Đề bài: Nêu cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.

Bài làm

Trong mỗi chúng ta ai mà chẳng có một quê hương, nơi gắn bó tuổi thơ êm đềm, nơi có những bài hát ru ngọt ngào. Và Hoàng Cầm cũng vậy. Ông yêu sao mảnh đất quê hương Kinh Bắc của mình, coi đó như một phần máu thịt. Có lẽ bởi thế mà khi nghe tin quê hương bị giặc chiếm, nỗi niềm đau xót cứ dâng trào trong nhà thơ để rồi từ đó tạo ra những vần thơ tha thiết, đầy xúc cảm trong bài Bèn kia sông Đuống. Trong tác phẩm đoạn thơ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc là đoạn miêu tả vẻ đẹp của quê hương Kinh Bắc và kể tội quân thù:
Bên kia sông Đuống
................
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Qua nét bút của Hoàng cầm, quê hương Kinh Bắc hiện lên thật đẹp trong truyền thống văn hoá đặc sắc. Nhưng đau xót là cái thế giới đẹp ấy lại bị vùi dập, tàn phá bởi lũ quỷ xâm lược.

Mở đầu đoạn trích là cụm từ “Bên kia sống Đuống” được lặp lại như một điệp khúc tạo ra điểm nhấn trong cảm xúc của nhà thơ. Câu thơ gợi dậy những hoài niệm, những thương nhớ về quá khứ tươi đẹp, đồng thời đánh thức trong lòng người đọc cảnh chia cắt của hai bờ quê hương. Câu thơ như tạo cảm xúc khiến cho nhà thơ nhớ về quá khứ, nhớ về những truyền thống văn hoá của Kinh Bắc:
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Chỉ bằng ba câu thơ mà Hoàng cầm đã tái hiện lại bức tranh quê hương có cả màu sắc, ánh sáng, có cả những hương vị quen thuộc. Một lời giới thiệu rất mộc mạc: “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng” – một nét vẽ bình dị, và quen thuộc của làng quê Việt Nam nhưng lại gợi dậy trong người đọc bao nhiêu ám ảnh.

Không chỉ mang vẻ đẹp chung của quê hương Việt Nam, Kinh Bắc còn là quê hương của tranh Đông Hồ. Nét vẽ tươi trong của tranh Đông Hồ vừa gợi ra cái tươi tắn, trong trẻo, vừa ẩn chứa nét đẹp rạng ngời tinh khôi. Phải là người rất am hiểu, là người yêu lắm mảnh đất Kinh Bắc Hoàng cầm mới có thể làm nên nét vẽ đặc sắc, tuyệt vời đến vậy. Một bức tranh giản dị được về bằng “màu dân tộc”. Màu dân tộc phải chăng là màu của thiên nhiên hay là màu của quê hương, đất nước. Ba tiếng thơ ấy đã trở thành một ẩn dụ độc đáo của Hoàng Cầm, là niềm kiêu hãnh của nhà thơ về bản sắc văn hoá quê hương mình. Với nét vẽ của nhà thơ cả bức tranh như “sáng bừng” trên giấy điệp, Câu thơ lại một lần nữa khẳng định sức sống kì diệu của dân tộc.

Một quê hương với những truyền thống văn hoá đẹp đến vậy lại bị vùi dập, chia cắt
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Câu thơ cất lên đau đớn, làm chuyển đổi mạnh cảm xúc của bài thơ. Tác giả gọi những ngày giặc đến xâm chiếm là những ngày “khủng khiếp” (như phần nào cho thấy sự khác biệt của hiện thực chiến tranh). Từng câu, từng chữ như gợi ra sự tàn bạo của kẻ thù đồng thời là tiếng nói tố cáo, phê phán gay gắt chiến tranh.

Đọc câu thơ “Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn” ta lại nhớ đến câu thơ trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Chỉ bằng một câu thơ mà tội ác của kẻ thù hiện lên chồng chất, cùng với đó là niềm căm thù ngút trời về nỗi đau tột cùng của con người. Những câu thở than đầy máu và nước mắt.

Đi đến với sự tàn phá, tội ác của kẻ thù là cả không gian tiêu điều, xác xơ của quê hương Kinh Bắc:
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Câu thơ ngân lên đầy đau đớn, xót xa. Đâu rồi cái vẻ thanh bình, đâu rồi những nét trù phú tươi tắn? Giờ đây tất cả chỉ là một cảnh tượng hoang tàn, chia li, diết chóc. Không gian càng lúc càng trở nên sâu thẳm “kiệt cùng” nỗi đau càng lúc càng tột cùng. Và điều đặc biệt là ở chỗ tác giả không miêu tả cụ thể hình ảnh con người nhưng dấu ấn về một cuộc sống chia li, hoang tàn vẫn được thể hiện rõ. Tác giả mượn hình ảnh những con vật vô tri, trong bức tranh Đông Hồ chia lìa, tan tác để nói về nỗi đau chia lìa của con người.

Chi bằng mấy câu thơ mà nhà thơ đã tái hiện lại cả quê hương Kinh Bắc trong quá khứ và cả quê hương trong hiện tại. Quá khứ càng tươi đẹp, càng đặc sắc thì hiện tại càng khốc liệt, đau xót. Từ đó tình yêu quê hương đất nước của Hoàng cầm càng được bộc lộ rõ. Có lẽ vì vậy nhà thơ mới có thể tạo nên những dòng thơ hay đến vậy.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)