☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
28 bài thơ
Đọc nhiều nhất
Thích nhất
Mới nhất
Tạo ngày 24/10/2009 22:30 bởi
karizebato, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 23/12/2009 17:32 bởi
karizebato Tựa
Kinh Thơ nguyên chữ Phạn là Dhammapada, chữ Hán gọi là Pháp Cú Kinh, là cuốn kinh đã được nhiều học giả thuộc nhiều quốc gia phiên dịch ra thứ ngôn ngữ của họ như Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Mỹ... và Việt Nam, cũng đã có những vị hoặc chú giải từ chữ Sanskrit, Pali, hoặc từ chữ Hán, Anh ra Việt ngữ. Nhưng cho tới nay, chưa có vị nào làm công việc chuyển đổi thể văn "ngữ pháp" thành thơ, như thuật giả cuốn Kinh Thơ đã thực hiện.
Kinh Thơ là những lời dạy về triết lý và luân lý do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) thuyết giảng trong suốt thời gian 45 năm hoá độ chúng sinh; sau, qua nhiều thời kỳ Kết Tập Tam Tạng (Kinh - Luật - Luận), các bậc cao đệ mới ghi chép lại thành những câu kệ, bài tụng nhằm tóm thâu toàn bộ tinh hoa giáo lý uyên áo hiện có và ở tản mác trong các kinh điển thuộc Tiểu thặng và Đại thặng.
Kinh Thơ toàn tập gồm 26 phần, 423 bài tụng là cuốn kinh thứ 7 trong số 15 cuốn thuộc Tiểu bộ (Khuddhaka nikaya), cũng gọi là Tiểu A hàm hay Tạp Tạng, nằm trong Kinh tạng đạo Phật. Trong mỗi phẩm và mỗi câu kệ, bài tụng đều diễn giải về mỗi vấn đề khác nhau, và là khuôn mẫu sống muôn thuở cho cả cõi trời, cõi người, là kim chỉ nam làm định hướng cho những ai quyết đi trên con đường dẫn đến Giác Ngộ và Giải Thoát. Do đấy, Kinh Thơ cũng được gọi là "Chư Pháp Thắng Nghĩa: Paramartha" - Sự thật của các Pháp - là như thế đó.
Tìm hiểu Kinh Thơ, trước hết, ta có cảm tưởng rằng: cái bản ngã của từng có thể như bị cuốn hút hoà tan trong một giòng suối mát của Pháp thể thanh tịnh:
Cúng dường kinh tạng thơ hoa
trải tam thế mộng một toà sắc hương
kiếp sau làm trăng làm sương
hiện chân thường giữa vô thường thế gian
Lời nguyện thiết tha chân thành và trong sáng, chứa chan tình thương yêu mênh mông như thể nhập vào thiên nhiên và chân lý. Đó, phải chăng là lời nguyện vị tha của người thực hành Bồ tát hạnh? Tiếp theo phần dẫn đầu của Kinh Thơ, thuật giả đã mở ra cho ta thấy một chân trời mới lạ:
Một thuở, nơi động hoa
sỏi ngọc ùn mây trắng
hàng hàng giải thoát tăng
trầm hùng như núi lặng
trên cội đá rêu hồng
hiền giả A Nan tụng
lời như mưa xuân mau
như chuông trầm núi thẳm...
Thật là đẹp! Trước mắt ta là cả một khung cảnh thần tiên thơ mộng: đây, nơi hang động thuở xưa đức Từ phụ đã thuyết pháp độ sinh và kia, hàng hàng lớp lớp các vị Tỳ khưu trầm hùng vây quanh Pháp hội cho đến hình ảnh ngài Ananda thành kính tụng lại từng lời vàng của đức Thế Tôn cho chúng pháp hội nghe. Ta không thể nào tưởng tượng được rằng: sự thần diệu của mỗi câu kệ, bài tụng lại có sức truyền cảm sau xa và ảnh hưởng đến cả núi non, mây gió, chim muông...
Gió bão mười phương yên
chim họp bầy múa hát
mây tấu nhạc thiên tiên
rừng trầm dâng hương ngát
Và, Pháp âm từ đó lan toả rộng cho mãi tới muôn sau, làm nở hoa cho cuộc thế tạo thành sức sống cuồn cuộn dâng lên:
Pháp kệ trổ nên hoa
hoa theo ngọn suối mát
nhuần thắm cõi ta bà
ướp trong kinh giải thoát
Giờ đây, ta thử đi sâu vào phần chính của Kinh Thơ để từ đó rút tỉa lấy những đoá hoa trong một vườn hoa, để trang điểm cho cuộc đời thêm đẹp, để giúp con người tan đi những phiền não, nỗi đau khó triền miên của kiếp sống mình và để gây tin tưởng ở một Ngày Mai Tươi Sáng! Theo lẽ nhân quả, người làm điều lành, ví như trồng cây, ắt có ngày hưởng quả:
Người xây dựng thiện nghiệp
an lạc khắp nơi nơi
như hương xông ba cõi
như hoa nở diệu vời 16
... Ý nghĩ, lời nói và hành động của ta khi đã thể hiện trọn vẹn điều lành thì trong một sát na nào đó, mặc nhiên tâm thức ta sẽ bừng sáng và lúc ấy, ta và cảnh vật là một, không còn có biên giới cách ngăn.
Giữ tâm như đuốc sáng
trau thân như gìn vàng
mọi ý là hạt ngọc
mỗi lời là hoa thơm 230
Sở dĩ được thế, đó phải là do công phu tu tập trong nhiều đời tích luỹ mà có:
Nhờ tịnh căn tu tập
mà thành chủ cõi trời
tinh tiến bước giải thoát
tự tại đoá mai tươi... 30
... Thanh tịnh không buông lung
như định, tuệ rực hồng
thiêu rụi cỏ phiền não
trăng đậu bến hư không 31
Để xây dựng một xã hội người, theo đúng nghĩa chữ nhân bản, tiến bộ, và giải thoát với điểm này. Nếu công bằng mà xét ta thấy đạo Phật quả đã xây dựng trên một lý thuyết "Nhân bản toàn diện". Con người phải làm chủ cuộc sống của chính mình. Con người muốn biết chữ thì phải học, Học là nhân, mà biết chữ là quả. Cũng thế muốn xây dựng hạnh phúc, thì con người phải tự phấn đấu để làm sáng làm lành, làm đẹp cho chính bản thân và cho cuộc sống. Ở đây ta có thể khẳng định rằng: cái tinh thần tự chủ mà Phật đã dạy cho con người quả là một yếu tính, một tảng đá khổng lồ để xây dựng nền văn hoá văn minh của loài người, Nếu, mỗi người tự biết đặt trách nhiệm mình trước quyền uy của chính mình.
Chẳng nhờ tay cứu độ
tâm niệm giữ đường lành
bè mây qua bến ngộ
nào thấy sóng trùng xanh 43
Ở một khía cạnh khác, về phương diện xử thế, đạo Phật khuyên ta không nên ngó lỗi người, mà tự xét lại cuộc sống của mình. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cũng đừng oán trách ở người, ở trời vì mọi việc đã do ta quyết định như thế nào thì kết quả cũng sẽ lại y như thế:
Ngó chi lỗi người ta
như tìm mây núi trước
lòng ngẫm việc mình thôi
hoa giữa trời tuyết buốt... 50
Hương kỳ hoa dị thảo
ngược gió nào đơm hương
đức hạnh người chân thật
tự đưa khắp mười phương 54
Sự đọc, tụng kinh cũng ví như người gieo hạt lúa, càng chịu khó vun bón thì cây lúa càng thêm xanh tốt, và kết quả là bông trái xum xuê. Tuy nhiên, có điều ta cần phải biết lựa chọn thứ nào để ươm mầm hoà hợp với thuỷ thổ, thời tiết bốn mùa để khỏi uổng công cày bừa, trồng cấy. Cũng như thế, dù một người suốt đời có đọc tụng "thiên kinh vạn quyển" mà lòng không hoàn toàn trút bỏ được ba độc (tham, sân, si), thử hỏi có ích gì? Ngược lại dù người kia rất ít đọc, tụng kinh nhưng cả cuộc đời họ đã sống đúng như lời Phật dạy, thì sự phúc lợi đâu phải nhỏ!
Tụng ngàn câu vô nghĩa
nào hơn niệm một giòng
pháp vị đượm hương ngát
tâm hiện mạch nguồn trong 100
Và một khi tâm thức ta đã thể nghiệm chính pháp, sống với chính pháp và vì chính pháp, thì cá thể ta lúc ấy đã hoá một với toàn thể vũ trụ vạn hữu:
Trời mang mang pháp vị
cõi đất ngát hoa từ...
... Người phụng thờ chính pháp
ba nghiệp như hương hoa
trí lự như nhật nguyệt
biện biệt xảo ngay, tà 256
Tuy nhiên, muốn thể nhập chính pháp, thì ngay từ bây giờ, điều căn bản là, mọi người cần phải thuộc nằm lòng và thực thi những lời dạy vàng ngọc sau đây:
Không làm các việc ác
Gắng làm mọi hạnh lành
Giữ tâm ý trong sáng
Ấy lời chư Phật dạy
Đó là bức thông điệp muôn thuở mà đức Phật đã truyền đạt cho con người trong cõi đời này.
Nói tóm, Kinh Thơ cũng như tất cả kinh điển đạo Phật đều có chung một mục đích, là dạy cho con người nhận chân được cuộc sống để sống đúng với nghĩa sống cao đẹp, là phương thuốc thần diệu để điều trị mọi tâm bệnh, căn bệnh đau khổ của chúng sinh đưa muôn loài đến an lạc, tự tại và giải thoát.
Kinh Thơ là cuốn kinh lần đầu tiên được thi hoá ra Việt ngữ, đó là công lao của thuật giả đã đóng góp phần tinh anh của mình vào kho tàng văn hoá dân tộc nói riêng và văn hoá nhân loại nói chung.
Tôi cầu chúc thầy Phạm Thiên Thư thành công trên lĩnh vực này
Nay tựa
Viết tại chùa Giác Minh
Phật lịch 2515, dl 1971
Thượng toạ Thích Đức Nhuận
Nguồn:
- Suối nguồn vi diệu của Phạm Thiên Thư, Văn chương - Saigon xuất bản, 1973
- Kinh Thơ - Suối nguồn vi diệu - thi hoá tư tưởng Kinh Pháp Cú Dhammapada của Phạm Thiên Thư, Nxb Văn nghệ liên kết Nhà sách Cảo thơm tái bản, in 1.000 cuốn khổ 12,5x20,5cm tại Công ty in FAHASA, TPHCM, GPXB số 15/1359/XB-QLXB ngày 18/08/2005, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1-2006
Cúng dường kinh tạng thơ hoa
Trải tam thế mộng một toà sắc hương
Kiếp sau làm trăng làm sương
Hiện chân thường giữa vô thường thế gian
(Phạm Thiên Thư)
Tựa
Kinh Thơ nguyên chữ Phạn là Dhammapada, chữ Hán gọi là Pháp Cú Kinh, là cuốn kinh đã được nhiều học giả thuộc nhiều quốc gia phiên dịch ra thứ ngôn ngữ của họ như Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Mỹ... và Việt Nam, cũng đã có những vị hoặc chú giải từ chữ Sanskrit, Pali, hoặc từ chữ Hán, Anh ra Việt ngữ. Nhưng cho tới nay, chưa có vị nào làm công việc chuyển đổi thể văn "ngữ pháp" thành thơ, như thuật giả cuốn Kinh Thơ đã thực hiện.
Kinh Thơ là những lời dạy về triết lý và luân lý do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) thuyết giảng trong suốt thời gian 45 năm hoá độ chúng sinh; sau, qua nhiều thời kỳ Kết Tập Tam Tạng (Kinh - Luật - Luận), các bậc cao đệ mới ghi chép lại thành những câu kệ, bài tụng nhằm tóm thâu toàn bộ tinh hoa giáo lý uyên áo hiện có và ở tản mác…