Lấy vần: “Một phen lả (lửa) bén Côn Lôn; Đá cho tan nát, ngọc còn tốt tươi.”

Bảy xóm dăng dăng;
Một mồi ngụt ngụt.

Sạch sành sanh kẻ đói kẻ giàu;
Tuột tuồn tuột nhà lim nhà mọt.

Từ thuở Tiên hoàng khai quốc, cơ đồ kể biết bao năm;
Đến nay Kiến Phúc thăng hà binh hoả ra ri mới một.

Hay đạo trời thịnh có khi suy;
Là vân đất đầu đà đến rốt.

Nguyên phủ Trung Lễ ta:
Mái bình dương mặt mở;
Mặt càn hợi tay vin.

Ngất chân trời mấy dãy song phong bút xung thiên chầu xuống;
Lẻo mặt đất một dòng hói Trúc, nước thuỷ triều dâng lên.

Đền một toà rồng giở hồi đầu, trời chung tú khí;
Ruộng nghìn mẫu cò bay thẳng cánh, đất đúc hình nghiên.

Sơn tú thuỷ thanh, cảnh đà đủ tốt;
Địa linh nhân kiệt, phát vẫn nhiều phen.

Văn từ trước khai khoa tiến sĩ cho đến nay thủ khoa có, cử nhân có, tú tài có mà học trò nhị, tam tràng cũng có, trong bốn khoa ngọn bút sinh hoa;
Võ từ xưa trấn thủ tuỳ trung cho đến nay phó vệ nhiều, hiệp quản nhiều, suất đội nhiều, mà cấp bằng đôi ba đạo cũng nhiều, ngoài trăm thước mũi tên suốt lá.

Nói quan to như quan Bố, quan Án, quan Đạo, quan Tuần;
Lại tước có như ông bộ, ông bưu, ông bát, ông bá.

Ấm sinh, viên tử cũng nhiều;
Giáo dưỡng, anh danh cũng khá.

Kẻ phú hữu thì lẫm lúa năm bảy gian, nhà lim đôi ba cái, đất Thanh Trì ầm bốn cõi chó gà;
Nhà tầm thường cũng ruộng sâu chín mười mẫu, trâu cày vài ba con, thành Bạch Đế toả một phương khói lả.

Trong làng thì bán buôn có nhiều thổ, thổ cờ bạc, thổ rượu chè, lại có thổ buôn nghề thuốc phiện, nào là mẹ dòng con gái, đồ chơi thú lịch sắm dăng dăng;
Ngoài đường thì trai trẻ kéo từng đoàn, đoàn họp làng, đoàn hát giặm, lại có đoàn đi trò chuyện dạo chơi, nào là chú bếp thầy nhiêu, khăn xéo guốc cao đi rả rả.

Thú thua chi nội thị ngoại thành;
Tiếng đồn khắp trên làng dưới xã.

Vẫn nhiều người chơi nhởi vô cùng;
Lại lắm kẻ làm ăn mới bén.

Phường buôn bán từ chợ Hao, chợ Hiếu phết phong lưu khăn phá quệt đầu trùm;
Kẻ xáo xay thì chợ Tổng, chợ Quan, cuộc lịch sự hàng rượu Nhe đánh chén.

Nói keo quá như Đồng Môn, Phù Việt keo đã nên keo;
Dù tiếng to như Đông Thái, Quỳnh Đôi, tiếng không thua tiếng.

Thực chốn rừng vàng biển bạc, ai phô rằng tóm như dam;
Những nơi nội lục đồng đào, thực rõ vẫn là đông hơn kiến.

Gặp hồi nay:
Vận trời chưa mở;
Thế giặc đang ồn.

Ngoài biên cương trống Hiệt vang trời; dân xao xác trông Đường thiên tử;
Trong kinh khuyết kèn Hồ dậy đất, quan bơ vơ hỏi Tấn Hoàng Côn.

Thương ôi, nơi cung thẳm lầu cao, mặc đất, mặc trăng, mặc gió;
Thời như, ta làng quan họ quý, còn trời, còn nước, còn non.

May nhờ cậu Ấm;
Nghe tiếng nghè Ôn.

Dấy lòng trung nghĩa;
Thề chí sắt son.

Vin vẩy rồng mà lớn giúp uy linh, trên có quan Đình, Bảng Hạng;
Vỗ cánh phượng mà mạnh giùm thanh thế, trong thời quan Tế, Thượng Đôn.

Quyết trừ những giống hôi tanh, không chịu để áo vàng chìm u cốc;
Quét sạch những nơi cỏ bụi, cho rõ ràng mã ngọc ở Côn Lôn.

Rồi đây:
Tích cốc dồn lương;
Chiêu binh mãi mã.

Thiếu gì bá vương;
Thiếu gì cô quả.

Binh năm đạo tác tiền, tác hậu, học đồ bát trận Khổng Minh;
Đồn một làng xóm trước xóm sau, theo phép ngũ liên Tề Bá.

Nói quân trang thì áo thâm, khăn ngại, cờ ngũ hành, cờ tiểu nỉ thêu;
Nói binh khí thì gươm bạc, khiên son, súng khai phúc, súng cò máy đá.

Một phen hội tiễu trống đánh vang lừng;
Mấy trận tập binh, tiếng ầm dạ há.

Mới nửa năm mà thanh thế đã to;
Nên một trận thời tỉnh thành cũng hạ.

Quan tước cao sang;
Tháng ngày thong thả.

Những chắc anh hùng trời hộ, cậu làm nên làng được vững bền;
Hay đâu Tây tả thế cường, cậu mới khởi, làng đà đột phá.

Một rằng hãy “bất vân ông Nhạc”, mưu đánh Tề cho tính lỏng tay;
Hay hoặc còn “vi vũ chàng Di”, kế phá Sở để thuộc làu trong dạ.

Rồi sẽ mở mang;
Nên còn nấn ná.

Tắc kiến:
Ngày hai mươi đông mạnh;
Ngoài cồn Đô kéo vô.

Quân đi thựng thựng;
Đạn bắn vo vo.

Tập công nó vẫn khinh lai, chẳng đánh, đánh thì được hẳn;
Bất ý ta đà thất thế, cản quân, quân nỏ (chẳng) đứng cho.

Nghe kèn rởn ốc;
Chạy trốn như bò.

Ồn ào kẻ ngái (xa) người ghin (gần) ông tra (già) bà lão;
Tở mở làng trên xã dưới, mẹ trẻ con tro (so).

Đại đồn thất thủ;
Ngọn lả (lửa) cháy ran.

Lừng phương trời càng gió càng cao, xóm Đình, xóm Trại;
Rạng mặt đất càng ngày càng tỏ, xóm Trửa, xóm Ràn.

Ba xóm trong đình ngói tường vôi, như nhà giấy dán;
Mấy xóm mới nhà tranh vách đất, như xác pháo tan.

Cháy từ gà chích, gà kềnh;
Cho đến mẻ trành (sành), mẻ bát.

Ló ló (lúa) tiền tiền theo khói, không ai lưa (còn) cái mẹt, cái tràng (sàng);
Nhà nhà lẫm lẫm lên mây, nào có sót cái tròng (gầu sòng) cái nát.

Thượng Ích, Đông Khê biết nỏ, bây giờ mặt chuột mới ra;
Thái Yên, Thanh Lạng hay không, đây vốn miệng mang không tác.

Mà ai nấy:
Quá ngán đời;
Dở cười dở khóc.

Núc đá ba hòn;
Nhà tre bốn cọc.

Mói (muối) phải lả (lửa) nhai cứng hơi phèn;
Gạo hơi khói nấu đen hơn móc.

Lúc đứng lúc ngồi khác trước, ngựa gọ (gụ), chiếu hoa;
Đồ ăn đồ đựng khác xưa, mâm ngà đũa ngọc.

Chẳng những hát giặm bỏ, đi chơi bỏ, kẻ họp làng cũng bàn bạc vụng thầm;
Cho đến uống rượu không, đánh bạc không, bọn nghiện hút cũng điếu thoe (xe) lăn lóc.

Cháy năm bảy lần;
Chi không cháy trọc.

Nó bỏ công bòn mười cạnh đúc một trự đéo mẹ bò;
Cầm như là kiếm ba năm thiêu một giờ, mồ cha cóc.

Rồi đây:
Sạch trừ âm ế;
Rộng mở càn khôn.

Khởi nghĩa trống vang, lòng náo nức bốn phương sĩ tử;
Cần Vương cờ mở, mây rỡ ràng năm bảy xương môn.

Tuốt gươm thiêng diệt giặc Tây Dương, hải ngoại lần xua ngọn sóng;
Kéo cờ nghĩa trừ quân ác tặc, thiên môn cho nó thăng hồn.

Trước các quan “cán cổ”, xuất tài, quan bình trị, bàn dân bình trị;
Trên nhà nước “thừa càn” rỡ vẻ, nước trường tồn, dòng dõi trường tồn.

Lo chi việc ấy mà lo, kiến bò trong miệng chén;
Sợ mãi hơi mô (đâu) mà sợ, hùm còn ở đầu non.

Cháy nhà ta lại làm nhà, phượng lộn rồng leo đủ thứ,
Cháy ló (lúa) mùa liền được ló, trâu nằm voi mẹp từng cồn.

Vinh hoa phú quí như xưa, tiền kho bạc nén;
Lịch sự phong lưu hơn trước, bát bịt mâm son.

Thị tri:
Thế giặc tung hoành;
Nhà dân nghi ngút.

Hay đạo trời khi một lở hai bồi;
Mà việc người cũng năm xấu ba tốt.

Những nghiệm thần linh báo ứng, ngày kia da (đa) gãy đùng đùng;
Hay đâu trời đất cảm thông, hôm ấy sao sa rột rột.

Thời như làng ta;
Là nhất đinh đốt.

Nên đừng la mang tiếng la, đừng khóc mang tiếng khóc, trời cao cũng ngoảnh cổ có hồi;
Mà ai ăn cứ việc ăn, ai làm cử việc làm, sóng lở đã có tay chống cột.

Rày nhân:
Mùa xuân mát mẻ;
Nghiên bút thảnh thơi.

Trước trông xa xóm dưới làng trên, một màu khô héo;
Nay ngó lại vườn xưa nhà mới, muôn cảnh tốt tươi.

Nghĩ mình kinh tế phạp tài, mới có động chỉ lo đàng chạy;
Gặp lúc loạn li đa sự, không biết lại hay làm hơi.

Vậy nấu ấm chè xanh nhấp giọng;
Để làm bài phú đỏ đọc chơi.


Tên bài có nghĩa là bài phú về làng Trung Lễ bị đốt. Làng Trung Lễ thuộc xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, phủ Đức Thọ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tục gọi là Kẻ Ngù. Làng là quê của Lê Ninh, thường gọi là cậu Ấm Ninh, thủ lĩnh phong trào Cần Vương, khởi nghĩa ở làng quê Trung Lễ (1885), kéo quân hạ tỉnh thành Hà Tĩnh, giết bố chánh Lê Đại, rồi đưa quân phối hợp hoạt động với Phan Đình Phùng. Sau trận ông đánh Thọ Ninh, Định Trường thất bại, Pháp đưa quân về dành chiếm và đốt phá làng Trung Lễ, đến năm Thành Thái thứ 14 (1902) mới được khôi phục và gọi là làng Lạc Thiện. Lê Trọng Đôn làm bài phú này ghi lại tình cảnh lúc đó.


[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]