Đọc nhiều nhất
Thích nhất
Mới nhất
LỜI TÁC GIẢ
Tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao (NXB Trẻ) in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 5.1989. Như một cách mừng sinh nhật. Tranh bìa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Điêu Quốc Việt trình bày, Đỗ Trung Quân ký hoạ tác giả và nhà thơ Nguyễn Thái Dương sửa bản in.
Ngay trang 3 là bài viết "Người nói giọng chim" của nhà thơ Đoàn Vị Thượng:
"Đúng ba mười tuổi, ra tập thơ đầu tay. Không sớm nhưng cũng không quá muộn. Lê Minh Quốc nói với tôi: Đây là món quà sinh nhật mình dành cho mình năm ba mươi tuổi! Độc giả có thể sẽ thích hay không thích tập thơ này. Nhưng đây, trước hết là món quà Quốc dành cho mình - hay nói cách khác, tập thơ này là sự đáp lễ đối với cuộc đời mà Quốc đã được sống trong ba mươi năm.
Ba mươi năm ấy... có những gì?
Bạn và tôi, nào ai biết được nếu không cùng lắng nghe Quốc kể.
Anh chàng sinh viên khoa Văn-vừa tốt nghiệp năm 1987 - này có một giọng kể khá thú vị trong thơ. Tưởng như rất ngang phè mà lại nghe ra nhiều tiết điệu, âm vang sôi nổi, ẩn hiện những nụ cười hóm hỉnh hay khinh bạc; và ở một lúc nào đó thì giọng kể của anh tự nhiên trầm xuống nỗi buồn rầu. Khôn phải vô cớ mà trong tập thơ này của Lê Minh Quốc hầu hết là những bài thơ tình, Quốc đang bước đi trên con đường thanh xuân đầy cỏ hoa tình ái. Và như bất cứ chàng trai nào trên hành tinh này, trái tim anh không ngừng rung động. Có người quen biết Quốc bảo rằng anh yêu vội nên làm thơ cũng... vội, sợ không sâu sắc (!). Nhưng chơi với Quốc, thân với Quốc, tôi biết anh không thuộc loại người ưa tỏ vẻ ta đây là người sâu sắc - trong cuộc sống cũng như trong thơ. Tính cách, bản lĩnh, tài năng anh thế nào, anh thể hiện thế ấy. Vì vậy, không thể nói Quốc là người dễ thành đạt trong cuộc sống. Cũng thế, chưa ai có thể đoán chắc anh sẽ thành công mức độ nào trong sáng tác. Và Quốc có nôn nóng gì cần đến điều ấy. Với một người con gái trẻ đẹp gặp tình cờ "chỉ mới nhìn một bận, chân xa nhau lòng chưa kịp thân nhau"... thì anh đã có biết bao điều muốn nói. Đêm về bứt rứt anh phải làm thơ. Có thể là người con gái ấy sẽ đọc được hoặc cũng có thể là không! Và rồi Quốc vẫn lại tiếp tục làm thơ về những hình bóng khác. Có những mối tình quá đỗi thật là gây nên bao đam mê, khắc khoải trong anh, cũng lại có những tình yêu chỉ nhẹ nhàng thoảng qua trong chốc lát. Tất, tất anh đều muốn giữ lại, trong thơ. Có thể nói thật ra mà không sợ hiểu lầm là Quốc làm thơ khá thoải mái, dễ dàng. Câu chuyện dông dài bàn về công phu lao động trong sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn không nên bước chân vào "khuôn viên" tập thơ này. Ở đây ta gặp gỡ một anh chàng tự giới thiệu - tưởng như bằng một lời than van nhưng thật ra, là một khẳng định của sự tự ý thức về mình: "Ba mươi tuổi ở nhà thuê, áo cơm còn lận đận/ Sao vẫn đánh đu cùng vần điệu của thơ". Bởi vậy nhiều khi Quốc lại tưởng tượng (hay mơ ước) về chỗ ở: "Hiên nhà phất phơ vài đoá cúc vàng/ Tôi ngồi làm thơ, ngồi chơi cờ tướng... Hoa cúc? Sao lại là hoa cúc? Có thể đây cũng là nỗi bí ẩn về khuynh hướng tâm hồn người đối với thiên nhiên - hoa. Song Lê Minh Quốc là người nhậy cảm với các màu hoa. Cũng là loài hoa cúc - nhưng anh yêu vẻ ấm áp, thắm nồng cúc vàng "Ôi hoa cúc vàng, hoa cúc của ta đâu?" mà lại sợ "màu trắng dững dưng nhợt nhạt đến lạnh lùng" của cúc trắng. Còn riêng cúc tím thì lại gợi cho anh "buồn phiền đớn đau từng kỷ niệm". Ấy là trong mỗi bông hoa đều có một chuyện tình và hẳn chúng ta thừa biết - có cuộc tình nào thiếu vắng những bông hoa? Thế nên trong khi hào phóng thả những bước chân lơ đễnh trên khắp các con đường thành phố, có khi Quốc lại sững sờ bị "vấp té bởi mùi hương" nào đó. Hương ở đây là hương của hoa, cũng có thể là hương người, Nhưng đúng nhất, đó vẫn là một thứ "hương kỷ niệm" được tạo ra bởi hương hoa và hương người. Thị giác tạo cho ta cảm giác hứng thú hướng về ngày mai, song khứu giác hay bất ngờ đánh thức lại trong ta những kỷ niệm của dĩ vãng. Những làn hương gợi tưởng những bông hoa. Và những bông hoa gợi nhớ những người - trong đó, chẳng hạn, là một hình bóng cũ vừa đi lấy chồng:
Vệt son trên má cô dâu
Đỏ hoa cẩm chướng tình đầu vu quy
Mặc kệ các nhà thực vật - tâm lý học đang bóp trán tìm tòi và khẳng định ý nghĩa, biểu tượng của hằng hà sa số các loại hoa phong phú trên mặt đất, vẫn có một số ít những kẻ ngoan cố thích lấy điều cảm nhận tự lòng mình để hoà sắc, pha hương cùng những bông hoa. Có thể gọi, họ là những thi sĩ lẻ loi trên trần gian này mà Lê Minh Quốc là người cũng muôn hùn phận kiếp của mình vào bằng vốn liếng tài năng - ít hay nhiều - của anh. Và thứ hương tình từ những đoá hoa kia, lỡ ngậm lấy một lần trong miệng, nào ai quên? Lê Minh Quốc giải thích; "Ngậm lấy tương tư đã làm tôi say khướt/ Nên từ đây tôi nói giống như chim". Chúng ta thử lắng tai nghe cái "giọng chim" đang nói ríu rít yêu đời, yêu người này xem sao. Nhưng chim cũng có nhiều loại. Tuy không phải là chim lạ, biết đâu Lê Minh Quốc vẫn trao gửi đến ta những gì riêng biệt trong giọng nói của một loài chim đang bắt đầu được nhiều người biết đến..." (tr.3-6).
Thời đó, ngoài nhà thơ Nguyễn Thái Dương... thì tôi và Thượng cặp kè như hình với bóng. Thỉnh thoảng đi chơi về khuya là leo lên sân thượng nhà Thượng nằm ngủ với sao trời.
Còn nhớ, sáng nọ, mặt trời đã lên mà tôi vẫn còn ngủ nướng. Mẹ Thượng lên và nói: "Đoàn à, nhẹ chân thôi để thằng Quốc ngủ". Đoàn là tên thật của Thượng.
Thỉnh thoảng vẫn còn nghe văng vẳng bên tai giọng nói Huế hiền lành và đôn hậu ấy.
Đọc lại tập thơ này, thấy hiện lên nhiều hình bóng cũ. Có những bài thơ không nên chọn, vì lý do nào đó. Mà thôi, có ai có thể xoá đi một phần đời sống của mình?
5.2012
LỜI TÁC GIẢ
Tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao (NXB Trẻ) in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 5.1989. Như một cách mừng sinh nhật. Tranh bìa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Điêu Quốc Việt trình bày, Đỗ Trung Quân ký hoạ tác giả và nhà thơ Nguyễn Thái Dương sửa bản in.
Ngay trang 3 là bài viết "Người nói giọng chim" của nhà thơ Đoàn Vị Thượng:
"Đúng ba mười tuổi, ra tập thơ đầu tay. Không sớm nhưng cũng không quá muộn. Lê Minh Quốc nói với tôi: Đây là món quà sinh nhật mình dành cho mình năm ba mươi tuổi! Độc giả có thể sẽ thích hay không thích tập thơ này. Nhưng đây, trước hết là món quà Quốc dành cho mình - hay nói cách khác, tập thơ này là sự đáp lễ đối với cuộc đời mà Quốc đã được sống trong ba mươi năm.
Ba mươi năm ấy... có những gì?
Bạn và tôi, nào ai biết được nếu không…