T. T. Kh. là tên tắt của một nữ sĩ xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản tại Hà Nội vào khoảng tháng 9 năm 1937, sau bài
Hoa ti gôn chuyện ngắn của ký giả Thanh Châu.
Nữ sĩ gởi đến cho nhà báo trên một bài thơ nhan đề là
Bài thơ thứ nhất, kế một bài nữa là bài
Hai sắc hoa ti gôn. Cả hai, đều ký bút hiệu là T. T. Kh.
Lời thơ rất nhẹ nhàng, rất lâm ly cảm động, khiến có người đã không ngần ngại phê bình cho là những thi phẩm kiệt tác. Và cũng vì T. T. Kh. là ai, không có nhà thơ văn nào biết được, nên có người đã tự nhận là người yêu của mình, nhất là tác giả chuyện ngắn
Hoa ti gôn.
Thế rồi, từ đó trở đi, người ta không còn được đọc bài nào của T. T. Kh. Nữ sĩ chỉ có hai bài đã đăng trên báo, nhưng hai bài ấy cũng như tên tác giả, mỗi lần nhắc đến không mấy ai không biết.
Nhưng thật T. T. Kh. chẳng phải là người yêu của ông nào trong
Tiểu thuyết thứ bảy. Nữ sĩ chính là Trần Thị Khánh, một nữ sinh nhà ở phố Sinh Từ, Hà Nội, có tâm hồn thơ lắm. Nữ sĩ có yêu một thanh niên, hai người đã cùng đi lại, hứa sẽ thành hôn, nhưng nửa chừng vì sự ép buộc của gia đình, nữ sĩ đành phải hát khúc chia ly, về làm vợ một người khác tên Nghiêm, làm công cho một hãng buôn nọ.
Nữ sĩ không phải chỉ có hai bài ấy thôi mà còn hai bài nữa là
Bài thơ đan áo và
Bài thơ cuối cùng, với một bài của người yêu trả lời chưa hề công bố mà tôi sẽ trích dưới đây.
Một điều nữa, chúng ta cũng nên biết là sau khi đem hết tâm hồn và nước mắt trút cả vào mấy bài ấy để khóc mối tình ngang trái kia, T. T. Kh. không còn trở lại thi đàn nữa, và nay cũng như người đã thuộc về dĩ vãng.
Phạm Thanh
(Trích Thi nhân Việt Nam hiện đại - Quyển Thượng của Phạm Thanh)