Ngựa Gióng đã lên không,
Rừng Thanh voi chửa lồng.
Nẩy chồi hoa lưu Lạc,
Mở mặt nước non Hồng.
Trăng dọi gương hồ Bạc,
Mây tan dấu cột đồng,
Nén hương lòng cố quốc,
Xin khấn một lời chung.


Năm 1932, đền Hai Bà Trưng (Hà Nội) trùng tu. Dịp này, báo Trung Bắc tân văn mở cuộc thi thơ để kỷ niệm. Bài thơ này của ông đã trúng giải nhất, và được khắc vào bia đá nơi đền thờ ấy.

Kể là một bài ngũ luật rất tề chỉnh, chữ đối chặt chẽ, hai câu kết tỏ tấm lòng thành khẩn vì non nước, có 10 chữ mà vô hạn cảm hoài. Nhưng người khó tính lại muốn hai câu đầu phải đối nhau nữa. Vì thế Đông Hồ đã đề nghị sửa thành “Núi Sóc ngựa lên không, Rừng Thanh voi chửa lồng” cho cân hơn và định rằng chữ “đã” là thừa. Lãng Nhân không đồng ý như vậy, vì cho chữ “đã” rất cần. Có chữ “đã” ở trên mới bắt xuống chữ “chửa” trong câu sau, để nói cái thời gian quật khởi của hai Bà là vào lúc sau ông Gióng và trước bà Triệu. Bỏ chữ “đã” đi, câu thơ thành lỏng lẻo, mất hẳn ý niệm thời gian.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]