Vi trùng dịch tả đại nhân,
Ngài nên hiểu thấu tình dân Thái Bình.
Thái Bình lắm nỗi bất bình,
Vì đói khổ phải biểu tình năm xưa.
Trả lời súng bắn như mưa,
Chín, mười mạng chết còn chưa hả lòng.
Lại còn đốt phá lung tung,
Đồng Nho, Thanh Giám chỉ trong mấy giờ.
Trâu bò gạch ngói chỏng trơ,
Đống tro vô đạo bây giờ còn nguyên.
Lời căm tức, tiếng rủa nguyền,
Mấy năm nay vẫn còn truyền tụng nhau.
Mùa này lúa lại bị sâu,
Lấy gì nộp thuế nuôi nhau lúc này.
Quan ông ngài tỉnh hay say?
Mà không hiểu thấu tình này cảnh kia.
Lại còn vênh váo mũ hia,
Lại còn báo hại dân quê Thái Bình.
Lại còn kiếm chác từng chinh,
Còn muốn bữa tiệc linh đình tiễn đưa.
Vi trùng dịch tả hiểu chưa?
Mấy nghìn phù thuỷ phải đưa tiễn ngài.
Số tiền góp một gấp hai,
Mấy nghìn bạc ấy của ai hỡi ngài?
Chúng tôi đoán nếu không sai,
Sẽ rút ruột ngắn ruột dài của dân.
Ơi ôn thần, hỡi ôn thần!
Sao không biết nhục tấm thân râu mày?
Liệu mà xa chạy cao bay,
Đừng quen kiếm chác vùng này nữa đâu!
Gánh gồng vội cút cho mau!


Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định (1880-1975) là một tay sai rất đắc lực của chính quyền Pháp ở Bắc Việt. Vì thế người Pháp tặng y đệ tam đẳng Bắc Đẩu bội tinh và chính phủ Nam triều của Bảo Đại gia cho y hàm Thái tử thiếu bảo, hiệp tá đại học sĩ để đáp lại “công lao”. Còn đồng bào, nhất là ở tỉnh Thái Bình nơi y ngồi trấn nhậm, thì tặng cho y chức “ôn thần”. Năm 1937, khi y rời khỏi Thái Bình để đi thay Hoàng Trọng Phu làm Tổng đốc Hà Đông, một chí sĩ vô danh làm bài thơ này phổ biến trong đồng bào và dán ở trước dinh Tổng đốc Thái Bình để tiễn chân y đi.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]