Trang trong tổng số 18 trang (171 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 27/12/2013 10:30
Mù mịt đường vào tận giữa thung,
Tiếng ve thưa nhặt khuất cây rừng.
Ngôi nhà Tể tướng đầy rêu biếc,
Nền miếu danh nhân rợp bóng tùng.
Nghiệp lớn hòm vàng soi chẳng dứt,
Công cao gác phượng nói không cùng.
Suối vàng đây chốn ai ôm hận,
Bởi bụng Trương Lương nghĩ chửa thông.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 27/12/2013 10:19
Cơ nghiệp Tiền Lê đã đổi thay,
Bản đồ, nhà Lý nắm vào tay.
Đô xưa bé nhỏ non vây kín,
Thành bỏ hoang vu cỏ lấp đầy.
Chùa cổ chuông khua vầng ác lặn,
Ngòi ngăn, sáo giỡn bóng chiều rây.
Anh hùng dấu cũ tìm đâu thấy,
Đứng tựa đình sông ngắm núi mây.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 27/12/2013 10:18
Gác xanh, hiên đỏ sát bờ sông,
Phơi phới khoe tươi, khách áo hồng.
Tiệc rượu xuân nồng, hoa liễu thắm,
Lầu ca trăng tãi, sáo đàn trong.
Chăn trâu, thuyền kéo, ai riêng sướng,
Hạc cưỡi, tiền đùm, tớ vẫn không.
Thương khách biết đâu suy với thịnh,
Phồn hoa thói trước vẫn chơi ngông.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 27/12/2013 10:13
Đất vắng xóm mường nằm rải rác,
Thành hoang cỏ trạm mọc xum xuê.
Mái chèo khua cá bơi tan tác,
Tiếng dế quanh thuyền hát tỉ tê.
Hơi độc nước lên hơi nước lẫn,
Tấc vàng sánh mỗi tấc đường về.
Nỗi riêng lo nghĩ đầy trong dạ,
Nghe tiếng chày thu nện bốn bề.
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 08/12/2013 15:41
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 08/12/2013 20:46
Ngong ngóng làng quê sát mặt trời,
Đèo Ngang chỉ cách một hòn thôi.
Khá thương đường có ba ngày tới,
Mà nhớ quê luôn bốn tết rồi.
Hòn Én tàn thu, xanh tựa nước,
Cửa Ròn nổi trướng, bọt liền trời.
Trong đây ngoài đó nay chia biệt,
Phong tục xem ra đã khác đời.
Gửi bởi hongha83 ngày 20/05/2012 21:45
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi hongha83 vào 20/05/2012 21:46
Chợt nhận được thư nhà
Trước đèn vội mở ra
Thấy "bình yên" hai chữ
Mừng hơn đỗ thủ khoa
Gửi bởi hongha83 ngày 20/05/2012 08:28
Gần đây quạnh quẽ nhớ người xưa
Gà rộn tan canh nhớ thẫn thờ
Nhấp mắt, giọng ai dường thủ thỉ
Đoan trang, dáng hệt tự bao giờ
Trăm năm nguyện ước, phôi pha mộng
Ngàn thuở châu trần, vấn vít tơ
Tỉnh giấc riêng mình trơ tới sáng
Bồi hồi không biết thật hay mơ
Gửi bởi Vanachi ngày 15/05/2009 11:21
Bãi cát, bãi cát dài!
Mỗi bước lại như lùi.
Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ,
Khách bộ hành nước mắt tuôn rơi!
Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận không nguôi.
Xưa nay phường danh lợi,
Bôn tẩu trên đường đời.
Gió thoảng hơi men trong quán rượu,
Say cả, hỏi tỉnh được mấy người?
Bãi cát, bãi cát, ngao ngán lòng,
Đường phẳng mờ mịt, đường hiểm vô cùng!
Nghe ta ca "cùng đồ" một khúc!
Phía bắc núi Bắc, núi muôn lớp!
Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt!
Sao mình anh còn trơ lại trên bãi cát?
Gửi bởi Vanachi ngày 02/10/2008 06:36
Phàm người khéo cầm quân thì không cần bày trận, khéo bày trận thì không cần giao chiến, khéo giao chiến thì không thể thất bại, khéo thất bại thì không thương vong. Xưa kia, Cao Dao làm chức sĩ sư mà mọi người không dám trái mệnh, Văn Vương và Vũ Vương nhà Chu là bậc thầy về văn và về võ, ngấm ngầm sửa đức để khuynh loát quyền bính của nhà Thương mà lấy nghiệp vương. Đó đều có thể gọi là những người giỏi cầm quân, không cần bày trận vậy. Vua Thuấn múa lá mộc và lông trĩ mà họ Hữu Miêu tự mình tìm đến, Tôn Vũ nước Ngô đem mỹ nhân trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở hùng cường, phía Bắc ra uy với nước Tần nước Tấn, nổi tiếng khắp chư hầu. Đó đều có thể gọi là những người giỏi bày trận, không cần giao chiến vậy. Cho đến Mã Ngập nước Tấn dựa vào bát trận đồ chuyển đánh nghìn dặm, phá được Thụ Cơ Năng mà lấy lại Lương Châu. Thế gọi là người giỏi giao chiến không bao giờ thất bại vậy.
Cho nên, trận nghĩa là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, vua Hiên Viên lập ra phép "tỉnh điền" để đặt binh chế, Gia Cát Lượng xếp đá bên sông để làm bát trận, Vệ công sửa lại làm trận Lục Hoa, Hoàn Ôn định ra trận Xà Thế, trước sau đều có trận đồ nổi tiếng, trình bày tuần tự, thành phép tắc rõ ràng. Nhưng người đương thời ít ai thông hiểu, muôn vàn đầu mối nhìn vào dường như rối loạn, chưa từng nắm được lẽ biến dịch bên trong. Ví như những phép tắc và suy luận của Lý Thuyên, người sau không ai hiểu nghĩa là gì.
Vì thế, Quốc công ta bèn so sánh, kê cứu trận đồ và binh pháp của các nhà, tổng hợp lại thành một bộ sách. Tuy chép cả những điều chi tiết, nhưng người sử dụng thì nên bỏ bớt những chỗ rườm, tóm lấy thực chất. Rồi lấy năm hành ứng với nhau, chín cung câu với nhau, phối hợp cương và nhu, xoay vần chẵn và lẽ, không làm hỗn loạn âm dương và thần sát, phương lợi và sao tốt, hung thần và ác tướng, ba cát và năm hung, việc nào việc ấy thực phân minh rõ rệt. Quốc công lại còn thêm bớt với chiến thuật của thời Tam đại, nhờ đó trăm trận trăm thắng. Cho nên đương thời phía bắc làm cho Hung Nô phải sợ, phía tây làm cho Lâm Ấp phải kinh. Rồi ông đem sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết. Lại có lời dặn rằng: "Sau này con cháu và bề tôi phò tá của ta có học được bí thuật này thì nên lấy đầu óc sáng suốt, linh hoạt mà thực hành và sắp đặt nó, chứ không nên lấy đầu óc cứng nhắc, tối tăm mà cất giữ và lưu truyền. Nếu trái đều đó thì sẽ mang vạ vào thân, lại hại lây đến cả con cháu. Đó gọi là tiết lậu cơ trời vậy."
Gửi bởi Vanachi ngày 02/10/2008 06:34
Xưa kia, Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán đem quân sang đánh, dân chúng bèn làm kế "vườn không nhà trống". Rồi đại binh kéo sang châu Liêm, châu Khâm đánh vào Trường Sa, đoản binh thì tập kích phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê, đề bạt được bậc hiền tài, cõi Nam vừa húng cường lên mà phương Bắc thì đang mỏi mệt suy yếu. Trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa, xây thành bình lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Nhà Lý vừa mở mang cơ nghiệp, quân Tống đã xâm phạm vào bờ cõi. Bèn dùng Lý Thường Kiệt để đánh châu Khâm, châu Liêm, mấy lần đến tận Mai Lĩnh. Ấy là có cái thế đánh được vậy.
Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải chịu trói, đó cũng là do lòng trời xui nên như vậy.
Tóm lại, giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là lẽ thường của binh pháp. Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa to gió táp thì đó là tình thế dễ chế ngự. Nếu chúng dùng lối tằm ăn lá, hành binh dần dà, không ham của dân, không cốt thắng mau, thì phải kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, giống như đánh cờ, phải tuỳ tình thế mà đưa nước chống cho thích hợp. Phải gây dựng được một "đội quân cha con" rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.
Trang trong tổng số 18 trang (171 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối