Dưới đây là các bài dịch của Lê Đình Nhất-Lang. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Câu chuyện thời Khủng Hoảng (Claudia Emerson): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Khi thì mùa thay đổi trong lần kể,
khi thì tiểu bang, nhưng luôn luôn là trong

thời Khủng Hoảng, và ông một mình trong toa hàng,
xe lửa chết máy dừng dưới bầu trời rộng hơn

bất cứ trời nào ông từng thấy tới lúc đó, đồng cỏ
rộng hơn bầu trời. Ông tò mò

muốn xem mọi sự ở nơi khác có tệ như
ở nhà hay không. Tệ bằng — và tệ hơn,

ông nói, có những chỗ không cây cối, không nước.
Ông chưa ăn gì nguyên ngày, nguyên tuần, cơn đói

hằn sâu, nhân đôi, lấp lánh như cặp đường ray. Một căn
nhà lẻ loi bẻ gãy chân trời sắc nét, xe lửa mơ màng

dưới chân ông, ông bèn leo xuống, đi ra,
cỏ rẽ hai bên tới gối. Mấy cái cửa sổ

để mở, không màn, và cánh cửa lưới,
không cài then, chạm vào mở luôn ra, khi ông gõ.

Ông có thể thấy xuyên suốt tới nhà bếp —
và ông nghe mùi trước khi ông trông thấy cái nắp

đậy cái nồi trên lò, hơi nước thoát ra. Quần áo đàn bà
nhúc nhích trên dây là tất cả sự trả lời, mấy tấm vải,

một áo lót, một áo đầm, giặt mỏng, sờn tới trong mờ;
qua nó ông thấy được cái ông tưởng là những cánh đồng

hoa hồng cho tới khi một con quạ bay ra cùng ngọn gió —
đường may vụt thoáng, đột ngột. Lúc trở lại xe lửa,

ông đoán xem mình đã ăn được gì — cả
một nồi — một con gà mái, chắc cũng già và thôi

đẻ rồi, ông nghĩ bụng, chứ đời nào nàng giết nó.
Xe lửa bắt đầu di chuyển rồi, nhà nàng rớt

xa khỏi ông. Câu chuyện chấm dứt bằng món thịt
không chín lắm, nhưng, ta tin ông, ông ăn

tất, trắng và thâm, lưng, ức, chân, và đùi,
vương vãi xương còn ấm đàng sau hàng bao dặm.

Ảnh đại diện

Khoảng thở tháng bảy (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Người đàn ông nằm ngửa dưới những đại thụ
hắn cũng ở trên cây. Hắn phân ra thành hàng ngàn nhánh nhỏ.
Hắn lắc lư qua lại,
hắn ngồi trên chiếc ghế giàn phóng ầm ầm đi tới trong cảnh quay chậm.

Người đàn ông đứng dưới ụ tàu vít cặp mắt mình vào mặt nước.
Ụ tàu già nhanh hơn người ta.
Chúng có những cây cột xám bạc và đá cuội trong ruột chúng.
Ánh sáng loá mắt đâm thẳng vào.

Người đàn ông nằm nguyên ngày trên một con thuyền không mui
đang đi qua những bờ vịnh phát sáng
cuối cùng sẽ ngủ thiếp đi bên trong cái chụp đèn xanh của hắn
khi những hải đảo bò như loài bướm đêm khổng lồ trên mặt địa cầu.

Ảnh đại diện

Nhạc chậm (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Toà nhà không mở cửa hôm nay. Nắng chen vào qua những khung cửa sổ
và làm ấm mặt trên của cái bàn giấy
đủ mạnh để mang số mạng của những kẻ khác.

Hôm nay chúng tôi ở ngoài trời, trên triền dốc dài rộng.
Vài người mặc đồ sậm. Nếu bạn đứng trong nắng, và nhắm mắt lại,
bạn cảm thấy như bạn đang được thổi về phía trước.

Tôi rất ít khi xuống tới biển. Nhưng lúc này tôi đã tới,
giữa những tảng đá cỡ lớn với những tấm lưng êm ả.
Những tảng đá đã đi lùi dần ra khỏi biển.

Ảnh đại diện

Dáng thẫm đang bơi (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Một bức hoạ Thời Đồ Đá
trên một tảng đá Sahara:
một hình dáng mờ nhạt bơi
trên một dòng sông nguyên sơ cổ đại.

Không có vũ khí, không một kế hoạch,
không nghỉ ngơi mà cũng không vội vã,
người bơi tách ra khỏi cái bóng của hắn
đang tuột lại dọc theo đáy sông.

Hắn đã chiến đấu để vượt thoát
khỏi hàng triệu chiếc lá đang ngủ,
để tới được bờ bên kia
và nhập lại vào cái bóng của hắn.

Ảnh đại diện

Một đêm đông (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Cơn bão đặt môi nó vào căn nhà
    và thổi để làm một tiếng động.
Tôi ngủ không yên, trở mình, với mắt
    nhắm đọc cuốn sách của cơn bão.

Nhưng mắt đứa trẻ mở lớn trong bóng tối
    và cơn bão khóc thút thít cho đứa trẻ.
Cả hai thích xem bóng đèn đong đưa.
    Cả hai đang ở nửa đường đi tới tiếng nói.

Những cơn bão có tay như trẻ em và có cánh.
    Đoàn xe vùng chạy về phía Lapland
và căn nhà cảm nhận được những chùm đinh
    giữ những bức tường của nó lại với nhau.

Đêm yên tĩnh bên trên tầng của chúng tôi
    (nơi mọi bước chân đã chết đi
đang nằm như những chiếc lá chìm trong ao
    nhưng bên ngoài thì đêm dữ dội!)

Một cơn bão nghiêm trọng hơn đang qua trên tất cả chúng ta.
    Nó đặt môi vào linh hồn ta
và thổi để làm một tiếng động. Ta sợ
    cơn bão sẽ thổi bay hết mọi thứ trong ta.

Ảnh đại diện

Cái cây và bầu trời (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Cái cây bước quanh trong cơn mưa
đi qua chúng ta trong màu xám ướt át.
Nó có một việc phải làm. Nó nhặt sự sống ra khỏi cơn mưa
như một con sáo trong vườn anh đào.

Khi mưa vừa dứt, cái cây cũng ngừng.
Nó chỉ đứng đó, không động đậy trong những đêm quang đãng,
chờ y như chúng ta chờ tới cái thời điểm đó
khi những bông tuyết tự quăng mình ra không gian.

Ảnh đại diện

Gọi về nhà (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Một cú điện thoại chảy tràn vào đêm, và nó lấp loáng đây đó
    trên những cánh đồng, và ở những vùng ngoại thành.

Sau đó tôi ngủ không yên trên giường khách sạn.

Tôi giống cây kim địa bàn người chạy định hướng mang theo
    khi anh chạy với quả tim đập mạnh.

Ảnh đại diện

Ba đoạn (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

I.
Hiệp sĩ và giai nhân
hoá đá nhưng hạnh phúc
trên một cái nắp mả đang bay
bên ngoài thời gian.

II.
Jesus giơ lên đồng tiền
có hình nghiêng Tiberius.
Một hình nghiêng không tình yêu—
quyền lực tái chế biến.

III.
Một thanh gươm ướt
chùi đi mọi ký ức.
Trên cánh đồng kèn trompet
và dây đeo gươm đang rỉ.

Ảnh đại diện

Hai thành phố (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Có một dải nước, mỗi bên một thành phố—
một trong hai hoàn toàn tối, nơi kẻ thù sống.
Đèn đang sáng trong thành phố kia.
Bờ sáng thôi miên bờ tối.

Tôi bơi ra trong một cơn mê
trên mặt nước đen lấp lánh.
Một tiếng kèn tu ba đều đặn dâng lên.
Giọng một người bạn: “Xách cái mả anh lên rồi đi đi.”

Ảnh đại diện

Những vòm Romanesque (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang

Du khách kéo vào đông nghẹt trong cái nhá nhem của ngôi
    nhà thờ Âu Châu cổ khổng lồ.
Vòm này mở ra sau vòm nọ và không viễn cảnh.
Vài ngọn lửa nến lung linh.
Một thiên thần tôi không thể thấy mặt ôm lấy tôi
và lời thì thầm của ông xuyên khắp thân tôi:
“Đừng xấu hổ khi làm một con người, hãy hãnh diện!
Ở trong ngươi vòm này tiếp theo vòm khác mở ra không hết.
Ngươi không bao giờ hoàn tất, và như vậy mới phải cách.”
Nước mắt làm tôi mù
khi cả bầy chúng tôi được dẫn ra tới quảng trường nắng chói chang,
cùng với Mr. và Mrs. Jones, Herr Tanaka và Signora Sabatini;
trong mỗi người họ vòm tiếp theo vòm mở ra không hết.

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối