Trang trong tổng số 10 trang (99 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Mùa thu vàng (Boris Pasternak): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Mùa thu. Lâu đài cổ tích
Mở rộng cửa mời khách xem.
Bên hồ những con đường vắng
Qua rừng vắng bóng dáng quen.

Chẳng khác gì nơi triển lãm:
Tranh treo đầy khắp các phòng
Nào du, nào tần bì, liễu
Tất thảy được mạ vàng ròng.

Vòm lá vàng cây phong lữ -
Như vòng hoa của cô dâu
Bạch dương sau màn voan phủ -
Hôn lễ tinh khôi, trong veo

Mặt đất phủ dày lá đổ
Chẳng còn kênh rạch, hố hang
Chái nhà giữa hàng phong đứng
Như được đóng trong khung vàng.

Cả rừng cây thu tháng chín
Sáng ra còn đứng sóng đôi,
Để chờ hoàng hôn nhuộm vỏ
Sánh vàng hổ phách ngời ngời.

Đừng sa chân vào vực nhé,
Mọi người đều biết mất thôi:
Sục sôi dưới chân lá đổ -
Cả một thảm lá vừa rơi.

Tiếng vang tận cuối con đường
Vọng từ bờ cao trở lại.
Bình minh anh đào sóng sánh
Rót mật từng giọt quánh vàng

Mùa thu. Góc căn nhà cổ
Sách cũ, trang phục, súng trường,
Ai lật từng trang báu vật
Dường như lạnh mùa đông sang...

Ảnh đại diện

“Bạch dương bên cửa sổ...” (Afanasy Fet): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Bạch dương bên cửa sổ
Buồn rũ hết lá xanh
Được giá băng tinh nghịch
Trang điểm sáng long lanh.

Như từng chùm nho nặng
Uốn cong trĩu đầu cành, -
Phô sắc đẹp dịu dàng
Xiêm y màu tang trắng.

Yêu sao ngàn tia nắng
Nhảy nhót trên cành cây,
Luyến tiếc sao vẻ đẹp
Mất theo cánh chim bay.

Ảnh đại diện

Ánh trăng (Afanasy Fet): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Đêm lấp lánh. Vườn ngập đầy trăng sáng.
Dưới chân ta ánh trăng cũng chan hoà.
Phòng khách tối mờ. Tiếng dương cầm nức nở
Như tim anh khi nghe tiếng em ca.

Em hát tới bình minh và thiếp đi trong nước mắt.
Rằng em là duy nhất, chẳng có thêm ai
Muốn như em, sống không nói một lời
Để yêu anh, ôm anh, khóc vì anh cay đắng.

Nhiều năm qua, mệt mỏi và buồn chán,
Bỗng một lần anh lại nghe thấy tiếng hát em.
Lẫn trong lời ca có cả tiếng thở dài,
Em là cả cuộc đời, em là tình duy nhất.

Chẳng còn những đắng cay và khổ đau vì số phận
Dòng đời trôi, không gì ngoài mục đích
Được tin vào những câu ca đang nức nở,
Yêu em, ôm em, khóc cay đắng vì em!

Ảnh đại diện

Những mùa trăng mong chờ (Lê Thị Mây): Sửa chính tả

Bài thơ có hai từ cần sửa:
Khổ 1: Trong ngần cau hoa thơm.
Khổ 2: Giữa gập ghềnh núi biếc.

Ảnh đại diện

Từ lúc ấy... (Thu Nguyệt): Có thể nào hoá đá tình yêu?

Có thể nào hoá đá tình yêu?

TỪ LÚC ẤY...

Em ngồi hoá đá thành thơ
Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu

Em ngồi hoá đá thành chiều
Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa

Em ngồi hoá đá thành mưa
Trả anh cái phút anh đưa qua cầu

Xa nào anh có hay đâu
Đá từ lúc ấy bắt đầu hoá em...

1988.
Thu Nguyệt

     Bài thơ như một kỷ vật xinh xắn và duyên dáng.
     Chỉ một mô típ  hoá đá,  tác giả dùng xâu chuỗi những chi tiết cho ta hình dung một câu chuyện tình: chàng trai chờ đợi tháng ngày và một buổi chiều, anh đã    liều  hôn cô gái. Rồi một ngày mưa, anh đưa cô gái qua cầu...Mỗi chi tiết được phục hiện đều liên quan đến trạng thái suy tư hồi tưởng của cô gái  hoá đá thành thơ.  Cô ấy đã nhận tất cả và bây giờ trả lại, trả lại từng kỷ niệm, cho thấy tình yêu đã lùi vào dĩ vãng.
     Ba lần hoá đá. Nhưng  hoá đá  lại   thành thơ.  Sự hoá thạch ấy chỉ là dáng vẻ bên ngoài, bên trong xao động cả nỗi niềm.  Hoá đá thành chiều,   thời gian có bao giờ dừng lại mà nói đến hoá đá!  Hoá đá thành mưa  thì lại càng tí tách, tầm tã, linh hoạt hơn nữa...
     Thực ra, phải là thế này:
     Đá từ lúc ấy bắt đầu hoá em...
     Lần  hoá  thứ tư này là một bất ngờ mang tính nghệ thuật. Tưởng như lần  hoá  này mâu thuẫn với ba lần  hoá  trước. Thực ra nó lại là cốt lõi, là bản chất của những lần  hoá  trên.
Lần này không phải là em hoá đá, mà từ khi nhận tình yêu của anh, chính  đá  đã  hoá em. Con người cũ của cô gái hẳn là lặng lẽ, băng giá lắm, trước khi gặp tình yêu!
     Cấu trúc bài thơ thật gọn và chặt chẽ! Chỉ bằng đôi nét chấm phá, tinh lọc, Thu Nguyệt đã nói được cả cuộc tình của hai người và tâm tình tác giả.
     Bài thơ có duyên từ cách nói đến một chữ dùng:
     Trả anh cái nụ hôn  liều ngày xưa.
     Lúc ấy chàng trai không  liều  đâu! Chữ   liều  là cô gái dùng để trách yêu đấy thôi! Bởi lòng cô, tình yêu đã đủ chín để đón nhận...
     Ta chúc cho hai người còn gặp lại nhau!

Vân Long.


Nguồn: Thế giới mới. Số 117. Tháng 12-1994.
Ảnh đại diện

Đề Thạch Môn sơn Dương Nham động (Lê Quyền): Bản dịch của Phạm Trọng Điềm

Sông Trà cao vút núi xinh xinh,
Chùa núp trong cây vạn sắc xanh.
Thang đá hoa leo không vết tục,
Phủi rêu ngồi lắng giọng chim lành.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cúc hoa kỳ 6 (Huyền Quang thiền sư): Bản dịch của Phạm Trọng Điềm

Phưng phức ngày xuân đoá trắng vàng,
Hợp thời yêu quý sắc cùng nhang.
Phồn hoa các khóm rơi đầy đất,
Bộ mặt giàn đông vẫn nở nang.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cúc hoa kỳ 5 (Huyền Quang thiền sư): Bản dịch của Phạm Trọng Điềm

Hoa ở giữa sân chủ ở lầu,
Thắp hương ngồi ngắm hết âu sầu.
Chủ nhân cùng vật không tranh cạnh,
So sánh trăm hoa cúc đứng đầu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cúc hoa kỳ 4 (Huyền Quang thiền sư): Bản dịch của Phạm Trọng Điềm

Sương móc hơi dương cúc nở hoa,
Trăng trong gió mát thoả lòng ta.
Cười ai không rõ hoa mầu nhiệm,
Hái giắt đầy đầu trở lại nhà.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cúc hoa kỳ 3 (Huyền Quang thiền sư): Bản dịch của Phạm Trọng Điềm

Dầu thân, dầu thế đã không màng,
Ngồi mãi, buồn tênh một góc giường.
Trong núi năm tàn không có lịch,
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 10 trang (99 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: