hoá này của Chủ nhiệm Lê Tràng Kiều, quản lý Lưu Trọng Lư). Sưu tập Tiến hoá hiện có tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, là tờ Tiến hoá khác (Chủ nhiệm Đặng Đình Hùng, quản lý Cao Bá Thao), số 1 (30/7/1935) Huy Thông có bài Người tiên đâu? là đoạn 8 câu trích truyện thơ Chàng Lưu; số 3 (15/8/1935) Huy Thông có bài Gió xuân ơi là đoạn 8 câu trích trong trường ca Tần Hồng Châu.
- Tr.144: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Tiếng địch sông Ô, các soạn giả ghi: “chúng tôi tìm được ở bản in năm 1936 của NXB Đời Nay và bản in của Hà Nội báo số 2, ra ngày 8/1/1936”.
L.N.A nhận xét: xuất xứ bài thơ này trên Hà Nội báo thì đúng, nhưng sách Tiếng địch sông Ô thì chắc chắn chỉ có bản in của nhà in Lê Cường. Hiện tại ở Thư viện Quốc gia Hà Nội có thể tra cứu gần 150 tên sách của NXB Đời Nay từ 1934 đến 1945, nhưng không thấy có tập thơ nào của Huy Thông.
- Tr.155: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Huyền Trân công chúa, các soạn giả ghi: “Theo Anh Nga do NXB Đời Nay ấn hành, 1935. Tác phẩm này còn được in trên báo Tiến hoá số 1, tháng 11 năm 1935”.
L.N.A nhận xét: tập thơ Anh Nga hiện chưa tìm thấy bản gốc; nhưng tôi không tin nó được in tại NXB Đời Nay; vả lại, trường ca Anh Nga đăng số Xuân 1936 trên Hà Nội báo thì tập Anh Nga phải xuất bản sau đó, sao lại là năm 1935? Bài thơ Huyền Trân công chúa có đăng Tiến hoá (tập mới), nhưng ở số 2 (23/11/1935).
- Tr.164: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Chàng Lưu, các soạn giả ghi: “chúng tôi tìm được trên báo Tiến hoá số 4, ra ngày 19/2/1935. Tài liệu này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: không có Tiến hoá số 4, cả hai lần Tiến hoá đều chỉ ra đến số 3 là hết. Còn bài thơ này thì đăng trong Hà Nội báo số 6 (12/2/1936).

Thật ra, về những sai sót nêu trên, những biên tập viên có nghề và có trách nhiệm sẽ có thể bắt bẻ các soạn giả sưu tập thơ này ngay trong quá trình biên tập. Ví dụ cùng một tên báo, vì sao số 1 thì ghi là ra tháng 11/1935 mà số 4 lại ghi ra tháng 2/1935?… Những điều vô lý như thế, lẽ ra cần được khắc phục ngay trước khi đưa in. Để sách in rồi, thậm chí đã in ra lâu rồi mà vẫn buộc phải chỉ ra những sai sót như trên, là chuyện cực chẳng đã.


Lại Nguyên Ân

Theo Thể thao & Văn hoá Cuối tuần, 2013.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook