Tiền với bạc đó là máu mủ,
Không có tiền no đủ được sao?
Một ngày là một tiêu hao,
Máu rơi của hết, sống sao được mà!
Trời đất hỡi! dân ta khốn khổ,
Đủ trăm đường thuế nọ, thuế kia,
Lưới vây chài quyết trăm bề,
Róc xương, róc thịt còn gì nữa đâu?
Chợt lại thấy bắt tiêu tiền sắt,
Thoạt tai nghe bần bật khúc lòng.
Trời ơi có khổ hay không?
Khổ gì bằng khổ mắc trong cường quyền.
Họ khinh lũ đầu đen không biết,
Lấy mẹo lừa giết hết chúng ta.
Bạc vào đem đổ sắt ra,
Bạc kia thu hết, sắt mà làm chi?
Họ tính lại, suy đi đã kiệt,
Trói chân tay để chết người mình.
Anh em thử nghĩ cho tình,
Sẽ đem soi xét tâm tình họ xem.
Họ không muốn người Nam buôn bán,
Để một ngày một cạn của đi.
Còn trơ đống sắt đen sì.
Bạc kia không có lấy gì thông thương?
Dầu có muốn xuất dương thương mại,
Đem sắt đi ai dại với mình?
Rồi ra luẩn quẩn loanh quanh,
Vốn kia không có lợi sinh được nào?
Nó lại thấy lương cao muốn chiết,
Sợ người mình thấy thiệt thì kêu.
Nó đưa tiền sắt cho tiêu,
Tuy rằng không chết mà hao thiệt nhiều.
Ấy nó nghĩ mưu cao nhường thế,
Chỉ tìm đường làm tệ nước ta.
Làm cho kẻ xót người xa,
Làm cho lớn, bé, trẻ, già bỏ nhau.
Làm cho muốn cất đầu không được,
Làm cho đi một bước không xong.
Thế mà ta vẫn ngay lòng,
Tưởng làm như thế cũng không hề gì!
Rồi chỉ sợ đến khi hết cả,
Muốn làm gì cũng chả làm xong.
Muốn công cũng chẳng nên công,
Muốn nông không vốn thì nông thế nào?
Muốn buôn bán không dào lưng vốn,
Muốn học hành phí tổn lấy đâu?
Bây giờ ta mới biết đau,
Dại rồi cắn rốn vật đầu được chỉ?
Nếu họ có bụng gì ta nữa,
Sao họ không mở cửa thông đồng?
Nhà Đoan, Kho bạc tiêu chung,
Lúc buôn, lúc bán lúc cùng vào ra.
Sao nó chỉ bắt ta tiêu lẫn,
Mà nó không chịu bận đến mình.
Chẳng qua giở thói ma tinh,
Sao không cứ phép công minh mà làm?
Người Pháp với người Nam như một,
Bảo hộ thì chỉ cốt thuận dân.
Lẽ đâu cậy thế cậy thần,
Lẽ đâu trái lẽ cầm cân công bình?
Nào hiệp biện, văn minh đâu đó?
Nào thượng thư, đốc bộ là ai?
Nào là phủ huyện, quan sai?
Hội viên, thông, ký là người nước ta?
Ai tách bạch cho ra lẽ phải,
Ai dám đem lời cãi cho mình?
Thị phi ai biện cho rành?
Búa rìu chẳng nhụt, lôi đình chẳng kinh.
Làm cho của dân mình đỡ hại,
Làm cho tiền trở lại mới nghe.
Bảo nhau mạnh cánh mạnh bè,
Cho người lừa đảo hết nghề hết khôn.
Tôi xin nhớ như chôn vào ruột,
Tôi xin châm lửa đốt hương trầm.
Tôi xin tạc chữ đồng tâm,
Dựng đài kỷ niệm trăm năm phụng thờ.
Thôi đừng giữ thói nhơ ô mị,
Bảo thế nào người ký cả tay?
Ngại khi lời nói hay hay,
Trăm người trăm miệng đắng cay muôn phần.
Này hỡi bạn quốc dân ta nữa,
Cơ sự này nó sợ đến đâu?
Bỗng như tiếng sét trên đầu,
Kinh kinh, hãi hãi biết đâu thế nào.
...
Ấy là phúc nước Nam ta đó,
Ấy là cơ máu mủ ta còn.
Đời đời, cháu cháu, con con,
Còn non, còn nước, vẫn còn Việt Nam.


Khoảng năm 1907, 1908, thực dân Pháp cho phát hành một loại tiền sắt (thiết tiền) để thu tiền kẽm của ta lại. Tiền sắt rỉ thì chỉ còn nước quăng đi. Nhưng ác nghiệt thay, kẻ phát hành tiền sắt là nhà cầm quyền Pháp mà kẻ không chịu cho nhân dân ta nộp thuế, mua hàng ngoại hoá và đi xe lửa, tàu thuỷ bằng tiền sắt lại cũng là nhà cầm quyền Pháp. Bài thơ này làm ra để tố cáo với quốc dân về chính sách hiểm độc ấy của chúng cũng như sự câm miệng một cách đe hèn của đám quan lại người Việt Nam lúc đó. Và đây cũng kể như một bài hịch kêu gọi các tầng lớp đồng bào hãy mạnh bạo đứng lên chống lại chính sách ấy để giữ lấy quyền sống của mình.

Bài thơ này có ảnh hưởng rất lớn đương thời, phá cả một chính sách kinh tế của thực dân, bị thực dân cấm, nên rất ít người biết tới. May có người nhớ được và được chép trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, nhưng bị mất một đoạn.


[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]