Đăng bởi Vanachi vào 26/06/2005 22:42, đã sửa 6 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 16/11/2014 18:30

Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay

         *

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?

Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu, về đâu?

         *

Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh

         *

Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
Con là ai? - Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời khôn nói năng

Đêm buông sâu xuống dòng sông Đuống
Ta mài lưỡi cuốc
Ta uốn lưỡi liềm
Ta vót gậy nhọn
Ta rũa mác dài
Ta xây thành kháng chiến ngày mai
Lao xao hàng cây bụi chuối
Im lìm miếu đổ chùa hoang
Chập chờn đom đóm bay ngang
Báo tin khủng khiếp
Cho giặc kinh hoàng
Từng từng tiếng súng vang vang
Trong đêm khuya thoảng cung đàn tự do
Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ
Xoá cho ta hết những giờ thảm thương

Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo lên đống lửa
Mà cánh đồng ta càng chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét mịt mù mưa bay

“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”

         *

Em ơi, đừng hát nữa lòng anh đau
Mẹ ơi, đừng khóc nữa dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm trong tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười

Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời

Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.


Việt Bắc, tháng 4-1948

Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phân tích truyền thống văn hoá nghệ thuật và thiên nhiên con người Kinh Bắc qua bài thơ Bên kia sông Đuống

Hai tiếng quê hương cất lên trong cõi sâu kín nhất của tâm linh Hoàng Cầm không chỉ gọi dậy một nỗi nhớ thương mênh mang, thổn thức, một tình yêu sâu nặng, khôn cùng mà còn vang động một nỗi niềm tự hào, say đắm. Bởi đó là miền quê của những tiếng hát lời hò ngọt ngào, mê mải, của những nét vẽ trong sáng, rạng ngời, của những con người hồn hậu, thân thương. Bức tranh Kinh Bắc trải ra trước mắt người đọc theo từng lời thơ, con chữ, tất cả hiện về thật tươi mới, sống động, tưởng như Hoàng cầm đang sống giữa quê hương, cũng náo nức đợi chờ, cũng đắm say, mê mải trước “truyền thống nghệ thuật lâu đời, trước vẻ đẹp cổ kính” ấy.

Thế giới Kinh Bắc hiện về trong đong đầy thương nhớ, trước hết là gọi về những truyền thống ván hoá, lễ hội đẹp đẽ của quê hương:

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trèn giấy điệp.
Hoàng Cầm như đưa người ta trở về một không gian ngập ánh sáng, tràn sắc màu, quấn quện, phảng phất hương vị nồng nàn của lúa nếp, nét tươi trong của tranh Đông Hồ, sắc sáng bùng lên của màu dân tộc. Chọn những nét đẹp tinh tuý, chắt lọc của đất trời Kinh Bắc, Hoàng cầm đã khơi dậy trong lòng người một nỗi niềm quê hương da diết. Nét vẽ bình dị mà rất mực tài hoa, không tả mà chỉ gợi nhưng cũng đủ để thế giới Kinh Bắc hiện về sống động, tươi mới. Hai từ “sáng bừng” như một điểm nhấn đẹp đẽ của câu thơ, không chỉ gọi nét tươi tốt, trong trẻo của tranh Đông Hồ mà còn dựng dậy sức sống rạng ngời của dân tộc. Câu thơ như được thắp sáng trong niềm tự hào, kiêu hãnh hết mực của Hoàng Cầm. Đọc thơ Hoàng cầm không chi nghe được hương lúa nồng nàn lặn sâu vào tâm thức, mê mải, cuốn hút với những nét vẽ trong trẻo, hồn nhiên mà còn gọi dậy một niềm tự hào mạnh mẽ về sức sống dân tộc. Bao trùm không gian Kinh Bắc là một tình yêu sâu nặng, một nỗi nhớ thiết tha của Hoàng Cầm. Tình yêu ấy thổi hồn cho sắc màu trong thơ, khơi dậy ánh sáng trong thơ để rồi những câu thơ viết về quê hương cứ ngân vang một nỗi niềm tự hào sâu thẳm:
Ai về Bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Thế giới Kinh Bắc mở ra trước mắt người đọc từ những ấn tương đầu tiên những sắc màu, ánh sáng tươi tắn đầu tiên để rồi cứ mở ra mãi một không gian Kinh Bắc theo lời mời gọi “Ai về Bên kia sông Đuống?” Đại từ phiếm chi “ai”, tạo ra độ ngân vang trong cảm xúc của tác giả. Hoàng Cầm gọi ai? mời ai? Gọi người đến hay nhắc trở về hay nhủ chính lòng mình đây? Những câu thơ thao thức, gióng giả một nỗi niềm, uẩn ức cứ vời vợi chảy trôi theo lời thơ, phong tục tập quán ngàn đời đẹp đẽ của quê hương hiện về thật sống động, vẻ đẹp cổ kính trầm mặc của không gian lễ hội, sự ân tình chất chứa trong hình ảnh “tấm the đen”, “mộng bình yên” gửi gắm trong cảnh vật thơ mộng, thấp thoáng, tất cả làm nên bản sắc văn hoá lâu đời của quê hương Kinh Bắc. Những câu thơ của Hoàng cầm như còn nguyên vẹn cái âm hưởng thanh bình, yên ả của nó. Người ta như cảm thấy mắt nhìn Hoàng Cầm muốn bao chiếm, ôm trọn không gian thân thương của quê hương yêu dấu, từ “trên” đến “trông” vào “giữa”, những địa danh của Kinh Bắc, núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài cứ hiển hiện như đang ở trước mắt người đọc. Từ “tấm the đen”, Hoàng Cầm chất chứa, nén dồn bao yêu thuơng, ấp ủ từ những hình ảnh bình dị, Hoàng Cầm gửi gắm những ước vọng bình yên lớn lao, từ câu chuyện về Kinh Bắc, nhà thơ đưa người ta trở về chốn cũ, người xưa trong không gian đẹp đẽ, thanh bình:
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Nhũng cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu về đâu.
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng.
Chợ Hồ, Chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đầu về đâu
Không gian, thế giới Kinh Bắc không chỉ đẹp trong nét vẽ cổ kính trầm mặc, mà còn sống động với hình ảnh đẹp đẽ của những con người hồn hậu, thân thương. Nhớ về Kinh Bắc, hình ảnh con người gợi dậy trong Hoàng cầm bao yêu thương trìu mến. Chỉ phác hoạ bằng vài nét, Hoàng cầm cũng giúp người ta hình dung đầy đủ về họ. Những thiếu nữ duyên dáng, những cụ già hồn hậu, những em bé ngây thơ, tinh nghịch. Một làn môi cắn chỉ, một mái tóc trắng phơ phơ, một hình ảnh sột soạt quần nâu,... cũng đủ để tưởng tượng về những con người không tên, không tuổi, lạ kì. Hoàng cầm đặc biệt dành nỗi nhớ niềm thương cho hình ảnh người con gái Kinh Bắc, những câu thơ viết về vẻ đẹp quyến rũ, hồn hậu của họ trở thành những lối đẹp nhất của bài thơ. Câu thơ bắt đầu bằng từ để hỏi “Có nhớ” đánh thức tình yêu, gọi dậy nỗi nhớ ám ảnh, thổn thức. Hình ảnh cô hàng xén răng đen với nụ cười tươi tắn, với khuôn mặt búp sen gọi ra một vẻ đẹp tươi tắn, sáng trong, đặc trưng cho vẻ đẹp con người Kinh Bắc. Vẻ đẹp con người hoà quyện với vẻ đẹp của đất trời thiên nhiên, nụ cười của cô gái như thu nhận ánh sáng của không gian.

Kinh Bắc, mọi nét tinh tuý của quê hương. Chỉ tả nụ cười của con người mà gợi ra được cả một không gian Kinh Bắc và sắc nắng tươi tắn rạng ngời, với vẻ đẹp ấm áp, thiết tha. Thắp sáng cho một nụ cười hồn hậu, Hoàng Cầm còn làm bừng dậy của đất trời quê hương, đó chính là nét tài hoa trong ngòi bút người nghệ sĩ. Những câu thơ tả cảnh bãi chợ với người buôn bán tấp nập gợi được sức sống mạnh mẽ của Kinh Bắc. Nhịp thơ như nhịp rộn rạo, náo nức tươi vui của bước chân lòng người. Đọc thơ Hoàng cầm như lạc lối vào tâm người “dòng lộ nghẽn lối” ấy. Thế giới Kinh Bắc với hình ảnh của thiên nhiên tươi đẹp, con người hồn hậu đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của văn hoá truyền thống ở đây hay ở kia, quê hương vẫn đẹp vẻ đẹp muôn đời của nó.

“Đó là những gam màu hồn nhiên nhất, tươi tắn nhất trong bức tranh quê hương. Đó là những cảm xúc mãnh liệt nhất, trong sáng nhất mà tôi dành cho miền đất thân yêu của tôi” (Hoàng Cầm). Bên kia sông Đuống là tiếng lòng tri ân sâu nặng của Hoàng cầm, ông viết tác phẩm như trả một món nợ nghĩa tình cho quê hương, bài thơ là những nhịp cảm xúc lúc sôi sục trào dâng, lúc tha thiết ân tình, ân tình phát khởi tự trái tim nghệ sĩ.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
154.13
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Về bài thơ "Bên kia Sông Đuống"

Tôi thấy hình nhw bài thơ bị chép sai nhiều chỗ quá,chứ không chỉ sai một số từ, chẳng hạn đoạn:
"Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương..."
Ở một số trích đăng khác tôi lại thấy là:
"Đêm buông xuống dòng sông đuống
Ta mài lưỡi cuốc
Ta uốn lưỡi liềm
Ta vuốt cây nhọn
Ta giũa mác dài
Ta đã thành chiến thắng ngày mai

Lao xao bờ cây bụi chuối
Im lìm miếu đổ chùa nghiêng
Chập chờn đom đóm bay ngang
Hay tin lũ giặc kinh hoàng
Rùng rùng tiếng súng khua vang
Trong đêm khuya khoắt cung đàn tự do
Thuyền ai thấp thoáng ven bờ
Dọn cho ta hết những giờ thảm thương..."
Không biết thế nào là đúng, sai. Đề nghị Thi viện kiểm tra lại.

63.50
Trả lời
Ảnh đại diện

bản trong SGK ntn?

Bạn nào có bản chuẩn hơn cùng sửa lại cho tốt hơn đi các bạn

BÁC ĐẾN CHƠI ĐÂY TA VỚI TA!
23.00
Trả lời
Ảnh đại diện

khác biệt

Đoạn bạn huyenson chép ra quả thực tôi mới được đọc lần đầu. Còn bản đăng ở trên thì giống với bản trong SGK mọi người từng đọc. Đề nghị các bạn nói sai với khác thì nên dẫn nguồn ra chứ đừng nói chung chung thế rất khó kiểm chứng.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
44.00
Trả lời
Ảnh đại diện

sửa chút

Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét mịt mù mưa bay

44.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Phân tích lòng yêu nước trong bài thơ Bên kia sông Đuống

Sau mười câu thơ đầu thể hiện cái nhìn toàn cảnh bên kia sông Đuống từ bên này sông Đuống là đoạn thơ tiếp theo có ý nghĩa “chép tội giặc”. Trong những vần thơ chép tội giặc thì không những chỉ có nỗi xót đau căm giận mà còn có cả sự hồi tưởng về vẻ đẹp của quê hương Kinh Bắc để nói lên niềm yêu mến tự hào. Chính vì vậy trong đoạn thơ chép tội giặc có hai thế giới Kinh Bắc một Kinh Bắc bình yên trước đây và một Kinh Bắc khi giặc tới. Cả hai hình ảnh Kinh Bắc ấy đều thể hiện lòng yêu quê hương đất nước của nhà thơ.

Lòng yêu nước trước hết thể hiện niềm yêu mến tự hào trước con người và mảnh đất quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hoá.
Nhà thơ tự hào trước miền quê Kinh Bắc, một miền quê trù phú, một miền quê văn hoá.

Khi nhớ về quê hương ấn tượng sâu đậm đầu tiên là hương vị của lúa nếp thơm nồng. Hương nếp thơm là dấu hiệu về một miền quê nông nghiệp với đời sống vật chất ấm no. Kinh Bắc những ngày bình yên trước đây là mảnh đất trù phú với cảnh làm ăn đông vui tấp nập.

Chợ Hồ chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chi người dăng tơ nghẽn lối
Kinh Bắc còn mang vẻ đẹp của miền quê văn hoá.
Đây là chiếc nôi của văn hoá dân gian với những lễ hội đầu xuân nổi tiếng như hội Lim đây còn là quê hương của những làn điệu dân ca không chỉ phổ biến vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn nổi tiếng trong cả nước như hát quan họ, hát trống quân.

Trên mảnh đất Kinh Bắc còn có những công trình kiến trúc nổi tiếng mang bản sắc nghệ thuật dân tộc với những chùa Bút Tháp những núi Thiên Thai.

Đặc biệt Kinh Bắc là quê hương của tranh Đông Hồ:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Chỉ bằng hai câu thơ với vài nét gợi mà Hoàng cầm đã nói rất đúng về tranh Đông Hồ từ đề tài đến chất liệu, đến tâm hồn dân tộc, nghệ thuật dân tộc trong tranh.

Đề tài tranh Đông Hồ thường giản dị dân dã gắn bó với cuộc sống hằng ngày. Tranh vẽ về những cảnh sinh hoạt gần gũi đời thường: hứng dừa, đánh ghen, đấu vật, chăn trâu, thầy đồ cá dạy học, đám cưới chuột. Tranh vẽ về các loài vật như lợn, gà, mèo, chuột. Hồn quê dân dã như thấm vào cả đề tài về tranh Đông Hồ.

Chất liệu của tranh Đông Hồ làm từ đất cát cây cỏ quê hương tranh “tươi” bởi màu và “trang” bởi giấy. Màu tranh Đông Hồ thường có sắc tươi nguyên không pha tạp. Màu đỏ lấy từ sả son, màu vàng từ hoa hoè, màu đen từ than tre. Màu sắc tươi nguyên ấy được vẽ trên nền giấy trắng, trong. Giấy tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp. Giấy được phủ bởi một lớp bột vỏ sò nên có màu sắc trắng tinh óng ánh như ngân nhũ.

Tâm hồn dân tộc và nghệ thuật dân tộc của tranh Đông Hồ được thể hiện qua cách viết độc đáo: “màu dân tộc”. Thông thường chữ màu thường hay kết hợp với những từ cụ thể để chỉ màu sắc nhưng ở đây chữ màu lại kết hợp với một danh từ trừu tượng: “màu dân tộc”. Biện pháp nghệ thuật này vừa nói đúng cả nghĩa đen (tranh làm bằng màu sắc chất liêu dân tộc) vừa diễn tả cả nghĩa bóng (màu sắc của tranh mang tâm hồn dân tộc, bản sắc nghệ thuật dân tộc.

Phải là người thật sự am hiểu thật sự gắn bó và rất tự hào về truyền thống quê hương Hoàng cầm mới chỉ bằng vài nét gợi bằng hai câu thơ mà giúp người đọc thưởng thức được một đặc sản văn hoá của quê hương Kinh Bắc là tranh Đông Hồ.

Làm nên vẻ đẹp của miền quê văn hoá Kinh Bắc là những con người Kinh Bắc. Chính vì vậy Hoàng cầm cũng giành những câu thơ hay nhất tự hào nhất để nói lên vẻ đẹp của người Kinh Bắc một vẻ đẹp thanh lịch một vẻ đẹp nõn nà dân tộc:
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng.
Khuôn mặt búp sen gợi nhiều liên tưởng có gương mặt xinh xắn thanh tú. Có màu phớt hồng trẻ trung. Có hương thơm thanh quý, hàm răng đen mang vẻ đẹp truyền thống rất nền nã, rất dân tộc. Nụ cười như mùa thu toả nắng thì vừa bừng sáng rạng rỡ như lan toả niềm vui ra chung quanh nhưng vẫn mang vẻ đẹp dịu dàng kín đáo.

Hình ảnh thơ Hoàng cầm rất hiện thực mà lãng mạn. Cội nguồn sâu xa cũng chính là niềm yêu mến tự hào về con người mảnh đất quê hương.
Càng yêu mến tự hào về quê hương Kinh Bắc thì nhà thơ càng đau xót tiếc thương căm giận khi kẻ thù kéo đến tàn phá quê hương.
Kinh Bắc đang thanh bình với nếp thơm nồng với tranh Đông Hồ gà, lợn nét tươi trong bỗng trở nên hoang tàn đổ nát:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Ba chữ quê hương được nhắc lại lời thơ da diết nó vừa gợi về hoài niệm, gợi lên có nỗi đau trước mắt với sự đối lập tương phản. Cũng “quê hương ta” ấy mà giờ đây bị tàn phá đã rơi vào tình cảnh khủng khiếp. Những hình ảnh ngắn gọn cô đọng “ruộng khô”, “nhà cháy” nói lên sự tàn khốc của chiến tranh, thiêu huỷ tất cả trong giây lát. Hình ảnh vừa cụ thể vừa có tầm khái quát nó khắc hoạ tội ác giặc ở miền quê Kinh Bắc nhưng lại cũng có thể để khắc bia căm thù ở bất cứ nơi nào có quân xâm lược.

Hình ảnh có sự kết hợp giữa nghĩa thực và nghĩa ẩn dụ để nói lên tâm trạng: “chó ngộ một đàn, lưỡi dài lê sắc máu”. Với ý nghĩa thực hình ảnh này gợi lên sự tàn khốc đến ghê rợn của chiến tranh khi tất cả đã hoang tàn đổ nát thì những con chó nhà đá thành chó dại chạy khắp đường thôn ngõ xóm. Với ý nghĩa ẩn dụ hình ảnh chó ngộ nói về giặc Pháp đã lột tả được bản chất tàn bạo đến mất hết tính người của giặc. Hình ảnh cùng nói lên được thái độ của tác giả: Một nỗi uất hận trào sôi và cả sự khinh bỉ đến tột cùng đối với quân xâm lược.

Trong sự đau xót tiếc thương Hoàng cầm còn viết những câu thơ có sự quyện hoà giữa thực và ảo:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Tác giả đã mượn cảnh trong tranh để nói cảnh thực ngoài đời. Mẹ con đàn lợn chia lìa hay bao tổ ấm gia đình chia lìa tan tác. Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã là thế mà tan tác về đâu hay là bao hạnh phúc lứa đôi đổ vỡ. Đâu chỉ là những bức tranh Đông Hồ bị thiêu cháy mà còn là cuộc sống của người dân bị huỷ diệt.

Hình ảnh thơ khắc hoạ nỗi đau trước mắt và cả nỗi đau lâu dài mang ý nghĩa triết lý. Đàn lợn âm dương kia, đám cưới chuột kia đâu chi đơn thuần là đàn lợn và đám cưới. Đó còn là nguồn gốc sự sống, cội nguồn hạnh phúc trong quan niệm bình dị mà sâu sắc từ bao đời của cha ông. Giặc tiêu diệt cái đó cũng có nghĩa là xoá chân đi sự sống, chúng đâu chỉ thiêu huỷ một dòng tranh Đông Hồ, một nền nghệ thuật dân tộc mà còn huỷ diệt cả sự sống trên mảnh đất này hỏi có tội ác nào lớn hơn.

Dưới gót giày của quân xâm lược đâu chỉ mảnh đất bị giày xéo mà con người còn tang tóc thê lương.

Nạn nhân đau khổ nhất trong chiến tranh là người lính vô tội. Thương biết mấy những mẹ già và những em thơ, những con người thòi bình đang cần sự cưu mang che chở thì thời chiến lại thêm nỗi hoảng sợ chiến tranh.

Hình ảnh người mẹ già luôn trở đi trở lại trong thơ Hoàng cầm. Đó là người mẹ của chính nhà thơ hay người mẹ của vùng quê Kinh Bắc nói chung. Dù là ai đi nữa thì hình ảnh mẹ hiện lên cũng thật xót xa tội nghiệp:
Bên kia sống Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Mẹ còm cõi lam lũ vất vả, mẹ già nua cần đi nghỉ ngơi thì vẫn phải tất bật lo toan với cuộc sống. Gánh hàng rong của mẹ có nhiều nhặn gì đâu: Dăm miếng cau, mấy lọ phẩm, vài thếp giấy. Gánh hàng rong càng nhẹ về hàng thì gánh nặng cuộc sống càng đè lên đôi vai gầy của mẹ. Những số tử phiếm chỉ nói lên sự ít ỏi: “Dăm, mấy, vài” gợi sự lam lũ, sự nghèo khó, mẹ phải tỉ mẩn chắt chiu từng xu. Vậy mà kẻ thù nào có buông tha chúng kéo đến chúng cướp đi tất cả:
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giày đinh đạp gãy quán gày teo
Xì xồ cướp bóc Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu bang chiều mùa đông
Kẻ thù đến thật bất ngờ gây nên nỗi kinh hoàng, chúng hiện nguyên hình là lũ quỷ âm ti mang theo chết chóc gieo bao tai hoạ.

Để tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù nhà thơ đã sử dụng liên tiếp những động từ: Trừng trợn, khua giày đinh, đạp gãy, xì xồ cướp bóc. Bên cạnh đó là nghệ thuật đối lập tương phản:
Mẹ già nua / quỷ mắt xanh trừng trợn.
Giày đinh đạp gẫy / quán gày teo.
Cướp bóc / phiên chợ nghèo.
Biện pháp nghệ thuật này không những tố cáo tội ác kẻ thù mà còn diễn tả nỗi đau thê thảm của những người dân vô tội. Khi nói lên tình cảm đau thương của mẹ và tội ác của kẻ thù những câu thơ cũng có sự quyện hoà giữa thực và ảo. Cái thực như bị nhoè đi bởi những dòng nước mắt: “Lá đa lác đác trước lều, vài ba vết máu loang chiều mùa đông”. Hình ảnh lá đa lác đác trước lều gọi liên tưởng đến số phận của mẹ, của bao sinh linh vô tội đang rụng rơi trước mũi súng, lưỡi gươm đầm máu của quân thù. Nỗi đau cua người dân vô tội và cũng là của chính tác giả, cứ như vết máu loang ra mãi thấm cả vào trời chiều mùa đông lạnh giá.

Trong một đoạn thơ khác hình ảnh người mẹ Kinh Bắc cũng gợi trong ta bao niềm thương cảm:
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.
Hình ảnh thơ thật gợi cảm có bóng mẹ bước thấp bước cao trên đường trơn mưa lạnh, mái đầu bạc phơ in lên nền trời chiều giá buốt, có hình ảnh cánh cò vút bay ngang qua dòng sông Đuống. Đây không phải là cánh cò bay lả bay la trong câu ca dao thời bình mà là cánh cò hốt hoảng trong thời chiến. Cánh cò bay về đâu, người mẹ đi về đâu khi tất cả đã hoang tàn đổ nát.

Cùng với những mẹ già là những em thơ, những đứa trẻ quá hồn nhiên nên cũng quá tội nghiệp. Chúng đâu đã biết lo toan trong cảnh đói nghèo: “Ngày tranh nhau một bát cháo ngô” chúng còn chưa biết sợ trước chiến tranh.
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Các em hồn nhiên ngây thơ như bầy chim non trong tổ ấm. Các em đâu biết lửa hái của tử thần đang treo lơ lửng ở trên đầu. Chúng chui gầm giường tránh đạn nhưng làm sao tránh nổi khi giặc bắn cả vào giấc mơ trẻ nhỏ:
Trong giấc thơ ngày tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn thon thót giật mình
Bóng giặc giày vò những nét môi xinh
Nghệ thuật đối lập những câu thơ trên lại một lần nữa khắc hoạ bằng tội ác của kẻ thù và cảnh tình thê thảm của những sinh linh vô tội. Từ nỗi đau thương uất hận câu thơ Hoàng Cầm vươn tới sự lên án tố cáo:
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Về mặt nghệ thuật đoạn thơ chép tội giặc được triển khai trên sự đối lập tương phản giữa hình ảnh Kinh Bắc thanh bình trước đây và Kinh Bắc bị tàn phá khi giặc tới. Về nhịp điệu có sự đan xen giữa câu thơ ngắn và câu thơ dài. Những câu thơ ngắn loang loáng vun vút diễn tả sự tàn bạo thiêu huỷ trong chốc lát của chiến tranh. Những câu thơ ngắn không liền mạch đọc lên nghe như tiếng nấc uất nghẹn. Bên cạnh đó là những câu thơ dài buông xuống như lời than tiếc nuối, như dòng lệ khôn ngăn.

Cứ sau một đoạn thơ nói về Kinh Bắc bình yên thì Kinh Bắc khi giặc tới lại là một câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào lòng người đọc: “Bây giờ tan tác về đâu, bây giờ đi đâu về đâu...” Những câu hỏi ấy vang lên như một điệp khúc, điệp khúc đau thương, điệp khúc căm hờn, điệp khúc tố cáo.

Trong sự gắn bó sâu sắc với quê hương Hoàng Cầm mang niềm mơ ước, niềm hy vọng của người dân quê hương. Kết thúc bài Bên kia sông Đuống là niềm tin tưởng cuộc sống thanh bình sẽ trở lại quê hương Kinh Bắc:
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Nếu bài thơ mở đầu bằng những câu vùa xót xa vừa an ủi vỗ về: “Em ơi buồn làm chi thì kết thúc lại là hình ảnh ngày hội non sông, ngày chiến thắng. Niềm mơ ước, niềm hy vọng, niềm tin tưởng ấy đã đem đến vẻ đẹp cho câu thơ của Hoàng Cầm những hình ảnh thực mà cũng lung linh huyền ảo, hiện thực mà siêu thực.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
33.67
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng đoạn thơ Bên kia sông Đuống … Bây giờ tan tác về đâu

Trong vườn thơ ca kháng chiến chống Pháp, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm được sáng tác tháng 4 năm 1948 nổi lên như một bông hoa thám sắc ngát hương. Bài thơ đã diễn tả được một cách khá thấm thía và cảm động tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương Kinh Bắc nối tiếng, quê hương nước Việt nói chung với những tình cảm yêu thương, tự hào về quê hương giàu đẹp, có nền văn hoá nghìn đời đáng yêu và niềm căm giận trước tội ác kẻ thù đã giày xéo quê hương một cách phũ phàng. Trong đó còn có những đoạn thơ cho ta thấy quê hương Kinh Bắc có một nền văn hoá dân gian độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời nhà thơ cũng cho người đọc cảm nhận được hình ảnh quê hương tan tác điêu tàn khi quân giặc tràn về:

Bên kia sông Đuống
...................
Bây giờ tan tác về đâu
Sự trù phú tươi đẹp của quê hương được kết tinh ở một hình ảnh thật gợi cảm, nên thơ. Đó là “lúa nếp thơm nồng”. Cái hương vị đậm đà thanh khiết có sức lan toả và dễ thấm vào hồn người đọc ấy của lúa nếp đã gợi lên trong ký ức chúng ta biết bao hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam, nơi có truyền thống trồng lúa nước từ ngàn đời nay. (Trong bài Đất nước, Nguyễn Đình Thi cũng đã mở đầu bằng hai câu thơ có cái hương lúa nếp rất gợi cảm đó: “Sáng mát trong như sáng năm xưa – Gió thổi mùa thu hương cốm mới” và Quang Dũng cũng viết: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Chế Lan Viên trong bài Tiếng hát con tàu đã có hai câu thơ về hương nếp rất tài hoa “Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch – Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”).

Nhưng nói về Bên kia sông Đuống là nói về vùng Kinh Bắc, quê hương của Hoàng Cầm, “nơi đã hút hết tâm hồn và đời thơ của tôi”. Đấy là “một vùng văn hoá nhiều đền chùa cổ kính, quê hương của tranh Đông Hồ và những điệu quan họ duyên dáng, mà cũng là quê hương của nhiều truyền thuyết nên thơ cùng những hội hè náo nhiệt”. Nhưng nổi bật nhất trong số đó vẫn là tranh làng Hồ, với những đường nét, màu sắc tươi sống ngộ nghĩnh. Từ bao đời nay, tranh làng Hồ đã từng hết sức quen thuộc đối với mỗi gia đình Việt Nam vào dịp tết đến. Đó là những bức tranh mang màu sắc dân gian và dân tộc từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, tứ chất liệu đến đề tài, màu sắc. Tranh thường gợi về những đề tài sinh hoạt bình dị của đời sống tâm hồn Việt Nam vốn yêu lao động, hoà bình, hạnh phúc và cuộc sống thịnh vượng... như “tranh con gà”, “mẹ con đàn lợn âm dương”, “đám cưới chuột”, “đánh vật”, “đánh ghen”, “hứng dừa”, “thầy đồ ếch”... Người nghệ sĩ dân gian tài hoa đã quét lên những bức tranh bình dị ấy bằng những mầu tươi sáng: màu đỏ son, màu cánh sen, màu hoa hiên, ri đồng... toàn là những chất liệu từ thôn quê quen thuộc... tất cả sáng bừng lên trên nền giấy trắng tinh và óng ánh “Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Hai chữ “sáng bừng” đứng ở vị trí trung tâm, âm hưởng mạnh mẽ như rực sáng lên giữa câu thơ, toả sáng những tờ giấy điệp và cũng là toả sáng cả nền nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Từ “sáng bừng” còn bao hàm cả niềm tự hào, tình cảm thiết tha nồng nàn, đằm thắm của nhà thơ đối với truyền thống văn hoá. Nếu không, làm sao tác giả có thể cảm nhận được vẻ đẹp “sáng bừng” của “màu dân tộc” sâu sắc đến như vậy?

Quê hương ta Bên kia sông Đuống thái bình, giàu đẹp, yên vui là thế nhưng khi giặc Pháp hung bạo kéo về, tất cả phút chốc trở nên tan tác điêu linh. Cuộc sống thanh bình, trù phú nên thơ của vùng Kinh Bắc giờ chỉ còn là những kỷ niệm xót xa đau tiếc. Đây là nỗi đau lớn nhất của con người nói riêng, của một đời người nói chung. Nhà đại thi hào dân tộc Italia đã có hai câu thơ nổi tiếng:
Trên đời đau khổ gì tày

Chuyện vui nhớ lại trong ngày thê lương. Bao trùm lên mảnh đất, bầu trời quê hương nay chỉ là những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đốm nốt trời chiều” (Nguyễn Đình Thi), là ngọn lửa ngùn ngụt, hung tàn thiêu huỷ xóm làng. Trên cái nền cuộc sống yên ả thanh bình ngày xưa, giờ đã xuất hiện lũ giặc hung hăng, điên cuồng như một đàn chó dại “Lưỡi dài lê sắc máu”, gieo rắc từ khi khắp nơi “Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”. Hình ảnh kẻ thù được tác giả khắc hoạ bằng hình ảnh ẩn dụ rất chính xác mà rất gợi cảm, đã làm nổi bật được bản chất tàn bạo đầy thú tính của chúng.

Trước cảnh giặc tàn phá “Tan hoang nhà cháy khói căm thù”, trái tim tác giả như đau thắt lại và những câu thơ của Hoàng Cầm cũng ngắt ra thành từng dòng, từng nhịp như những tiếng nấc nghẹn ngào:
Ruộng ta khô Nhà ta cháy
...
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Thế là chẳng những con người rơi vào cảnh ngộ tan tác chia lìa mà đến cả những bức tranh làng Hồ cũng cùng chung số phận:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Cái tài của nhà thơ Hoàng Cầm là đã tạo được nhiều hình ảnh vừa thực vừa ảo rất thú vị. Ở đây, cảnh trong tranh và cảnh ngoài đời như hoà vào nhau thật khó mà phân biệt. Hai bức tranh Đông Hồ được miêu tả trong bốn câu thơ đã vẽ lên được cảnh tản cư đau lòng khi giặc ập đến. Phải chăng giặc giày xéo lên quê hương gây nên cảnh tan tác chia lìa cho con người; đồng thời cũng là giày xéo lên một nền văn hoá nghìn đời đáng yêu đáng quý của ta một cách phũ phàng?

Câu thơ “từ ngày khủng khiếp” và đặc biệt là câu “Bây giờ tan tác về đâu?” là câu hỏi về đám cưới chuột, đàn lợn âm dương... nhưng đằng sau câu hỏi ấy là một tình yêu quê hương bao la, là nỗi nhớ tiếc khôn nguôi về những gì thiêng liêng đã mất, là nỗi xót xa về quê hương đau thương dưới gót giày xâm lược, là nỗi oán hờn tím gan tím ruột trước tội ác trời không dung, đất không tha của kẻ thù. Đó cùng là câu hỏi muôn đời của lịch sử mỗi khi có giặc ngoại xâm.

Đoạn thơ trên đã làm nổi bật sự đối lập hai cảnh: trước và nay, hạnh phúc và đau thương xây dựng và tàn phá, sum vầy yên ấm và tan tác chia lìa... làm khắc sâu nỗi đau tiếc, xót xa, căm giận; đặc biệt là làm nổi bật sự tương phản giữa những giá trị nhân văn của ta và sự tàn bạo phi nhân tính của những kẻ vẫn thường tự xưng là “văn minh”. Sự tương phản ấy như đập vào mắt, xuyên vào lòng kêu gọi lương tri nhân loại.

Tiếp đến là Kinh Bắc của những đền chùa cổ kính và những hội hè đình đám vào dịp đầu xuân.

Cảnh thật tươi vui đầm ấm rộn rã “Trên núi Thiên Thai – Trong chùa Bút Tháp – Giữa huyện Lang Tài”. Cuộc sống bình yên ấy đã diễn ra từ bao đời nay “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”. Và có lẽ nổi bất nhất trong những ngày hội vẫn là hình ảnh những cô gái Kinh Bắc “mặc áo the đen” duyên dáng, dịu dàng gợi thương gợi nhớ cho bao người. Nhưng từ ngày giặc đến, cuộc sống tưng bừng, giấc mộng bình yên ấy đâu còn nữa; chỉ còn những tiếng chuông chùa vẳng lên như một nỗi tiếc thương ngơ ngẩn.

Tiếng chuông chùa ở đây không còn gợi lên cảnh êm dịu thanh bình mà vọng lên như khua sầu tủi, như rung oán hờn”.

Những câu thơ tiếp theo diễn tả cảnh đông vui nhộn nhịp của sinh hoạt làm ăn vào những ngày phiên chợ Hồ, chợ Sùi, người đua chen cùng những cảnh “Bãi trầm chi người giăng tơ nghẽn lối”, “Những nàng dệt sợi, đi bán lụa mầu – Những người thợ nhuộm, Đồng Tỉnh Huê Cầu” đã thành ca dao:
Ai về Đồng Tỉnh Huê Cầu.
Để thương, để nhớ, để sầu lại đây.
Như vậy, Kinh Bắc là quê hương của những con người đáng yêu đáng quý. Nhưng đáng yêu nhất, để thương để nhớ cho Hoàng cầm nhất vẫn là: những cô gái chăn tằm hái dâu, những cô hàng xén có vẻ đẹp dịu dàng kín đáo, đôn hậu mà rất tình tứ. Hoàng cầm đã dành những nét bút đẹp đẽ tài hoa nhất cho những cô gái này:
Ai về Bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
“Khuôn mặt búp sen” là khuôn mặt mang vẻ đẹp truyền thống dân tộc của những cô gái quê. Nó gợi cho ta những đường nét thanh tú xinh xắn với màu sắc phớt hồng và hương thơm thanh quý. Còn nụ cười “như mùa thu toả nắng” thì tươi và sáng như toả niềm vui ra xung quanh nhưng lại có vẻ đẹp dịu dàng kín đáo như cái nắng dịu mùa thu.

Nhưng tất cả “bây giờ đi về đâu?”. Và giữa khung cảnh tan tác của loạn lạc, của giặc giã chiến tranh, nạn nhân tội nghiệp đáng thương nhất là các bà mẹ già, đặc biệt là những người mẹ nghèo “Bà mẹ già kia tuổi đã nhiều- Đã từng đau khổ biết bao nhiêu”, dưới gánh nặng của cuộc đời một nắng hai sương, nay lại cộng thêm cái loạn lạc của chiến tranh mà vẫn phải “Đòn gánh tre chín rạn hai vai” để kiếm sống thì càng đau khổ đáng thương gấp bội phần:
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Bước cao thấp bên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Hình ảnh bà mẹ già “còm cõi mái đầu bạc phơ” với “gánh hàng rong bước cao bước thấp bên bờ tre hun hút” cùng với “cánh cò trắng bay vùn vụt lướt ngang dòng sòng Đuống về đâu” gợi lên trong lòng ta biết bao cảm xúc xót thương. Đâu còn hình ảnh “Cánh cò bay lả bay la – Cánh cò bay lả rập rờn” hôm nào nữa; mà giờ chi còn là cánh cò hốt hoảng bay vụt vụt bơ vơ như chạy loạn “Bỏ nhà...”. Hình ảnh ấy hoà cùng hình ảnh yếu ớt bơ vơ của người mẹ già làm cho hình ảnh những nạn nhân xâm lược càng trở nên bi thương vô hạn.

Nhưng nghĩ cho cùng thì nạn nhân tội nghiệp nhất của chiến tranh vần là những đứa con thơ. Chúng đã khổ vì đói nghèo “ngày tranh nhau một bát cháo ngô” nay càng khổ thêm vì chiến tranh:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
(Hồ Chí Minh)
Ấy thế mà khi giặc tràn về, các con đã bị bóng đen kẻ thù đe doạ cả những vành nôi, và trong cơn mơ cũng thon thót giật mình vì sợ hãi. Bởi cái chết luôn luôn rình rập, lởn vởn đâu đó. Là kẻ thù mới bây giờ rất đáng sợ. Chúng vừa thô bạo vừa có hình thù gớm ghiếc, kỳ quái. Chúng đến đâu là gieo rắc chết chóc đau thương đến đó:
Chợt lũ quỹ mắt xanh trừng trợn
Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc, tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang đỏ chiều mùa đông
Đây là những hình ảnh thơ viết về tội ác của kẻ thù khá độc đáo. Mấy “Lá đa lác đác trước lều” cùng với “vài ba vết máu” làm “loang” đỏ cả “chiều mùa đông” cứ ám ảnh lay động không thôi tâm hồn ta. Cũng như hai câu thơ: “Bây giờ tan tác về đâu?” – Bây giờ đi đâu về đâu?” được lấy lại ở nhiều đoạn thơ như một điệp khúc cứ xoáy sâu vào lòng ta một nỗi đau nhức nhối. Đúng là đoạn thơ trên của Hoàng cầm xứng đáng là đoạn thơ “chép tội giặc” để mãi mãi chúng ta không được nguôi hờn, mỗi khi có giặc ngoại xâm.

Từ đau thương đã chuyển sang uất hận, căm thù và biến thành sức mạnh chiến đấu:
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như đứng trên đống lửa
Đoạn thơ đã diên tả được một cách sinh động và chân thực những cuộc chiến đấu quyết sống chết với giặc diễn ra ở thôn xóm, giữa chợ, trên cánh đồng lúa chín bằng những nhịp thơ dồn dập sảng khoái, đầy khí thế.

Bài thơ Bên kia sông Đuống được kết lại bằng những ước mơ cuộc sống thanh bình trở về: Mùa xuân lại hồi sinh với những hội hè đình đám như thuở xưa bên bờ sông Đuống yên ả. Hình ảnh “em” xuất hiện không buồn nữa mà em trở nên tươi trẻ, tràn đầy sức sống và niềm vui trong bộ quần áo mới với yếm thắm và dải lụa hồng phất phới bay. Em cùng toàn dân tộc “Đi trẩy hội non sông” trong tâm trạng hân hoan “cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.

Nét đặc sắc của bài thơ Bên kia sống Đuống là tác giả đã tạo nên được một nhạc điệu khá độc đáo: vừa dạt dào tuôn chảy, vừa trầm buồn. Trên nền nhạc buồn ấy, cái hồn của quê hương đất nước xứ sở cứ phảng phất lắng đọng trong mỗi dòng chữ, hình ảnh thơ. Vì thế bài thơ chỉ viết về một vùng quê rất riêng: quê hương Kinh Bắc nhưng vẫn có thể khơi dậy trong trái tim hàng triệu người Việt Nam tình yêu nước Việt muôn đời.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
32.33
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận khổ thơ thứ 3 (ba)

Đề bài: Nêu cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.

Bài làm

Trong mỗi chúng ta ai mà chẳng có một quê hương, nơi gắn bó tuổi thơ êm đềm, nơi có những bài hát ru ngọt ngào. Và Hoàng Cầm cũng vậy. Ông yêu sao mảnh đất quê hương Kinh Bắc của mình, coi đó như một phần máu thịt. Có lẽ bởi thế mà khi nghe tin quê hương bị giặc chiếm, nỗi niềm đau xót cứ dâng trào trong nhà thơ để rồi từ đó tạo ra những vần thơ tha thiết, đầy xúc cảm trong bài Bèn kia sông Đuống. Trong tác phẩm đoạn thơ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc là đoạn miêu tả vẻ đẹp của quê hương Kinh Bắc và kể tội quân thù:
Bên kia sông Đuống
................
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Qua nét bút của Hoàng cầm, quê hương Kinh Bắc hiện lên thật đẹp trong truyền thống văn hoá đặc sắc. Nhưng đau xót là cái thế giới đẹp ấy lại bị vùi dập, tàn phá bởi lũ quỷ xâm lược.

Mở đầu đoạn trích là cụm từ “Bên kia sống Đuống” được lặp lại như một điệp khúc tạo ra điểm nhấn trong cảm xúc của nhà thơ. Câu thơ gợi dậy những hoài niệm, những thương nhớ về quá khứ tươi đẹp, đồng thời đánh thức trong lòng người đọc cảnh chia cắt của hai bờ quê hương. Câu thơ như tạo cảm xúc khiến cho nhà thơ nhớ về quá khứ, nhớ về những truyền thống văn hoá của Kinh Bắc:
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Chỉ bằng ba câu thơ mà Hoàng cầm đã tái hiện lại bức tranh quê hương có cả màu sắc, ánh sáng, có cả những hương vị quen thuộc. Một lời giới thiệu rất mộc mạc: “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng” – một nét vẽ bình dị, và quen thuộc của làng quê Việt Nam nhưng lại gợi dậy trong người đọc bao nhiêu ám ảnh.

Không chỉ mang vẻ đẹp chung của quê hương Việt Nam, Kinh Bắc còn là quê hương của tranh Đông Hồ. Nét vẽ tươi trong của tranh Đông Hồ vừa gợi ra cái tươi tắn, trong trẻo, vừa ẩn chứa nét đẹp rạng ngời tinh khôi. Phải là người rất am hiểu, là người yêu lắm mảnh đất Kinh Bắc Hoàng cầm mới có thể làm nên nét vẽ đặc sắc, tuyệt vời đến vậy. Một bức tranh giản dị được về bằng “màu dân tộc”. Màu dân tộc phải chăng là màu của thiên nhiên hay là màu của quê hương, đất nước. Ba tiếng thơ ấy đã trở thành một ẩn dụ độc đáo của Hoàng Cầm, là niềm kiêu hãnh của nhà thơ về bản sắc văn hoá quê hương mình. Với nét vẽ của nhà thơ cả bức tranh như “sáng bừng” trên giấy điệp, Câu thơ lại một lần nữa khẳng định sức sống kì diệu của dân tộc.

Một quê hương với những truyền thống văn hoá đẹp đến vậy lại bị vùi dập, chia cắt
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Câu thơ cất lên đau đớn, làm chuyển đổi mạnh cảm xúc của bài thơ. Tác giả gọi những ngày giặc đến xâm chiếm là những ngày “khủng khiếp” (như phần nào cho thấy sự khác biệt của hiện thực chiến tranh). Từng câu, từng chữ như gợi ra sự tàn bạo của kẻ thù đồng thời là tiếng nói tố cáo, phê phán gay gắt chiến tranh.

Đọc câu thơ “Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn” ta lại nhớ đến câu thơ trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Chỉ bằng một câu thơ mà tội ác của kẻ thù hiện lên chồng chất, cùng với đó là niềm căm thù ngút trời về nỗi đau tột cùng của con người. Những câu thở than đầy máu và nước mắt.

Đi đến với sự tàn phá, tội ác của kẻ thù là cả không gian tiêu điều, xác xơ của quê hương Kinh Bắc:
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Câu thơ ngân lên đầy đau đớn, xót xa. Đâu rồi cái vẻ thanh bình, đâu rồi những nét trù phú tươi tắn? Giờ đây tất cả chỉ là một cảnh tượng hoang tàn, chia li, diết chóc. Không gian càng lúc càng trở nên sâu thẳm “kiệt cùng” nỗi đau càng lúc càng tột cùng. Và điều đặc biệt là ở chỗ tác giả không miêu tả cụ thể hình ảnh con người nhưng dấu ấn về một cuộc sống chia li, hoang tàn vẫn được thể hiện rõ. Tác giả mượn hình ảnh những con vật vô tri, trong bức tranh Đông Hồ chia lìa, tan tác để nói về nỗi đau chia lìa của con người.

Chi bằng mấy câu thơ mà nhà thơ đã tái hiện lại cả quê hương Kinh Bắc trong quá khứ và cả quê hương trong hiện tại. Quá khứ càng tươi đẹp, càng đặc sắc thì hiện tại càng khốc liệt, đau xót. Từ đó tình yêu quê hương đất nước của Hoàng cầm càng được bộc lộ rõ. Có lẽ vì vậy nhà thơ mới có thể tạo nên những dòng thơ hay đến vậy.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
45.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng đoạn thơ Bao giờ về Bên kia sông Đuống … Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh

Nếu Sông Lô của Văn Cao là một trường ca bằng nhạc về con sông miền quê Trung du thời chống Pháp thì Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm cũng được coi là trường ca bằng thơ về một con sông của miền quê Kinh Bắc. Viết tác phẩm này Hoàng Cầm muốn gửi gắm dồn trút tất cả cảm xúc mãnh liệt của mình. Đó vừa là niềm tự hào kiêu hãnh trước những vẻ đẹp của quê hương, vừa là nỗi xót xa căm giận trào sôi trước cảnh quê hương bị giặc tàn phá. Nhà thơ đã tái hiện lại chân thực sinh động bức tranh cuộc sống, thiên nhiên con người Kinh Bắc một thời máu lửa, một thời hoà bình. Đoạn thơ khép lại tác phẩm cho người đọc một hình ảnh đẹp về Kinh Bắc trong tương lai chiến thắng qua dự cảm đầy tin tưởng của Hoàng Cầm.

Vì được coi là một trường ca, cho nên Bên kia sông Đuống được tổ chức theo lối khúc thức gồm bốn chàng: dạo đầu, đau thương, vùng dậy và chiến thắng. Theo đó cảm xúc thơ có khi sâu lắng thiết tha những hoài niệm, có lúc cuộn trào sôi sục mạnh mẽ, lúc lại êm đềm lan toả. Sau khúc dạo đầu, Bên kia sông Đuống cuốn người đọc vào mạch cảm xúc căm giận trào sôi trước hiện thực quê hương Kinh Bắc tươi đẹp giàu có, bình yên chìm trong máu lửa để rồi bừng lên sức mạnh chiến đấu của những đoàn quân trở về giải phóng quê hương, chuẩn bị cho Kinh Bắc ca khúc khải hoàn. Thế nên, mở đầu đoạn thơ Hoàng Cầm mới viết:

“Bao giờ về Bên kia sông Đuống” - chữ “bao giờ” diễn tả thời gian trong tương lai, thòi gian trong tương lai, thời gian của mơ ước, của khát khao chứ không phải là thời gian của thực tại. Mặc dù được lặp lại đến lần thứ sáu với nhiều biến thể khác nhau nhưng ở đây, cụm từ “Bên kia sông Đuống” mới thật sự hàm chứa cái giọng của sự mong ngóng đến khắc khoải. Bởi vì bên kia sông Đuống là trở lại mái ấm, là tìm về mảnh đất thân thương máu thịt, nơi cất giữ mảnh hồn riêng của những con người Kinh Bắc. Và thế giới Kinh Bắc ấy hội tụ nơi em. Sự xuất hiện của từ “em” trong khổ thơ này một mặt tạo ra sự hồ ứng, nhất quán chặt chẽ trong cấu tứ hình tượng của toàn bài, một mặt gắn liền với lời động viên an ủi mở đầu thi phẩm:

Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Và lời hẹn ước nằm nhớ đang trở thành một thực hay chính lời thơ chứa đựng niềm tin của nhân vật trữ tình “anh” sẽ trở lại quê hương ngay khi thi sĩ đặt bút viết những dòng đầu tiên về Kinh Bắc ở cái thời điểm “giặc tràn lên đốt phá”. Đó là niềm tin lãng mạn mang tính cách mạng. Mặt khác, “em” chính là hình ảnh tiêu biểu hơn cả cho những vẻ đẹp Kinh Bắc. Dõi theo lời thơ, ta thấy “em” hiện ra với yếm thắm, “lụa hồng”, trang phục rực rỡ, với nụ cười “mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” trong không khí “trẩy hội non sông” tưng bừng của mùa xuân, mùa chiến thắng.

Để tái hiện chân dung những thiếu nữ Kinh Bắc, Hoàng Cầm vẫn tiếp tục sử dụng chất liệu đậm đà bản sắc dân tộc. Cách mô tả như vậy có nhiều điểm gặp gỡ với câu thơ Nguyễn Bính trong Chân quê, Chiều xuân của Anh Thơ. Vì thế con người Kinh Bắc hiện ra với những vẻ đẹp mang bản sắc văn hoá truyền thống vừa thân thuộc dung di, vừa duyên dáng tình tứ, vừa gợi nhớ gợi thương. Giữa không khí của lễ hội mùa xuân, “em” nổi bật nơi thế giới của những sắc màu toả sáng cùng nụ cười. Đây là lần thứ hai Hoàng Cầm đặc tả nụ cười thôn nữ, một nụ cười xuất hiện ở quá khứ thanh bình, một nụ cười xuất hiện trong tương lai chiến thắng. Song, cả hai đều chứa đựng vẻ đẹp của niềm hạnh phúc.
Cười như mùa thu toả nắng
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Nhà thơ đã khẳng định tài năng miêu tả theo lối chấm phá của mình, vẫn là tái hiện vẻ đẹp con người qua ánh sáng mùa thu tình tứ, lại có nét cười trong ánh sáng mùa xuân trẻ trung tươi tắn, căng tròn sức sống. Nếu không phải là một hồn thơ đặc biệt nhạy cảm với vẻ đẹp cuộc sống, con người thì không thể nắm bắt được những vẻ đẹp ấy và miêu tả một cách tinh tế như vậy.

Ngôn ngữ thơ chưa hẳn đã mới lạ bởi người đọc đã từng gặp “mùa xuân xanh” trong câu thơ Nguyễn Bính, “mùa xuân chín” trong thơ Hàn Mặc Tử... Song sức hấp dẫn của câu thơ ở chỗ hai chữ “xuân xanh” khép lại thi phẩm gợi mở cho người đọc nhiều liên tưởng. Những ấn tượng đầu tiên thật bình yên, thanh thản và đầy tin tưởng. Bởi thế âm điệu thơ, nhịp điệu thơ không còn dồn bức, căng thẳng ngột ngạt như những đoạn thơ trước mà bỗng nhiên thư thái êm đềm, nhẹ nhàng lan toả. Đoạn thơ sau dòng thì bốn dòng thơ giữa rất ngắn, gợi được cái âm điệu tưng bừng náo nức trong bước chân, trong ánh mắt, trong nét cười của con người. Dòng đầu và dòng cuối kéo dài không ngắt nhịp như cảm giác hạnh phúc ngập tràn.

Với đoạn thơ cuối, Hoàng Cầm đã làm sống dậy một Kinh Bắc giàu đẹp đầy sức sống nhưng cũng không kém phần cổ kính, giàu truyền thống lịch sử văn hoá, nơi đó cất giữ tâm tình quê hương sâu nặng da diết của tác giả – một người con Kinh Bắc. Đoạn thơ còn lôi cuốn người đọc bởi những hình ảnh ngôn ngữ giàu chất nhạc, chất thơ, chất hoạ cũng như niềm tự hào về quê hương đất nước và sự ngưỡng mộ một hồn thơ tài hoa như Hoàng cầm.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
35.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng đoạn thơ Ai về Bên kia sông Đuống … Cười như mùa thu toả nắng

Nếu Quang Dũng để hồn mình lang thang nơi mây trời non nước xứ Đoài thì hồn thơ của Hoàng Cầm mãi đi về nương náu những mái đình, gốc đa, hội hè Kinh Bắc cổ kính ngàn đời. Dường như có hẳn một khoảng không gian riêng trong thơ Hoàng Cầm”một không gian Kinh Bắc, một thời gian Kinh Bắc”. Trên nền không gian ấy, cứ thấy “thấp thoáng một cô gái Kinh Bắc” thật gợi, thật thơ nên cũng rất say đắm quyến rũ lòng người.

Ai về Bên kia sông Đuống
Có nhớ từng gương mặt búp sen
Những cồ hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toà nắng
Bên kia sông Đuống ra đời trong giây phút “xúc động hồn thơ của Hoàng Cầm. Bài thơ đã khắc hoạ sống động, tài hoa bức tranh Kinh Bắc cổ kính nên thơ giàu truyền thống trong hoài niệm, chứa chan tự hào tiếc nuối Kinh Bắc hiện ra với con sông Đuống “lấp lánh”, “cát trắng phẳng lì”, bãi hồ “biêng biếc” mía dâu với lúa nếp thơm nồng, tranh Đông Hồ “nét tươi trong” đậm đà bản sắc dân tộc cùng những con người bình dị ẩn chứa vẻ đẹp riêng. Đó là em bé “sột soạt quần nâu”, đó là những cụ già “phơ phơ tóc trắng”, những nàng “môi cắn chi quết trầu”. Không chỉ vậy, vẻ đẹp con người Kinh Bắc còn được tái hiện qua chân dung những cô thôn nữ.

Người đọc một lần nữa lại thấy ở đây xuất hiện câu thơ:
Ai về bên kia sông Đuống
Giọng thơ chứa đựng nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi của tác giả về quê hương, lời thơ có cả cái tâm thế ngóng vọng đến bồn chồn da diết. Ngay sau đó, chân dung những thôn nữ Kinh Bắc – được tái hiện bằng những chi tiết rất giàu tính thẩm mỹ với “khuôn mặt búp sen” và hàm “răng đen”. Cùng nụ cười “như mùa thu toả nắng”. Đây là những nét gọi tả hơn là miêu tả “khuôn mặt búp sen” gợi nhiều liên tưởng: đó là một khuôn mặt xinh xắn, có màu phớt hồng, có hương thơm thanh quý. Hình ảnh và ngôn ngữ tạo hình tinh tế, tài hoa nét dáng và hình riêng của những thôn nữ Kinh Bắc với chiếc khăn mỏ quạ bình dị của dân tộc. Và những hàm răng “nhưng nhức” hạt na chứa cái duyên thầm. Như thế, con người đang được miêu tả bằng những chi tiết rất ấn tượng mang màu sắc thẩm mĩ, giản dị đôn hậu chất phác mà không kém phần duyên dáng nữ tính.

Cách mô tả như thế ta đã từng gặp trong thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ, và xa hơn là trong những áng ca dao trữ tình. Đặc biệt, nét cười của những thôn nữ ấy được cảm nhận như mùa thu toả nắng”. Hình ảnh thơ này trở thành điểm sáng lung linh nhất của đoạn thơ và toàn bài. Bởi lẽ đây là hình ảnh so sánh rất độc đáo và chính xác. Nắng mùa thu – thứ ánh sáng nhạt – nhẹ – dịu – ấm của xứ Bắc được dùng để biểu đạt nụ cười người con gái tạo ấn tượng nụ cười như đang làm bừng sáng không gian, làm ấm lòng người. Ta bỗng dưng thấy nhớ câu thơ Lưu Trọng Lư trong Nắng mới khi tái hiện nụ cười của người mẹ nơi kí ức mồ côi của đứa trẻ lên mười nhớ mẹ:
Nét cuời đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa
Trong câu thơ của Lưu Trọng Lư, nắng là bối cảnh xuất hiện nụ cười của mẹ. Cái thứ nắng trong hoài niệm không âm u lanh lẽo mà ngược lại, rực rỡ ấm áp làm sáng lên nụ cười của mẹ. Còn ở câu thơ của Hoàng Cầm, nắng đồng hiện trong nụ cười, vẻ đẹp của nắng làm nên vẻ đẹp của thiếu nữ Kinh Bắc. Đây là lối tạo hình mang dấu ấn thi pháp riêng. Trong toàn bộ bài thơ, bất cứ vẻ đẹp nào của Kinh Bắc cũng được đồng hiện trong tương quan với ánh sáng, cùng ánh sáng, bằng ánh sáng. Từ vẻ đẹp của dòng sông Đuống “lấp lánh”, vẻ đẹp của tranh Đông Hồ “sáng bừng trên giấy điệp” đến vẻ đẹp của người mẹ Kinh Bắc “khuôn mặt bừng lên như dựng tráng” trong đêm đón nhận đoàn quân trở về giải phóng quê hương. Và sau này, đó là vẻ đẹp của người con gái Kinh Bắc “cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” trong khung cảnh thanh bình. Nụ cười của các thiếu nữ còn gợi liên tưởng đến câu ca:
Miệng cười như thể hoa ngâu
Chiếc khăn đội đầu như thể hoa sen
Có điều trong mĩ cảm dân gian, nụ cười thôn nữ toả hương – thứ hương thầm kín đáo mà thanh cao. Còn thơ Hoàng Cầm coi đó là nét cười rạng rỡ, trong trẻo mà đượm chất “hiếu tình” – cái vẻ đẹp riêng của thôn nữ vùng Kinh Bắc. Cho nên ai đã từng một lần đến miền quê này, chứng kiến nụ cười con người nơi đây sẽ không thể không nhớ tới câu thơ Hoàng Cầm để cảm nhận rằng viết được câu thơ như thế quả thực phải là một cây bút tài hoa, phải là một hồn thơ tài hoa.

Từng tha thiết bởi Đôi mắt người Sơn Tây trong thơ Quang Dũng, giờ đây người đọc lại bị ám ảnh bởi nụ “cười như mùa thu toả nắng” của thôn nữ Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm. Mỗi tác giả bằng tình cảm gắn bó sâu nặng với xứ sở, bằng tất cả sự tài hoa của mình khắc chạm trong lòng người những vẻ đẹp của con người trong khoảnh khắc xuất thần của tài năng và xúc cảm. Xuân Diệu đã từng nói “Câu thơ hay hay cả xác lẫn hồn”, những câu thơ tả sông Đuống và tả thôn nữ Kinh Bắc chính là những câu thơ như thế.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
45.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời

Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối