Bản dịch của Đào Phương Bình, Đỗ Ngọc Toại, Hoàng Tạo, Nguyễn Ngọc Nhuận

Thơ là để nói chí hướng. Bậc sĩ quân tử lúc nhàn rỗi miêu tả tâm tình, ghi lại hành trạng, thường thường biểu hiện ra thiên chương, truyền lại cho người sau, dùng làm niên phả, để lại dài lâu. Đó thực là kho báu trong nhà, đâu chỉ để phô bày ý tứ văn vẻ, phẩm bình phong vật mà thôi.

Tôi thuở nhỏ theo đòi cử nghiệp, vốn vụng về với việc làm thơ. Kịp đến tuổi đội mũ mới bắt đầu xem rộng ra các tác phẩm xưa, rồi võ vẽ thôi xao, nhưng viết ra thì khô khan, thường hổ thẹn vì việc học làm thơ khó khăn. Lại vì sớm tham dự việc triều chính, lạm dự công việc cơ yếu, không được rỗi rãi để gọt câu luyện vần. Đến khi trị nhậm trấn Thanh Hoa lần thứ hai, khi trèo núi ngắm sông, ý tưởng siêu thoát, dần dần xúc cảm cao hứng ngâm nga. Kế đó trải bao biến đổi cuộc đời, vận nhà gieo neo, tình ưu uất cảm khái, nên mượn chuyện ngậm vịnh để tiêu khiển, thế rồi chương cú cứ dần dần nhiều lên.

Đến năm Nhâm Tuất (1802), nhà riêng bị cháy sạch, đến một chữ cũng không sót lại, sách vở tản mác khắp nơi, tôi cũng chưa có khi nào rỗi rãi để sao chép lại.

Hơn mười năm lại đây, vì phiêu dạt về miền tây nam, mở trường dạy học để sinh sống hàng ngày, hồi tưởng chuyện thơ văn trước đây mơ mòng tựa mộng. Tôi cho rằng việc sưu tầm ghi chép lại, là việc của con cháu sau này.

May mắn thay tuổi già chưa đến nỗi lẩm cẩm, năm Giáp Tuất (1814), ở Thiên Lộc tôi nghỉ dạy học đã lâu, trong cảnh nhàn thú, bèn uỷ thác cho các con đi khắp nơi tìm thơ văn ngâm vịnh khi xưa, hoặc còn trong trí nhớ, hoặc tìm được trong những bản sao của bà con bạn bè, rồi đưa dần lên tôi xem. Tôi bèn để ý san thuật, tuỳ theo năm tháng sắp xếp thành từng loại, những bài thơ tản mác nhớ lại mà chép ra đặt tên là “Dật thi lược toản”; còn những phần tìm được nguyên bản thì sao chép lại và giữ nguyên tên cũ, mà gọi chung là “Dụ Am ngâm lục”, chia ra thành 6 sách, xấp xỉ 600 bài thơ, đại khái số thơ này còn được non nửa. Tôi đưa đứa cháu ngoại tên là Bảo chép lại. Mùa xuân năm nay (1815), cuốn sách chép xong, các con tôi đều tới xem, rồi mang đến xin tôi viết lời tựa.

Nghĩ rằng: Thơ văn tôi viết ra nhiều, trong đó những bài đáng lưu truyền thì còn ở trên cửa miệng mọi người, những bài không đáng lưu truyền cũng may mà mất mát, nay sưu tập được để giúp cho việc kê cứu, thì cũng là điều may mắn cho con cháu rồi. Thảng hoặc năm tháng còn được kéo dài, khi cao hứng ngâm nga, nếu thêm được tập thơ nhỏ nào khác nữa thì cũng là điều đáng mừng ngoài ý muốn của mình.

Các con hãy thu thập chép lại toàn bộ, cất giữ trong tráp trong tủ, đợi khi tìm được đầy đủ các mục của văn tập sẽ giữ làm của báu trong gia đình. Còn như khoe khoang vần luật, truyền khắp mọi người thì chẳng phải là mục đích làm thơ của ta. Vậy làm bài tựa này.

Ngày mồng một tháng ba năm Ất Hợi (1815), thời hoàng triều Gia Long thứ 14. Dụ Am Khiêm Thụ Phủ đề tại mái tây chùa Hồ Thiên.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]