Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.

Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý.
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường.
Khí hạo nhiên chí đại chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất.
Lúc vị ngộ, hối tàng nơi bồng tất,
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn.
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí,
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên.
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lang miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thuỳ rạch mũi Can Tương.
Làm sao cho bách thế lưu phương,
Trước là sĩ, sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung,
Vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng.

Nước nhà yên mà sĩ được thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch.
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn.
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh.
Này này sĩ mới hoàn danh.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Cám ơn ĐIỆP LUYẾN HOA

Tôi vừa dự lễ tang của 1 người thân . Lời cám ơn kết thúc bằng bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ . Bài thơ hay quá . Xin cám ơn Điệp Luyến Hoa rất nhiều . Trong cuộc sống hiện đại ngày nay , thơ cổ vẫn còn giá trị như xưa . Thật là bất hủ !


Tuyệt vời !
34.67
Trả lời
Ảnh đại diện

tức hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,dân hữu tứ sĩ vi chi tiên

TƯỚC HỮU NGŨ{THƯỢNG ĐẠI PHU,HẠ ĐẠI PHU,THƯƠNG SĨ, TRUNG SĨ, HẠ SĨ}
DÂN HỮU TỨ { SĨ, NÔNG, CÔNG THƯƠNG}

25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

"Hương đãng" hay "Hương đảng"

Tôi vẫn còn giữ một cuốn sách "Việt Nam thi văn hợp tuyển" của Dương Quảng Hàm và câu "Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị" là "Hương đảng" chứ không phải "hương đãng". Xin bạn xem lại chi tiết này. Ngoài ra câu sau là "Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường" thay vì "cang thường" tuy nhiên cương - cang trước giờ vẫn được dùng thay thế nhau mà bài thơ lại được viết theo chữ Nôm-Hán nên không quá quan trọng.

33.33
Trả lời
Ảnh đại diện

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt

Tước hữu ngũ là năm tước mà nhà vua ban cho kẻ sĩ đó là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Như là Đặng Trần Côn tác giả của tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm" được vua Lê phong tước Hầu gọi là "Ôn Như Hầu", và mình biết có đôi câu đối của hai tác giả, mà mình chỉ còn nhớ một người là Ngô Thời Nhiệm (Ngô Thì Nhậm), còn người kia mình không nhớ là họ gì  hình như tên là Tường thì phải câu đối như sau:
Ai Công Hầu, Ai Khanh Tướng, trong cuộc trần ai ai dễ biết
được đối là:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, thời đã thế thế thời phải thế

22.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Tước hữu ngũ

Chức tước thời nhà Chu bên Trung Hoa cổ xưa, có hai loại chức tước:
- Tước phong cho chư hầu thì có Công, Hầu, Bá, Tử và Nam (tước Vương chỉ dành cho thiên tử nhà Chu). Đây là tước hiệu chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa.
- Chức tước vua ban cho các quan trong triều đình (kể cả triều đình nhà Chu, hay triều đình chư hầu) có 5 bậc: Thượng Đại Phu, Hạ Đại Phu, Thượng Sĩ, Trung Sĩ và Hạ Sĩ. Đây là chức tước mà kẻ sĩ được chen vai vào.

Tước mà cụ Nguyễn Công Trứ nói đây là tước vua ban cho các quan; chứ không dám bàn đến tước vị vua chúa.

34.33
Trả lời
Ảnh đại diện

Tịnh tà cự bí

Bài thơ được đăng này viết lầm.
- tịnh tà cự bí: phải là "tịch tà cự bí" mới đúng.
- Vũ trụ chi nhân gian giai phận sự, nam nhi đáo thuỷ thị hào hùng, phải viết là "Vũ trụ chi gian giai phận sự, Nam nhi đáo thử thị hào hùng".
Hai câu này chắc chắn là vậy. Còn câu: "Làm sao cho bách thế lưu phương", theo trí nhớ học thời còn niên thiếu, tôi nghĩ là "Làm sao cho bách tuế lưu phương". Tôi không dám chắc, vì không có sách trong tay để kiểm chứng. "bách tuế" làm cho giọng thơ đọc lên có vẻ hào hùng hơn là "bách thế".

44.25
Trả lời
Ảnh đại diện

Tước hữu ngũ

Nói chung về tước vị các vua quan trong triều đình nhà Chu hay triều đình các nước chư hầu, thì có sáu bậc kể theo thứ tự lớn trước nhỏ sau:
1. Vua: Vua ở triều đình nhà Chu gọi là thiên tử, tước Vương, Vua ở triều đình chư hầu mang tước Công, Hầu, Bá, Tử hay Nam, tuỳ theo nước lớn nhỏ.
2. Khanh
3. Đại Phu: Gồm có Thượng Đại Phu và Hạ Đại Phu
4. Thượng Sĩ
5. Trung Sĩ
6. Hạ Sĩ.
Từ quan Khanh tới quan Hạ Sĩ gọi chung là Khanh Sĩ.
Quan Khanh thì có Cửu Khanh 九卿. Cửu Khanh là gồm Tam Cô và Lục Khanh họp lại. Tam Cô gồm có: Thiếu Sư 少師, Thiếu Phó 少傅, Thiếu Bảo 少保. Lục Khanh là Thiên Quan Trủng Tể 天官冢宰, Địa Quan Tư Đồ 地官司徒, Xuân Quan Tông Bá 春官宗伯, Hạ Quan Tư Mã 夏官司馬, Thu Quan Tư Khấu 秋官司寇, Đông Quan Tư Không 冬官司空. Trên Cửu Khanh có Tam Công 三公 là ba vị quan phụ thần làm phụ bật cho vua. Tam Công gồm có Thái Sư 太師, Thái Phó 太傅, Thái Bảo 太保 là chức quan lớn nhất trong triều đình nhà Chu (triều đình chư hầu không có). Đó là tổng quát về quan chế thời cổ Trung Hoa.

Cho nên, 5 tước trong bài thơ Kẻ Sĩ của cụ Nguyễn Công Trứ muốn nói là 5 tước Khanh Sĩ. "Sĩ cư kỳ liệt" là như thế. Chứ sĩ đâu dám liệt vào hàng vua gồm Vương, Công, Hầu, Bá, Tử và Nam.

33.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ

Hồi học lớp 9 tôi sợ nhất bài nầy. Nó khó học, khó nhớ quá vì từ vựng quá xa lạ với tiếng Việt thông thường. Nếu không thuộc bài thì ăn đòn như chơi nên ngày nào cũng phải ngồi 'tụng'. Đến khi thuộc rồi thì không thể nào quên nó được. 43 năm sau vẫn nhớ tới nó. Mỗi lần bạn bè gặp nhau hễ đứa nầy đọc một câu thì đứa kia đọc câu kế tiếp liền. Nó vô máu rồi.

45.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường

Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường

Đặng Trần Thường ra đối:  Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Ngô Thì Nhậm đối lại: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế

15.00
Trả lời