Hiếm có nhà thơ nào được người trẻ ưa thích như Nguyễn Thiên Ngân. Thơ Ngân giản dị, giàu nhạc điệu, thủ thỉ thù thì, nói hộ những buồn, vui, những khấp khởi, lo toan và cả thất vọng lẫn hy vọng của người trẻ nơi phố thị.

Có khi nào buồn quá mà không biết tìm từ ngữ nào để diễn tả, khả năng phần nhiều bạn sẽ tìm được sự đồng cảm đâu đó trong thơ Ngân

Nguyễn Thiên Ngân là ai?

Ngân nổi danh từ sớm nhưng là với truyện ngắn chứ không phải là thơ. Cách đây 14 năm trước, cô đoạt giải nhất truyện ngắn cuộc thi “Chân dung tuổi mới lớn” lần 2 (2005) của báo Mực tím. Khi đó, Ngân mới 17 tuổi, da ngăm ngăm, má bầu bĩnh, tóc dài cột hai bên, đôi mắt sáng, mặc áo phông dài tay, quần kaki bạc màu, ngồi thu lu cạnh ba lô trong một bức ảnh trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Từ khi ấy, nhiều người đã đánh giá Ngân như một cây bút trẻ nhiều triển vọng.

Những truyện ngắn đầu tay của Ngân như Những phố dài ướt mưa, Cặp vòng mây, Đường còn dài còn dài, Những chuyển điệu, Kỳ nghỉ của mỗi người… cho thấy một giọng văn lãng mạn, ít nhiều sầu tư nhưng vẫn rất trong trẻo. Đọc văn của Ngân rất dễ chịu vì Ngân viết giản dị, giọng điệu thủ thỉ tâm tình như nhật kí của một cô bạn dễ mến.

Năm 2012, Ngân xuất bản tập thơ đầu tiên Mình phải sống như mùa hè năm ấy và liền sau đó là ba tập thơ nối tiếp Lạ lùng sao, đớn đau này (2013), Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời (2015), Có người sực tỉnh cơn mơ (2018). Những tập thơ nhanh chóng được các bạn trẻ đón nhận và yêu thích. Người ta có thể không biết Nguyễn Thiên Ngân là ai, nhưng hẳn đã đôi lần tình cờ đọc được những dòng thơ do cô sáng tác được bạn bè trích dẫn lại trên facebook hay instagram.

Một giọng thơ đậm chất tự sự

Có một điều thú vị, nghe qua tưởng trái ngược nhưng lại vô cùng có lý là thơ của Ngân hồi trẻ hoang mang, nhiều nỗi buồn, nhiều hoài niệm nhưng càng về sau này, thơ của cô càng có sự lạc quan, bình tĩnh của người phụ nữ đã đi qua nhiều trải nghiệm.

Tập thơ đầu tiên Mình phải sống như mùa hè năm ấy mang lại cảm giác chung là nuối tiếc, buồn đau, thương nhớ về tình yêu đã mất. Mặc dù tựa đề của tập thơ nghe qua thì mang hơi hướm của niềm hy vọng nhưng dường như Ngân cũng như ngầm nói rằng mùa hè ấy - cái mùa hè chói lọi, rực rỡ của tuổi trẻ ấy - đã qua mất rồi. Nó có thể trở lại trong ký ức, trong trí nhớ chứ không thể trở lại trong đời thực. Ngân viết những câu rất buồn “Rốt cuộc rồi cũng sẽ là mưa - Sau rất nhiều ngày tạnh - Rốt cuộc em cũng sẽ biết mắt người thì lạnh - Và tay người chỉ ấm đôi khi”.

Sang Lạ lùng sao, đớn đau này, thơ đã bớt buồn hơn. Vẫn là chất tự sự thấm đẫm, vẫn là câu chuyện tình yêu nhưng từ ngữ trau chuốt hơn, cách xưng hô ta – mình vừa quen thuộc vừa mang phong vị ngang tàng cổ xưa. Tập này Ngân có những câu thơ rất thú vị “Bình yên có một chút này – Ta đem dốc hết đổi ngày bên nhau”; “Mình giờ đã vắng nhau lâu - Hương yêu dấu cũng bắt đầu lãng quên –Xưa ngại lạ, giờ ngại quen – Giấc mơ đã mất ai đền cho ai – Đền luôn sợi vắn sợi dài – Lấy nhau không đặng tóc mai dãi dầu”.

Sức lay động của những điều giản dị

Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời có lẽ là tập thơ thành công nhất của Ngân trên phương diện nghệ thuật. Ngân viết giản dị và nhẹ nhõm ngay cả trong được mất: “Rồi sẽ đến một ngày ta hiểu được - Dù lòng ta có tha thiết thế nào - Người cứ vẫn lạnh lùng không cảm động - Vậy thì thôi, chứ còn biết làm sao.”

Tuổi trẻ có nhiều nỗi buồn, cô đơn, mất mát, chênh chao. Qua thơ Ngân, những nỗi niềm ấy được diễn đạt bình dị, mộc mạc và lay động “Từng có lúc quên mình chân sông núi - Quên lá buồm nhức nhối ở bờ xa - Ngỡ yên ổn với mảnh đời cao ốc - Bỗng đêm kia trong thang máy khóc oà”. Thơ Ngân thủ thỉ vỗ về động viên những đứa trẻ thành thị đi lạc “Em ơi, đừng yếu đuối - Một tẹo thôi đã buồn - Làm sao đi đến cuối - Giữa cuộc đời đao gươm.” Cảm giác Ngân nhìn mọi thứ nhẹ nhàng hơn, vị tha với đời, với người, ngay cả nỗi buồn cũng hoá trong veo. Hai câu thơ thuộc loại đẹp nhất trong tập thơ này ngập tràn hy vọng “Một mai mở mắt nhìn ra – Thấy sông đầy nước và hoa đầy đồng”.

Có người sực tỉnh cơn mơ là tập thơ gần nhất của Ngân. Vẫn là những bài thơ, đoạn thơ ngắn, hầu như không có tiêu đề tràn đầy nỗi niềm của một người trẻ. Những tâm sự ấy rất chân thành, dễ cảm, không quá sến súa, bi luỵ, ngôn tình. “Chẳng ai dại ưa nhận phần thua thiệt - Chỉ bao dung nên chọn lẽ nhịn nhường - Lại có kẻ dốc ân tình đánh đổi - Mất thật nhiều mà vẫn tưởng mình khôn”; “Cũng là người chuốc ta say - Rồi không ở trọn cuộc này với ta”. Ngay cả những lời trách móc, những sự bội bạc trong thơ Ngân cũng nhẹ nhàng như thế.

“Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt - Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu - Người sẽ bước một mình qua bóng tối - Dưới trời này - Sao sáng cũng vì nhau.” “Mở ra nào trái tim ơi - Mở ra chấp hết mọi lời đau cay - Lời đau rồi sẽ như mây - Bay hoài cũng mệt - Rộng thay khoảng trời”. Cảm giác như trong thơ Ngân là một người trẻ rất đáng mến, rất dễ yêu, một người có can đảm để bước vào tương lai với trái tim rộng mở và yêu thương tha thiết cuộc đời.

Nghe nói sau tập thơ này, Ngân sẽ ngừng viết thơ một thời gian để tập trung cho một dự án mới. Độc giả sẽ nhớ Ngân, nhớ một giọng thơ rất nhỏ nhẹ, dễ thương, giàu nhạc điệu, đã nói hộ biết bao nỗi niềm của người trẻ trong cuộc sống thường nhật.

Anh Trâm

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]