Chưa có đánh giá nào
72 bài thơ
2 bình luận
Tạo ngày 09/01/2017 08:24 bởi Vanachi
Thơ trong tập Vạn kiếp tình (NXB Hội nhà văn, 2010).

 

 

 

Ảnh đại diện

Thay lời kết

Thuấn ơi

Mặc ai ân oán nợ đời
Suối vàng chưa trọn kiếp người đắng cay
Riêng mình đôi chén tỉnh say
Thơ dăm ba chữ tháng ngày thảnh thơi
Lưng trâu diều sáo thả chơi
Ngàn năm thông đứng giữa trời mà reo!

Thay một nén nhang
Nguyễn Triều

(Nguồn: Vạn kiếp tình, NXB Hội Nhà văn, 2010)

Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

“Giọt tình người gửi lại lúc sang trang...”

(Lời giới thiệu tập thơ)
https://lh6.googleusercontent.com/_DeiQHjeP8Aw/Tcaq09wg40I/AAAAAAAAADE/9M_g3l55r1A/s1600/githieu%201.jpg
Đêm đâu tiên tháng Bảy Âm lịch. Trời đất thấp thoáng một màn sương lụa, những bước chân mùa thu nhè nhẹ... Trước cửa phòng tôi là một gương mặt thơ ngang dọc vết thời gian! Lẳng lặng trao tôi một tập bản thảo, anh ngồi xuống, nghiêng chai rượu quê rót vào chén mà như không biết rót vào đâu. Như đang rót nỗi niềm vào chốn vô định những vui buồn. Bản thảo một cái tên thơ nghe quen mà đọc sao thấy lạ. Lạ mà càng đọc càng quen. Đâu đó như đời mình, đâu đó như đời người mình biết...

Đó là ấn tượng đầu tiên về tập về tập thơ đầu tiên của một người thơ đầu tiên ra mắt trong làng thơ ta - tập Vạn Kiếp Tình của Đỗ Quốc Thuấn. Thuấn cũng đã có thơ đăng báo và hình như cũng chưa có ấn tượng.

Nhưng với tập thơ đầu này của anh thì khác.

Tôi mở một trang thơ, bỗng thấy ùa ra khí lạnh:

Anh ở lại nơi mùa thu chẳng đến
Ai đã đem chôn trong huyệt đất đen ngòm
Vẽ một lá ngô đồng trên giấy
Chợt kinh hoàng bắt gặp nét môi son...

Sao lại thế nhỉ??? Người làm thơ sao lại viết những câu vận chặt vào đời như thế? Những câu thơ hay, có khả năng tiên tri rất cao, sao tác giả lại viết thế này???

Tôi nhìn sang ông bạn thơ đang ngồi lặng bên chén rượu bằng ánh mắt dò hỏi!!! “Nó đi rồi! Cũng chẳng mấy bữa nữa bốn chín ngày!” Rồi anh nửa tỉnh nửa say:

- Ông thật là... quên nó rồi sao?...

Tôi không quên, quên sao được thằng bạn ấy. Chỉ là khó hình dung những bài thơ này là của nó, cái thằng thơ báo tường thủa nào. Vậy mà giờ đây trước mắt tôi là cả một tập thơ đến ngỡ ngàng không chỉ vì cái tên, mà vì những bài thơ với cái hồn, cái thần lạ như tên gọi: Vạn Kiếp Tình!?

Bảy hai bài thơ (hắn lấy từ tích 36 thiên can, 72 địa sát) dự tính in nhân ngày Đại lễ Thăng Long nghìn năm. Đại lễ chưa đến mà người thơ đã gót hạc lánh trần. Có vội quá chăng? Hay số mệnh phải thế.

Chẳng biết sao, nhưng nhè nhẹ bước vào cõi thơ anh, ta thấy mình như đang bềnh trôi trong hư ảo của một vùng cổ tích! Cả một không gian rộng lớn và thăm thẳm mở ra trước mắt ta. Ngôn ngữ thơ anh khi thì dịu dàng thuần hậu, khi thì bồng bềnh lấp lánh... chở đạo người qua kiếp phù sinh, dường như những con chữ của người thơ ấy đang toả hương, phát sáng...

Hãy đợi anh dắt sang mùa hạ
Thăm lại miền quê tuổi cốm, hồng
Dụi mắt tưởng chừng trong hương gió
Còn cả một trời mây trổ bông.

(Bài ca mùa hạ)



Kìa, ấm trà nhỏ trong đêm còn chưa lạnh, hương trà quen đang tìm người thơ cũ, từng trang thơ cũng bồn chồn như chẳng thể quyết ra với đời cho người cũ muôn năm sống, hay theo về chốn đêm thăm thẳm cho trọn nghĩa với người xưa. Định với tay rót đầy hư không một chén, mà bóng dáng xưa mai cứ hiển hiện qua bóng chữ rưng rưng:

Đừng rót vội đêm dài còn lắm mộng
Chừng hơi sương chưa đủ lạnh quanh thềm
Chén sành nhỏ, hương thơ mùa lưu lạc...

(Còn một vị trà)



Hình như có tiếng người thơ thì thầm trong gió đêm, tiếng thơ như từ đâu đó đậu về, ngỡ gần mà xa thế, giản dị mà đầy uyển chuyển biến hoá, để những triết lý nhân sinh, những vui buồn cuộc sống đi vào thơ người ấy thanh khiết và trong trẻo!

Mình đã làm được gì đâu
Sao có gì để lại

Khuất vào mà nghe tiếng gió
Cúi đầu mà ngẫm mây trôi
Lặng im để trầm nhịp vỗ
Ngàn sau cùng với đất trời

(Tự hỏi)



Rồi nữa:

Mai sớm ngược về miền cũ
Khoả sương mát lạnh chân trần
Đồng bãi nuôi mùa thơ ấu
Chẳng ngờ nuôi cả trăm năm

(Ký ức)



Người thơ ấy “biết” lắm, chí dũng lắm, ngôn ngữ thơ khi cương, khi nhu... linh hoạt biến ảo trong từng đề tài, từng thể loại. Những câu thơ này chứa cái trí, cái dũng của một bậc quân tử thời nay, những câu thơ đang trên đường tìm về gốc Đạo! Để ngộ ra những điều tưởng như đơn giản ấy, để viết thành thơ những suy nghĩ ấy mà không lạnh lưng hay không phải nhíu mày đâu phải dễ! Chắc hẳn người thơ Đỗ Quốc Thuấn đã nổi chìm cùng đời nhiều lắm, bể dâu lắm, để hôm nay những câu thơ dài rộng, từng trải ấy mới nhẹ nhàng bay lên như khúc ru của mẹ:

Bao nhiêu thì đủ rộng dài
Càn khôn có đủ vươn vai anh hùng

(Về hội Gióng cùng em)


Ta đầy đặn những điều không thể mất
Đủ rộng dài cho suốt tháng năm xa
……………………...
Xin cạn với kiếp này một chén
Đời buồn vui, hoạ phúc cũng vô thường
……………………...
Xin cạn với tháng ngày dần vơi cạn
Xin đến trăm năm vẫn trọn vẹn đong đầy
Lòng thanh thản giữa dòng đời đen bạc
Bởi biết đủ đầy ngay buổi trắng hai tay

(Cạn với vô thường)



Vào sâu trong không gian của Vạn Kiếp Tình, ta cảm thấy chếnh choáng bởi sự chuyển động của ngôn ngữ thơ Đỗ Quốc Thuấn, câu chữ ngoan ngoãn gọi nhau về dưới ngòi bút sáng tạo của anh:

Đừng vội vàng đi cho cạn mùa đông
Trong rét mướt dấu mười hai thương nhớ
Yêu dấu ơi! Xin em đừng nhen lửa
Đốt lòng nhau đoạn cuối cuộc lưu đầy

(Ly mừng uống với Thăng Long)



Nghệ thuật bắt đầu từ sự thật! Sự chân thành của người viết và cảm xúc thật cộng với tài năng thì sẽ có những câu thơ xúc động, những bài thơ hay! Với nghiệp thơ, người ấy chia sẻ: Xin kính cẩn mỗi lần cầm cây bút/ Cầu được sự chân thành rồi hãy nói đến thơ.

Trôi trong màn sương bàng bạc của Vạn Kiếp Tình cùng những giai điệu khi réo rắt ngọt ngào, lúc trầm lắng thẳm sâu như từ cổ tích vọng về, đã có lần ta rút điện thoại để gọi cho người ấy, rồi những tiếng tút tút của “con dế thời công nghệ” làm cho ta sực tỉnh với thực tại - người thơ ấy đã đi xa rồi... Ta khe khẽ thở dài rồi nhắm mắt tư duy, lại thấy thấp thoáng một người đàn ông gương mặt mùa thu, mái tóc bồng bềnh gói trọn hơn năm mươi mùa sương gió!

Nương dâu bãi bể cả rồi
Nổi chìm còn lại một lời du ca


Những câu thơ định mệnh ấy cứ nhoi nhói lòng ta, thoang thoảng đâu đây hương trầm ngan ngát, thơ bắt đầu vào đời và người cũng từ nay ngao du chốn tiên cảnh. “Giọt mực này dành để lúc sang trang” - câu thơ như khép lại một trang đời “sống ở” và khởi đầu một kiếp khác - “thác về”!

Một kiếp chữ đó mở ra, lặng lẽ dưới trời xanh, dịu dàng toả hương trong Vạn Kiếp Tình. Người thơ ơi! Anh chắt chiu buồn vui và sự trải nghiệm của cả một đời, nhào nặn những gì mà trời đất đã cho anh để làm nên Vạn Kiếp Tình. Và tin rằng không chỉ có thế. Vạn Kiếp Tình mới chỉ là mở đầu dù sách chưa khai sinh mà người đã thiên cổ!

Mấy dòng nho nhỏ này chỉ là vài lát cắt mong manh để đồng cảm và sẻ chia với anh, với những gì anh để lại. Và những gì vĩnh viễn mang theo!

Hà Nội, 12/8/2010
Lâm Triều Cư Sỹ

15.00