Dưới đây là các bài dịch của Hữu Thế. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Chó sói và chó nhà (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con Sói nghe mình kiệt sức,
Ốm tong teo, khí lực kém suy,
Đói khát, tình trạng hiểm nguy,
Ít khi tìm được thức gì để ăn!

Nó bạo gan đến gần biệt thự,
Để kiếm chác, gặp trự Chó nhà,
Oai vệ, mập mạp, nõn nà,
Sói thấy khiếp sợ, khó mà tranh đua.

Biết thua trước, Sói bèn đổi giọng,
Đến kề bên, trân trọng chào mừng:
“Khen anh cường-tráng, thanh xuân,
Sức khoẻ phong phú, trông chừng bắt ham!”

Chó vui vẻ ân cần đáp lễ,
“Phong độ ấy rất dễ tạo ra,
Chỉ cần ngoan ngoãn, hiền hoà,
Chủ nhà thương mế, thế là ấm no.

Tuỳ nơi anh, muốn cho sung sướng,
Giống như tôi, thụ hưởng mọi bề,
Hãy lìa rừng thẳm, sơn khê,
Sống cạnh thành thị, hướng về văn-minh.”

Tôi thương hại những loài sơn dã,
Sống quạnh hiu, vất vã kiếm ăn.
Suốt ngày mãi chạy lăng xăng,
Nhưng vẫn chịu đói, khó khăn đủ điều.

Sánh với tôi, thức ăn dư giả,
Sống đế vương, đủ cả thuốc men.
Bổ gân, bổ cốt, lắm pen
Bệnh có bác sĩ, vì quen sang giàu.”

Sói nghe qua, lòng mừng khấp khởi,
Quyết từ đây đổi mới, lên hương.
Tạ ơn Chó đã chỉ đường,
Vứt bỏ đói khó, hướng về ấm no.

Chó dẫn Sói về trình với chủ,
Đi cạnh nhau, bạn cũ chẳng bằng.
Bất ngờ, Sói thấy những lằn
Trầy trên cổ có, da nhăn ửng hồng.

Nó ngạc nhiên, hỏi ngay với Chó:
“Vết gì đượm màu đỏ cổ anh?”
Chó đáp: “Đừng hỏi quẩn quanh
Những điều nhỏ nhặt dễ sanh ưu phiền”.

Chó muốn dấu, Sói càng muốn biết,
“Này anh hãy nói thiệt tôi nghe.
Việc nhỏ sao lại dấu che?
Đã là huynh đệ, còn dè dặt sao?”

Chó gượng cười, thì thầm thú thật:
“Tại cái vòng làm chật cổ tôi,
Mỗi khi di chuyển nằm ngồi,
Khiến lông rơi rụng, để lồi thịt ra”.

Sói bèn hỏi: “Ai gây điều ấy?”
- “Chính ông chủ, khi thấy tôi ccần
Thừa hành phận sự chỗ gần,
Thay vì rong chạy bất thần nơi xa”

Sói kinh ngạc: “Vậy anh không có
Trọn tự do đi đó đi đây?”
- “Có chứ, trong những phút giâyy
Không đeo vòng cổ, phây phây nô đùa.”

Chó hỏi tiếp: “Có gì quan trọng?”
Sói đáp lại: “Thất vọng biết bao!
Tự do: của quý tối cao,
Thà cam đói khát hơn lao vào tù.

Vậy tôi xin giã từ anh bạn,
Quay trở về suối cạn, rừng khô,
Còn hơn sang trọng nhấp nhô,
Cổ bị dây cột, tựa hồ tội nhân!”

Ảnh đại diện

Chó sói trá hình chăn chiên (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một Chó Sói đói nên liều lĩnh,
Toan dùng kế để phỉnh thằng chăn.
Biết chắc gặp nhiều khó khăn
Nhưng không toan tính, sống bằng gì đây?
Thay vì rình con mồi lạc bước
Nó bạo dạn định lướt vào chuồng.
Chừng đó mặc sức luông tuồng,
Tha hồ ẩm thực, chẳng buồn thoát thân.
Cẩn thận mặc áo tơi đúng điệu,
Đầu đội nón hẳng chịu nắng sương.
Hăng hái nhẹ bước lên đường,
Tay phải chống gậy, giống phường chăn chiên
Nó thận trọng tiến gần nông trại,
Kìa thằng chăn đang ngáy giấc trưa.
Chó cũng mê ngủ, say sưa,
Bầy chiên ngoan ngoãn, lưa thưa đứng nằm.
Cơ hội quả thật là lý tưởng,
Sói lẹ làng qua ngưỡng cửa rào,
Không một tiếng động thì thào,
Phen nầy ăn chắc, dịp nào tốt hơn?

Khôn đến đây, Sói chưa vừa ý,
Quá mưu mẹo, thích chí gạt thêm.
Giả vờ giọng nói ấm êm
Của thằng chăn hát về đêm giải sầu
Nhái giọng trầm của tên chăn đó,
Nó dụng ý dòm ngó đoàn trừu,
Nào dè bại lộ cơ mưu,
Cả bọn thức giấc, bầy trừu thoát nguy.
Giọng nói nó tựa như chuông bể,
Tiếng ồ ề khó để vào tai.
Tất cả thức giấc nhảy nai,
Thằng chăn rượt đánh, chó rày sủa vang.

Sói luộm thuộm áo tơi trở ngại,
Tìm lối thoát, dù phải máu rơi,
Hiềm vì tâm trí chơi vơi,
Bụng đói, kiệt sức, hết thời mạng vong!
Kẻ bất lương, dù khôn biết mấy,
Cũng sơ hở để thấy dã tâm.
Chỉ gặp điểm nhỏ sai lầm,
Dễ dàng gãy đổ trọn tầm mưu sâu.
Nếu là Sói, sẽ tru như Sói,
Người hiền lương ăn nói thật thà.
Đóng kịch khéo mấy: khó qua,
Chất phác, giản dị mới là vàng son.

Ảnh đại diện

Xe ba gác bị sa lầy (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một cỗ xe chở đầy rơm rạ,
Do ngựa kéo bươn bả trên đường,
Bỗng đâu gặp phải tai ương,
Sụp lầy lún bánh hết phương vẫy vùng.

Là một nơi hoang vui hẻo lánh,
Xa xóm làng phong cảnh tiêu điều,
Vi vu gió thổi sáng chiều,
Suốt này lạnh lẽo, quạnh hiu thảm buồn.

Khó trông mong gặp người giúp sức,
Kéo chiếc xe khỏi vực hố sâu,
Khiến cho khổ chủ thêm rầu,
Thô lỗ trách cứ cả bầu thế gian.

Trước sỉ vả đường đầy hầm hố,
Khiến chuyến đi kham khổ bất an,
Không quên rủa các ông làng
Thu thuế mà chẳng sửa đàng dân đi.

Anh không ngớt căm hờn con ngựa,
Có mắt mà không lựa lối đi,
Đợi khi sụp lỗ sầu bi,
Dặm chân reo hí ích chi, bực mình.

Rồi đế phiên cá nhân anh nữa,
Biết làm sao sửa chữa, cứu nguy?
Chẳng lẽ xe mải nằm ỳ?
Đêm tối gió lạnh lấy gì uống ăn?

Ấy chưa kể tại gia hiền nội
Mải đợi chờ sẽ nổi xung thiên,
Chẳng màng tìm hiểu căn duyên,
Lớn tiếng thịnh nộ gây phiền cho nhau!

Sau một chặp trách người, trách vật,
Anh nghe lòng ngây ngất u buồn,
Âm thầm giọt lệ nhẹ tuôn,
Cõi lòng mở rộng hướng nguồn Trời cao.

Anh nhận thức: Nếu người bất lực
Chắc chắn Trời thừa sức giúp ta.
Sao chẳng cầu khẩn Cha Già
Ra tay tế độ ta bà trầm luân?

Chợt nghĩ qua, lòng mừng khấp khởi,
Vòng tay tròn hồ hởi khần nguyền.
Cầu xin Trời Phật Chư Thiên,
Hộ trì con sớm lìa miền tai ương.

Khấn vái xong, trầm ngâm lẳng lặng,
Từ không trung văng vẳng mấy lời,
Thì thầm các Vị Phật Trời
Dạy anh hãy kíp tức thời làm theo.

“Ta chắc chắn giúp người đúng mức,
Nhưng ngươi phải tận lực giúp ngươi.
Nghe ta, người sẽ reo cười,
Nhớ thực hành đúng, chớ lười, chớ khinh.

Hãy ghi dấu chỗ nào bị lún,
Xới bỏ đi đất bủn bùn non,
Thay vào những mảnh đá con,
Giúp xe lăn bánh, chẳng còn khó khăn.

Kìa phía trước có nhiều hố nhỏ,
Mau tìm cách lấp bỏ chúng đi.
Xung quanh đá vụng thiếu chi,
Cào lấp chúng lại, lối đi vững vàng.

Một hòn đá khá to chận lối,
Xe tiến hành khó nổi lướt ngang
Hãy dùng búa lớn đập tan,
Vỡ thành muôn mảnh xây đàng mà đi.”

Anh chủ xe thi hành nghiêm chỉnh
Lời dạy bảo, huấn lịnh giúp đời,
Xong rồi khấn vái Phật Trời
Cầu xin ban tiếp những lời dạy răn.

Từ thượng tầng, mây ngừng, gió lặng,
Tiếng Bề Trên căn dặn rõ ràng:
“Giờ đây mọi việc bình an,
Con mau cất bước lên đàng ruổi dong.”

Anh lên xe, thét roi thúc dục,
Ngựa giựt mình, tiếp tục kéo xe.
Hai bánh lăn nhẹ te te,
Thung dung bỏ lại cả bè khổ đau.

Anh chàng ta mừng như được ngọc,
Thắm thía thay bài học hôm nay:
“Khi gặp nạn khó, ách tai,
Hãy cứu mình trước, Trời rày giúp sau”

Ảnh đại diện

Cái bị (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một hôm kia, Ngọc Hoàng Thượng Đế
Đấng Hoá Sinh – Chúa Tể muôn loài,
Truyền lệnh tất cả tôi đòi,
Đại diện các giống, các nòi sinh linh

Họp đông đủ cho Ngài dạy việc:
Mỗi loài phải tính thiệt, tính hơn,
Về thân xác, lẫn tay chơn
Có gì bất mãn, đệ đơn kêu nài.

Rồi Ngài sẽ xét xem, chữa trị
Giúp mỗi loài phỉ chí, toại nguyền,
An vui, hạnh phúc triền miên,
Đáng công kiếp sống tại miền trần gian.

Được gọi trước là loài Khỉ Đột,
Thượng Đế dạy: “Chớ thốt lời nào,
Hãy nhìn kỹ các đồng bào
Để rồi so sánh điểm nào ngươi thua”

Chập lâu sau, nhìn đi ngó lại,
Khỉ khép nép quỳ lạy Ngọc Hoàng:
“Con đã nhìn thật rõ ràng,
Thấy mình toàn vẹn, phàn nàn là sai.

Tạ ơn Ngài tạo con nhanh nhẹn,
Di chuyể mau, chẳng thẹn với ai,
Bốn chân chạy nhảy như bay,
Trên cây, đưới đất, ai tài hơn con?

Chỉ thương hại bạn hiền là Gấu,
Tướng phục phịch coi xấu lạ kỳ,
Dị hình, dị tướng ai bì?
Cả đời nào dám mấy khi soi hình!”

Nghe khỉ chê tưởng chừng Gấu giận,
Nào ngờ nó không bận buồn phiền,
Lại còn kiếm cách làm duyên,
Nhảy múa, nhào lộn, an nhiên vui đùa.

Gấu hãnh diện thân hình khoẻ đẹp,
Tội nghiệp Voi đầu dẹp, tai to
Đuôi thật quá nhỏ, ốm o,
Tướng đi chậm chạp, khiến cho tức cười!

Voi nói không buồn bàn cãi,
Nó được tiếng khôn dại nhất đoàn
Đang tâm trào phúng sỗ sàng,
Chê Cá Voi lớn, kềng càng khó coi!

Kiến chê Mọt thân hình quá nhỏ
Tưởng mình to thật khó ai bằng,
Tất cả lộn xộn lăng xăng,
Thảy chê người xấu, mình hằng đẹp xinh!

Thấy tất cả tỏ ra mãn nguyện
Thượng Đế bỏ qua chuyện sửa sai,
Các loài sinh vật trần ai,
Đều một chứng bệnh: thấy ngay lỗi người.

Toàn chúng sinh bệnh trầm trọng nhất:
Rất bén nhạy ý thức tật người,
Để khinh bỉ, hoặc chê cười,
Tật mình không thấy, nên lười ném đi.

Người lầm lỗi: hăng say trị tội,
Mình lỗi lầm: cơ hội thứ tha
Nhìn mình với mắt hiền hoà,
Nhìn người với mắt quan toà khắt khe!

Thượng Đế tạo ra muôn vật,
Thảy giống hệt một tật như nhau,
Đều có túi trước, túi sau,
Từ thời Thượng cổ, lúc nào khác hơn?

Túi trước chứa lỗi lầm người khác,
Nên dễ thấy,chốc lát đã đầy!
Túi sau lưng, khó trở xây,
Vì thế quên lửng, năm nầy tháng kia.

Ảnh đại diện

Hươu soi mình dưới nước (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con Nai bên bờ suối,
Nước trong veo lầm lủi trôi xuôi,
Soi bóng mặt nước, Nai vui,
Hãnh diện cái gạc đang chui trên đầu.

Nó say mê mãi nhìn gạc ấy,
Nhưng thất vọng khi thấy bốn chân:
Dị tướng, lỏng khỏng, cơ bần,
Bước nhanh sẽ gãy, muôn phần xấu xa.

Bèn thì thầm tạ ơn Thượng Đế,
Đã ban cho gạc để lấy oai.
Tiếc thay: Ngài đã tính sai,
Bốn chân ốm yếu, nạn tai khó lường!

Bỗng đâu Nai chợt nghe chó sủa,
Đoàn thợ săn đang bủa lưới vây.
Nguy to: Ắt phải bỏ thây,
Lanh chân chạy trốn, phen nầy mạng vong.

Liều thân sống, tuôn bờ lướt bụi,
Bốn chân gầy giong ruổi tung bay.
Cát gạc mải vướng chông gai,
Ngăn chận bước tiến, hoạ tai bất ngờ.

Kinh nghiệm ấy giúp Nai thấy rõ:
Bốn chân ốm chứng tỏ tình thương
Thượng Đế âm thầm biểu dương,
Giúp nó thoát khỏi tai ương sống còn.

Cái gạc kia quả là vô dụng,
Chỉ để người ca tụng, khoe khoang.
Lắm khi trở ngại, chặn đàng,
Khiến việc đào tẩu muôn ngàn khó khăn.

Cẩn thận trong phê bình sự việc,
Nhận định đúng điều thiệt, lẽ hư.
Xét đóán trung trực, vô tư,
Giúp ta tránh khỏi ưu tư, buồn phền.

Người thường lộn “đẹp” và “hữu ích”,
“Đẹp” mang lại vui thích, mê say,
- Những nét hào nhoáng bên ngoài -
Cuộc sống thoải mái, tháng ngày thêm tươi

Điều “hữu ích” giúp người sống khoẻ,
Rất cần thiết cho trẻ lẫn già.
Thiếu nó: lià cõi Ta Bà,
Nhờ nó mới sống, để mà tiến thân!

Ảnh đại diện

Xe ngựa và con ruồi (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Trời nóng bức như thiêu, như đốt,
Đường dốc nâng cơn sốt thêm cao,
Cỗ xe hì hục lao chao,
Cố tiến từng bước, biết bao nhọc nhằn.

Sáu con ngựa mồ hôi như tắm,
Sôi bọt mồm, chơn dẫm cát trơn.
Nặng nề từng bước chập chờn,
Kéo xe nhưng chẳng tiến hơn chút nào.

Dừng xe lại, chủ mời khách xuống,
Tạm nghỉ chơn bờ ruộng bên lề
Nam phụ lão ấu đề huề,
Lại thêm tu sĩ cạnh kề thiếu nhi.

Một con mòng từ đâu bay đến,
Trước đầu ngựa ra lệnh oai phong,
Truyền mau nổ lực gắng công,
Kéo nhanh xe trống khỏi lòng cát sâu.

Nó chỉ huy như người đoàn trưởng,
Giữa trận tiền phạt thưởng ba quân,
Khi thì chích mũi, chích lưng,
Khi thì gào thét tưng bừng bên tai.

Cả đoàn ngựa mệt gần ngất xỉu,
Thêm bực mình dáng điệu lố lăng
Của con sâu bọ ruồi lằn
Tác oai tác phước cho rằng mình hay.

Một chặp lâu xe lên khỏi dốc,
Khách reo mừng, được ngọc không bằng.
Hành trình sắp sửa tiến thăng,
Hân hoan ngắm cảnh đồng bằng xanh tươi

Nhưng bỗng chốc chú mòng lố dạng,
Trước đầu ngựa, ngăn cản chận đường,
Đòi phải thanh toán tiền lương
Công chú khó nhọc tìm phương giải nàn.

“Các người sao quá ư vô nghĩa,
Chẳng chút nào đếm xỉa công ta!
Được việc, ngảnh mặt, lánh xa,
Không tìm tự hỏi, đâu là người ân?

Nếu ta không hét gầm đúng mức,
Giục đoàn ngựa toàn lực gắng công,
Lúc thưởng, lúc phạt oai phong,
Xe làm sao thoát khỏi vòng khó khăn?

Đành rằng xe đi nhờ ngựa kéo,
Nhưng nếu ta không khéo chỉ huy,
Mãi mãi xe vẫn nằm ỳ,
Đến khi đêm tối lấy gì thoát thân?

Thử nhìn khách cả đoàn đông đảo,
Có mấy ai xông xáo như ta?
Chỉ thích dạo mát, hát ca,
Mải chờ thụ hưởng hơn là siêng năng.

Kìa nhà sư cứ ngồi niệm Phật,
Toán thanh niên hợp nhất xướng ca,
Cụ già ngủ gật ngủ gà,
Thiếu nhi thơ thẩn hái hoa vệ đường.

Thôi hãy sớm ơn đền nghĩa trả,
Luật công bình Nhân Quả phân minh.
Ta đòi chớ chẳng nài xin
Tiền công ta đã tận tình cứu nguy.”

Trong xã hội đôi khi nhìn thấy
Một số người chẳng mấy khiêm nhường,
Không ngừng phổ diễn, biểu dương,
Cho mình quan trọng, mọi đường đều hay.

Họ tự hào “Ta là bậc nhất!
Vắng Ta e quả đất ngừng quay.
Nay còn sông núi cỏ cây,
Ấy công Ta đã đắp xây bấy chầy!”

Ảnh đại diện

Sói và cừu non (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Cạnh dòng suối, cừu con giải khát,
Bỗng xuất hiện một bác sói già
Đói lòng bạo dạn lân la,
Thân hình gầy yếu thật là thảm thương

Sói vội nạt “Sao ngươi vô lễ
Làm nước đục, chẳng để ta dùng?”
Cừu đáp: “Mong ngài khoan dung,
Tôi ở phía dưới, Ngài dùng dòng trên.

Hai vị trí cách nhau chục thước,
Khó mà gây ô trược dễ dàng”
- “Im mồm, mi chớ ngỗ ngang,
Đã gây ô nhiễm còn toan lắm lời.”

“À, chính ngươi tháng này, năm trước
Nói xấu ta: bạo ngược,dã tâm.”
- “Thưa Ngài, quả thật Ngài lầm,
Tháng nầy, năm trước, con nằm trong nôi”

“Vậy, chắc chắn là anh ngươi đó”
- “Thưa Ngài, tôi chẳng có chị, anh,
Mẹ tôi từ trước chỉ sanh
Tôi là con trưởng, trâm anh giống nòi.”

- “Đừng lẻo mép, ta đây biết rõ:
Cả bọn người: trừu, chó, lẫn người
Thù ta, tìm bắt, ăn tươi,
Đánh bẫy, săn bắn, thịt xười, mạng vong!

Gặp ngươi đây là cơ hội tốt,
Lẽ nào ta dại dột bỏ qua?
Không cần tìm hiểu gần xa,
Giết ngươi, báo oán, đúng là quả nhân.”

Nói xong, sói vồ ngay con thịt
Tha về động, thoả thích no say,
Khỏi phải ly luận dong dài:
Lý của kẻ mạnh, chẳng sai, chẳng lầm!

Điều ấy đúng với loài thú vật,
Đối với người, chẳng trật bao giờ.
Mạnh thì hiếp yếu, chớ ngờ,
Nghèo bị giàu hiếp, đừng chờ khác hơn!

Riêng những người tiến cao, mến Đạo,
Mở lòng nhân, luôn tạo tình thương,
Ban rải, ấp ủ bốn phương,
Cỏ cây, người, thú, mến thương tận tình.

Ảnh đại diện

Sói và cáo (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một buổi chiều, Chồn kề miệng giếng,
Nhìn đáy sâu, chẳng tiếng động nào.
Trên trời, trăng đã lên cao,
Soi thấu đáy nước, trắng phau, chập chờn

Nhìn bóng trăng, Chồn ta lầm tưởng
Một bánh sữa to tướng, ngon lành.
Rõ ràng, của quý Trời dành,
Kíp mau nhận lãnh, chẳng đành bỏ qua.

Giếng đặc biệt có hai thùng gỗ,
Thay phiên múc nước đổ lên bờ,
Thùng lên, thùng xuống, khỏi chờ,
Chỉ cần người đứng, chực hờ kéo dây.

Sợ mất bánh, Chồn ngồi thùng gỗ,
Trong nháy mắt, đi xuống đáy sâu.
Tìm mãi, bánh sữa núp đâu?
Chỉ toàn là nước, dạ sầu, âu lo.

Nhưng giờ đây, làm sao thoát khỏi?
Giếng quá sâu, bụng đói bơ phờ.
Chẳng lẽ cứ mải đợi chờ
Khi có ai xuống, bấy giờ mới lên?

Hai ngày tròn chẳng ai lai vãng,
Chồn mãi chời, buồn nãn xiết bao.
Đành cam chịu chết hay sao?
Lạy Trời tế độ, ơn nào dám quên.

Bỗng nhiên có Sói đi tìm nước,
Dừng chân đứng ở giếng sâu.
Trông thấy Chồn đang âu sầu,
Cất tiếng kêu lớn: “Anh rầu việc chi?”

Chồn cười mơn: “Tôi đang suy nghĩ
Tìm phương cách cất kỹ bánh ngon.
Vị thần cai quản Núi Non
Vừa cho tôi hưởng, ăn mòn một bên.

Bánh sữa ngon thật là đáo để,
Khi ăn xong, toàn thể chuyển xây,
Cảnh vật: rừng, núi, cỏ cây,
Bỗng nhiên sáng tỏ, vui vầy, líu lo.

Mắt thấy được các vì Tiên, Thánh,
Tai nghe tiếng lanh lảnh hát ca
Của các tiên nữ Hằng Nga,
Thật là kỳ diệu, khác xa thế trần!

Vốn tánh tham, Sói nghe thích chí,
Muốn chia bánh, nài nỉ van xin
Được phép dùng thử bánh linh,
Sẵn đang đói khát, nghĩa tình rộng sâu.

Sau một chập đắn đo, do dự,
Chồn chịu cho nếm thử bánh tiên.
Đây là báu vật, của riêng,
Chỉ Chồn cất giữ, chẳng chuyên ra ngoài.

Sói lẹ hỏi: “Làm sao đến đó?
Tận nơi ấy để thọ lãnh quà?
Bạo gan nhảy đại, ắt là
Chết chẳng kịp trối, thôi thà đừng ăn!”

Chồn trấn an: “Khỏi lo việc ấy,
Ta lẽ nào bỏ lấy ngươi sao?
Miệng giếng có sẵn thùng cao,
Hãy ngồi vào đó, sẽ mau xuống liền.”

Sói mừng rỡ, chắp tay vái lạy,
Bước vô thùng, thùng chạy xuống sâu,
Đồng thời, Chồn vọt lên đầu,
Ra khỏi miệng giếng, thoát sầu, tự do!

Ở thế gian, lúc nào cũng vậy:
Đứa dại chết, che đậy đứa khôn..
Lanh lẹ, xảo quyệt như Chồn
Chỉ để gạt gẫm, ép dồn kẻ ngu!

Ảnh đại diện

Bô lão, con trai và con lừa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một bô lão đem lừa đi bán
Cùng đứa con tuổi khoảng mười lăm
Nhà ở đồng bái xa xăm,
“Làm sao đến chợ?”, âm thầm âu lo.

Hai cha con cùng nhau thảo luận,
Nếu để lừa lửng thửng bước đi,
Sợ e đến chợ một khi,
Lừa không còn vẻ phương phi lúc đầu.

Cha con trói bốn chân lừa lại,
Dùng đòn ngang vận tải nó đi.
Khiêng lừa như ngọc lưu ly,
Như võng qua lớn thời kỳ xa xưa!

Được một đỗi, gặp người hành giả,
Nhào lăn cười, xỉ vả nặng nề:
“Ai đâu quá sức vụng về,
Trong ba nhân vật, u mê là người!”

Vừa nghe qua lão ông tỉnh ngộ,
Liền để lừa thả bộ thung dung,
Bên cạnh ông lão tháp tùng,
Nhịp nhàng rão bước qua vùng đồng xanh

Nhưng lừa thích được khiêng như truớc,
Khỏi mất công cất bước nhọc nhằn,
Phải đối một cách cọc cằn,
Lớn tiếng kêu rống, dùng dằng rão chân.

Ông cụ bảo đứa con lên cỡi,
Còn phần ông hồ hỡi theo sau,
Cố gắng nhanh nhẹn phần nào,
Lanh chân lẹ bước để mau tới thành.

Gặp ba chàng thương gia quen biết,
Nhìn cậu trai lẫm liệt cỡi lừa,
Mặc cha đầu bạc, răng thưa,
Nhọc nhằn đi bộ, trời trưa nắng nhiều.

Người cao niên đột nhiên cảnh cáo:
“Nầy gã kia, kính lão đắc tràng,
Tại sao lại quá ngỗ ngang
Chễm chệ ngồi nghỉ, dưới đàng cha đi?”

Cậu trai trẻ nghe qua xấu hổ,
Liền mời cha ngồi chỗ của y,
Để rồi tiếp tục thẳng đi
Mong kịp đến sớm kinh kỳ chợ đông.

Kế lại gặp ba nàng thiếu nữ
Không bằng lòng lối xử bất công,
Cả kêu: “Nầy bớ lão ông,
Sao cha ngồi nghỉ, con rong dưới đường?”

“Sao lại để con trai khổ sở?
Chạy theo sau, cụ nỡ ngồi trông
Phong cảnh, gió mát, thong dong,
An nhiên, tự tại như không có gì?”

Cụ già giận tía tai cãi vã,
Cùng ba cô rộn rã phân bua,
Kết cuộc ông lão chịu thua,
Cha con đồng cỡi như vua đi chầu.

Đi được hơn ba mươi bước,
Gặp nhóm người đi ngược trên đường,
Thấy lừa trong cảnh đáng thương,
Một thân phải chở thịt xương hai người.

Bèn lớn tiếng trách sao tàn ác,
Chẳng xót thương phận bạc thú cầm,
Giết chóc, hành hạ, nhẫn tâm,
Giờ đây chở nặng, như bằm xác thân!

Nếu chẳng khéo tới khi đến chợ,
Chỉ xác lừa hết thở, khổ thay!
Lão ông nghe nói, u hoài,
Giựt mình, dừng bước, châu mày âu lo.

“Quả thật khó vừa lòng thiên hạ,
Làm thế nào hoà cả mọi người?
Dù cho phải khóc hay cười,
Cũng chẳng vừa ý con người thế gian!

Vậy ta thử tìm phương hỗ trợ
Đem lừa đi đến chợ an toàn,
Tươi tắn, khoẻ mạnh, bình an,
Để bán được giá, chẳng màng công lao.”

Vừa nói xong, cha con leo xuống,
Để lừa theo ý muốn nó đi,
Cha con đi bộ nghĩ suy:
“Cách nầy tốt nhất, có gì hay hơn?”

Nhưng đột nhiên có người hành giả
Nhìn cả ba bươn bả nhanh chân,
Hỏi: “Sao chẳng biết thương thân?
Có lừa không cỡi, đi chân thế nầy?

Trước mệt nhọc, sau giày mòn đế,
Đem sức già bảo vệ lừa tơ!
Rõ ràng người quá ngu ngơ,
Lấy thân che của, dại khờ nào hơn?”

Bị chê mãi, cụ già phát cáu,
“Dại hay không, rốt ráo mặc ta,
Từ đây, quyết giữ ý nhà,
Hơn là tìm cách dung hoà thế gian.

Dù người có chê khen đủ cách,
Đường ta đi một mạch thẳng xông.
Chớ nghe ý kiến bông lông,
Chỉ làm thêm rối, quả không ích gì!

Hãy cương quyết lập trường giữ vững,
Đừng xoay chiều, chập chững từng cơn,
Đừng sợ kẻ giận, người hờn,
Chê khen thương ghét chẳng sờn lòng đây!

Tiếng thị phi lúc nào chẳng có?
Để ngoài tai, nghe nó làm chi?
Vừa ý thiên hạ ích gì?
Tìm ra Chân Lý, thị phi chẳng còn!”

Ảnh đại diện

Ngụ hứng kỳ 1 (Nguyễn Bỉnh Khiêm): Bản dịch của Hữu Thế

Một bên quê chợ một bên làng
Hơn mẫu vườn ao cũng rảnh rang
Am quán thư nhàn xuân thắm mãi
Giang sơn như hoạ bút sinh hương
Dòng tuôn vang vọng cung cầm được
Bóng cả che râm mộng khách vương
Mừng thấy tư văn trời chẳng bỏ
Đến nay vẫn tắm ánh dương vàng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối