Dưới đây là các bài dịch của Thuỳ Dương. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 2 trang (17 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Trúc Cơ (Trương Vĩnh Mai): Bản dịch của Lê Sơn Hinh, Thuỳ Dương

Gió mưa vật vã rừng dừa
Miền Nam giết giặc trả thù, lập công
Theo đoàn chiến sĩ tháng năm
Trúc Cơ, cô gái siêng năng, dạn dày

Người ta gọi cô là “kỵ sĩ”
“kỵ sĩ” mà có cưỡi ngựa đâu
Cưỡi voi len lỏi rừng sâu
Đạn, lương vận chuyển góp vào chiến công

Con voi nhỏ A Si hùng dũng
gắng sức mang pháo đạn trên lưng
Trúc Cơ nhìn lửa tiền phương
Cất cao tiếng hát núi rừng vọng xa

Hát rằng: “Voi nhỏ của ta
Ra đi lòng nặng hận thù bấy lâu
Nhà ta giặc đốt còn đâu
Máu dân ta đã ngập sâu ruộng đồng!

Giặc thui cháy cô dì trước ngõ
Giặc phanh thây cha chú sau làng
Giặc phun thuốc độc dã man
Giết em nhỏ chửa đầy năm chào đời!”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cái chết của hai mẹ con (Tang Khắc Gia): Bản dịch của Lê Sơn Hinh, Thuỳ Dương

“Mẹ ơi, mẹ cứu lấy con
Tròng dây chặt quá, lửa lan đến rồi!”
Tiếng con nhỏ thét rụng rời
Nhưng dây trói cũng thít người mẹ đây!

“Cứu con với, mẹ yêu ơi!”
Chết rồi, tiếng trẻ đất trời động rung
Mẹ con hơi thở cũng ngừng
Thù này hãy khắc cốt xương muôn đời!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hai mẹ con (Tang Khắc Gia): Bản dịch của Lê Sơn Hinh, Thuỳ Dương

Ngày ngày mẹ đi tập luyện
Con thơ theo chân đứng xem
Đêm mẹ đi hạ đồn giặc
Trở về, con mẹ reo mừng
Dưới đèn, chăm chăm nhìn mẹ
Con mê mải chuyện hạ đồn
Ước sao một đêm vụt lớn
Súng này mẹ sẽ trao con!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Mẹ già (Tang Khắc Gia): Bản dịch của Lê Sơn Hinh, Thuỳ Dương

Tóc bạc trắng, mắt mù loà
Nhưng lòng ao ước mẹ già gặp con
Hỡi người con giải phóng quân
Bao la lòng mẹ, gậy lần tìm con

Mắt loà tay mẹ gầy xương
Sờ từng khuôn mặt bầy con trở về
Lòng còn phấp phỏng nghi ngờ
Mẹ sờ tay, nắn vai, đo thân hình

“Tám Việt Cộng không gãy cành đu đủ!”
Giặc sợ con, chúng bịa chuyện ra
Gặp con, bừng sáng lòng già
Đôi chân mẹ bước ra về hân hoan

Nhìn theo chiến sĩ rưng rưng
Khuất dần bóng mẹ muôn từng vọi cao
Căm thù giặc, hận dâng trào
Lệ con - lời nguyện thề nào nặng hơn


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Chú gấu Misa và chiếc ống điếu (Sergei Mikhalkov): Bản dịch của Nguyễn Việt Cường, Trịnh Thuỳ Dương

CÁC VAI

Bác Gác Rừng
Vợ Bác Gác Rừng
Gấu Mi-sa
Cáo
Sói
Gõ Kiến

Một hôm, Bác Gác Rừng đánh rơi chiếc ống điếu, túi thuốc lá và chiếc bật lửa ở trong rừng. Gấu Mi-sa đã nhặt được những thứ đó. Và thế là câu chuyện bắt đầu!
Gấu ta tập hút ống điếu rồi nghiện ngập đến nỗi khi thuốc lá của Bác Gác Rừng vừa hết, thì Gấu liền quyết định thu nhặt lá khô dùng thay cho thuốc lá
Ngày trước, Gấu dậy sớm từ lúc trời mới rạng đông. chú ta thường nhào lăn trên thảm cỏ, rồi nhảy ào xuống suối để bơi và kiếm cá. Sau đó chú thường đi kiếm những vạt cây mâm xôi hoặc đi tìm những cây có bọng ong rừng. Nhưng giờ đây, buổi sáng, vừa mở mắt dậy là chú ta đã nhét đầy lá khô vào ống điếu, ngậm chặt giữa hai hàm răng, châm lửa và nằm ngả lưng dưới một lùm cây rồi phả những vòng khói thuốc suốt cả ngày
Một thời gian sau, Gấu bắt đầu cảm thấy ốm yếu
Một hôm, Gấu đang đi lang thang thì gặp Cáo ở mép rừng. Cáo ngắm nhìn Gấu và kinh ngạc há hốc miệng

CÁO (giọng kinh ngạc):
- Ôi chà, chào bạn Mi-sa!
Làm sao bạn đến nỗi ra thế này?
Tấm thân bạn gầy như ống sậy
Suốt mùa hè đằng ấy ở đâu?
Thiếu ăn? Hay lại ốm đau?

GẤU (giọng yếu ớt):
- Tôi không rõ, nhưng tôi thấy lạnh
Cảm trong mình có cảnh dị thường
Tôi đau hết các khớp xương
Bữa ăn chẳng thiết chẳng vương chút gì
Không biết ngon từ khi Xuân lại
Lên giường nằm, trời hãy sáng trưng
Cả đêm trằn trọc không ngừng
Suốt ngày ho, thở, tưởng chừng nhai rơm
Tim loạn nhịp, chân nhơm nhớp ướt...

CÁO:
- Ồ, số một chính là Gõ Kiến
Bạn phải nên tìm đến đó ngay
Khắp tất cả cánh rừng này
Chỉ bác ta mới rõ ngay cần gì
Tốt cho bạn đó - đến đi!

GẤU:
- Tôi sẽ đợi chừng thêm tuần nữa
Thấy còn đau tôi hứa đến ngay!

Một tuần lễ trôi qua và rồi lại một tuần nữa, Gấu cảm thấy còn ốm yếu hơn trước. Nó đang đi bên hẻm núi thì gặp Sói. Sói nhìn Gấu rồi huýt gió gọi

SÓI (giọng kinh ngạc):
- Chào Mi-sa, bác bạn già!
Làm sao bạn có thể ra nhường này?
Trở nên đống xương gầy khủng khiếp
Ở nơi đâu? Hay cũng không nhà?
Làm sao thế, bác Mi-sa?

GẤU (giọng thảm thiết):
- Tôi chẳng rõ nào!

SÓI:
- Bác bệnh hay sao?

GẤU:
- Có lẽ vậy và tôi thấy lạnh
Cảm trong mình có cảnh dị thường
Tôi đau hết các khớp xương
Bữa ăn chẳng thiết chẳng vương chút gì
Không biết ngon từ khi Xuân lại
Lên giường nằm, trời hãy sáng trưng
Cả đêm trằn trọc không ngừng
Suốt ngày ho, thở, tưởng chừng nhai rơm
Tim loạn nhịp, chân nhơm nhớp ướt
Chắc rằng tôi đến bước cùng đời!

SÓI:
- Sẽ vậy thôi, nhất định rồi!
Nếu chẳng kịp thời đến Gõ Kiến ngay
Khắp tất cả cánh rừng này
Chỉ bác ta mới rõ ngay cần gì
Tôi xin khuyên bạn: đến đi!

GẤU:
- Nhất định sáng mai tôi sẽ đến!

SÓI:
- Bác liệu chừng có kiếm được nhà?

GẤU:
- Tất nhiên chứ! Sẽ tìm ra!

Gấu tìm được cây thông già có tổ của Gõ Kiến. Gấu bước tới cây thông và nhìn lên

GẤU (giọng thảm thương):
- Bác Gõ Kiến! Bạn già thương nhớ!
Hãy ra và giúp đỡ một tay!

GÕ KIẾN:
- Ồ, Mi-sa đó à? Chào bạn!
Chuyện ra sao? Mà dáng ốm đau?

GẤU (giọng yếu ớt):
- Đúng vậy đó vì tôi thấy lạnh
Cảm trong mình có cảnh dị thường
Tôi đau hết các khớp xương
Bữa ăn chẳng thiết, chẳng vương chút gì
Không biết ngon từ khi Xuân lại
Lên giường nằm, trời hãy sáng trưng
Cả đêm trằn trọc không ngừng
Suốt ngày ho, thở, tưởng chừng nhai rơm
Tim loạn nhịp, chân nhơm nhớp ướt...

GÕ KIẾN:
- Thôi, dám chắc thế này ắt phải
Hút liên miên, rít mãi khói vào?

GẤU:
- Đúng rồi! Biết tính làm sao?
Hãy khuyên bảo ít lời nào, bạn ơi!

GÕ KIẾN (giọng nghiêm khắc):
- Bởi khói thuốc kinh niên ấy đấy!
Thôi lại đây, ngồi xuống nơi đây!
Áp lưng vô với tai này
Nào đâu phải chuyện chơi hay giỡn đùa
Khi phải nghe tim cho họ Gấu?
- Đừng hắt hơi! Nào cậu nín hơi!
Tôi nghe rõ cậu thở rồi
Cậu là gấu bệnh, thế thôi, rõ rành!

GẤU (giọng sợ hãi):
- Hết phương chữa? Đời đành là tận?
     
GÕ KIẾN (giọng nghiêm khắc):
- Phổi anh đầy muội lẫn bụi than
Khói kia khiến tấm thân tàn
Cai ngay thuốc! - Cách thoát nàn cho anh
Liệu chừng muốn khỏi cho nhanh!

GẤU (giọng lo buồn):
- Quẳng ống điếu? Quẳng luôn bật lửa?
Túi lá khô này nữa? Ngon sao!
Chịu thôi, chẳng thể được nào
Dẫu là dũng sĩ...

GÕ KIẾN (giọng nghiêm khắc):
- Thế sao? Không à?
Không  nghe tôi, hẳn là sẽ chết
Ngay trên giường, thuốc giết đời anh!

Gấu cám ơn Gõ Kiến đã khuyên bảo mình rồi lật đật lê bước về hang. Cuối cùng rồi Gấu ta cũng tới nơi. nó liền ngồi xuống một gốc cây cụt và lấy ống điếu ra, nhồi đầy lá khô vào. Đúng khi Gấu định châm lửa thì nó nhớ lời cảnh cáo của Gõ Kiến. Gấu ráng sức ném ống điếu ra khe núi.
Ngày hôm đó, Gấu không hút thuốc. Ngày tiếp theo cũng không. Nhưng đến ngày thứ ba thì nó không thể nhịn được nữa và Gấu trèo xuống khe núi tìm cái ống điếu. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng Gấu thấy lại cái ống điếu. Chú ta nhặt ống điếu lên, chùi vô bộ lông, rồi nhồi lấy lá khô, ngậm chặt ống điếu giữa hai hàm răng, châm lửa và bắt đầu phun khói. Đúng lúc Gấu vừa thả ra vòng khói thuốc đầu tiên thì chú ta nghe tiếng Gõ Kiến đang gõ ở cây thông già bên kia khe núi. “Chát! Chát! Chát! Chát!, chát, chát, chát!”
Nhớ tới những lời cảnh cáo của Gõ Kiến, Gấu lôi ống điếu ra khỏi miệng và ráng sức liệng nó ra xa hơn, vô khe núi.
Ngày hôm đó Gấu không hút thuốc. Ngày hôm sau cũng thế, và cả ngày thứ ba nữa. Nhưng đến ngày thứ tư, nó không thể nhịn được nữa, và Gấu trèo xuống khe núi để tìm cái ống điếu. Chú ta phải chật vật lắm mới tìm được. Cuối cùng, lúc chú ta bò ra khỏi khe núi thì mình dính đầy gai. Gấu ngồi xuống một gốc cây cụt, chùi chiếc ống điếu vô bộ lông rồi nhồi đầy lá khô và châm lửa.
Gấu ngồi đó hút thuốc, vừa dỏng tai lên lắng nghe coi chừng Gõ Kiến có thể ở đâu đây
Suốt cả mùa thu ấy, Gấu ta đã cố cai thuốc, nhưng cuối cùng vẫn không tự kiềm chế nổi
Rồi mùa đông tới. Một hôm, Bác Gác Rừng đi vô rừng để kiếm củi sưởi. Bác đưa theo con chó Phơ-rít-ki. Bác Gác Rừng còn vướng con ngựa và cỗ xe trượt, nhưng Phơ-rít-ki thì tha hồ chạy đó chạy đây, lần theo hàng trăm vết chân thỏ. Đột nhiên chó Phơ-rít-ki bắt đầu sủa. Chú chó ta đã tìm thấy thứ gì đây! Bác Gác Rừng ghìm cương ngựa, trèo ra khỏi cỗ xe trượt, mang bàn trượt tuyết vô và lần theo tiếng sủa của con Phơ-rít-ki. Bác xuyên qua những lùm cây, đến một khoảng trống. Một cây linh sam cổ thụ bị bão quật đổ, nằm lên trên mặt đất, đám rễ của nó chĩa cả lên trời. Ngay kế đám rễ cây là một đụn tuyết lớn. Đó là một hang gấu. Một làn khói xanh đang cuộn lên từ hang đó. Đó chính là cái đang làm cho Phơ-rít-ki sủa đấy!
Bác Gác Rừng hết sức ngạc nhiên. Trước nay bác chưa hề trông thấy khói cuộn lên từ một hang gấu như thế!
Bác Gác Rừng đã lôi Mi-sa ra khỏi hang của nó. Bác ta chẳng cần đến cả dây thừng để trói Gấu lại. Bởi vì gấu ta quá ốm yếu do hút thuốc. Nó chẳng còn đứng vững nổi trên bốn chân của nó nữa. Mắt Gấu ướt nhèm vì khói. Lông của Gấu bị bết lại. Nhưng ống điếu thì vẫn được cắn chặt giữa hai hàm răng!
Bác Gác Rừng nhận ra được chiếc ống điếu đó của bác. Bác lôi chiếc ống điếu ra khỏi miệng Mi-sa. Bác nhìn vô hang Gấu liền thấy chiếc bật lửa và túi đựng thuốc. Bác Gác Rừng đã yên trí là chẳng bao giờ còn hy vọng thấy lại được mấy thứ đó!
Bác cất tất cả vô túi, rồi kéo Gấu đặt vô xe trượt, đoạn quay về nhà
Trông thấy Bác Gác Rừng, vợ bác chạy vội ra đón

VỢ BÁC GÁC RỪNG (quýnh lên vì tò mò):
- Ồ, mình kiếm được gì đây?

BÁC GÁC RỪNG:
- Thấy không? Thực chú gấu này sống nguyên!

VỢ BÁC GÁC RỪNG:
- Nó không cắn?...

BÁC GÁC RỪNG:
- Lại chuyện hút tẩu!

VỢ BÁC GÁC RỪNG (giọng sợ hãi):
- Ta cần gì đến gấu, mình ơi?

BÁC GÁC RỪNG:
- Sợ gì mai chở đi thôi
Bán cho đoàn xiếc họ nuôi đấy mà!

Bác Gác Rừng đem Gấu
Ra đoàn xiếc tỉnh nhà
Có anh hề đoàn xiếc
Đến coi chú Mi-sa
Và rất ưng chú ta
Chú gấu Mi-sa ấy!
- Sao nó đẹp đến vậy
Thật là hết chỗ chê!

Các em nhỏ rất mê
Tiết mục diễn nhà nghề
Chú gấu nâu lông rậm
Nhưng mỗi khi một đám
Khói thuốc lá bay qua
Đủ làm cho chú ta
Đứng vươn lên giận dữ!

Đó là Gấu Mi-sa
Chú giận dữ gào la
Khi ngửi mùi khói thuốc
Chú không hút nữa mà!

“XIN MIỄN HÚT THUỐC LÁ!”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thân chinh Thái Nguyên châu (Lê Thái Tổ): Bản dịch của Phạm Thị Thuỳ Dương

Chẳng nề vạn dặm quyết ra quân
Muốn tới biên cương cứu sống dân
Trời đất há dung quân phản tặc
Xưa nay ai xá tội gian thần
Trung lương ắt được ban nhiều phúc
Phản nghịch khó mà giữ tấm thân
Đá mài chẳng quên tiết thần tử
Tiếng cùng núi ấy mãi muôn năm


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Kinaxixi (Agostinho Neto): Bản dịch của Thuỳ Dương

Tôi ưa ngồi
trên chiếc ghế của tôi
ở Kinaxixi, chiều chiều
Khoảng sáu giờ tan việc
khi khắp nơi cái nóng còn lẩn quất
ngồi lặng im
ngắm nhìn

Và hy vọng
có một người nào đó
đi đến ghế
cùng ngồi xuống bên tôi

Người lặng im
ngắm nhìn
những gương mặt đen xạm
của những con người đi ngang trước mặt tôi

chậm rãi
dưới lòng đường vào núi
chuyện trò với nhau
bằng tiếng nói thân yêu
tiếng Kimbundu mẹ đẻ

Ngắm nhìn những người nô lệ
sống trên đất nước nô lệ khổ đau
những người đi tìm kiếm tình thương yêu
tìm kiếm vận may, tìm kiếm đời quên lãng
trong những cốc rượu pôila mát họng

Nhưng trong bụi lốc men say
trên bờ bên kia của nghĩa lý
không bao giờ họ có thể
tìm thấy cả niềm vui
cả niềm căm giận
cả sự tởm lợn
đối với xích xiềng

Sau lúc mặt trời lặn
khi nhà nhà lên đèn
tôi bỏ đi thư thả
và bỏ đi, thầm nghĩ trong lòng
rằng cuộc đời giản đơn này chỉ hợp
những kẻ yếu tâm hồn
những kẻ đã mỏi mệt
Và còn nghĩ thầm
Rằng thời gian
Chỉ có đi lên phía trước


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đừng đòi hỏi nơi anh những nụ cười (Agostinho Neto): Bản dịch của Thuỳ Dương

Xin em chớ giục giã
đến lúc đâu nghĩ tới chuyện vinh quang
anh còn đang đau vì những vết thương
anh đang mang sau bao nhiêu trận chiến

Đến lúc đâu nghĩ tới chuyện vinh quang
Đối với cả nhân loại
Anh chỉ là người lính vô danh

Chuyện vinh quang - chuyện của hàng tướng lĩnh

Phận của anh
là tất cả những gì đang xảy đến với anh
là tất cả những gì anh từng trải
Nụ cười anh
là tất cả nước mắt anh đã chảy

Không nụ cười không vinh quang
Trên mặt chỉ một điều khắc khổ
anh đã cùng nó đi mở đường
anh cùng nó đi tiếp
trên đá dăm nhọn sắc
con đường gian nan

Trên mặt chỉ buồn đau và khắc khổ
biết bao nhiêu những lực phí hoài
những nỗ lực của những người cứng đầu mệt mỏi
mệt mỏi lúc về chiều
sau những nỗ lực ngày ngày muôn thuở

Anh không quàng những vòng nguyệt quế
và anh cũng đâu có tên
trong hàng các bậc vĩ nhân

Anh vẫn đang đi tìm bản thân mình ở trong cuộc sống
và cánh rừng đã bị xâm chiếm
che giấu các con đường
những con đường mà anh phải mở

Anh có bổn phận phải tìm ra những con đường đó
mở lối đi và theo những con đường đó bước đi
Dù thế nào chăng nữa

Và bấy giờ
trong hàng tên tuổi mới
em sẽ thấy mặt anh
quàng vòng hoa
bằng những tàu lá cọ xanh
và sẽ thấy nụ cười
mà em đòi hỏi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Những người phu (Agostinho Neto): Bản dịch của Thuỳ Dương

Chuỗi dài người nối người
Mà con đường
không cùng không tận

Trên lưng những con người
Những bao hàng chất nặng

Những ánh mặt trời
Những cánh tay khoẻ mạnh
Những trái tim kinh hoảng

Những con người bước đi
Đi mãi từ nơi xa
Những tấm lưng mồ hôi ướt đẫm
Mệt mỏi rã rời

Những cái cười sâu xa bí ẩn
Mỗi cái cười
Dường như thể một dòng sông thăm thẳm

Máu trên lòng bàn tay
Và trên những bả vai

Đâu rồi
Bếp nhà thân thuộc?
Những con người quen còng lưng cúi xuống
Biết chịu đựng
Việc làm của họ không cùng
Chỉ còn lại một điều - ca hát!

Bài hát không đầu không cuối
Bài hát không tận không cùng
Như sự lặng im!

Con đường của họ không cùng
Việc làm của họ khó nhọc
Nhưng mà họ ca hát!

Bài hát của những tủi hờn và thống khổ
Lay động cả trời xanh!

Con đường của họ không cùng
Việc làm của họ khó nhọc
Nhưng mà họ ca hát!

Bài hát của đau đớn
Bài hát của đất lành
Lặng đi ở xa xăm!

Con đường của họ không cùng
Việc làm của họ khó nhọc
Nhưng mà họ ca hát!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Khu người da đen (Agostinho Neto): Bản dịch của Thuỳ Dương

Đột nhiên người sa cạm bẫy
Ở đây, ở góc phố này
Chúng bắt những con người

Đột nhiên tan đám nhảy
Những gương mặt đanh lại
Lẩn vào bóng tối, lẩn vào đêm

Chúng bắt ai? Vì sao thế?
Nào biết vì sao
Nhưng rồi mọi chuyện đều sẽ tỏ

Và lặng yên vắng vẻ
Và những người đàn bà khóc nức nở nhìn theo
Không một lời nào

Những trái tim thất bại
Bởi những phân vân, u sầu, sợ hãi

Từ những phố xá đằng xa
Nơi ánh điện tràn về
dội đến những chuỗi cười sặc sụa

Ở đó - chúng cợt đùa và dối trá
Nơi đây - lặng lẽ, tối tăm

Một đêm bình thường
Sambizanga
Khu người da đen!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 2 trang (17 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối