Đăng bởi Vanachi vào 20/02/2006 10:15
春眠不覺曉,
處處聞啼鳥。
夜來風雨聲,
花落知多少?
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đề điểu.
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu?
Say sưa giấc xuân không biết trời đã sáng
Khắp nơi vang lên tiếng chim hót
Đêm qua có tiếng gió và mưa
Hoa rụng không biết bao nhiêu?
Trang trong tổng số 5 trang (41 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi donghuynh1958 ngày 03/05/2011 16:50
Có 1 người thích
Giấc xuân còn hãy mơ màng,
Tiếng chim đã dậy rộn ràng khắp nơi.
Đêm qua mưa gió đầy trời,
Náo xuân có biết hoa rơi ít nhiều?
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Trương Tú Vinh ngày 17/06/2011 23:07
Mộng lành một giấc miên miên
Sớm xuân nghe dậy tiếng chim bốn bề
Đêm qua mưa gió vọng về
Ngoài kia hoa rụng chẳng hay ít nhiều?
Giấc xuân bừng tỉnh ngỡ ngàng,
Quanh nghe ríu rít rộn ràng chim ca,
Đêm qua tiếng gió mưa sa,
Giật mình không biết rụng hoa ít nhiều?
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Trần Huy Long ngày 10/01/2012 19:15
Thời xuân, ngày chẳng hay,
Khắp khắp chim muôn bay.
Đêm rồi mưa rỉ rả,
Hoa rụng, đã nào hay
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Bàn Thành Lãng Tử ngày 25/07/2013 16:43
Sớm xuân chợt tỉnh giấc nồng,
Tiếng chim ríu rít quanh vùng reo ca.
Đêm nghe tiếng gió mưa sa,
Ngoài hiên hoa rụng biết là bao nhiêu.
Gửi bởi PH@ ngày 17/02/2014 22:56
Giấc xuân nào hay sáng
Nơi nơi nghe chim kêu
Đêm gió mưa còn vọng
Biết hoa rụng ít nhiều
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 27/03/2015 06:24
Trong thế giới thi ca, những ý tưởng nói về mùa xuân có rất nhiều tác giả. Riêng về bài Xuân hiểu (Sớm xuân) của Mạnh Hạo Nhiên lại có một nét xuân đặc biệt nói về tâm hồn của con người vũ trụ trong thế giới thơ Đường.
Với tựa đề Xuân hiểu bài thơ đã cho ta thấy cả thời gian và không gian nghệ thuật. Bởi lẽ, “hiểu” (sớm) mang thời khắc của sự vận hành qua không gian của đất trời trong “mùa xuân”. Cho nên nó đã hình thành biểu tượng đầy đủ về không gian và thời gian.
Thoạt ngay câu đầu của bài thơ, ta thấy tác giả như có ảnh hưởng về dòng tư tưởng của Phật giáo và Lão giáo. Ai đang ngủ trong giấc ngủ mùa xuân (xuân miên) mà quên trời chợt sáng (bất giác hiểu)? Giấc ngủ của tác giả hay giấc ngủ của cả vũ trụ? Rõ ràng là cả một ý tưởng hết sức thanh thoát và chứa đầy hàm ngôn... Điều đáng lưu ý là tác giả đã dùng chữ “giác” 覺 để chỉ sự hiểu biết mà không dùng chữ “tri” 知 vì chữ “tri” chỉ có nghĩa “biết”, nhận biết thông thường của tri thức trong khi chữ “giác” có nghĩa hiểu biết đến tận cùng chân tính của sự vật. Bởi vậy nhà Phật đã dùng chữ giác này trong giác ngộ, chính giác để chỉ cho những điều đã hiểu, đã ngộ, đã đạt đến cái đích của thiền tính. Cũng một điều cần lưu ý nữa là tác giả đã dùng chữ “hiểu” 曉 để chỉ về sáng sớm mà không dùng các chữ khác như: đán 旦, tảo 早, hạo 暭, hoặc thịnh 晟, thần 晨, thự 曙, hi 晞, v.v.. Bởi vì chữ hiểu vừa có nghĩa hiểu biết, lại vừa có nghĩa chỉ về lúc mờ mờ sáng, chỉ về cái khoảnh khắc chuyển tiếp từ âm (đêm) sang dương (ngày), cái tình trạng âm dương tương tác đó đã thể hiện cái lẽ “sinh sinh” kỳ diệu của tạo vật, của một ngày mới đã mở đầu và chính mùa xuân đang chủ trì cho sự sống đang khởi sắc. Rõ ràng ở đây cho ta thấy cái tiểu vũ trụ của tác giả đang hoà quyện nằm chung trong cái đại vũ trụ. Cả đất trời và con người đều hoà nhập chung vào làm một. Cái tính đồng nhất thể này đã thể hiện được cái tâm huyền đồng của Lão Tử.
Tiếp theo cái tĩnh lặng của giấc ngủ là cái động sau sự thức giấc của con người và của mặt trời trong một ngày mới. Ta thấy được sự sống tưng bừng của không gian vũ trụ “xứ xứ” (khắp nơi) qua tiếng chim hót rộn ràng. Chữ “văn” ở đây cho ta xác định được cái tiểu vũ trụ của tác giả và chính tác giả là chủ thể của con người trung tâm đang nhìn ra khắp chốn (xứ xứ) của đại vũ trụ để bắt nguồn giao cảm từ ý nghĩa vạn vật đều có đủ trong ta (vạn vật giai bị ư ngã) hoặc vạn vật với ta là một (vạn vật dữ ngã vi nhất) hay nói khác hơn đó là vạn vật đã đồng nhất với cái ngã. Hình tượng chim (điểu) cũng chỉ là một thực thể bé nhỏ và âm thanh kêu, hót (đề) cũng chỉ là “dữ cộng tương sinh” nhưng lại là đại biểu cho tất cả mọi sinh vật làm biểu tượng cho cả sự sống muôn loài vừa trổi dậy. Như thế mỗi thực thể bé nhỏ ở đây không chỉ là mỗi tiểu vũ trụ mà đã hình thành biểu trưng cho cả một đại vũ trụ.
Nhưng con người vũ trụ lúc này không chỉ ngừng lại trong cái giới hạn khoảnh khắc của hiện tại bởi vì theo vòng luân chuyển tướng của nhà Phật, mỗi sát na đi qua đều để lại một quá khứ và cùng phát sinh ra một tương lai kế tiếp trong chuỗi thời gian. Bởi vậy con người vũ trụ lại tiếp tục suy tư chiêm nghiệm để tự hỏi: Dạ lai phong vũ thinh (Đêm qua có tiếng gió mưa). Hình ảnh gió mưa đó chính là cái lẽ biến chuyển tuần hoàn của vũ trụ là cái nguyên nhân đưa đến sinh, trụ, dị, diệt.
Cũng thế những đoá hoa ở đây chính là biểu tượng cho sự sống, cho nguồn sinh mệnh của cõi đời. Chúng cũng chỉ là những thực thể bé nhỏ nhưng lại đồng hội đồng thuyền với sự tồn tại của con người, cũng là những tiểu vũ trụ của “vạn vật dữ ngã vi nhất”. Tác giả không nói gì nhiều, không khẳng định rõ ràng như Đỗ Phủ: “Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân” (một cánh hoa rơi làm giảm đi vẻ đẹp của xuân) nhưng ý tưởng lại còn đi xa hơn thế nữa. Bởi vì hình thức mỗi cánh hoa còn lại trên cành hay rụng đi là một nỗi băn khoăn về lẽ tồn tại (trụ) hay không tồn tại (diệt). Đây chính là sự thao thức về đời người và cũng là dấu hỏi về thân phận nhỏ bé của con người. Trong bốn câu thơ, câu “Hoa lạc tri đa thiểu” (không biết hoa rụng nhiều hay ít?) chính là câu thơ tuyệt bút đã làm bài thơ bừng toả.
Mặc dù bài thơ ngắn ngủi, chỉ có bốn câu nhưng tác gỉả đã thể hiện được cả thế giới nội quan và ngoại quan. Đây là sở trường của Mạnh Hạo Nhiên về lối thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Ông đã phổ vào bài luật thi bằng một chất thơ đầy cảm hứng trữ tình, có ý nghĩa hàm súc cô đọng giống như một bài kệ thi có tiết tấu nhịp nhàng. Mặc dù ngắn nhưng ông đa khéo biến bài tuyệt cú này thích hợp với việc thể hiện tình cảm sâu lắng và ý nghĩa cao xa theo cách diễn đạt “ý ở ngoài lời”. Đây cũng là phong cách tiêu biểu của Đường thi, phong cách đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và mỗi chữ mỗi lời là một viên ngọc không thể thêm, không thể bớt.
Xét về tính chỉnh thể, bài thơ đã phối hợp chặt chẽ cả về hình thức lẫn nội dung, biểu hiện được tinh thần của con người vũ trụ trong thơ Đường. mặc dù chỉ nói về một cảnh “sớm xuân” nhưng lại bao quát cả ý nghĩa về sự thường hằng của vũ trụ và nhân sinh. Thi nhân đã thể hiện cái diệu lý của vũ trụ cũng như cái tâm của mình trước cuộc sống. Bài thơ rất tiêu biểu cho khuynh hướng xuất thế của những con người muốn dùng Phật- Lão làm chỗ dựa cho cuộc đời.
Gửi bởi Anh Nguyêt ngày 09/05/2015 05:20
Giấc xuân, nào biết sáng rồi,
Nơi nơi, chim chóc từng hồi hót vang.
Đêm, nghe mưa gió phũ phàng,
Hoa rơi nhiều ít, ngó ngàng được đâu!
Gửi bởi Trần Đông Phong ngày 05/03/2016 11:01
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Trần Đông Phong ngày 26/01/2018 12:25
Giấc xuân chẳng biết sáng rồi
Nơi nơi nghe rộn chim trời hót ca
Đêm qua có tiếng gió mưa
Biết đâu hoa rụng nhặt thưa ít nhiều.
Gửi bởi Trương Việt Linh ngày 07/03/2016 09:52
Giấc xuân không biết sáng
Chốn chốn nghe chim kêu
Đêm qua tiếng mưa gió
Hoa rụng chừng bao nhiêu
Trang trong tổng số 5 trang (41 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối