Anh hùng lập chí công danh,
Trọng vì việc nước nên khinh việc nhà.
Lúc bôn bá thừa xa,
Ai cũng đều kinh hãi.
Cậu một lòng trung ái,
Ra tỉnh Nghệ thám tình hình.
Về xuất của mộ binh:
Mộ Phù Long hai vệ,
Mộ Yên Trường ba vệ.
- Kéo về Trung Lễ,
Trống điểm mục đánh vang,
Đòi thượng hạ trong làng.
Nhà ba đinh bắt hai,
Nhà hai đinh bắt một.
Bắt tiền ra gạo góp,
Tính từng hộc từng thăng.
Dân bất câu phú bần,
Ai cũng đều kinh hãi.
- Dân về nghĩ lại,
Đến cửa cậu kêu ca.
Rằng: đất nước nhà ta,
Vô sơn xuyên chi hiểm,
Vô hải hà chi hiểm.
Thói dân ta cần kiệm,
Chỉ xay xáo cày bừa,
Súng không biết máy cò,
Roi không quen đường thảo.
Ta với tả đạo:
Vốn buôn bán thông hành,
Vô hà sự tương tranh.
Xin cậu đừng khởi mộ,
Xin cậu đừng xướng mộ.
- Cậu rằng: Ta tuy tuổi nhỏ,
Cũng dự tiếng văn thân.
Rằng tả đạo với lương dân,
Giai triều đình xích tử,
Cũng triều đình xích tử.
Dám đâu hiếu sự,
Vọng khởi tranh đoan.
Dân đừng có lo van,
Ta viết tờ sang cụ,
Sẽ viết tờ sang cụ.
- Chỉ giận vì ông Bố,
Vì thần đạo bất trung.
Chỉ vua đã mật phong,
Cho mộ quân mộ lính.
Trước hạ thành Hà Tĩnh,
Sau nghinh giá hồi triều.
Cho rõ mặt anh hào,
Người Hồng sơn, Lam thuỷ.
- Cậu một mai đắc chỉ,
Sai tiền đạo tổng Nga.
Với Kỳ Anh, Thạch Hà,
Lấy tỉnh thành như nhởi,
Hạ tỉnh thành như nhởi.
Tứ bề phơi phới,
Đều hưởng ứng ảnh tòng.
Quân năm đạo ròng ròng,
Mặc áo thâm khăn ngại.
Nào tiền bạc khí giái,
Nào lương thực ngựa voi.
Lên hành tại nộp rồi,
Kéo về làng đồn thủ.
Về trữa nhà đồn thủ.
- Hai bên đội ngũ,
tác hậu, tác tiền.
Trống quân thứ rập rình,
Cờ Mạnh Khang đỏ rỡ,
Cờ Cần Vương đỏ rỡ.
Làm trai ra rứa!
Đã nên hiếu nên trung.
Lúc trời hộ anh hùng,
Sánh Vu Khiêm cũng khá,
Sánh Thiên Tường cũng khá.
- May nhờ trên Hạ,
Lại có quan Đình.
Ngài phụng mạnh đề binh,
Sang Thọ Ninh đốt phá,
Xuống Định Trường đốt phá.
Thế cô, lực quả,
Lên hành tại viện binh.
Chỉ mới triệu Bang Ninh,
Ra đồng tâm hiệp lực,
Về đồng tâm hiệp lực.
- Bấy giờ mới ra sức,
Phu ứng trực địa đầu.
Nào rơm lạt củi dầu,
Biết chừng mô hao tốn,
Biết chừng nào hao tốn.
Mấy ngày đầu xộn rộn,
Chỉ rày đánh mai không.
Đóng u ột phía bên sông,
Múa ngọn gươm xáo ráo,
Phất ngọn cờ xáo ráo.
- Ai ngờ bên giáo,
Lại có kẻ tài tình:
Ngoài khiển tướng đề binh,
Ra độc đương nhị diện.
Trong viết tờ cứu viện,
Ra tỉnh Nghệ mời Tây.
Về súng nổ như pháo dây,
Trên quan Đình phải chạy,
Dưới quan Bang cũng chạy.
- Thừa cơ đốt cháy,
Từ Thịnh Quả, Yên Đồng,
Đến Hạ Tứ, thôn Trung.

Khắp bốn bề tàn hại,
Khéo làm chi tàn hại.
Nào đà bà con gái,
Nào kẻ trẻ người già,
Chạy như Hán như Hà,
Ra giữa đồng coi khói,
Chạy trữa đồng coi khói.
- Dân đã nên tức tối,
Nhưng không dám trách ai.
Thời đại vãng tiểu lai,
Trách ông trời hiếu loạn,
Giận ông trời làm loạn.
Biết nhờ ai tuỵ hoán,
Cho lương tả tương yên.
Trên nhà nước vững bền,
Dưới vạn dân khang thái.
Khéo làm chi mãi mãi,
Cho “bạng duật tương trì”.
Dầu đạn lạc tên bay,
Cũng ba thằng dân trương.
- Tuy rằng trống lủng,
Rồi kèn cũng hết hơi,
Tru báng chắc dành rồi.
Khổ vì chưng ròi mọi,
Thương vì đoàn ròi mọi.
- Người xưa đã nói:
Lấy trung hiếu làm đầu,
Dầu tấc đất ngọn rau,
Cũng nhờ ơn vua chúa.
Dân ta như khúc gỗ,
Dẫu lăn mãi cùng đành.
Rồi giặc giã tung hoành,
Chạy đàng trong không khỏi,
Chạy đàng ngoài không khỏi.
- Nói ra thời sợ tội,
Không nói cực lòng dân.
Ai là kẻ trung thần,
Xin soi gương cho tỏ,
Gạt đèn trời cho tỏ.
Đàn ra cho rõ,
Để hết việc thuỷ chung.
Hưu tương thành bại luận anh hùng.


Ấm Ninh tức Lê Ninh, người làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), là một thủ lĩnh phong trào Cần Vương khởi nghĩa ở làng quê Trung Lễ. Ông kéo quân hạ tỉnh thành Hà Tĩnh, giết bố chánh Lê Đại, rồi đưa quân phối hợp hoạt động với Phan Đình Phùng. Sau trận ông đánh Thọ Ninh, Định Trường thất bại, Pháp đưa quân về dành chiếm và đốt phá triệt hạ làng Trung Lễ trơ trọi còn đám đất hoang, dân già trẻ không chết cũng bị lao tù, ai sống sót về được đều sáp vào các làng lân cận, trừ một số ít theo ông Lê Văn Khuê tức Bang Khuê khám nã có công được cắt bớt khu đất của làng cũ mà lập thành thôn thì mới khỏi bị phân tháp. Còn các người khác xiêu giạt mãi sau mới được phục hồi nguyên quán lập thành làng mới, gọi là Lạc Thiện, tức làng Trung Lễ trước kia.

Lời chú của Lê Thước khi đăng trên Tạp chí Tri tân (số 156, ngày 24-8-1944):
Bài này mới đăng trong một quyển sách vừa xuất bản tháng trước, nhan đề Hát dặm Nghệ Tĩnh, tác giả sách ấy là ông Nguyễn Đổng Chi (trang số 130 đến 137). Ông Nguyễn Đổng Chi đã có công sưu tập và chú thích rất kỹ lượng thật là một công phu rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, tôi xét còn có nhiều lỗi sai. Vì tôi ở cùng làng với ông Lê Trọng Đôn, người đã đặt ra chuyện hát giặm nói trên (Nên dùng chữ giặm thì đúng hơn chữ dặm, vì dặm chỉ có nghĩa là một quãng đường dài hay một khoảnh đất rộng, không có nghĩa là “xen vào”, “tiếp thêm” như nghĩa của chữ giặm trong tiếng hát giặm. Ai để ý nghe người dân quê ở nhiều làng tỉnh Hà Tĩnh nói thì nhận rõ họ phân biệt chữ giặm và dặm, không khác người Bắc phân biệt dấu hỏi và dấu ngã hay người Huế phân biệt vần ch và tr). Tôi đã sao bài hát giặm ấy theo miệng của người hát, đọc thuộc lòng, và đã được con trai của tác giả là ông Lê Văn Bằng tức ông Cửu Thơm, cùng nhiều môn đệ của tác giả như cụ thân sinh tôi là Lê Trọng Liệu và thân thúc tôi là cụ Thị Lê Sà, v.v. đính chính lại rất cẩn thận. Nay tôi nghĩ nên đăng tiếp bài của tôi sao lục để độc giả rộng đường tham khảo, mà sửa đổi lại những chỗ sai lạc thì cái công sao tập của ông Nguyễn Đổng Chi lại thêm hoàn hảo bổ ích.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]