Bài thơ có 2 dị bản, hãy chọn bản muốn xem:

1 Bản in trong Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1961)

2 Bản in trong Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp (1968)

Bản in trong Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1961)

Lòng ta ta phải yêu nhau,
Đem lời ái chủng mấy câu dặn lòng.
Năm ngàn vạn, họ đồng tông,
Da vàng máu đỏ con dòng Hùng Vương,
Bốn ngàn năm, cõi Viêm phương,
Đua khôn Hoa Hán, mở đường văn minh
Tài anh kiệt, nối đời sinh,
Phá Nguyên mấy lớp, đánh Minh mấy lần.
Mở mang Chân Lạp, Xiêm Thành,
Trời Nam lừng lẫy, dòng thần ở Nam.
Ngán thay giống tốt nòi sang,
Bởi đâu sa sút mang tiếng hèn?
Xưa sao đứng chủ cầm quyền?
Rày sao nhẫn nhục chịu hèn làm tôi?
Người Tây như thánh như trời,
Người Nam đày đoạ dưới nơi A-tì.
Giang sơn thẹn với tu mi,
Đá kia cũng nát, sóng kia cũng nhàu.
Nào anh, nào chị em đâu?
Họ hàng ta phải bảo nhau thế... nào.
Cùng nhau chung giọt máu đào,
Giống thần minh ấy là đâu bây giờ?
Giống hèn ta phải nên lo,
Giống khôn khi đã ra trò thì thôi
Giống ta nay chẳng dại rồi,
Chân tay cật dạ muôn người cùng nhau.
Muốn cho dòng giống thịnh giàu,
Đi về họp bụng mà mưu chấn hoàng
Mưu sao kéo lại giống vàng.
Uống say máu giặc, ăn tương thịt thù.
Mấy câu ái chủng reo hò,
Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng.


Theo các nhà cách mạng, bài thơ này được Phan Bội Châu viết ở Thái Lan vào khoảng năm 1910-1911, khi cụ qua đó theo lời mời của cụ Đặng Tử Kính và các đồng chí cách mạng đang bôn ba hoạt động ở bên ấy.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]