Đạo phu phụ cương thường thiên cổ,
Tình thê noa ái mộ bách niên.
Đêm thanh nhớ đến bạn hiền,
Đường xa gửi bức vân tiên tự tình.
Kể từ lúc Hải Ninh gặp gỡ,
Mối tơ hồng đẹp lứa đôi ta.
Hương Giang khi bước chân ra,
Cầm thơ một gánh, thất gia một đoàn.
Khi Thượng Hải chăn loan gối phượng,
Lúc Hoàng Châu vịnh trúc ngâm mai.
Đề huề mấy chút con trai,
Nhấp men Ngô lịnh, đua chài Châu giang.
Nhớ gia hương bước sang Lục tỉnh,
Vượt nghìn non định tỉnh gia thân.
Biết bao trọng nghĩa thâm ân,
Trai tài gái nết Tấn Tần đẹp duyên.
Bấy nhiêu năm liên uyên tịnh phượng,
Dặm nghìn ngoài hiệp xướng hoà chung.
Giang sơn trọn một chữ tòng,
Những mong Hồng nữ, Vệ công sánh tày.
Cờ ngũ tinh kéo về phục quốc,
Kiệu tân trang sẽ rước ninh gia.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Non sông mở mắt, mẹ cha thoả lòng.
Than vận nước còn trong hội bĩ,
Lúc tình cờ phút bị gian nguy.
Làm cho Nam, Bắc phân kỳ,
Xa xôi luống những tương tri âm thầm.
Ngày sáu khắc ruột tằm vấn vít,
Đêm năm canh hồn điệp ngẩn ngơ.
Đoái thương nấm đất Cần Thơ,
Dàu dàu cỏ biếc, lờ mờ riêu xanh.
Gió ào ào Nam Vinh thung cỗi,
Sương mù mù Hà Nội huyên gia.
Xiết bao nỗi nước tình nhà,
Hỡi nàng giúp đỡ cho ta thế nào?
Ơn phụ mẫu thiên cao địa hậu,
Mưu tử tôn dụ hậu quang tiền.
Khuyên nàng lập chí cho kiên,
Hiến thân báo tử đáp đền cho anh.
Lòng người đã trung thành sốt sắng,
Trời xanh kia ắt chẳng phụ mình.
Mai sau bĩ cực thái hanh,
Kéo cờ độc lập giữa thành Thăng Long.
Ba mươi triệu Lạc Long tôn tử,
Bốn nghìn năm lịch sử quang vinh.
Trời Nam rực rỡ văn minh,
Sơn hà rửa sạch hôi tanh giặc thù.
Cửa Nghĩa Môn bầy đồ khánh trúc,
Nhà Ôn Như hát khúc thăng bình.
Rõ ràng phu quý phụ vinh,
Tiếng thơm muôn nước, phúc thanh một nhà.
Nợ trung hiếu nay đà đền đủ,
Chí tang bồng chẳng phụ làm trai.
Khi nên trời cũng chiều người,
Nàng ơi! Hãy nhớ lấy lời tình chung!


Bài thơ này Lương Ngọc Quyến viết ở nhà giam Hoả Lò, Hà Nội, năm 1915 để gởi ra cho vợ là Nguyễn Thị Hồng Đính, con gái cụ Cử Cương, một nhà cách mạng trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Bị bắt giam cùng một lượt với các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Vũ Hoành, cụ Cương bị đem vào nam an trí ở Cần Thơ, rồi sau mất ở đó.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]