CÔ HOÈ
Hôm giờ về quê, lúc đi ngang qua vườn sắn, thấy mẹ cặm cụi vạc cỏ, tôi gọi. Mẹ thảng thốt ngó trước ngó sau rồi giật tung cái khăn mặt che miệng vừa băng qua những cây sắn non vừa luống cuống lau mồ hôi.
Mẹ vẫn thế, vẫn gấp gáp như ngày xưa. Dáng mẹ bao giờ cũng tất bật. Hồi còn nhỏ, tôi thích nhất được ngồi xổm giữa vườn xem mẹ dỡ sắn. Tạng người mẹ nhỏ nhưng chính những thứ khí độc của Trường Sơn năm nào hút hết từng dòng nhựa sống cuối cùng của người đàn bà một thời ăn và ngủ với Trường Sơn. Tôi vẫn đứng ở đầu lối mòn vào vườn, chỗ được chắn tạm bằng bó rào mục cứ bị rút trộm dần. Từ trong vô thức tôi nhìn thấy người đàn bà đội lụp xụp cái nón rách, cúi gằm xuống mặt đường, dắt tay thằng bé con quoắt queo, đen nhẻm. Họ cứ đi. Thằng bé luôn bấu chặt tay vào gấu quần người đàn bà. Họ đi như hai kẻ xa lạ. Bất cứ ở đâu, dù những gã đàn ông ngồi bệt bên vệ đường đầy cứt chó hay đang rít sòng sọc điếu thuốc lào mua ở quán nước bà cụ rìa làng cũng đều văng ra những câu tởm lợm sặc thứ mùi tanh nồng chua chua khi thấy họ. Đứa bé ấy run rẩy lén lút ngẩng đôi mắt nhìn trộm mẹ. Nó chỉ thấy trong đó lạnh và sâu hun hút. Nó khẽ rùng mình, lại cúi gằm níu chắc hơn vào gấu quần bê bết đất của mẹ .
Tôi chợt nhớ mẹ da diết, nhớ một người đàn bà không còn rõ mặt. Mẹ vẫn vội vã đạp gãy từng cây sắn non mà mỗi sáng mẹ phải dùng hàng giờ để tỉa tót lao về phía tiếng gọi. Mẹ đã vượt qua mô đất cao. Khuôn mặt bắt đầu gấp lại, để lộ ra nụ cười hớn hở. Nụ cười của mẹ y hệt nụ cười của tôi buổi chiều ấy. Cả tuổi thơ, tôi hiếm khi có cơ hội cười nhiều như những đứa trẻ khác cùng lứa. Hôm đó, tự nhiên nhà tôi đông một cách lạ thường. Giữa sân có một cái rạp to dựng vội. Mặt tôi tái xanh sợ hãi. Những gã đàn ông ru đẩy tôi, phả vào mặt tôi thứ mùi thuốc lào hôi rích, thứ mùi tanh ngắt của cá tép, của chuột đồng đôi khi của cả ốc sên. Họ cười hô hố, hỏi tôi về bố, nhe nhởn một cách ác độc: “khéo mày lại là con của tao chứ ai!”. Tôi bặm chặt môi lại, uất ức nhưng nhất định không khóc. Họ ngáp vặt, bàn tán về mẹ tôi ghê lắm. Mà mẹ tôi đi đâu giờ này chưa về. Tôi mênh mang cô độc, thèm day dứt một cái quần để bám. Bỗng có một tiếng la lớn: “Đây rồi…Tìm thấy rồi! Không thì thối làng…Thằng Thừa đâu? Mẹ mày này!”. Tôi cười móm mém. Mẹ nằm dài trên cáng. Tóc xoã ra, mặt bợt bạt. Lũ đàn ông tra khảo nhau xem ai là kẻ hãm hiếp người đàn bà khốn nạn đến nông nỗi nhảy sông tự tử. Tôi căm thù ánh mắt tiếc nuối của những gã đó.
Mẹ vấp ngã trên đám củi mục đánh rốp. Tôi giật mình luống cuống đỡ mẹ dậy. Bà sờ nắn chân tay tôi theo thói quen ăn sâu vào tiềm thức của một nữ thanh niên xung phong. Tôi mỉm cười nắn nắn đôi vai gày của mẹ. Bà đòi bằng được khoác cho tôi cái ba lô rồi dắt tôi xuống chân dốc bỏ mặc vườn sắn chìm dần trong hoàng hôn tím sẫm và tiếng chim quốc hoang hoải.
Mẹ tôi đã chết như thế oan khuất và nhục nhã. Một người đàn bà chửa hoang giữa ngôi làng đầy thù hằn và đơm đặt vốn đã phải gánh chịu số phận nghiệt ngã. Rồi sau đó bị hãm hiếp và nhảy sông tự vẫn. Coi như thế cũng là một sự giải thoát. Nhưng ngày ngày, tôi vẫn phải đi dọc con đường có những gã đàn ông ngồi bệt ở vệ cỏ. Ban đầu tôi khóc ré lên, nức nở khi bị trêu ghẹo, xô đẩy hay bạt tai nữa. Rồi sau đó, tôi chai lì và sẵn sàng nghênh chiến, lúc thì ném vào chúng những câu chửi đúng với bản chất của một đứa con hoang. Có khi quyết liệt hơn, tôi thản nhiên vốc cả vốc cứt trâu quăng đại rồi co cẳng chạy. Tôi bị coi như đứa trẻ sống ngoài vòng pháp luật của làng. Bất cứ nơi đâu, người ta cũng có thể đánh tôi. Thậm chí, lũ trẻ còn quây vào, đái lên người tôi. Tôi không cha, không mẹ, không có lí do để tồn tại trên đời này nữa. Thế mà tôi vẫn sống.
Căn nhà tối om, ghép bằng những tấm phên nứa nằm trầm mặc giữa khu vườn mọc um tùm một thứ dền gai. Mẹ đặt ba lô của tôi lên bờ sân rồi xăng xái vén ống tay áo ném cái gàu kéo lên cho tôi gàu nước giếng khơi trong vắt. Mẹ nói cười luôn miệng nhưng tôi chẳng nhớ gì cả. Tôi hoang mang, hoang mang về nơi tôi đứng, về người mẹ kia, về căn nhà lá ọp ẹp này. Liệu đó có phải là giấc mơ không? Nhưng chắc chắn một điều, tất cả là quá nhiều cho một đứa con hoang. Những ngày sau khi mẹ tôi nhảy sông tự vẫn, tôi sống lay lắt bằng lòng tốt ít ỏi của vài người đàn bà nhân hậu trong xóm, bằng củ sắn, củ khoai bới trộm, bằng cả thịt chuột đồng những ngày không may mắn.
Một buổi chiều như hôm giờ, cô đứng mân mê vành nón rách đợi tôi ở con đường có những gã đàn ông ngồi bệt trên cỏ. Tôi chỉ nhớ lờ mờ đó là cô giáo lớp một của tôi. Vì ngày mẹ còn sống, tôi có được đi học ít lâu nhưng rồi bỏ ngang chừng vì không chịu nổi sự hành hạ của lũ bạn cùng lớp. Buổi chiều ấy, cô gọi tôi. Tôi thờ ơ đi qua đó nhưng ngẫm nghĩ thế nào tôi quay lại vì quả chuối trên tay cô. Tôi hoảng hốt giật lùi khi cô bảo tôi về ở với cô. Có lẽ đó cũng chỉ là trò tròng ghẹo như của những con người ác độc kia. Tối đó, tôi ngồi bên bờ sông khóc nức nở. Mẹ thật tàn nhẫn, đưa tôi đến nơi này rồi bất chợt bỏ tôi đi mà không hề báo trước. Ngày nào, cô cũng kiên nhẫn đợi tôi đúng chỗ đó. Cô vờ như không nhìn thấy tôi đào trộm sắn trong vườn nhà cô. Một người đàn bà bốn mươi, không chồng, không con luôn khát khao một tiếng gọi “mẹ”. Thế mà khi tôi đã về ở với cô, chưa bao giờ tôi gọi một tiếng “mẹ”, chỉ “cô” và “con”. Tôi thấy sợ tiếng ấy như tiếng “bố” vậy. Để thu phục được đứa trẻ hoang, cô đã mất bao nhiêu nước mắt và những đêm thức trắng. Cô thức trắng đêm trông tôi lên sởi, trông tôi khi cảm sốt…Cô nhường cơm, áo cho tôi đi học. Nhưng quan trọng hơn, ngồi sau chiếc xe cọc cạch của cô, tôi cảm nhận được sự che chở.
Bữa cơm có thịt gà đồi mẹ nuôi, có rau rền cơm ở đầu hồi. Mẹ thì gắp cho tôi luôn rồi ngắm tôi ăn ngon lành như chính mình đang ăn vậy. Tôi nhìn chiếc bàn cụt chân ở góc nhà vẫn thấy giáo án bày la liệt nên chợt hỏi:
_ Tẹo nữa con soạn giáo án giúp mẹ nhé!
Tôi gọi tiếng “mẹ” tự nhiên như chính tôi cũng không nhận ra nó bất thường vậy. Hai mươi tuổi tôi mới lại được gọi mẹ. Mẹ luống cuống, những nếp nhăn dãn ra. Mẹ cười nói rôm rả hơn:
_ Không! Người ta bắt mẹ về hưu rồi. Người ta bảo nghị định bốn mốt gì đó. Nhưng nhớ quá, mẹ soạn cho vui ấy mà. Giọng mẹ thì vui mà đôi mắt thăm thẳm. Tôi thương mẹ quá, thương cô giáo Hoè của tôi, thương tuổi thơ cay đắng của chính mình. Cố nén tất cả, tôi chỉ dồn tụ được lòng mình vào câu nói thoảng nhẹ:
_ Mẹ có tuổi rồi. Nghỉ ngơi thôi! Đợi ra trường con sẽ nuôi mẹ, mẹ ạ! Mẹ bật khóc hu hu…nước mắt lã chã rơi trên bát cơm chiều.
Mưa Hà Nội đầu đông buồn rả rích. Ngồi trong gác trọ, tôi bó gối nhìn ra màn mưa mờ mờ, buông một câu lửng lơ:
_ 20/11 chúng mày có về không?
Thành tròn mắt ngạc nhiên :
_ Trường mày không nhạc nhẽo gì à? Trường tao hoành tráng lắm…Về làm sao được!
Nó hào hứng kể bô bô về kế hoạch của lớp, của khoa. Mưa vẫn rơi đều đều. Không gian dần ắng lại. Tôi bất chợt nói vu vơ như nói với chính mình:
_ Tao thì phải về thôi!
Mưa thế này chắc mẹ lại đang cặm cụi rẫy cỏ vườn sắn ở quê…
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.