崑山歌

崑山有泉,
其聲冷冷然,
吾以為琴弦。
崑山有石,
雨洗苔鋪碧,
吾以為簞席。
岩中有松,
萬里翠童童,
吾於是乎偃息其中。
林中有竹,
千畝印寒綠,
吾於是乎吟嘯其側。
問君何不歸去來,
半生塵土長膠梏。
萬鐘九鼎何必然,
飲水飯蔬隨分足。
君不見:董卓黃金盈一塢,
元載胡椒八百斛。
又不見:伯夷與叔齊,
首陽餓死不食粟?
賢愚兩者不相侔,
亦各自求其所欲。
人生百歲內,
畢竟同草木。
歡悲憂樂迭往來,
一榮一謝還相續。
丘山華屋亦偶然,
死後誰榮更誰辱。
人間箬有巢由徒,
勸渠聽我山中曲。

 

Côn Sơn ca

Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đan tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn lí thuý đồng đồng,
Ngô ư thị hồ yển tức kì trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm tiêu kỳ trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai,
Bán sinh trần thổ trường giao cốc?
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,
Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc.
Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ,
Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc.
Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề,
Thú Dương ngạ tử bất thực túc?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kì sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục.
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ,
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.


Côn Sơn là một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng Hồ Ngọc hác tập của Trần Nguyên Đán, ông ngoại mình.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình

Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?
Muôn chung chín vạc làm gì,
Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,
Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan.
Lại kia trên núi Thú San,
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.
Hai đàng khó sánh hiền ngu,
Đều làm cho thoả được như ý mình.
Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.
Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
1084.62
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh

Côn Sơn có khe,
Tiếng nước chảy rì rầm.
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa xối rêu xanh đậm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trên núi có thông,
Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in biếc lục,
Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
Ngươi sao còn chửa về đi!
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
Ngươi chẳng thấy Đổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
Thú Dương chết đói không ăn thóc?
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
274.07
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật

Côn Sơn có suối nước trong,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.
Côn Sơn có đá tần vần,
Mưa tuôn, đá sạch ta nằm ta chơi.
Côn Sơn thông tốt ngất trời.
Ngả nghiêng dưới bóng ra thời tự do.
Côn Sơn trúc mọc đầy gò,
Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.
Sao không về phắt đi nào,
Đời người vướng vất xiết bao cát lầm!
Cơm rau nước lã an thân,
Muôn chung nghìn tứ có cần quyền chi.
Sao không xem:
Gian tà những kẻ xưa kia,
Trước thì họ Đổng, sau thì họ Nguyên.
Đổng thì mấy vựa kim tiền,
Nguyên hồ tiêu chứa mấy nghìn muôn cân.
Lại chẳng xem:
Di, Tề hai đấng thánh nhân,
Nằm trên núi Thú, nhịn ăn đến già.
Nào ai khôn dại ru mà,
Chẳng qua chỉ tự lòng ta sở cầu.
Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào.
Khóc, cười, mừng, sợ xôn xao,
Đang tươi bỗng héo biết bao nhiêu lần!
Nhục vinh thân cũng là thân,
Cửa ngăn nhà ngói trăm năm còn gì.
Sào, Do hai bạn tương tri,
Vào Hun ta đọc cho nghe bài này!


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
334.52
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Cao Phan

Côn Sơn có suối khe róc rách
Lắng nghe như tiếng phách gần xa
Có mưa gội đá chan hoà
Một màu xanh biếc mượt mà nệm rêu
Thông tùng mọc rảnh đều vạn dặm
Quả là nơi êm thắm nghỉ ngơi
Rừng tre nghìn mẫu xanh tươi
Ngâm nga ta cứ thảnh thơi một mình.
Tự hỏi sao chẳng đành trở lại
Đà nửa đời khổ ải gian truân
Sá gì danh lợi phù vân
Rau rừng nước suối đủ cần ngày qua.
Người chẳng thấy, giàu xưa nhắc mãi
Đổng Trác, vàng, Nguyên Tái, hồ tiêu?
Nhà Chu, Bá Thúc đâu theo
Thú Dương ẩn trốn, chịu điều thiệt thân.
Hiền ngu rõ, dù phân hai phía
Sở dục đều một nghĩa như nhau
Trăm năm chẳng trước thì sau
Khác gì cây cỏ, lọ cầu bi hoan.
Tươi tốt đấy, héo tàn cũng đấy
Động núi như lầu giãy dọc ngang
Xuôi tay, hèn khác gì sang
Vinh hơn gì nhục, một đường ấy thôi.
Sào, Do ai chuộng trên đời
Hãy vào chốn núi nghe lời ta ca.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
224.09
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Phụng

Núi Hun có suối quanh co
Nước tuôn róc rách nhỏ to tiếng đàn
Núi Hun vách đá ngút ngàn
Thạch bàn mưa trải một làn rêu xanh
Dặm dài thông biếc đan cành
Vắt chân nằm khểnh bên ghềnh ngắm mây
Rừng sâu vạn mậu trúc gầy
Nghêu ngao ngâm vịnh với đầy ý thơ
Nẻo về sao vẫn hững hờ
Nửa đời lấm bụi chần chờ chi đây
Đỉnh chung rũ sạch nà hay
Cơm rau nước lã qua ngày đủ no
Ngươi chẳng thấy
Ngọc vàng Đổng Trác đầy kho
Họ Nguyên thừ tám trăm bồ hồ tiêu
Lại chẳng thấy
Di Tề nước mất nhà xiêu
Thú Dương bỏ thóc giữ điều đục trong
Hiền ngu dẫu chẳng chung đường
Chữ dục là muốn một tuồng như nhau
Cỏ cây người thế khác đâu
Trăm năm mục nát đất sâu chôn vùi
Đổi thay lo sướng buồn vui
Một vòng một héo một tươi một mầu
Gò hoang điện ngọc khác sao
Nhục vinh nhắm mắt ai nào hơn ai
Sào Do trần thế lũ bay
Ta mời cả bọn nghe bài Núi Hun

tửu tận tình do tại
203.30
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Côn Sơn có suối trong róc rách,
Đá gội mưa rêu biếc biếc xanh.
Véo von như tiếng đàn tranh,
Làm nơi nghỉ mát thoả lòng thảnh thơi.
Núi cao trải dài trăm ngàn dặm,
Rừng trúc xanh xanh thẳm muôn tầm.
Tha hồ vui thú ca ngâm,
Người ơi sao chẳng mau chân trở về.
Nửa đời cứ u mê ràng buộc,
Bả phù vân dại chuốc vào mình.
Uống ăn thanh đạm vừa phần,
Rau rừng nước suối có cần chi đâu.
Đổng Trác nọ dinh đầy vàng bạc,
Nguyên Tải xưa, trăm hộc hồ tiêu.
Phò Chu, Bá Thúc chẳng theo,
Thú Dương ẩn trốn cam điều thiệt thân.
Kẻ hiền ngu cũng không có khác,
Thảy điều mong thoả được ý mình.
Trăm năm giấc mộng qua nhanh,
Bi hoan, tươi héo, giống cùng cỏ cây.
Động núi sâu tựa lầu ngang dọc,
Khi chết nào đâu nhục đâu vinh?
Sào Do ai nối chí mình,
Núi sâu lắng khúc tâm tình ta ca.

243.96
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Viên Dao

Núi Côn Sơn suối trong nước chảy,
Ta nghe như đàn gảy bên tai.
Đá Côn Sơn mưa sạch trần ai,
Ta có sẵn chiếu ngồi vui thú.
Trong muôn trượng dãy tùng reo múa,
Ta thường thường thức ngủ nằm khênh.
Ngoài nhìn mẫu trúc xanh man mác,
Ta thường thường ngâm hát gần kề.
Hỏi ai sao chẳng đi về,
Nửa đời danh lợi mệt mê trong vòng.
Lọ là cửu đỉnh vạn chung,
Cơm rau nước lã cũng xong tháng ngày.
Ai chẳng thấy: Đổng Trác nọ vàng đầy kể hốc,
Nguyên Tải kia kể hộc hồ tiêu?
Lại chẳng thấy:
Di Tề nằm queo núi Thú,
Thóc không ăn đói rũ mà đành.
Hiền ngu hai lối rành rành,
Chẳng qua mình thích trí mình mình thôi.
Trăm năm trong cõi người đời,
Ai là thoát khỏi bạn loài cỏ cây.
Bi hoan như cuộc bóng quay,
Chuyện đời một trả một vay thôi mà!
Tình cờ đâu đó cũng là,
Ai vinh ai nhục lúc đà hết hơi.
Sào, Do như có đương thời,
Bảo nghe trong núi có người ngâm thơ.

tửu tận tình do tại
133.69
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận khi đọc Bài ca Côn Sơn

Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Thật là tuyệt thú! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa.

Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca) là một bài thơ chữ Hán nổi tiếng. Có lẽ Nguyễn Trãi viết bài thơ này trong thời kì ông cáo quan về ở ẩn ở Côn Sơn để giữ cho tâm hồn được thanh cao, trong sạch.

Đối với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là một miền đất có sức hút kì lạ. Chẳng thế mà hai lần cáo quan về ở ẩn, ông đều tìm về với Côn Sơn. Và núi rừng Côn Sơn thanh vắng đã trở thành một thế giới riêng đầy thân thương gắn bó với thi nhân. Tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi được sống với chính mình. Dường như thiên nhiên đã trở thành cứu cánh cho tâm hồn ông- một tâm hồn đớn đau vì nhân tình thế thái. Tại Côn Sơn, mọi vật đối với ông trở nên có tình, có nghĩa, như bầu bạn, như tri âm:

Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam
(Thuật hứng - Bài 19)
Cảnh trí Côn Sơn thanh tĩnh, rộng mở, để cho tâm hồn Nguyễn Trãi hoá thân tìm về, ùa vào đó mà quên đi mọi nỗi ưu phiền:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
(Côn Sơn ca)
Đoạn mở đầu bài Côn Sơn ca đem đến cho người đọc bao cảm nhận mới mẻ về tâm hồn thi sĩ của Ức Trai. Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện ra thật thơ mộng và lãng mạn: có tiếng suối chảy rì rầm, có đá rêu phơi êm ái, có rừng thông mọc rậm, dày, có rừng trúc xanh mát..., vừa có cái hoang dã của thiên nhiên, vừa có hơi ấm của cuộc sống đầy ắp tình người. Hơn nữa, trong con mắt thi nhân, thiên nhiên không chỉ là cảnh, mà đã trở thành nhà. Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Thật là tuyệt thú! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa.

Bức tranh thiên nhiên được chấm phá bằng âm thanh rì rầm của tiếng suối được cảm nhận như tiếng đàn:
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Một hình ảnh so sánh thật độc đáo và gợi cảm. Suối đang chảy hay thi nhân đã thả hồn mình vào tiếng suối, làm rung lên cung đàn diễn tả nỗi khát khao yêu cuộc sống?

Năm trăm năm sau, thi sĩ Hồ Chí Minh cũng có chung cảm nhận ấy:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Phải chăng những tâm hồn nghệ sĩ đã tìm về với nhau?

Sau những giây phút thả hồn mình cùng tiếng suối, thi nhân lặng đến ngồi bên những phiến đá mà thời gian đã rêu phong bao phủ. Ông ngồi chơi ngắm cảnh, hay ngồi đánh cờ một mình? Có lẽ là cả hai. Trên nhân gian này, không ít người đã từng ngồi trên đá, nhưng làm sao họ cảm nhận được như thi nhân?
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Một hình ảnh so sánh liên tưởng đầy thú vị khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn không phải là để ẩn dật theo đúng nghĩa của cách sống ẩn dật, mà ông trở về Côn Sơn với nỗi hân hoan đầy tự do của một con người trở về nhà mình (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và trong ngôi nhà ấy, ông không những được tha hồ nghe nhạc rừng, ngồi trên đá đánh cờ, mà còn được nằm dưới bóng thông râm mát, được ngâm thơ nhàn dưới bóng trúc xanh. Một cuộc sống mà người và cảnh gắn bó với nhau, hoà nhập vào nhau. Lòng Ức Trai thanh thản đến lạ kì.

Chưa bao giờ mà tâm hồn thi sĩ của Ức Trai lại được bộc lộ đầy đủ, sâu sắc và đầm thắm đến thế!

Cũng tại Côn Sơn này, hồn thơ Ức Trai còn tiếp tục rộng mở để đón nhận thiên nhiên, chở thiên nhiên về chất đầy kho:
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yến hà nặng vạy then
(Thuật hứng - Bài 24)
Tình yêu thiên nhiên sâu nặng đến mức thi nhân sợ bóng hoa tan mà không dám quét nhà:
Hé cửa, đêm chờ hương quế lọt,
Quét hiên, ngày đợi bóng hoa tan
(Quốc âm thi tập - Bài 160)
Nhân cách thanh cao và tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi thực sự là tấm gương sáng để ta soi vào.

tửu tận tình do tại
123.25
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ Côn Sơn ca

Học giả Đào Duy Anh xếp bài thơ Côn Sơn ca vào số 87 trong Ức Trai thi tập (Sách Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976). Nguyên tác bằng chữ Hán, viết theo thể ca gồm 36 câu, câu ngắn nhất 4 chữ, câu dài nhất 10 chữ, phàn lớn là ngũ ngôn và thất ngôn.

Côn Sơn ca thể hiện hồn thơ Nguyễn Trãi đã nhiều năm ở ẩn tại động Thanh Hư thuộc Côn Sơn. Thời thơ ấu, Nguyễn Trãi từng sống với mẹ và ông ngoại tại đấy. Nguyễn Trãi đã xem Côn Sơn là “quê cũ” của mình. Trong Ức Trai thi tậpQuốc âm thi tập, ông có nhiều bài thơ về Côn Sơn với bao tình thương mến, thắm thiết. Bao nhiêu lần nhờ hồn mộng mà tìm làng cũ: “Kỷ thác mộng hồn tầm cố lý” (Về Côn Sơn làm trong thuyền). Làng quê mới qua, như thấy chiêm bao đến: “Hương lý tài qua như mộng đáo” (Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác).

Quê cũ nhà ta thiếu của nào?
Rau trong nội, cá trong ao.
(Cảnh thanh dường ấy về chăng nghỉ.
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào?
- Mạn thuật – bài 13)
Côn Sơn ca là bài ca giao cảm với thiên nhiên, cũng là bài ca tâm trạng thời thế, triết lý về cuộc đời.

Phần đầu nói về vẻ đẹp lâm tuyền của Côn Sơn bằng bốn cảnh: Suối, đá, thông và trúc. Trong nguyên tác chữ Hán, tác giả viết bằng thơ bốn chữ và thơ năm chữ, nhằm miêu tả vẻ đẹp Côn Sơn tầng tầng lớp lớp xuất hiện:
Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh linh linh nhiên
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tẩy đài phô bích
Ngô dĩ vi đạm tịch…
Cảnh đẹp thứ nhất là suối Côn Sơn, tiếng nước chảy róc rách như tiếng đàn cầm. Cảnh đẹp thứ hai là đá, mưa sạch rêu biếc như chiếu êm. Cảnh đẹp thứ ba là rừng thông, tán lá như những chiếc lọng rủ bóng đáng yêu gắn bó với tâm hồn nhà thơ. Suối, đá, trúc, thông là nơi nương tựa, nâng đỡ tâm hồn, là đối tượng để thi nhân cùng với thiên nhiên giao hoà giao cảm, để “Ta cho là đàn cầm”, để “Ta cho là đệm chiếu”, để “Ta nghỉ ngơi” trong rừng thông, để “Ta ngâm nga” bên rừng trúc. Hình ảnh thơ là âm thanh, là màu sắc găn liền với cảm giác, với tâm hồn nhà thơ bằng những liên tưởng vô cùng thiết tha, đằm thắm:
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Gắn bó, chan hoà với suối, đá, thông, trúc Côn Sơn, chính là biểu lộ tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với quê cũ yêu thương. Mấy chục năm trời loạn lạc, ly hương, không đêm nào ông không nằm mộng nhớ quê nhớ luống cúc vười cũ:
Tưởng nhớ vườn nhà ba rặng cúc,
Hồn về đêm vẫn gửi chiêm bao
(Ngày thu ngẫu nhiên làm - Thơ dịch)
Quê cũ với tùng, với đá, với mai… biết bao thương nhớ bồi hồi:
Thạch bạn tùng phong có thắng tưởng
Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm.
(Tùng reo bậc đá ai nghe đấy?
Mai chiếu bên khe thú vịnh đâu?)
Giọng thơ trầm hẳn xuống: Nguyễn Trãi đang vui thú say sưa lắng nghe tiếng suối róc rách, đang say mê ngắm nhìn rêu đá, thông rủ bóng, trúc xanh mát, rồi trầm ngâm tự nói với mình, tự nhắc nhở mình:
Về đi sao chẳng sớm toan
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?
Câu thơ chữ Hán nghĩa là: Hỡi người sao không về đi, nửa đời người giam buộc mình mãi trong cát bụi làm chi? Bốn chữ “Bất quy khứ lai” lấy cảm hứng từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm một danh sĩ cao khiết đời Tấn bên Trung Quốc đã coi thường danh lợi không chịu khom lưng uốn gối vì mấy đấu gạo lương bổng, đã treo ấn từ quan, trở về vườn cũ, cày ruộng, ương cúc, thảnh thơi với tháng ngày. Nguyễn Trãi làm quan, tài năng không được thi thố, bị bọn quyền thần, nịnh thần chèn ép. Có lúc ông tự than: “Dưới công danh đeo khổ nhục” (Ngôn chí - bài 2), hoặc: “Được thua phú quý dầu thiên mệnh / Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn” (Mạn thuật - bài 5). Người anh hùng thuở “bình Ngô” đã từng “Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” thế mà giờ đây tự trách mình “Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?”, điều đó cho thấy Nguyễn Trãi đang sống những ngày tháng đầy bi kịch. Đó là tâm trạng thời thế. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã sát hại Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, hai đại công thần; còn Nguyễn Trãi cũng đã bị hạ ngục. Sau đó tuy được tha nhưng chỉ là một cô thần “thanh chức”. Nguyễn Trãi đã nhiều năm sống trong tâm trạng muốn trở về Côn Sơn làm bạn với cỏ hoa chốn lâm tuyền:
Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế,
Ắt đã trong bằng nước ở bầu.
Nguyễn Trãi có lúc tự dặn mình:
Vườn quỳnh dù có chim hót
Cõi trần có trúc đứng ngăn.
Nhưng trước áp lực của bọn nịnh thần, ông phải lui về Côn Sơn. Mấy năm sau Lê Thái Tông lại xuống chiếu vời Nguyễn Trãi ra làm quan. Trong biểu tạ ân, ông hả hê nói: “Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng”; ông tự cho mình là con ngựa già “còn kham rong ruổi”, là cây thông qua năm rét mà “còn dạn tuyết sương”. Chẳng bao lâu sau đó, Nguyễn Trãi đã về hẳn Côn Sơn… Cuộc đời Nguyễn Trãi đã phản ánh tâm trạng đầy bi kịch giằng xé, đúng như ông đã viết trong Côn Sơn ca:
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?
Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực qúa, thanh liêm quá…” (Phạm Văn Đồng), và đó là nguồn gốc sâu xa bi kịch vô cùng đau thương của người anh hùng thuở “bình Ngô”.

Côn Sơn ca còn hàm chứa triết lý về cuộc đời của Ức Trai. Trước hết ông nói về giàu sang phú quý, bần tiện, vinh và nhục ở đời. Đổng Trác đời Đông Hán, Nguyên Tải đời Đường chức trọng quyền cao, phú quí đến cực độ, cuối cùng chết trong ô nhục, để lại tiếng dơ muôn đời:
Muôn chung chín vạc làm gì,
Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,
Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan.
Tác giả nhắc lại cách ứng xử và cái chết của Bá Di, Thúc Tề đời Ân, Chu, từ đó suy ngẫm về “hiền ngu” ở đời, chung qui chỉ là “đều làm cho thoả được như ý mình”.

Kiếp người khác nào “cây cỏ”, đời người một trăm năm, mừng, buồn, lo, vui, cái nọ đi, cái kia đến, tốt tươi rồi khô héo, tuần hoàn nối tiếp nhau trong vòng một trăm năm hữu hạn. Sự chiêm nghiệm của nhà thơ thấm một nỗi buồn mênh mông, khi tóc đã bạc, chỉ còn biết làm bạn với mấy núi, trăng ngàn:
Láng giềng một áng mây bạc,
Khách khứa hai ngàn núi xanh.
Ý nghĩa cuộc đời là gì? Nguyễn Trãi mang màu sắc bi quan chưa hẳn đã sai? Đời người “Trăm năm còn có gì đâu? – Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung oán ngâm khúc). Với Nguyễn Trãi lúc này thì chết là hết. Sự phủ định đầy ngao ngán:
Núi gò đài các đó đây
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Nguyễn Trãi viết Côn Sơn ca trước bao lâu vụ án Lệ chi viên xảy ra? Tâm trạng thời thế, triết lý về cuộc đời mà Nguyễn Trãi nói đến trong phần hai bài ca là cả một nỗi buồn thấm sâu, toả rộng trong tâm hồn nhà thơ. Từ những chiêm nghiệm lịch sử phong kiến Việt Nam, nhất là ba triều đại Trần, Hồ, Lê, về cuộc đời ông ngoại (tướng công Trần Nguyên Đán), về cha mình (Nguyễn Phi Khanh), về những thăng trầm, vinh nhục, ngọt bùi cay đắng của đời mình, nên Ức Trai mới có suy ngẫm ấy. Về một phương diện khác, triết lý về cuộc đời của Nguyễn Trãi thể hiện sự cảm thông cho số kiếp của con người. Cái nhìn ấy, sự suy ngẫm ấy mang tính nhân bản sâu sắc. Bi kịch của Nguyễn Trãi là bi kịch của kẻ sĩ trong xã hội phong kiến, cũng là bi kịch lịch sử “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Quan hải).

Hai câu kết như một lời thiết tha nhắn gọi:
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
Sao Phủ và Hứa Do hai cao sĩ đời vua Nghiêu trong lịch sử truyền kỳ Trung Quốc không màng công danh, chỉ thích sống cuộc đời ẩn sĩ, coi trọng thanh cao, chan hoà với núi cao rừng thẳm. Nguyễn Trãi một mặt cảm thông, kính trọng tấm gương sáng của hai Người Hiền xa xưa, mặt khác tự hào biểu lộ niềm tự hào về tâm thế của mình: trở về Côn Sơn là để thoát vòng danh lợi, được chan hoà với suối rừng thiên nhiên, sống cuộc đời nhàn hạ, thanh cao. Đó là âm điệu trữ tình, là nội dung tư tưởng tình cảm của “Khúc hát bên ghềnh Côn Sơn” vậy.

Nếu Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo… là khúc ca thắng trận của người anh hùng thì thơ Quốc âm thi tập, Ức Trai thi tập là tấm lòng, là tâm thế của Ức Trai. Côn Sơn ca là bài hát về suối, đá, thông, trúc, là tình yêu quê hương, là những suy ngẫm buồn lo về cuộc đời, về kiếp ngươi hữu hạn trong dòng chảy vô hạn của thời gian. Cảnh sắc thiên nhiên Côn Sơn đã trở thành tâm hồn của Ức Trai. Triết lý về cuộc đời mà Nguyễn Trãi nói đến trong phần hai bài ca thật ra không có gì mới:
Thân cát bụi lại trở về cát bụi
(Kinh Thánh)
Sinh tồn hoa ốc xứ
Linh lạc qui sơn khưu
(Sống ở nhà lộng lẫy,
Chết lại về núi gò
- Tào Thực đời Hán)
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vị lao kỳ sinh?
(Sống ở đời như giấc mộng lớn
Tội chi vất vả đời mình
- Lý Bạch)
Có điều, qua Côn sơn ca, ta thấy hồn thơ của Ức Trai rất đẹp. Nguyễn Trãi tự hào cuộc đời mình thanh cao, thương cuộc đời mình đầy bi kịch thương đời người cát bụi. Chất triết lý Côn Sơn ca giàu tính nhân văn để lại dấu ấn đậm đà trong lòng ta…

tửu tận tình do tại
114.09
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn

Côn Sơn có núi,
Tiếng chảy nghe thì thầm.
Ta cho là đàn cầm,
Côn Sơn có đá,
Mưa sạch rêu phô thắm.
Ta lấy làm chiếu đệm,
Trong núi có thông.
Muôn dặm biếc trập trùng,
Ta nhân thế ghỉ ngơi ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in dâm lục.
Ta nhân thế ở bên ngâm đọc,
Hỏi anh sao không quay về đi.
Nửa đời bụi trần mãi vướng vít,
Muôn chung chín vạc chả cần gì.
Nước lã cơm rau cũng sung túc,
Anh chẳng thấy
Đổng Trác chứa vàng đầy một thành
Nguyên Tái hồ tiêu tám trăm hộc
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề,
Thú Dương chết đói không ăn thóc.
Hiền ngu hai phía không giống nhau,
Cũng đều tự tìm điều mình ước.
Đời người trong trăm năm,
Rồi cũng như thảo mộc.
Vui sướng thường lo đổi thay nhau,
Một tươi một héo lại kế tục.
Núi gò lầu hoa đều tình cờ,
Sau chết ai vinh lại ai nhục.
Người đời nếu có bọn Sào, Do
Khuyên họ nghe ta Sơn Trung khúc


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
92.67
Chia sẻ trên FacebookTrả lời

Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối