錦紙街

廢興功過欲無言,
錦紙仍傳政府門。
銅雀臺荒迷寶硯,
館娃宮沼鞠蔬園。

 

Cẩm Chỉ nhai

Phế hưng công quá dục vô ngôn,
Cẩm Chỉ nhưng truyền chính phủ môn.
Đồng Tước đài hoang mê bảo nghiễn,
Quán oa cung chiểu cúc sơ viên.

 

Dịch nghĩa

Cuộc phế hưng, công hay tội không muốn nói đến,
Phố Cẩm Chỉ vẫn tương truyền là cửa vương phủ.
Đài Đồng Tước hoang vu, nghiên mực quý thất lạc,
Cung quán đã trở thành ao nước, vườn rau dại.


Nguyên chú: Phố cách cửa đông thành hai dặm, thuộc phường Cẩm Chỉ, huyện Thọ Xương, là cửa trước của phủ chúa Trịnh xưa. Tương truyền: Táo điếm (điếm táo), Lâm điếm (điếm rừng) là những điếm của phủ chúa Trịnh giải quyết các công việc nhà nước. Nay nền cũ của phủ chúa đã hoang tàn, cỏ mọc um tùm rậm rạp. Khảo cứu trong sách vở thì thời Tiền Lê không đặt chức Tể tướng, mọi việc chính sự tập trung về lục bộ (sáu bộ), đứng đầu lục bộ là Thượng thư, cũng như Tể tướng vậy. Sau thời Trung hưng, họ Trịnh đặt ra chức Nguyên suý nắm mọi quyền bính trong nước. Riêng đối với các đình thần đều trao thêm cho một cái lệnh chỉ, gọi là “Nhập thị lệnh chỉ” (lệnh chỉ vào chầu). Các chức quan: Chưởng phủ sự, Thự phủ sự, Quyền phủ sự thì nắm giữ việc binh, kể cả lục quân. Các chức Tham tụng, Bồi tụng chính là Tể tướng vậy. Thống soái Lục phiên Thiêm sai thuộc cơ quan Lục phiên, bởi công việc của phiên cũng là công việc của bộ. Như thế, gọi là Quan phủ liêu thuộc năm phủ ngồi ở chính đường của các điếm để giải quyết công việc chính sự. Chúa Trịnh chuyên quyền mọi việc, quan chức văn võ các bộ, viện trong triều không có lệnh chỉ không được vào tham dự việc triều chính.

Phố Cẩm Chỉ nay là ngõ Cấm Chỉ (do người dân đọc nhầm Cẩm Chỉ thành Cấm Chỉ dần thành quen), quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]