Thơ » Trung Quốc » Vãn Đường » Lý Thương Ẩn
Đăng bởi Diệp Y Như vào 19/07/2010 01:02
非關宋玉有微辭,
卻是襄王夢覺遲。
一自高唐賦成後,
楚天雲雨盡堪疑。
Phi quan Tống Ngọc hữu vi từ,
Khước thị Tương Vương mộng giác trì.
Nhất tự "Cao Đường phú" thành hậu,
Sở thiên vân vũ tận kham nghi.
Không phải vì Tống Ngọc có lời lẽ sâu xa,
Mà chỉ tại vua Sở chậm tỉnh mộng.
Từ khi bài phú Cao Đường làm xong,
Cả chuyện mây mưa nước Sở cũng ngờ là có ý khác.
Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Diệp Y Như ngày 19/07/2010 01:02
Nào do tống Ngọc lời sâu,
Mải mê say mộng mụ đầu Tương Vương.
Từ Cao Đường phú thành chương,
Mây mưa trời Sở hằng thường hoài nghi.
Gửi bởi Diệp Y Như ngày 19/07/2010 01:02
Chẳng vì Tống Ngọc có lời kỳ,
Chỉ tại Tương Vương đắm mộng si.
Từ phú Cao Đường thành khúc vịnh,
Mây mưa trời Sở cũng sinh nghi.
Gửi bởi Diệp Y Như ngày 19/07/2010 01:03
Chẳng vì Tống Ngọc ý cao siêu,
Bởi Sở vương chậm tỉnh mộng kiều.
Khi phú Cao Đường thành phố biến,
Mây mưa trời Sở cũng ngờ theo.
Không vì Tống Ngọc lời sâu đậm,
Mà bởi Tương vương đắm mộng mơ.
Từ "Cao Đường phú" đã thành khúc,
Mây mưa trời Sở lại thêm ngờ.
Gửi bởi Hà Như ngày 21/07/2010 10:52
Biết đâu kể đấy.
Sở Tương vương đến chơi đền Cao Đường, chân núi Dương đài. Trong mộng, gặp Nữ thần núi Vu sơn đến xin hầu chăn gối.
Khi từ biệt nhà vua, Vu Thần nói:“ 妾在巫山之陽,高丘之阻,旦為朝雲…,暮為行雨,朝朝暮暮陽–臺之下”
Thiếp tại Vu sơn chi dương, cao khâu chi trở, đán vi triêu vân, mộ vi hành vũ, triêu triêu mộ mộ Dương đài chi hạ.
Nghĩa là: Thiếp ở mé nam núi núi Vu sơn, nơi gò cao hiểm trở ấy, sớm làm mây, chiều làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở dưới chân núi Dương đài
Chuyên trên Tống Ngọc 宋玉 ghi lại trong Cao đường phú tự 高唐賦赋序 - Lời tựa bài phú Cao đường.
Thần Vu sơn, còn gọi là Thần Giáp sơn, Thần Mây mưa.
Gửi bởi Lâm Xuân Hương ngày 31/12/2015 02:25
Văn Tống Ngọc chẳng hề da diết
Do Tương vương chậm biết chuyện xưa
Từ “Cao Đường phú” truyền xa
Mây mưa nước Sở thành ra làm tình
Gửi bởi Tạ Trung Hậu ngày 11/11/2017 01:46
Đâu vì Tống Ngọc lời hay
Chính vì một giấc mộng dài Tương Vương
Từ sau bài phú Cao Đường
Mây mưa trời Sở vẫn thường hoài nghi
Gửi bởi Trương Việt Linh ngày 03/03/2019 16:11
Phải đâu Tống Ngọc ý cao xa
Chỉ bởi Tương Vương chậm hiểu ra
Sau phú Cao Đường khi đã tỉnh
Mây mưa trời Sở khó tin mà
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 14/05/2021 16:53
Không vì Tống Ngọc lời sâu xa,
Mà bởi Sở vương chậm tỉnh ra.
Từ phú Cao Đường thành khúc hát,
Mây mưa nước Sở cũng ngờ mà!
Gửi bởi Trần Đông Phong ngày 03/06/2021 23:09
Chẳng vì Tống Ngọc có lời khéo
Mà Sở Tương Vương dài giấc mơ
Bài phú Cao Đường sau lúc viết
Gió mưa trời Sở thảy đều ngờ.