Khen ai khéo khéo tạc nên chày,
Đau đớn cho ai chỉ vị chày.
Ở chốn rừng xanh trơ xác lõi,
Về nơi dân đỏ béo thân chày.
Trồng ra tròn trặn trơn lì gỗ,
Dùng đến hung hăng giã nặng chày.
Đầu có nhọn đâu mà cổ thắt?
Ngàn thu còn nhớ mãi tên chày.


Khoảng năm 1930, sau vụ Yên Bái, chính quyền Pháp bổ ông Vi Văn Định làm tổng đốc Thái Bình, và đặc cách thưởng đệ tứ Bắc Đẩu bội tinh. Về Thái Bình, ông Vi dùng hết tâm cơ để săn bắt những người làm quốc sự, lại sáng chế ra một cách tra tấn thần hiệu là dùng chày nện vào các khớp xương. Được tin ấy, một người xưng là cư sĩ Đồng Giang ở Nam Định, gửi lên Đông Tây thời báo bài thơ này, lấy vần chày, độc vận.

Bài này đưa kiểm duyệt, thấy không bị gạch dấu chì xanh, nhà báo cho là nhân viên ban kiểm duyệt không nhìn thấy chỗ dụng ý của bài thơ: sở kiểm duyệt đã không nhìn thấy thì độc giả chắc cũng chỉ đọc qua đi mà thôi, bài thơ sẽ mất hứng thú. Vậy làm cách nào cho ai nấy hiểu tới chỗ vi ẩn? Hồi bấy giờ lệ kiểm duyệt cho đưa từng bài lẻ chứ không phải đưa cả trang báo lớn, nên khi ráp các bài đã được phép in để xếp thành một trang, toà soạn trưng hình ông Vi lên trang nhất, với lời chú kính cẩn: “Quan Tổng đốc Vi vừa được ân thưởng đệ tứ đẳng Bắc Đẩu bội tinh”. Và ngay bên dưới, đóng khung bài thơ này đã có dấu kiểm duyệt.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]