[...]

Hoạ là trời sanh thánh đế, theo vua Tuyên nổi trận huy qua;
Cũng vì nước sẵn anh hùng, so ông Mục giơ tay trương ná.

Nào những kẻ xông pha trận địa, cờ công huân còn rực rỡ y thường;
Nào những người chống vững cô thành, miếu trung liệt vẫn ngọt ngào hương hoả.

Tuy trải đời xa cách, mảnh gương trung còn soi kẻ gian hùng;
Đúng muôn kiếp khôn thiêng, chiếc gươm báu mượn lấy đầu phản trá.

Nay mừng:
Vua sẵn tính cao;
Tôi sum tài lạ.

Văn thì ông Cử, ông Nghè, ông Hoàng, ông Bảng, khoa trước khoa sau;
Võ ròng ông Quản, ông Lãnh, ông Thống, ông Đề, phẩm kia phẩm nọ.

Có mũ, có xiêm, có cờ, có biển, rõ ràng khoa mục phong lưu;
Nào phủ, nào việt, nào ủng, nào hia, chĩnh chệm triều đình danh giá.

Gươm bạc tô đầu hổ, dàn trước mặt cũng oai linh;
Lọng xanh kéo cổ gà, che trên đầu càng nghiêm nhã!

Kẻ ở ngoài biên ra sức, chí giác Tôn, Ngô;
Người vào trong các bày mưu, mắt không Đổng, Giả.

Văn võ ấy mà giang sơn ấy, dẫu hùng binh Ô Mã có làm gì?
Thành quách này lại giáp binh này, dầu cường lỗ Hoàng Sào coi chẳng sá!

Quái nhĩ Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội, thành vàng áo nóng mấy lần!
Kia như Tổng đốc, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, tiền bổng gạo lương bao tá?

Sao thấy thằng đầu trọc, răng trắng, gối run như mắc chứng phong kinh?
Sao thấy thằng mũi lõ, tóc quăn, mặt xám lại như hình lôi đả.

Nghe cửa Tiền rầm pháo nổ, ngọn cờ theo gió phất xuôi;
Mở nẻo Hậu cho quân lui, bỏ giáo rơi đường tơi tả.

Nghĩ trộm ra ngoài là phúc, quản bao dạn mặt dạn mày;
Mong thầm thoát nạn là may, thế cũng nhờ mồ nhờ mả!

Có trách chi những người phủ huyện, giặc nào đòi, quả ấn đem dâng;
Có trách chi những kẻ thân hào, sóng chửa cả, mái chèo đã ngả.

Thôi những là nào nghè, nào cử, cờ tam tài ra sức chào mừng;
Cũng không nên chốn nọ, chốn kia, chiếu tứ khoảnh tranh nhau truyền tả.

Nghĩ đi đã ngán cho đời;
Xét lại càng thêm tức dạ.

Người tai mắt đứng trong thiên địa, đạo không còn một chút một ly;
Khách tấn thân xử chốn cương thường, nghĩa coi nhẹ như rơm như rạ.

Nào những lúc quay mặt chào hướng bắc, đã mừng thầm cá nước rồng mây;
Sao đến khi đem đầu lạy quan Tây mà chẳng hổ bảng vàng bia đá?

Nào những lúc đeo quyển, đeo ấn, đã lăm le vượt khỏi Trương, Hàn;
Sao đến khi bỏ tỉnh bỏ thành, lại ngơ ngẩn như thằng Man Xá?

Dẫu thấp hèn rằng lính, rằng binh, rằng phu, rằng tráng, cũng không nên dạ cá lòng chim;
Huống rõ ràng là vua, là tôi, là cha, là con, sao như thể người dưng nước lã?

Thương ôi!
Bảy ba năm áo dày cơm nặng, xiết bao bể rộng non cao;
Một chớp nhoáng đất lở trời long, mới biết kẻ hư người khá.

Trong bốn tỉnh biết bao ông cả, há rằng không có chí can thành;
Giữa tháng mười chưa hết ba tuần, sao bỗng nỡ rời tay then khoá?

Hay là vốn không chí đánh, thét gào rằng gò, rằng ụ chỉ giơ súng sậy hò voi;
Hay là vốn sẵn chước hoà, lẩn quẩn xin cối, xin chày, quen dắt bò vàng đón cửa?

Hay là rửa tính mê chưa sạch, tham bạc rằng, tham sống cũng rằng;
Hay là lầm chí cả chưa khôn, khiếp chết rứa, khiếp Tây cũng rứa?

Hẳn có lòng son dạ sắt, lập trận kia, bày trận nọ, dẫn giặc trời khôn ẩn lánh thiên đường;
Bởi vì chí đoạ khí ngu, thấy giặc sợ, nói giặc kinh, để cường bạo quấy hôi miền Nam thổ.

Dặn ai:
Theo dấu y thường;
Vực xe lang hổ.

Vì nước thuỷ chung cùng nước, hoạ là thiên hạ bao dung;
Giữ thành sống chết cùng thành, chớ để giang sơn hàm nộ!


Bài phú này viết năm 1873, sau khi Francis Garnier đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Trận đánh kéo dài chưa đầy một giờ, Nguyễn Tri Phương bị thương và bị bắt, thành Hà Nội thất thủ. Garnier cho quân đi đánh lấy các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương, quan triều đình ở các tỉnh đều ngơ ngác hễ thấy quân Pháp đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có một sĩ quan là Hautefeuille và 7 người lính Pháp mà cũng hạ được thành Ninh Bình, và chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh mất cả.

Sách dẫn thiếu trang, hiện chưa tìm được phần đầu của bài phú này.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]